Thập Toàn, CHLB Đức
5-8-2017
Hôm 3/8 trên mục Chính trị của trang báo Spiegel Zeitung online (báo Tấm Gương) của Đức, một tờ báo lớn được biết trên toàn thế giới, đã có một bài viết của nhà báo nữ Vanessa Steinmetz với tiêu đề “Bắt cóc một doanh nhân Việt Nam”.
Ngay đầu bài viết, nhà báo đã viết với một giọng văn đầy giễu cợt, đó là chỉ cách đây hai tuần, quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Đức còn nồng ấm. Để chứng minh cho sự nồng ấm này, nữ nhà báo còn cụ thể hóa rằng hình ảnh cái bắt tay nồng ấm với nụ cười của ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong dịp ông Phúc được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 với cương vị là nước tổ chức hội nghị APEC 2018, đã được đài truyền hình Việt Nam đưa lên trang nhất. Nhưng nữ nhà báo Đức lại chua một câu rằng, đằng sau hậu trường lại là một một bất đồng sâu sắc, đó chính là câu chuyện về Trịnh Xuân Thanh (TXT).
Bài báo cũng chỉ đưa tin như những gì chúng ta đã biết trong mấy ngày vừa qua. Chỉ duy nhất một điều, nhà báo này đã viết rằng, bắt cóc một “doanh nhân”, người trước đây là một chính trị gia tại Việt Nam, để nói về vụ chính quyền cộng sản Hà Nội bắt cóc TXT. Vậy điều gì mở ra cho chúng ta hiều về cơ chế và dòng tiền của Việt Nam, mồ hôi công sức của 90 triệu người Việt, được chính quyền sử dụng và xây nên những doanh nhân kiểu TXT trên đất nước Đức?
TXT đã trở thành doanh nhân trên đất Đức? Điều này rất có thể. TXT cũng như nhiều quan chức cộng sản khác, khi nắm quyền lực đã ăn cắp tiền của nhân dân thông qua hệ thống quản lý nhà nước và bây giờ thì những người đó có rất nhiều tiền để mua biệt thự và đầu tư trên đất Đức. Việc TXT giàu có và thành đạt như một doanh nhân được chào đón và ung dung cuộc sống sang chảnh tại nước Đức cũng đã một vài lần “người phát ngôn của TXT” chia sẻ cho cộng đồng mạng về lời khuyên của người phát ngôn với TXT. Và nếu không, thì nữ nhà báo Đức kia cũng không thể viết là bắt cóc “doanh nhân”.
Nếu một sinh nhật của ông bố TXT là Trịnh Xuân Giới, theo cách nói của người phát ngôn của TXT thì rất ngưỡng mộ “Cụ Đồ Giới” là quan chức dân vận của chính quyền CS, được chi khoảng nửa tỷ, tức khoảng 20,000 Euro, thì TXT chắc chắn phải có rất rất nhiều tiền.
TXT cũng như nhiều quan chức CS biết được luật nhập cư của các nước phát triển đó là đầu tư phát triển, chính vì thế, từ lâu rồi rất có khả năng TXT đã mở công ty kinh doanh tại Đức để chuẩn bị chốn nương thân và cũng để phòng trường hợp bất trắc như hiện nay. Có người sẽ hỏi, vậy liệu kinh doanh ở xứ người dễ thế hả. Hoàn toàn không dễ và cực kỳ nghiêm ngặt, bởi một chế độ minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, không hề dễ. Người Việt tại Đức đa phần cũng chỉ mở kinh doanh nhỏ chủ yếu là nhà hàng để tạo công ăn việc làm, giảm thiểu khó khăn hội nhập vào một xã hội mới. Nhưng quan chức cộng sản cũng như con cái họ đầu tư ở các nước phát triển, họ chưa và có thể không cần tính đến lời lãi, mà công việc kinh doanh chỉ là một cái bình phong để họ qua mặt được luật pháp của nước sở tại. Còn tiền họ ăn cắp của dân mang sang đủ để họ rung đùi sống sung túc vài thế hệ. Họ chỉ cần đủ điều kiện để được định cư hưởng một xã hội văn minh, một xã hội mà ở đó mọi dịch vụ đều an toàn và đẳng cấp.
Ở Đức, luật định cư cho phép bất kỳ người ngoại quốc nào tìm được việc làm tại Đức, và ổn định kéo dài trong 7 năm cho đến khi được nhập quốc tịch. Chính vì thế ngoài việc quan chức CS mang tiền đội lốt doanh nhân như TXT, giới cầm quyền CS còn nặn ra những vị trí công việc ở các nước phát triển rồi đưa con cháu sang đảm trách các vị trí này để sau 7 năm sẽ chính thức được định cư ở Đức.
Trường hợp Vietnam Airlines là một ví dụ. Vietnam Airlines đẻ ra một văn phòng đại diện và vị trí bán máy bay tại Frankfurt, để rồi con trai một bà cựu thứ trưởng Bộ Thủy sản sang làm việc ở đó. Liệu có cần phải mở một đại lý vé máy bay khi mua vé máy bay hiện nay đa phần đều thực hiện qua mạng?
Các đây vài năm, thời Vũ Văn Luận làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, đã để ra một vị trí gọi là “quản lý sinh viên VN tại Đức” và yêu cầu tuyển người trong nước để đưa sang. Một nghịch lý không thể qua mặt những người có tí não là, tại sao lại phải tuyển một người từ VN sang Đức để quản lý sinh viên VN ở Đức? Có cần thiết phải quản lý không, khi trường đại học nào của Đức cũng có Studentwerk, và nếu có cần riêng thì tại sao không phải là một sinh viên VN đang du học ở Đức? Ngoài mục đích đẻ ra những vị trí để lợi dụng đưa con cháu sang làm rồi định cư, nhà cầm quyền Hà Nội còn nhắm đến mục đích quản lý và theo dõi, cũng như nắn gân và đe dọa khi cần thiết, đối với từng sinh viên.
Những điều này giải thích rất logic cho việc nhà cầm quyền Hà Nội cùng quan chức của họ đều khăng khăng định hướng nền kinh tế quốc doanh. Bởi chỉ có nền kinh tế quốc doanh như thế thì họ mới có cớ đẻ ra những vị trí công việc ở các nước phát triển. Nếu không có những tập đoàn quốc doanh gom hết vốn của đất nước thì làm sao đủ tiền để thuyết phục làm đối tác kinh doanh tại các nước phát triển, và nếu không phải là đối tác thì khó mà có cửa để có thể mở văn phòng đại diện, không có văn phòng đại diện thì làm sao có một vị trí để đưa con cháu mình sang làm động tác giả, qua mặt luật pháp Đức?
Qua vụ “doanh nhân Trịnh Xuân Thanh”, liệu chính quyền Hà Nội có định truy đến cùng hoạt động gì của ông ta hay không, và có chứng minh được với người Đức rằng dòng tiền của TXT mang vào Đức dưới danh nghĩa “doanh nhân” là tiền ăn cắp của dân, là tội rửa tiền? Liệu ông Phạm Bình Minh và nhân viên của Bộ Ngoại giao có đủ trình độ để làm được những việc này, chứng minh cho người Đức biết rõ ràng, TXT là tội phạm tại Đức?
Việc nhóm cận thần của TXT tại Đức cố tình khoác lên TXT cái áo chính trị gia, để từ đó xây dựng hình ảnh một chính trị gia bất đồng chính kiến bị trù dập, có thể cứu cánh cho TXT, khi mà cá đã nằm trên thớt. Liệu có khôn ngoan không khi cố tình trưng ra rằng TXT là một “doanh nhân”? Doanh nhân hay tội nhân? Câu trả lời nằm ở đại sứ quán VN tại Đức.
Nhân đây xin gửi vài dòng tới người dân VN, việc trình chiếu TXT thú tội ra đầu thú trên truyền hình, cho thấy chính quyền Hà Nội đã nâng “tầm cao mới” trước đây chỉ “Vẹm” trong nước, còn bây giờ “Vẹm” cấp quốc tế. Tối ngày 2 tháng 8 đài truyền hình Đức đã đưa hình ảnh, TXT bị áp giải bời hai công an ở sân bay Nội Bài, vậy mà nhà Vẹm vẫn đưa ra hình ảnh TXT đầu thú!
Hình ảnh bà Hằng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN trả lời về việc TXT ra “đầu thú”, không khác gì hình ảnh bà phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên phát biểu về cái chết của Kim Jong-nam, là chết do đột quỵ chứ không phải do bị đầu độc ở sân bay Malaysia. Việc trình chiếu TXT thú tội trên tivi càng cho thấy nhà cầm quyền bất chấp tính liêm sỉ trong bang giao quốc tế. Một sự ngu xuẩn nếu cho rằng, làm thế để người dân VN tin rằng phản ứng từ Đức là sai.
Ông bà ta có câu, “cha nó lú, còn có chú nó khôn”, nhưng không, toàn bộ hệ thống này đều thể hiện cho thế giới thấy sự thất học và ngu xuẩn. Sự cố vừa qua cho thấy Phạm Bình Minh và nhóm bậu xậu của ĐSQVN ở Đức bị thiểu năng trí tuệ khi không đánh giá đúng mức phản ứng của Đức. Nếu khủng hoảng tác động và phản ứng dữ từ người dân Đức thì ngay lập tức các kênh truyền hình của Đức sẽ liên tục phát lại sự vụ và sẽ có ngay những talk show để tranh luận và dồn các chính trị gia vào chân tường. Việc trục xuất nhân viên ĐSQVN của chính quyền Đức nhằm chặn đứng các hành vi xâm phạm lãnh thổ của bất cứ kẻ nào có ý định như CSVN đã thực hiện.
Nhưng cái mất lớn nhất đối với từng cá nhân người Việt Nam, đó là bị thế giới nhìn nhận bằng một bộ mặt ăn cắp, lẩn trốn và côn đồ.
© Copyright Tiếng Dân