Có phải nơi bãi nhận chìm bùn cát thải từ NM điện Vĩnh Tân chỉ có cát không thôi?

TS Lê Xuân Thuyên

7-8-2017

Đâu phải ở nơi đó không có ai

Cộng đồng đang tỏ rõ sự quan tâm lo lắng trước việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin phép nhận chìm gần 1 triệu mét khối bùn, cát xuống vùng biển gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận) và đã được Bộ TN&MT đồng ý về nguyên tắc. Không chỉ có vậy, nếu vấn đề êm xuôi thì công ty này còn có thể xin đổ thêm nhiều triệu mét khối bùn thải nữa trong thời gian tới.

Cộng đồng càng ồn ào vì quan chức quản lý ngành lý luận là vùng đáy biển nơi dự kiến chỉ có cát thôi, nên có để làm bãi đổ bùn cát thải được mà không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái! Nhưng ngay qua giáo trình học phổ thông thì học sinh đã được biết là cả những nơi có điều kiện khắc nghiệt nhất trên hành tinh của chúng ta là sa mạc thì ở đó vẫn có sinh vật sống đấy thôi!

Ở vùng biển dự kiến đổ bùn cát có độ sâu chỉ khoảng 30 mét và chắc chắn có đủ oxy và dinh dưỡng cũng như có ánh sáng (dù yếu) cho tất cả các loài khác ngoài tôm cá cùng sinh sống. Tại mỗi vùng biển, dù nông hay sâu đều có các tập đoàn sinh vật cư trú để tạo nên lưới thức ăn gắn kết hoàn chỉnh, từ những sinh vật bé nhỏ hầu như cả đời sống “trốn” vùi đưới nền cát cho tới những đàn cá tôm và cả những sinh vật phù du trôi nổi theo sóng nước, nối kết liên tục từ bờ ra tới vùng nước sâu thẳm và ngược lại.

Ở vùng nước ven bờ thì sự giàu có loài lại càng tăng lên gấp bội phần (Hình 1) nên rất được quan tâm bảo vệ. Nhưng chỉ có điều là không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy, biết hết tất cả bọn chúng, bởi lẽ nhiều khi chưa bắt gặp được hết mà thôi. Ở đây là vấn đề cơ bản trong nghiên cứu sinh thái học quần thể, bởi đường cong tích lũy loài được phát hiện sẽ tăng theo số lần điều tra và mật độ khảo sát. Vậy nên, nhiều khi các nhà nghiên cứu cũng không hiểu rõ vấn đề bằng người dân địa phương sống tiếp xúc hàng ngày với vùng biển cụ thể nào đó!

Người dân chài lưới thì vốn nằm lòng câu nói “tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông” để nhận biết hành vi sống của mấy loài này mà tìm và đánh bắt chúng. Trở lại câu trả lời vô tư của quan chức ngành về lý do định đổ bùn thải ở vùng biển gần Hòn Cau thì ta thấy là thật nông cạn. Tương tự như chúng ta đến một thành phố lúc nửa đêm và nói rằng ở đấy chẳng có người ở ngoài mấy cây đèn đường sao? Công viên cây to rộng mút mắt thì lại nói nó buồn tẻ mà không có bóng người! Vậy nên câu nói về lý do cho đổ bùn thải này tương tự như việc nữa đêm ra phố không thấy không có bóng ai thì cứ đổ rác thoải mái đi, vì đó là đất hoang mà!

Để dễ hình dung khi nói về lưới thức ăn trong tự nhiên thì khi lưới này đã bị gãy đứt (hay rách) vài mắt lước thì cái lưới đó sẽ làm được cái gì nữa đây? và hậu quả ở đây là tất cả các loài xung quanh vùng – các mắt xích liên kết còn lại sẽ từ từ suy kiệt, tan rã theo!

Hơn nữa, cần lưu ý thận trọng khi đánh giá trạng thái của một hệ sinh thái mà chỉ dựa trên nghiên cứu ngắn hạn về số lượng các loài khác nhau chứa trong nó vì có thể dẫn đến những kết luận sai lầm [3].

Nếu đổ bùn thải thì sẽ ra sao?

Một công bố mới nhất (1/8/2017) trên tạp chí khoa học uy tín là tuyển tập của viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ [4] trình bày kết quả tổng hợp trên quy mô toàn cầu về tác hại do sử dụng lưới rê, cào quét sát đáy vốn chỉ tạo những vệt cày xới sâu xuống đáy biển khoảng vài centimet một lần thôi nhưng cũng đủ gây tổn hại nghiệm trọng đến tập đoàn sinh vật sống ở đáy và quần thể của chúng phải mất từ gần 2 năm tới 7 năm sau đó mới có thể khôi phục lại, và cao nhất cũng chỉ đạt tới 95% so với trạng thái khi chưa bị tác động. Bề dày nền đáy bị xáo trộn càng sâu thì tổn hại đến hệ sinh thái càng lớn. Đây là lời cảnh báo rõ ràng nhất cho những hoạt động gây hủy hoại đến hệ sinh thái biển nông ven bờ, và xa hơn là nguồn hải sản của chúng ta.

Hình 1: Vùng ven biển có diện tích tuy nhỏ nhất trên địa cầu, nhưng năng suất sinh học thì rất cao (sinh khối trên một đơn vị diện tích) và đó là nguồn cung cấp thực phẩm cơ bản của nhân loại. Trích từ báo cáo số 25 của Chương trình Tương tác Biển – lục địa qua vùng ven bờ [5].

Còn nếu ta đổ hàng triệu khối bùn cát xuống thì sao? tạo nên lớp phủ dày và vẫn đục bùn thải trên nền biển rõ ràng là gây tác động tổn thương sẽ quá lớn, gấp hàng ngàn lần so với việc có hàng trăm ghe cào liên tục càn quét đáy biển! Có ai trả lời được rằng nơi ta sẽ đổ bùn cát có phải là nơi một số loài cần tới để sống, hay đi qua trong vài ngày, vài giờ trong chu trình vòng đời tự nhiên của chúng? Chắc cũng như chuyện ta cái cổng – vườn nhà mà chúng ta đi qua mấy vài phút, vài giây thôi để vào nhà, và khi ta đi khỏi nhà vài ngày hay cả vài năm trời, đến khi quay về thì có ai đó đổ đống đá như núi bít trước cổng, vườn nhà mình, lấp cả giếng nước uống thì sẽ ra sao? và không thể nói rằng các loài thủy sinh vật trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau hay ở vùng lân cận quanh đó sẽ không chịu sức ép, tác động nào cả của việc sẽ đổ thải bùn cát.

Ngược lại với việc chúng ta đang đổ bùn cát ra biển, thì người Đức và Hà Lan đã cùng khai thác rất nhiều cát sỏi ở đáy biển Baltic để mang về đắp đê, đắp nền. Nhưng sau đó họ phải bỏ tiền ra để quan trắc và cải tạo lại chất lượng môi trường trong các hố đào múc cát sỏi, gia tăng đối lưu để hạn chế quá trình yếm khí có hại cho sinh vật đáy ở quanh những nơi này. Nhưng ngày nay thì việc khai thác cát sỏi này càng bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn theo quy định của cơ quan bảo vệ môi trường châu Âu. Nhằm bảo vệ “Tính toàn vẹn của đáy biển, đảm bảo rằng các cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái nền đáy không bị làm tổn hại”[2][6].

Trong quy trình hướng dẫn nạo vét và đổ bùn cát ở Hoa Kỳ thì người ta rất chú trọng tới thực hiện các công việc giám sát tính chất vật liệu nạo vét, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sống của sinh vật đáy, các loài cá di cư bị ảnh hưởng của lưỡi bùn cát làm vẩn đục môi trường nước.. ở nơi nạo vét cũng như bãi đổ [1].

Nạo vét và đổ bùn thải ra sao ở vùng ven biển của chúng ta?

Việc này đã diễn ra lâu nay trong tất cả các dự án công trình ven bờ từ Bắc vào Nam, nhưng việc đổ thải ra biển thì ít được chú ý do hành động thực hiện ở vùng xa, ít người thấy được tác động trực tiếp hay gián tiếp lâu dài, và ngư dân qua lại những nơi này có thể thấy nhưng cũng như chưa hiểu được đó là hành vi phạm pháp xâm hại tới tài nguyên thiên nhiên để trình báo giám sát. Đây là lý do ít vụ việc cộng đồng biết tới trong thời gian qua.

Vào tháng 11/2013, 2 tàu bị phát hiện đã đổ khoảng 300 m3 bùn xuống vịnh bùn xuống vịnh Hạ Long. Tuy việc này được ghi nhận là đã lặp lại nhiều lần ở đây và khu vực lân cận, nhưng vụ vi phạm quả tang này đã bị phạt.

Dự án nạo vét luồng Soài rạp lúc đầu có đổ bùn nạo vét ra biển rồi sau đó thì ngưng và đổ bùn thải vào các ô chứa bên bờ sông để làm nền sử dụng sau này.

Việc mở luồng tàu biển theo kênh Tắt ở Trà Vinh cũng có bãi chứa ven bờ cho phần lớn bùn cát được nạo vét. Còn trước đây thì bùn cát nạo vét luồng Định An đều mang ra biển đổ cả.

Còn ở Phú Quốc, bùn cát nạo vét luồng vào cảng thì được bán cho Singapor để họ đắp nền lấn biển.

Dự án cải tạo luồng cảng Lạch Huyện cũng cần phải xử lý gần 40 triệu khối bùn nạo vét và phương án đổ ra biển đã được đề nghị cũng lại vì lý do kinh tế!

Qua đó chúng ta thấy là tư duy nạo vét và quản lý bùn cát thải nói chung đã từ từ thay đổi theo thời gian theo hướng quản lý chặt hơn. Những hành động nạo vét rồi đổ ra biển bởi nghĩ rằng biển sẽ giúp xóa hết, chứa được hết những cái gì chúng ta đổ ra đó là tư duy cũ của thế kỷ 19-20, và điều này lại càng không nên có trong tư duy của nhà quản lý trong bối cảnh hiện nay. Định hướng phát triển xanh của Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt từ lâu, nhưng đối với nhiều cấp quản lý thì hình như đó vẫn mới như là khẩu hiệu mà thôi.

Lê Xuân Thuyên, ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo:

  1. Clark McNair, Lyndell Hales. The Usage dredging operation and environmental research program. Handbook of coastal engineering. McGraw Hill, 2000.
  2. http://ec.europa.eu/environment/marine/good-environmental-status/descriptor-6/index_en.htm
  3. Helmut Hillebrand et al, 2017. Biodiversity change is uncoupled from species richness trends: consequences for conservation and monitoring. Journal of Applied Ecology, 2017, 1–16; DOI: 1111/1365-2664.12959
  4. Jan Geert Hiddink et al., 2017. Global analysis of depletion and recovery of seabed biota after bottom trawling disturbance. PNAS, 114, 31, 8301-8306.
  5. LOIZ report 25, 1993.
  6. Rolandas Radzevicius et al., 2010. Marine Aggregate Extraction Regulation in EU Member States. Journal of Coastal Research, 51, 15-38.
Bình Luận từ Facebook