Martin Knobbe và Wolf Wiedmann-Schmidt
Dịch giả: Phan Ba
11-8-2017
Viện Công tố Liên bang tham gia điều tra vụ bắt cóc một cựu chính trị gia Việt Nam tại Berlin. Sở Liên bang về Người Tỵ nạn (Bamf) cho một nhân viên ngưng làm việc, người đã phát biểu mang tính xúc phạm về vụ việc này.
Viện công tố liên bang ở Karlsruhe, theo thông tin của SPIEGEL, đã tiếp nhận nhiệm vụ điều tra trong vụ tình nghi bắt cóc doanh nhân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh. Người đàn ông 51 tuổi này rõ ràng đã bị bắt cóc vào 23/7 ở Berlin và bị chở máy bay về Hà Nội. Ở nước Đức, ông đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị. Chính phủ Liên bang cho rằng tình báo Việt Nam đứng đằng sau vụ bắt cóc này. Thanh đã bị mang ra khỏi nước bằng những biện pháp mà người ta biết “từ những cuốn phim tối tăm về cuộc Chiến Tranh Lạnh”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sigmar Gabriel (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) nói.
Nhân chứng tường thuật lại việc ông bị lôi vào một chiếc ô tô ở công viên Tiergarten tại Berlin như thế nào, chiếc điện thoại di động của ông nằm lại ở ven đường. Viện Công tố Liên bang hiện nay cho rằng ông đã bị mang vào Đại sứ quán Việt Nam và từ đó bị mang về Việt Nam. Vì vậy, ngoài những điều khác, Viện cũng điều tra vì tình nghi hoạt động gián điệp tình báo.
Ở Việt Nam, Thanh đã là quan chức của đảng Cộng sản và cho tới năm 2013 là giám đốc của một công ty con thuộc tập đoàn dầu khí đốt nhà nước PetroVietnam. Theo cáo buộc của chính phủ Việt Nam, ông được cho là phải chịu trách nhiệm về việc thất thoát số tiền hàng trăm triệu của công ty này. Ở Việt Nam có một lệnh bắt giam ông.
Tuy vậy, các luật sư người Đức của ông phỏng đoán có những trò chơi quyền lực chính trị ở phía sau vụ truy tố này: Thanh thuộc vào cánh hiện đại của đảng Cộng sản. Ông đến nước Đức trong năm vừa qua và sau đó đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị. Cuộc phỏng vấn của ông tại Sở Liên bang về Nhập cư và Người tị nạn (Bamf) dự định được tiến hành vào ngày sau vụ tình nghi bắt cóc.
Hơn một tuần sau đó ông được đưa ra đài truyền hình nhà nước Việt Nam. Ông đã tự nguyện trở về Việt Nam, ông nói với ánh mắt thất thần. “Tôi muốn gặp lãnh đạo cấp cao để xin tha lỗi.”
Nhân viên cơ quan nhà nước bị đình chỉ công việc
Trong lúc đó, Bamf cho đình chỉ công việc của một nhân viên, người đã phát biểu một cách xúc phạm về vụ bắt cóc này trên mạng. Nhân viên này “ngay lập tức đã được gọi lên để trao đổi và đã bị cho ngưng việc, đến khi vụ việc được làm sáng tỏ”, Cơ quan về Người Tỵ nạn thông tin cho báo SPIEGEL.
Ho Ngoc T., từ năm 1991 là nhân viên tại Bamf, đã đánh giá về vụ này trên trang Facebook của người sếp Đài Phát thanh nhà nước Việt Nam hoàn toàn theo ý của chính phủ Cộng sản: “hoàn toàn không có bằng chứng nào” cho một vụ bắt cóc. Ông cáo buộc bà luật sư của Thanh là muốn hưởng lợi từ vụ này. Thanh khi còn là một chính trị gia ở Việt Nam đã nổi tiếng vì “tham nhũng và sống xa hoa”.
Sở về Người Tỵ nạn, theo thông tin của Sở, chỉ biết qua những câu hỏi của báo giới trong tuần này, rằng một nhân viên đã phát biểu trên mạng về vụ tình nghi bắt cóc này. Ngay cả từ xung quanh người này cũng không hề có chỉ dấu nào. Vụ việc này cũng phức tạp, vì là nhân viên của Bamf thì T. có thể tiếp cận đến những hồ sơ tỵ nạn nhạy cảm cũng như sổ đăng ký trung tâm của người nước ngoài mà trong đó cả địa chỉ của những người đang xin tỵ nạn cũng được lưu trữ. Ngày từ tháng 10 năm 2016, trên trang Facebook của mình, ông đã viết về Thanh và phỏng đoán rằng người cựu quan chức đảng và giám đốc này đang ở Đức.
Theo nhận biết có được cho đến nay, “không có mối liên quan trực tiếp nào giữa nhân viên này và vụ tình nghi bắt cóc”, Sở thông báo. Người đàn ông này không chịu trách nhiệm cho những thủ tục xin tị nạn từ Việt Nam. Nhưng theo thông tin của báo SPIEGEL, Cơ quan về Người Tỵ nạn đã thông báo việc này cho Sở Cảnh sát Hình sự Liên bang.