3-8-2017
Với nhiều tình tiết mới xuất hiện dồn dập trong những ngày qua, vụ ông Trịnh Xuân Thanh “ra đầu thú” ở Việt Nam tiếp tục làm nóng mạng xã hội Việt Nam, nhất là từ sau khi ông Thanh xuất hiện trong một đoạn phim trong chương trình thời sự của VTV3 tối ngày 3/8.
Các nhà báo, luật sư, facebooker đã có nhiều bài đưa tin và bình luận về vụ án mà nhiều người cho là “như trong phim” này.
Đơn xin tự thú phải được ‘bảo mật tuyệt đối’
Bình luận về ‘đơn xin tự thú’ được VTV3 nói là của ông Trịnh Xuân Thanh trong chương trình thời sự ngày 3/8, Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook:
“Đơn xin tự thú (nếu có thật) là một tài liệu tố tụng của một vụ án hình sự đã được khởi tố và trong quá trình điều tra, sao lại có thể bị công bố trên phương tiện truyền thông công khai như vậy? Tài liệu tố tụng luôn phải được bảo mật tuyệt đối.’
TXT là “nạn nhân của phe phái” hay “kẻ ăn cướp của dân”?
Nhà báo Huy Đức, người đầu tiên đưa tin Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam trên mạng xã hội, thì bình luận về khía cạnh chống tham nhũng liên quan đến vụ này.
“Tôi ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng và mong muốn những kẻ bỏ trốn như Trịnh Xuân Thanh phải bị bắt. Chính trị nào cũng có phe phái vấn đề là chúng ta còn phải chờ các phiên tòa để thấy những kẻ hôm nay bị bắt là nạn nhân của phe phái hay là những kẻ đang ăn cướp của dân,” ông Huy Đức viết.
“”Tái ông thất mã”, tôi hy vọng là trước phản ứng của Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng và các đồng chí của ông nhận ra, cải cách là đòi hỏi cấp thiết của đất nước”.
“Có dân chủ, có nhà nước pháp quyền chưa chắc đã chống được tham nhũng; nhưng nếu không có dân chủ, không có nhà nước pháp quyền thì các thành tựu chống tham nhũng nếu đạt được cũng chỉ là cục bộ,” nhà báo Huy Đức phân tích.
Cũng bàn về chuyện chống tham nhũng, Luật sư Trần Vũ Hải so sánh cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc trong một dòng trạng thái trên Facebook chiều ngày 3/8:
“Trung quốc diệt hổ, bắt và xử án hàng trăm quan chức và tướng lĩnh cao cấp. Trong số đó, có hàng chục uỷ viên trung ương Đảng, mấy vị Bộ chính trị. Số doanh nhân bị bắt trong chiến dịch này cũng có, nhưng khá ít.
Việt nam bắt chước diệt hổ, nhưng chưa thấy bắt và xử án quan chức cao cấp nào, trong khi bắt và xử án hàng trăm doanh nhân (hay quản lý doanh nghiệp) thuộc loại có “hạng”! Ông Trịnh Xuân Thanh, mang danh Phó chủ tịch tỉnh, nhưng bị bắt vì những việc do ông làm quản lý doanh nghiệp nhà nước!”
‘Đức đòi VN trả TXT về Đức là phi lý’
Nhà báo Nguyễn Huy Toàn của Truyền hình Công an Nhân dân nói ông không hề bất ngờ về những diễn biến của vụ này nhưng việc Đức đòi Việt Nam trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức là “phi lý” vì ông Thanh không phải là công dân Đức.
Trong một bài viết trên Facebook với tựa đề “Trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội – Bài toán tất yếu để giải quyết khủng hoảng niềm tin”, nhà báo Huy Toàn viết
Ông cho rằng “Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cũng thừa biết những vấn đề phức tạp sẽ xảy ra sau khi bắt Trịnh Xuân Thanh ở Đức. Nếu đúng như báo chí Đức đưa tin là Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” thì cũng không có giải pháp nào tốt hơn là phải chịu trả giá về mặt đối ngoại để giải quyết vấn đề đối nội.”
“Thực ra “bắt cóc” hay “đầu thú” không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam – một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng.”
“Nếu phía Đức đưa ra những cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” cũng chẳng qua họ muốn thể hiện uy quyền và sự nghiêm minh của bộ máy tư pháp của họ mà thôi. Bởi Trịnh Xuân Thanh không phải là biểu tượng về “tự do dân chủ”, “nhân quyển”, hay một nhà hoạt động về tư tưởng, chính trị. Còn họ bảo hộ cho một kẻ tham nhũng thì họ cũng chẳng tốt lành gì,” ông Toàn bình luận.
“Tôi nghĩ rằng đó chỉ là cái cớ để họ làm khó những vấn đề khác mà thôi. Sẽ vất vả cho các bác Bộ Ngoại giao phải vào cuộc và giải quyết những bất đồng giữa hai nước trên tinh thần xây dựng,” ông Huy Toàn viết.