“Lò nóng” và những khúc củi “dân chủ, đức trị và pháp trị”

Trương Nhân Tuấn

15-8-2017

TBT Nguyễn Phú Trọng và công cuộc đốt lò. Nguồn: internet

Lò đã nóng và quyết tâm của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” là tựa đề bài viết trên Tuần Việt Nam của tác giả Nhị Lê, được giới thiệu là “Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản”. Theo tôi, bài viết này nên đọc, cho những người muốn tìm hiểu những quyết tâm và ưu tiên chính trị của ông Trọng là gì.

Dẫn: “Có một dịp, vinh dự được trao đổi với Tổng Bí thư. Ông nói, cần phải giữ vững sự ổn định. Tôi thưa rằng, ổn định lúc này là phát triển, phát triển là đẳng cấp của ổn định, ổn định lúc này là phải hành động. Ông hỏi: Cụ thể như thế nào? Tôi thưa: Chúng ta cần lựa chọn một số việc mang tính chất đột phá, có khả năng làm rung động toàn bộ hệ thống: cải cách bộ máy và chống tham nhũng. Sao nữa? Phương châm là, đề cao dân chủ, cổ vũ đức trị và tôn vinh pháp trị. Đấy là cả một nghệ thuật chính trị. Và, để thực hiện nó, phải với bản lĩnh chính trị rất cao, một quyết tâm đến cùng, một lộ trình phù hợp và cổ vũ một lực lượng chính trị nhân dân đông đảo. Không có những điều đó, rất khó thành!” Hết dẫn.

Vậy là công cuộc “cải cách bộ máy” và “đốt nóng lò” để tiêu diệt tham nhũng của ông Trọng bắt nguồn từ những ý kiến của tác giả Nhị Lê.

Tôi nghĩ rằng những gì tác giả đã viết ở đây đều là sự thật. Nếu xét lại những diễn tiến đã xảy ra gần đây, ta thấy hai vấn đề chính trị nổi cộm mà ông Trọng nói đi nói tới nhiều lần, ngay tại Quốc hội, hay trên báo chí, là các việc việc “kiểm soát quyền lực” và “diệt tham nhũng”.

Về ý kiến thứ nhứt của tác giả Nhị Lê: “ổn định là phải hành động”.

Trong suốt nhiệm kỳ lần một, ông Trọng vì lo “ném chuột sợ bể bình” hay “đánh tham nhũng là ta đánh vào ta”, nên đã không làm cái gì ra hồn.

Đất nước tuyệt đối “ổn định”, yên tĩnh – static – như mặt nước trong hồ.

Nhưng trên trường quốc tế, “ta tuyệt đối ổn định” trở thành việc “ta dậm chân tại chỗ”. Việt Nam đứng yên thì các nước tuần tự qua mặt thôi.

Chẳng có quốc gia nào phát triển bằng cái ổn định “static – tĩnh” hết cả. Vì vậy tác giả hô hào “hành động” là hợp lý. Vấn đề là “hành động” thế nào để phát triển ?

Ở bất kỳ quốc gia phát triển nào, sự “ổn định xã hội” luôn đến từ dao động tổng hợp “win-win” (dynamic) ở những thành tố trong xã hội.

Trong một xã hội tư bản phát triển, phe “chủ” luôn có khuynh hướng “bóc lột” lớp làm công. Phe này sử dụng tiền bạc để “bảo trợ” (lobbying) cho các vị dân cử để lớp người này ra những điều luật có lợi cho phía mình.

Để đối kháng, phe “thợ” thường xuyên chóng đối, “biểu tình”, gây sức ép trong xã hội để lớp cầm quyền để ý tới mình.
Những đạo luật khác, ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho phe lao động, như tăng lương bỗng, bảo hiểm an sinh xã hội… được ra đời.

Cái “ổn định” trong các xã hội phát triển tương tự như một người đi đường. Chân phải (tượng trưng cho giới làm chủ) tiến tới một bước thì chân trái (tượng trưng cho giới lao động) cũng tiến tới một bước.

Xã hội ngày càng tiến bộ, chân phải không tìm cách chặt bỏ chân trái. Chân trái cũng không làm “cách mạng vô sản” để tiêu diệt “chân phải”. Không phe nào chủ trương “tiêu diệt” phe nào.

Bên Mỹ, phe Cộng hòa (chân phải) lên vài nhiệm kỳ thì cũng bị phe Dân chủ (chân trái) kéo xuống. Hai phe cạnh tranh với nhau. Chân trái bước một bước thì chân phải cũng bước một bước. Bên Châu Âu cũng vậy. Đất nước ngày càng tiến bộ.

Nhưng tôi e rằng cái “hành động” mà tác giả cổ súy cho ông Trọng ở trong bài, chỉ làm cho đất nước càng “tụt hậu” nhanh hơn.

Theo tác giả, dẫn ý từ bài viết, “hành động” gồm hai phần. Một là “chống tham nhũng” và hai là “kiểm soát quyền lực.

Về hành động “chống tham nhũng”, thông điệp của ông Trọng đã thấy trên báo chí gần đây : “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…”

Theo tác giả Nhị Lê, thông điệp đó “là sự kết tinh, thể hiện tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của ông (Trọng). Cái Ngọn lửa Dân chủ, Đức trị và Pháp trị phải cháy lên trong cái lò ấy!”

Thì ra “lò” nóng lên là nhờ các “ngọn lửa” “dân chủ, đức trị và pháp trị”.

Điều ghi nhận đầu tiên trong những ý kiến của tác giả Nhị Lê, là các cụm từ “pháp quyền” hay “nhà nước pháp quyền” đã không còn sử dụng nữa. Điều này cũng đã thấy ở một số bài viết của học giả khác trong nước.

Đây là điều “mừng”, “cái đúng” đã được vinh danh.

Từ lâu tôi đã chỉ ra rằng các cụm từ “pháp quyền” và “nhà nước pháp quyền”, mà các học giả trong nước đã sử dụng để chuyển ngữ và nghĩa cho “the Rule of Law” và “l’Etat de Droit”, là hoàn toàn sai. Về cả hai mặt “ngữ” và nghĩa”.

Các nước có ngôn ngữ bắt nguồn từ nền tảng Hoa văn, như Trung Quốc, Đài Loan, Đại Hàn, Nhật và VNCH (trước 75)… đều sử dụng “pháp trị” và “nhà nước pháp trị” để chuyển nghĩa “the Rule Of Law” và “l’Etat de Droit”.

VN trở lại “cái đúng”, từ nay không còn ai dị nghị.

Nhưng những cái sai, mâu thuẩn của tác giả Nhị Lê, trong bài viết, sẽ trình bày tuần tự dưới đây, sẽ làm cho “cái lò” không bao giờ “nóng” lên như mong đợi.

Thứ nhứt, “dân chủ” không thể, và không bao giờ, đi đôi với “đức trị”.

Cũng vậy, “pháp trị” không bao giờ dung thứ “đức trị”.

Như “nước với lửa”, như “dầu với nước”, những thứ từ bản chất đã đối kháng với nhau. Làm sao sử dụng chúng để “đốt lò” ?

Dân chủ là gì ?

Từ trong bài viết tác giả đã có nhận thức đúng về dân chủ :
“Quyền lực không phải của riêng ai, của nhân dân, nhân dân trao cho những người làm công bộc của dân.”

Đúng vậy. Quyền lực của quốc gia, Hiến pháp đã qui định “thuộc về nhân dân”.

“Dân chủ” là thể thức để nhân dân “trao quyền lực quốc gia” cho những người “làm công bộc của dân”.

Ở các nước “bình thường”, dân chủ được thể hiện qua hình thức “tuyển cử”. Người dân nào thấy mình “có khả năng kinh bang tế thế” thì làm thủ tục “ra ứng cử”. Nhân dân lựa chọn người nào “có tài” thì bỏ phiếu bầu người đó. Mỗi lá phiếu tượng trưng cho “quyền lực” của mỗi người dân. Người “đắc cử” là người được người dân trao phó “quyền lực” để “lãnh đạo” (hay “đại diện”) quốc gia, hay vùng, miền, tỉnh, huyện…

Tính chính đáng của “quyền lực”, ở các nước bình thường, đến từ nền tảng “dân chủ”.

“Đạo đức” không phải là một tiêu chuẩn có qui ước, hay hiến định.

Các tiêu chuẩn về đạo đức thay đổi tùy xã hội, do khác biệt về văn hóa, tôn giáo.

Vì vậy “đạo đức” không là một yếu tố “không thể thiếu”, để khẳng định tính chính đáng của người nắm quyền lực.

Thứ hai, “pháp trị” không bao giờ đi chung với “đức trị”.

Nếu ta đọc lịch sử về sự chuyển biến các chế độ chính trị theo thời gian, ta thấy rằng chế độ “pháp trị” sinh ra từ sự đối kháng chế độ “đức trị”.

Pháp trị xuất hiện ở phương Tây như là một học thuyết trị quốc, do Platon khởi xướng (thế kỷ thứ tư trước CN). Phương Đông do Hàn phi tử khởi xướng (TK thứ ba trước CN). Ý nghĩa của “pháp trị” vào thời kỳ này là vua, hoàng đế, người chủ thượng… “dựa vào pháp luật mà trị nước”.

Lý thuyết này được khai sinh nhằm chống lại sự tự tiện của chủ trương “đức trị”. Theo đó ông vua là “luật”.

Ngày xưa, ông vua Louis XIV xứ Tây có câu nổi tiếng “l’Etat, c’est moi – quốc gia là tao !”. VN thời cận đại có (ông vua) Lê Duẩn có câu (nổi tiếng không kém) “luật pháp là tao – La loi c’est moi”.

Gặp vua hiền thì không nói làm chi. Gặp hôn quan bạo ngược (kiểu Lê Duẩn) thì dân tình khốn đốn. Hết đánh Pháp thì sang đánh Mỹ. Đánh Mỹ vừa xong thì đánh liền một lúc Trung cộng ở phương bắc và Campuchia ở phương tây. Có nước nào đánh liên tục 4 cuộc chiến, trong đó có 3 đại cường trên thế giới hay không ? Vinh quang đâu không thấy, chỉ thấy đất nước nát bét không còn chi lành lặn.

“Pháp trị” hiện đại không còn mang ý nghĩa cũ từ hơn hai ngàn năm trước nữa. Nó được bổ túc bởi hai nền tảng (tương đồng) về xây dựng quốc gia : “the Rule of Law” và “l’Etat de Droit”. Theo đó, “pháp luật là tối thượng”. Từ người dân đến người lãnh đạo : “Làm cái gì cũng theo luật mà làm”. Bất kỳ ai, tư cách pháp nhân nào, đều “bình đẳng trước pháp luật”. Không một ai, kể cả người lãnh đạo tối cao của quốc gia, có thể đứng ngoài, hay đứng trên pháp luật.

Pháp trị luôn đi đôi với “dân chủ”. Không bao giờ “pháp trị” lại đi chung với “đức trị”.

Ông Lê Duẩn “luật pháp là tao”. Tất cả mọi quyền hành được thu về một mối. Điển hình cho chế độ quân quyền “đức trị”.

Trở lại việc “đốt nóng lò” của ông Trọng bằng các “cây củi” dân chủ, pháp trị và đức trị.

“Dân chủ” và “đức trị” như dầu với nước. “Đức trị” với “pháp trị” như nước với lửa. Làm sao chúng có thể “hòa lẫn” vào nhau ? Làm sao có thể đốt nóng lò, khi lửa vừa cháy lên thì tạt nước vô lò ?!

Thứ ba, tác giả Nhị Lê viết : “Suy cho cùng là, quyền lực phải gắn với trách nhiệm một cách dân chủ và kỷ luật, theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.” (hết dẫn).

Ý kiến của tác giả ở đoạn này thật là “hỗn mang”, không biết dựa vào đâu, nền tảng nào để mà đưa kỷ luật đảng vào đứng chung với “dân chủ”; đưa “kỷ luật đảng” lên trên “pháp luật của nhà nước” ?

Khi nói đến “pháp trị”, tức là “pháp luật là tối thượng”, thì làm sao “kỷ luật đảng” lại đứng chung, hay đứng trên “pháp luật quốc gia” ?

Tác giả tự mâu thuẩn, dẫn từ bài viết :

“càng hội nhập quốc tế, càng phải kiểm soát quyền lực, càng phải đề cao thượng tôn pháp luật. Không thể làm khác, nếu không muốn thất bại. Từ cơ chế kiểm soát thì sẽ có cơ chế phát hiện, cơ chế khắc trị… và trị thật nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Nghĩa là dân chủ và pháp trị phải được thượng tôn!” (Hết dẫn).

Khi nói tới “pháp trị” thì đảng và đảng viên phải tuân thủ luật lệ nhà nước. Ngay trong Hiến pháp cũng đã qui định qui định như vậy.

“Pháp luật” phải được “thượng tôn”, thì làm gì có chỗ cho “kỷ luật đảng” ?

Thứ tư, tác giả đưa trường họp Trịnh Xuân Thanh.

Rõ ràng chuyện lùm xùm ngoại giao giữa VN và Đức về vấn đề bắt cóc TX Thanh nguyên nhân đến từ ông Nguyễn Phú Trọng.

TX Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, làm đơn xin tị nạn ở Đức. Trong khoảng thời gian này TX Thanh có công bố một số tài liệu, về chính kiến cá nhân như tuyên bố bỏ đảng. Về chính trị, ông Thanh bạch hóa những tài liệu về cá nhân ông Trọng, ảnh hưởng tới uy tín chính trị của ông này.

Ông Trọng từ lâu có nói “TX Thanh không trốn được đâu”.

Ông Trọng vào đảng ủy trung ương của bộ công an, là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử đảng cộng sản. Nhưng chuyện gì cũng có “nguyên nhân” của nó.

Báo chí (VOA) vừa đưa tin, Interpol cho biết họ không hề can dự vào việc truy lùng Trịnh Xuân Thanh, như cơ quan công an trong nước đã tuyên bố.

Nếu TX Thanh bị truy nã vì “tham nhũng”, chắc chắn Interpol sẽ vào cuộc. Vì đây là chính sách chung của các nước trên thế giới.

Tức là việc tố cáo TX Thanh về tội tham nhũng là không có căn cứ pháp lý.

Ông Trọng mọi cách phải bắt TX Thanh. Ông đã đặt “thù oán cá nhân” lên trên quyền lợi quốc gia. Cái gọi là “diệt trừ tham nhũng” chỉ là cái cớ.

Ông Trọng đã vận dụng “quyền lực của nhà nước”, “pháp luật của nhà nước” để phục vụ cho ý đồ cá nhân. Trong khi ông này không nắm “quyền lực nhà nước” theo hiến định.

Do nắm cả công an và quân đội, ông Trọng mới có “thẩm quyền” chỉ đạo những “mật thám” VN qua Đức “bắt cóc” TX Thanh.

Vấn đề “trả thù cá nhân” được ông Trọng nâng tầm trở thành “bí mật quốc gia”.

Như tất cả các điệp vụ bắt cóc, phá hoại… đã từng xảy ra trên thế giới, điệp vụ TX Thanh thuộc về phạm vi “bí mật quốc gia”.

Ngay cả Mỹ, TQ, Pháp, Nga, Đức, Do Thái…. tất cả đều có lần dính vào các vụ “bắt cóc”, hay các “điệp vụ tồi tệ” như “nghe lén” đối phương, hay bạn bè, đặt bom mìn, gài bẫy… trong lãnh thổ quốc gia bạn (hay đối phương). Các cơ quan “mật thám” của các nước bày ra không phải để “ngồi chơi”. Mục đích của chúng là để “bảo vệ quyền lợi quốc gia” trong vòng “bí mật”.

Điệp vụ Trịnh Xuân Thanh thành công. Mật thám VN đã bắt được ông Thanh và giải về nước. Nếu tất cả “thủ khẩu như bình”, “bí mật quốc gia” kiểu TQ, thì vụ bắt cóc không thể bị “quốc tế hóa” tồi tệ như vậy.

Chính quyền Đức không thể “tố cáo” VN “bắt cóc người trên nước Đức”, vì không có bằng chứng. VN có thể thủ tiêu ông Thanh để triệt đường điều tra, nếu phía Đức muốn làm lớn chuyện.

Ông Trọng muốn “bạch hóa” vụ TX Thanh trước công chúng để lấy lại uy tín qua câu nói: “TX Thanh không trốn được đâu”.

Dĩ nhiên, ông Tô Lâm, bộ trưởng bộ công an, vốn là người được Mỹ đánh giá là “có trí óc”, đã biết rằng đây là vấn đề “bí mật quốc gia”, không thể tiết lộ.

Nhưng ông Trọng đã “bật đèn xanh” để nhà báo Huy Đức bắn phát “súng lịnh”.

Nhà báo Huy Đức viết trên facebook cá nhân đại khái rằng TX Thanh đã bị bắt, sao báo chí không đăng tải tin tức.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Tô Lâm cho biết là “không biết gì về vụ này”.

Ngày hôm sau bộ công an ra thông cáo cho biết TX Thanh đã về đầu thú.

Rõ ràng sau “phát súng lịnh” của Huy Đức, báo chí, bộ công an đã biết “ý” của ông Trọng.

Việc “bắt cóc” TX Thanh trở thành “xì căng đan” tầm mức “quốc tế”. VN đã vi phạm công pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền nước Đức.

TX Thanh, chuyện “cá nhân” của ông Trọng, trở thành chuyện “nội bộ” của quốc gia. Bây giờ trở thành “khủng hoảng quốc tế”, giữa Châu Âu và VN.

Quyền lợi của quốc gia VN trong vụ này chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Trong một quốc gia “pháp trị”, pháp luật được tôn trọng, thì lý ra ông Trọng làm gì cũng phải theo luật mà làm. Ông Trọng làm “lộ bí mật quốc gia”, làm tổn hại đến uy tín quốc gia, thiệt hại quyền lợi của nhân dân, nhưng tình hình là ông này không chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dầu vậy ông Trọng cũng muốn dùng Huy Đức như là “cái cầu chì” để bảo vệ bản thân, trước “kỷ luật” của đảng.

Lò nóng hay lò ướt, ta còn chờ tiến trình VN “xét xử” TX Thanh. Trước mắt là “trăm dâu dổ đầu tằm”. Chuyện bê bối của ông Trọng bây giờ đá sang bộ ngoại giao để gỡ rối.

Dầu thế nào thì người dân VN cũng phải trả nợ cho những hành vi ngu xuẩn của lãnh đạo.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Rất vui khi đọc bài của bác Trương Nhân Tuấn.
    Lại có thêm chi tiết “phát súng lệnh” của cái còi (HĐ)!
    Xin tham khảo thêm những điều bàn về “ổn định và phát triển”. Cá nhân tôi, khi tìm hiểu đã ghi nhận “điều kiện để TỒN TẠI và PHÁT TRIỂN” là sự tương ứng và tương tác giữa 2 phần tương đương trong PC là Hardware (các thiết chế nhà nước, các tổ chức XHDS, …) với Software (nền tảng văn hóa gồm đạo lý và đạo đức, etc.)
    Tư duy toàn trị và độc tài mang bản chất DUY Ý CHÍ của kẻ cầm quyền nên những vấn đề “đạo lý, đạo đức, đạo luật” không hề có trong những đầu óc “lú” đó.
    T.M., BTP

Comments are closed.