Nguyễn Hoa Lư
1-8-2017
1. Những lý do to như núi cho sự ra đời một chuyên luận nhỏ như con chuột
Cả tuần này, thời tiết ở Nha Trang bưng bưng khó chịu. Nắng gắt, không có gió, không khí âm âm khó thở. Ôi giá có một trận mưa rào. Mở mạng đọc, chỉ toàn thấy tin dữ. Nằm lơ mơ nhớ đến mấy câu thơ trong truyện thơ Thánh Gióng của Cù Huy Cận, thuộc lòng từ thuở lên 8 lên 10. “Thuở ấy lũ giặc Ân/ Như một luồng gió độc/ Thổi tràn vào đất nước/ Tên còn gọi Văn Lang”. Đất nước đang lâm nguy, “Vua bèn sai sứ giả/ Loa gọi hỏi gần xa/ Ai người trong thiên hạ/ Ra cứu nước phò dân/ Tiếng loa gọi anh tài/ Sông chạy truyền xuống biển/ Núi dội tiếng tù và/ Tận hang cùng ngõ hẻm…”
Ôi, ngột ngạt quá! thiên hạ đang khát một trận mưa rào!
Anh tài trị quốc đâu? Sao không ra xắn tay xây dựng chính phủ kiến tạo, bỏ vào vạc dầu hết thảy lũ sâu mọt quan tham? Dũng tướng đâu? Sao không ai “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông…”. Thuyết khách đâu, sao không mời tướng Chung về Đồng Tâm thương nghị với bà con nông dân? Nhà khoa học tài danh đâu, sao không thấy bóng họ ở Formosa, Vĩnh Tân? Quan văn đâu, sao không giúp nhà nước đưa ra một thông báo có lý hơn một chút. Có chàng Trịnh Xuân Thanh kia, vượt qua trùng điệp mạng lưới tình báo trong nước và Quốc tế ung dung Bộ CA “đầu thú”? Nghe sao nực cười quá!
Trong tâm trạng khát một cơn mưa rào, tôi ngồi đọc bài viết của tác giả Mai Anh Tuấn “Nguyên mẫu Phạm Xuân Nguyên” đăng trên báo Tiền Phong[1].
Một bài báo với cách lý luận rối rắm, có chỗ sa vào ngụy biện. Những triết lý vụn tô vẽ bằng những câu chữ rộn ràng hoa mỹ đến mê hoặc. Cứ tưởng đó là tác phẩm của một nhà báo mới vô nghề đang múa bút câu view. Sau mới tá hỏa khi biết là bài của một giảng viên đại học, hàng ngày lên giảng đường dạy sinh viên làm báo viết văn.
Hết thảy những lý do trên đã “tác thành” nên chuyên luận này. Lòng những muốn tác phẩm vào đời, “sống luống sao cho ghê gớm”. Viết xong đọc lại, rõ là một chú chuột nhắt. Thôi, thì chuột cứ tung tăng với đời, vì dù sao ta cũng đã xong bổn phận.
2. Vài lời thưa trước
Mục đích chính là những bình luận về bài viết của tác giả MAT. Tuy nhiên, để người đọc đỡ đột ngột, chúng tôi muốn nhắc lại vài ý bên lề.
Đầu tiên là với “nguyên mẫu PXN”. Trong đời sống thực, tuy chưa từng gặp ông nhưng tôi có sự quý mến khi nhiều lần nghe ông trả lời phỏng vấn, thái độ cách thẳng thắn và cởi mở. Tôi cũng nhìn thấy những hình ảnh xuống đường của ông, gương mặt rừng rực hào khí Đông A. Cùng thế hệ với ông, tôi ngã mũ kính phục vì ông sở hữu ba ngoại ngữ chỉ nhờ tự học. Theo lời bọ Lập “Đi bộ đội ba năm xơi gọn hai món Nga, Pháp. Nó đọc tiếng Nga không khác người ta đọc báo Việt… Chỉ một cuốn từ điển, một cuốn sách Tây nó lấn từng dòng với một lòng kiên trì vô biên”[2]. Tuy vậy trong “chuyên luận” dẫu tầm chuột nhắt này, tôi coi ông là một dữ liệu, từ đó bình luận về cách xử lý dữ liệu của tác giả MAT. Nếu có chỗ nào tôi lỡ ý đem dữ liệu ra mổ xẻ để đối chiếu với MAT thì đó là sự bất đắc dĩ.
Thứ hai, trong bài viết MAT đề cập đến một khái niệm nặng tính học thuật, ít quen thuộc với đại chúng là “nhà nho tài tử”. Khái niệm này lần đầu tiên xuất hiện (1944) trong công trình Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ của nhà nghiên cứu Nguyễn Bách Khoa. Sau đó là sự tiếp nối, mở rộng của GS Trần Đình Hượu và những học trò. Khác với nhà nho chính thống, các nhà nho tài tử sĩ “lơ đãng với công việc kinh bang tế thế mà thiên trọng về văn học, về sự vui sống cầu kỳ (hành lạc). Họ không sống cho Tổ quốc, không sống vì đạo lý. Họ sống cho họ, sống vì nghệ thuật, sống vì đẹp. Suốt đời họ chỉ tìm cái đẹp. Cái ý vị của cuộc sống, theo quan niệm tài tử, không phải ở chỗ phụng sự mà là ở chỗ hưởng thụ, ở uống rượu, ở làm thơ, ở gẩy đàn, ở đánh cờ, ở giăng gió, ở sông núi.” Tuy vậy, theo Đoàn Lê Giang, “khái niệm này dù được nhiều người trong giới học thuật tiếp tục sử dụng, nhưng cũng có nhiều người phản đối, vì cho rằng nó tư biện, thậm chí là một khái niệm giả.”[3]
Thứ ba: một nhân vật lịch sử hết sức phức tạp và tài hoa Nguyễn Công Trứ. Ông kiệt xuất về nhiều mặt: quân sự, kinh tế và văn chương. Cuộc đời ông thăng trầm, vinh hoa tột bực với chức thượng thư lại xuống tận đáy xã hội với thân phận của một lính thú. Ông có công quai đê lấn biển, di dân lập ấp, xây dựng nên 2 vùng đất mới: Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình). Khi còn sống, người Kim Sơn đã lập đền thờ sống ông gọi là Sinh Từ.[4]. Ông rất đào hoa, 73 tuổi còn cưới thêm vợ. Khi Pháp tấn công Đà Nẵng (1858), ông lão tuổi 80 này còn làm đơn xin vua cho đi đánh giặc. Thơ viết về cầm kì thi tửu thì nhiều vô thiên lũng. Đọc qua cuộc đời ông, ngẫm về tầm vóc của văn chương điện ảnh Việt mình, không rơi lệ mới là chuyện lạ. Phải có phim trăm tập, tiểu thuyết vạn trang mới mong tả hết được chân dung Nguyễn Công Trứ.
3. Phong cách MAT qua “Nguyên mẫu PXN”
Phong cách này được thể hiện qua những câu chữ trong bài báo. Tôi cứ thứ tự trích ra, đưa thêm một số bình luận.
+Mai Anh Tuấn mô tả PXN “rất tâm đắc bài Tự cao của Nguyễn Công Trứ: “Trời đất cho ta một cái tài/Giắt lưng dành để tháng ngày chơi…” nhân đó đưa ra lời bình “khẩu khí ngắn gọn, thiên về tự khẳng định bản thân của Nguyễn Công Trứ tuy hơi chói tai với những ai xoàng xĩnh nhưng lại cực kỳ hấp dẫn, thậm chí trở thành nguyên tắc ứng xử với những ai không chỉ có tài mà còn ý thức được về tài, ỷ tài…” Rồi quay lại với PXN trong cảm hứng Nguyễn Công Trứ “họ Phạm biết mình hưởng lộc đôi phần nên thành ý cung kính muốn noi theo cổ nhân tinh thần sống luống sao ghê gớm: “Ai say ai tỉnh ai thua được/Ta mặc ta mà ai mặc ai”(1).
Ba mệnh đề trên, ẩn sau sự diễn đạt hoa mỹ, là những nhận định thiên lệch và sự ngụy biện nguy hiểm.
Người viết gây cho người đọc cảm giác rất lầm lẫn rằng, cái tài dắt lưng dành để tháng ngày chơi là toàn bộ nhân sinh quan của NCT. Bốn câu thơ được MAT trích nằm trong bài “cầm kỳ thi tửu” ở đó Cụ Hy Văn cao hứng ngâm nga “tuyên ngôn chơi” của mình. MAT có vẻ như cố tránh những tuyên ngôn về chí làm trai của cụ: “Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ/ Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong/ Chí những toan xẻ núi lấp sống/ Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ”. Nếu tôi có quyền, có tiền, tôi sẽ cho in chí làm trai của cụ Trứ thành ngàn vạn biểu ngữ cho thanh niên học tập!
Vậy mà MAT cho rằng “khẩu khí” ăn chơi của cụ Hy Văn khiến những kẻ xoàng xỉnh chói tai còn những kẻ có tài thì đó là “nguyên tắc ứng xử” cực kỳ hấp dẫn. Theo chúng tôi, trong thời đại toàn cầu hóa này, muốn bơi ra biển lớn thì cần nói ngược lại. Chỉ những kẻ lười biếng, thất bại, tự lừa dối mình mới cho rằng tuyên ngôn trong cuộc chơi của cụ Trứ “cực kỳ hấp dẫn, thậm chí trở thành nguyên tắc ứng xử”.
MAT đã nhầm lẫn, đưa triết lý chơi ngông ra làm phương châm sống trong cuộc đời gió bụi, để bàng quan với tất cả, “ai say ai tỉnh ai thua được, ta mặc ta mà ta mặc ai”, coi đó là “tinh thần sống luống sao cho ghê gớm”.
+ MAT triết lí. “Thời thế hôm nay, lạ thay, lại kích thích sự hồi quang của nhà nho tài tử, không chỉ vì xã hội đã bớt ngặt nghèo hơn với các cá tính mạnh, đã biết tôn trọng rồi đâu đó là dung dưỡng các bậc chân tài văn chương có chỉ số hạnh kiểm vừa phải, mà sâu xa còn bởi, chính trong sự lừng khừng của văn đàn, không ra hồng cũng chẳng chuyên, không hẳn tiết tháo trượng phu cũng chẳng xem thường nghĩa khí, không dám tự do nhưng chẳng bao giờ quy củ, không đổi mới đến cùng nhưng lúc nào cũng tỏ ra cấp tiến, nên người ta thực sự dễ xiêu lòng trước những cá nhân thực tài đến với văn chương không vì gì khác ngoài chính nó, ngoài niềm vui thú với văn nhân và văn cách.”
Bao nhiêu người dân Việt đủ sức mạnh thể chất và trí tuệ để thưởng thức một câu văn dài thăm thẳm như vậy? Thêm nữa, bạn cần phải có một bề dày về triết học và ngôn ngữ cổ may ra mới có thể tiêu hóa hết một lô trùng điệp các khái niệm khó xơi: “sự hồi quang”, “nhà nho tài tử”, “hồng và chuyên”, “tiết tháo trượng phu”, “cấp tiến”… Sau khi vượt qua những cửa ải trập trùng vừa mê hoặc vừa bí hiểm ấy, MAT bất ngờ mở ra trước mắt người đọc một chân lý hiển nhiên như tuyên bố mặt trời mọc ở đằng Đông, rằng “người ta thực sự dễ xiêu lòng trước những cá nhân thực tài đến với văn chương”. Trong lịch sử văn minh nhân loại, có cá nhân nào thực tài mà không khiến cộng đồng xiêu lòng? Những chân lý MAT đưa ra lúc nào cũng đầy bất ngờ vì sự hiển nhiên: “Mình tự làm hèn mình”, từ xưa đến nay, là điều mà các nhà nho tài tử rất tối kỵ”. Không chỉ các bậc nhà nho tài tử mà hết thảy con người, từ một người dân bình thường, đến đám lục lâm thảo khấu, có ai không tối kỵ những với kẻ “tự làm hèn mình”.
+ MAT quan sát và ghi nhận về PXN. “Nhìn vào cái cách ông làm bạn văn chương với những thân danh từng chịu nhiều món quà số phận, viết về họ không chỉ một mà nhiều bài; nhìn lại tinh thần sớm đối thoại, hợp lưu của ông với văn học hải ngoại; nhìn thêm cử chỉ tôn trọng, ghi nhận của ông với văn học miền Nam trước 1975, tôi cho rằng ông còn là người không bận tâm đến thị phi ác ý, miễn sao có thể tìm biết và khẳng định giá trị văn chương tiếng Việt một cách rộng nhất.”
Tôi phải thú nhận sự bất lực của mình khi đứng trước trước khái niệm “thân danh” và ngổn ngang những ý tưởng nén vào trong chỉ một câu viết. Tự nhân việc bình luận hết cả câu là việc làm quá sức, tôi chỉ trích ra một ý trong đó, là ý sau cùng: “nhìn thêm cử chỉ tôn trọng, ghi nhận của ông với văn học miền Nam trước 1975, tôi cho rằng ông còn là người không bận tâm đến thị phi ác ý, miễn sao có thể tìm biết và khẳng định giá trị văn chương tiếng Việt một cách rộng nhất.” Để phán ra một nhận định trịch thượng và kẻ cả kiểu đó, MAT chứng tỏ một cách hùng hồn rằng ông không biết gì về một nền văn học đồ sộ có nhiều giá trị theo cùng năm tháng, “nền văn học miền nam trước 1975”.
+ MAT tóm tắt về nguyên mẫu: “Vì thế, đọc ông không khó hiểu. Bởi lối viết phê bình của ông, theo tôi, là sự nối dài của lối phê bình phong cách tác giả. Đọc ông cũng không bắt gặp những trúc trắc ý tưởng, những phát hiện khác thường, những đề đạt riêng khác.”
Có nhiều điều muốn trao đổi với cách lập luận trên. Bắt đầu bằng cách dùng “vì thế” trước một đoạn văn. Người đọc sẽ hiểu là “với tất cả những lý do ở trên”, đọc PXN “không khó hiểu”, rằng đó là sự “nối dài” của một lối phê bình, PXN “không có phát hiện khác thường”, không có “những đề đạt riêng”cũng “không bắt gặp trúc trắc ý tưởng”. Đặt trong cảm hứng của toàn bài viết, người đọc thực sự bối rối khi xác định tư tưởng của MAT với nhân vật của mình, đây là những lời khen sao? hay là chê bai? hay là mỉa mai?
+ MAT dõng dạc tuyên bố: “Ông còn hơn người ở điểm không học hàm học vị nên chẳng gây cảm giác quan phương hay hàn lâm nửa mùa…” MAT đưa ra sự thán phục, rằng “điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là trong hai tuyển phê bình của ông, Nhà văn như Thị Nở (2014) và Khát vọng thành thực (2017), ông ít khi nhắc hay vận dụng một lí thuyết phương Tây nào, cho dù ông đã là dịch giả của nhiều tác phẩm, tiểu luận, công trình nước ngoài quan trọng…”
Đảng đã biết, chính phủ cũng biết, bàn dân thiên hạ vẫn râm ran về những lò ấp hàng chục ngàn tiến sĩ. Tất cả những điều đó không cho phép nói rằng không học hàm học vị thì sẽ “hơn người”.
Trong những công trình, việc không trích dẫn hay vận dụng những tư tưởng/ lý thuyết của nhân loại được MAT tôn vinh, coi như đó là sự độc đáo. Thực sự đó là quan điểm lạc hậu, phản khoa học, đáng chê trách. Nền khoa học xã hội VN cứ mãi một mình một sân, mẹ hát con khen vì quan niệm cổ hủ này chăng?
+ MAT nhận định: “Nhìn Phạm Xuân Nguyên trong dạng hình nhà nho tài tử tái sinh, ngay cả khi trừ đi tất cả lớp sơn biến màu để thích ứng với xã hội hiện đại, cơ hồ ông vẫn vừa vặn khuôn “tài mệnh tương đố” lắm lúc không thể san nhường cho ai.”
Tính logic trong lập luận của người viết rất không ổn. Một nhà nho tài tử sống cốt thỏa chí mình, sao lại cần đến “lớp sơn biến màu để thích ứng với xã hội”? Khi nói PXN vừa vặn khuôn đúc tài mệnh tương đố thì cần xem lại. Mấy chục năm làm cán bộ nghiên cứu trong viện Văn học lại ngồi đến chức chủ tịch hội nhà văn Hà Nội theo ý MAT là vẫn chưa xứng với tài của PXN?
Nhân nói về tài PXN, xin dẫn ra hai vì dụ nhỏ:
Một. MAT dẫn người đọc đến một bài viết thuộc dạng đầu tay của PXN, “Cái hèn của người cầm bút”[5]. Bài của PXN viết sau “đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh họa” với những nhận định đến tận cùng đau xót về các nhà văn: “Điều đáng buồn nhất là những người phải xoay trở, vặn vẹo cây bút, phải làm động tác giả nhiều nhất là những nhà văn có tâm huyết, có tài, muốn văn học phải có cái gì của văn học, chứ không muốn văn học chỉ là một sự minh họa.” PXN đã là “sự nối dài” những ý tưởng được tiền bối Nguyễn Minh Châu đặt ra. Giá trị của bài viết của PXN, bạn đọc tự thẩm định, tôi chỉ muốn nói rằng nó hoàn toàn xa lạ với cái chuẩn “tài tử”. Mở đầu bài viết, PXN dẫn“lời Mác dạy”, cuối bài viết là một đoạn dài những suy tư của đồng chí tổng bí thư, rằng “văn học chúng ta 10 năm qua còn nghèo”, kết bài là sự xác tín chỗ đứng của “người cầm bút xã hội chủ nghĩa”. Đó không thể là sự bay bỗng, vị tài, vị tình của những “nhà nho tài tử” dẫu xưa cũ hay tái sinh.
Dù sao thì đó cũng là PXN của 30 năm trước. Thử xem PXN của ngày hôm nay?
Hai. Theo MAT đánh giá thì “núi xanh núi vàng” là dạng tranh luận/ phê bình gây chú ý. Tôi vào Gu gồ tìm đọc bài hoặc các bình luận về nó. Gu gồ không chỉ được kết quả nào. Khái niệm “gây chú ý” rất không khoa học vì nó không định lượng được, tính giá trị trong nhận định của MAT đã không ra được khỏi lũy tre làng.
+MAT tán tụng cái tài của PXN. “Người ta có thể mất vài giây sau lần gặp đầu tiên để nói rằng ông thật trẻ trung, năng hoạt, xôm trò, tinh anh, hồn nhiên, những tính cách tuyệt đối không gây hại gì mà chỉ làm người đối diện cảm thấy yêu thêm, vui lây, khoái hơn. Người ta cũng không chần chừ gì để khen ông lắm tài, tài ăn nói, tài dịch thuật, tài giao thiệp kết bạn, tài xuất hiện trên báo chí truyền thông, tài rong chơi khắp chốn mà ngay cả đầu xanh tuổi trẻ cũng khó lòng bì kịp.”
Qua những dòng trên, thật khó nhìn thấy một PXN là “ngự sử văn đàn”, chỉ thấy một PXN vừa vặn với cái “hình ảnh hoạt náo viên của làng văn nghệ”.
+Cuộc viễn du đã đến đích. Chúng ta cùng đọc nốt hai câu cuối trong bài của MAT. “Phàm đã thế, mượn tiếng “hề” trong các bài phú mà cánh “tài tử đa cùng” thường sở đắc, tôi thành thực tấm tắc trước những trải nghiệm trong văn chương lẫn đời sống của ông. Văn chương vẫn là chốn trổ tài, còn đời sống vốn ngắn ngủi và muộn phiền, hà tất phải ngậm ngùi cho phải lẽ?!”
Dẫu choáng ngợp với ngôn từ rổn rảng về cánh tài tử đa cùng thường sở đắc, tôi vẫn lấy hết can đảm nói lên sự nghi ngờ khi MAT cho rằng văn chương là “chốn trỗ tài”. Nguyễn Du viết Kiều là định trổ tài với ai đây? Trổ tài sao phải thống thiết kêu lên như vậy, sợ không ai biết mà khóc cho Tố Như. Nguyễn Đình Chiểu viết văn tế là trổ tài với ai? Với những mẹ già ngồi khóc trẻ ngọn đèn khuya leo lét trong lều chăng?
4. Một cái kết lạc điệu
Trong lúc viết, tôi cứ bị ám ảnh bởi Hemingway, nhà văn đoạt giải Nobel, có cuộc đời thực còn thú vị hơn những trang viết kiệt xuất của mình. Ông rất hay rượu, ông cũng nói nhiều về rượu, cho rừng rượu là sản phẩm văn minh nhất của con người. Các tuyên ngôn sau của ông về rượu xứng đáng được bỏ vào túi thơ của các nhà nho tài tử. “Niềm tiếc nuối duy nhất của tôi trong đời này là tôi đã không uống rượu nhiều hơn”. (My only regret in life is that I did not drink more wine). “Tôi uống để làm cho người khác thú vị hơn”. (I drink to make other people more interesting).
Hemingway còn để lại vô số lời khuyên về công việc viết lách cho những người cầm bút. Trong quan niệm viết của ông hoàn toàn không có chỗ cho sự “tài tử”. Ông nói đại loại: “Bản nháp đầu tiên của bất kỳ điều gì đều là cứt” (The first draft of anything is shit). Ông dặn: “Tất cả những gì bạn cần làm là viết ra được một câu đúng sự thật. Hãy viết một câu đúng với sự thật nhất mà bạn biết”. (All you have to do is write one true sentence. Write the truest sentence that you know). Người làm văn, viết báo cần tránh xa mọi sự hoa hòe, rổn rảng, phù phiếm.
Nhưng trước hết cần một trận mưa rào thật to, cuốn phăng hết mọi bức bối đang đè nặng xuống trần gian này.
[1] http://www.tienphong.vn/van-nghe/nguyen-mau-pham-xuan-nguyen-1167696.tpo
[2] Nguyễn Quang Lập, Bạn văn, NXB Trẻ, 2011.
[4] http://baoninhbinh.org.vn/nguyen-cong-tru-voi-sy-nghiep-mo-dat-kim-son-20090102100000000p1c87.htm
[5] http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c312/n16601/Cai-hen-cua-nguoi-cam-but.html
Thật ra câu “The first draft of anything is shit” không thể dịch theo nghĩa đen là “Bản nháp đầu tiên của bất kỳ điều gì đều là cứt” bởi vì “shit” ở đây là tiếng lóng, dịch theo nghĩa đen thì… bỏ bu người viết.
Phải hiểu ý của Hemingway muốn nói rằng “Bản nháp đầu tiên của bất kỳ điều gì đều là đồ bỏ” hoặc “Bản nháp đầu tiên của bất kỳ điều gì đều như cứt”
Không hiểu sao tên Nguyễn Bách Khoa xuất hiện vào năm 1944?