‘Khủng hoảng bắt cóc’ phát sinh hậu quả gì?

Blog VOA

Phạm Chí Dũng

3-7-2017

Trịnh Xuân Thanh và quan hệ Việt – Đức. Ảnh: internet

Một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối hành động mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, buổi họp báo thường kỳ diễn ra ngày 3/8/2017 ở Hà Nội đã lộ diện phản ứng đầu tiên của Việt Nam. Tuy “lấy làm tiếc”, nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không có lấy một câu hay từ ngữ nào phủ nhận cáo buộc của phía Đức về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.

Dấu chấm hết

Vẫn còn khá sớm, nhưng có lẽ không quá muộn để nói: “Xin vĩnh biệt Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA)”.

Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức phản đối hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của mật vụ Việt Nam đã gần như đóng dấu chấm hết đối với nguyện ước chưa bao giờ khẩn thiết đến thế của Hà Nội về EVFTA.

Câu chuyện đầu tiên thuộc về EVFTA – chủ đề mà giới cai trị Việt Nam quan tâm nhất, sau sự đổ vỡ của Hiệp định TPP mà đã khiến Hà Nội thất thần vào mùa xuân năm nay. Nhưng Merkel đã không có bất kỳ một hứa hẹn nào cho tương lai của EVFTA, cho dù hiệp định này đã được ký chính thức từ tháng 12 năm 2015 và chỉ còn chờ quốc hội của 27 nước trong khối Liên minh châu Âu thông qua.

Cũng không phát ra một sự bảo đảm nào từ bà Merkel về “hiệp định dẫn độ” mà ông Phúc gần như cầu cạnh. Chỉ sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin và khi Bộ Ngoại giao Đức phải lên tiếng phản đối chính thức, giới quan chức ngoại giao Đức mới tiết lộ rằng chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu yêu cầu “dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam” với Thủ tướng Angela Merkel. Sau đó, báo chí Việt Nam ồn ào đưa tin “hai bên sẽ xem xét khả năng đàm phán hiệp định dẫn độ”.

Nhưng cũng như EVFTA, hiệp định dẫn độ giữa Đức và Việt Nam, nếu có, cũng phải mất ít ra từ một đến một năm rưỡi nữa. Nếu EVFTA còn phải trải qua rất nhiều thủ tục đồng thuận của các quốc hội trong EU, mà chỉ một nước không đồng ý cũng không thể thông qua, hiệp định dẫn độ cũng phải trải qua không ít lần đàm phán, thẩm định, dự thảo, thông qua các cấp… trước khi Việt Nam có thể đón nhận Trịnh xuân Thanh ở sân bay Nội Bài.

Một khía cạnh Việt Nam học

Song vụ bắt cóc đầy manh động trên đất Đức – cứ như thể thoải mái bắt cóc người bất đồng chính kiến ở Việt Nam – đã phá hỏng toàn bộ viễn cảnh “Thanh về Nội Bài”.

Người Đức chưa bao giờ giận dữ đến thế trong suốt chiều dài quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Với Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, đó còn là từ ngữ “bội tín”. Cái từ thiên về bản chất dưới đáy của chính trị này lại càng khiến công luận xã hội ở Việt Nam không thể nào quên được nhân vật ủy viên trung ương đảng, chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối xử với người dân Đồng Tâm ra sao – ký sống, lăn tay điềm chỉ nhưng sau đó xổ toẹt tất cả.

Cho tới vụ “khủng hoảng bắt cóc”, có lẽ giới chính khách Đức mới nhận ra một Việt Nam của tráo trở chính trị rõ đến như thế. Bấy lâu nay, một Hà Nội nên thơ vẫn được giới quan chức văn hóa Việt lồng vào những vần thơ của Goethe và Heine – từ những dự án dĩ nhiên được viện trợ bởi chính phủ Đức. Nhiều năm qua, người Đức cũng chỉ biết về Việt Nam thời hậu chiến lúc nhúc tham nhũng và không thiếu cảnh vi phạm nhân quyền. Nhưng chỉ vài năm gần đây, có những nghị sĩ Đức mới bắt đầu thấm thía và cám cảnh thân phận quyền làm người của mình khi họ bị công an Việt Nam cấm nhập cảnh vào đất nước này.

“Khủng hoảng bắt cóc” rất có ích cho những người Đức nghiên cứu về Việt Nam học. Họ sẽ càng hiểu rõ hơn rằng tại sao mật vụ Việt Nam – vốn mang thói quen bắt cóc, hành hung hay bắt giam người bất đồng chính kiến trong nước theo “luật rừng” như cơm bữa – lại dám sang tận Berlin làm cái nhiệm vụ đày dọa và bất chấp cả danh thể quốc gia đó.

Không thể ngủ được

Về bản chất, “khủng hoảng bắt cóc” không chỉ là thất bại đau không thể ngủ được của giới mật vụ Việt Nam, không chỉ là hậu quả viên chức đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) – một cấp độ phản ứng mạnh mẽ trên phương diện ngoại giao quốc tế – và bị trục xuất khỏi Đức trong vòng 48 tiếng đồng hồ, mà còn để lại những dư chấn không thể lường trước khi phía Đức kết thúc bản tuyên bố phản đối bằng “Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển”.

Hãy nhìn lại. Đức lại là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khối EU. Đức cũng là quốc gia nhập khẩu 1/5 các sản phẩm của Việt Nam xuất qua châu Âu. Giá trị thương mại song phương Đức – Việt Nam lên đến 9 tỷ đô la, giúp cho số xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào thị trường EU lên tới 25 tỷ USD, hoàn toàn trái ngược với số nhập siêu – cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch – của Việt Nam từ “bạn vàng” Bắc Kinh gấp đôi như thế – hơn 50 tỷ USD mỗi năm.

Cái cách bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà theo một người bình luận phải ví von “không xin được thì ăn cắp” đã khiến nước Đức đầu tàu chính trị của châu Âu phải đe dọa sẽ trả đũa.

Hậu quả ngay trước mắt là kể từ nay, trong con mắt nhiều nước châu Âu: “việc này cũng phá vỡ lòng tin một cách nghiêm trọng” – như một nội dung trong tuyên bố phản đối của Bộ Ngoại giao Đức. Quang cảnh này là ngược ngạo kinh khủng với cụm từ “lòng tin chiến lực” để kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế mà ông Nguyễn Tấn Dũng rất sính dùng khi ông còn là thủ tướng, vào năm 2014 khi giới chóp bu Việt Nam vừa bị giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc chơi cho một vố điếng người. Kể từ nay, không khó để hình dung rằng Liên minh châu Âu sẽ không còn mấy quan tâm đến cảnh nạn Việt Nam bị Trung Quốc hiếp đáp ngoài Biển Đông.

Còn những hậu quả khó lường trong tương lai hẳn không ngoài tình trạng viện trợ không hoàn lại, tín dụng cho vay, đầu tư nước ngoài của châu Âu vào Việt Nam có thể sụt giảm đáng kể. Những ưu đãi về hàng rào thuế quan trong nhập khẩu hàng Việt Nam cũng bởi thế sẽ được thả nổi theo mặt bằng thị trường chung. Thậm chí khách du lịch châu Âu – khi đã được báo chí lục địa này dồn dập cảnh báo về “nhà nước bắt cóc”, sẽ chẳng còn mấy tha thiết đi dã ngoại ở một Việt Nam đầy rủi ro rình rập.

“Lấy làm tiếc”

Một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối hành động mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, buổi họp báo thường kỳ diễn ra ngày 3/8/2017 ở Hà Nội đã lộ diện phản ứng đầu tiên của Việt Nam

Đối diện với nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh và về tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết bà “rất tiếc về phát ngôn này” và nói thêm: “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức”.

Chi tiết đáng chú ý là tuy “lấy làm tiếc”, nhưng cái cách phản ứng đầu tiên của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không cho thấy một câu hay từ ngữ nào phủ nhận cáo buộc của phía Đức về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.

Phản ứng yếu ớt.

Thông thường, hành động của một quốc gia nhằm trả đũa quốc gia khác trục xuất nhân viên ngoại giao của mình là trục xuất lại nhân viên của quốc gia đối phương. Công luận đang chờ đợi hành động trả đũa của chính quyền Việt Nam. Liệu họ có đủ can đảm để trục xuất một nhân viên ngoại giao người Đức?

Hay sau nhiều cuộc họp khẩn từ ngày 1/8 – thời điểm đại sứ Việt Nam tại Đức bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao nước này về vụ Trịnh Xuân Thanh – đến nay, Việt Nam đã gián tiếp thừa nhận hành vi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và cố gắng “nuốt nhục” cho qua cơn khủng hoảng?

Bình Luận từ Facebook