Toàn văn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức vụ ông Thanh bị bắt cóc

BBC

2-8-2017

Ông Trịnh Xuân Thanh đã ‘ra đầu thú’, truyền thông Việt Nam dẫn thông báo của Bộ Công an Việt Nam hôm 31/7/2017 cho hay. Ảnh: internet

Toàn văn tuyên bố của Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức về quan hệ Việt Nam – Đức:

“Sau khi có những bằng chứng ngày càng rõ ràng và không còn cơ sở để nghi ngờ gì về sự tham gia của các cơ quan của Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin có tham gia vào vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin, Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức.

“Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là một hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có.

“Nhờ sự nhanh nhạy của các cơ quan thực thi pháp luật của Đức, vụ việc đã được phát giác. Giới chức thực thi luật pháp Đức nay cũng đang thực hiện các cuộc điều tra riêng của mình.

“Vụ việc như thế này có thể có ảnh hưởng tiêu cực to lớn tới quan hệ giữa Đức và nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Đây cũng là hành động phá vỡ lòng tin nghiêm trọng: tại các cuộc họp bên lề ở Hội nghị Thượng đỉnh G20, các đại diện cao cấp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhắc lại yêu cầu dẫn độ công dân Việt Nam này từ Đức về Việt Nam.

“Hôm qua Quốc vụ Khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, đã nói rất rõ điều này với Đại sứ Việt Nam. Ông cũng nêu rất rõ ràng với Đại sứ Việt Nam rằng Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh phải được phép trở lại Đức ngay lập tức, để yêu cầu dẫn độ và đơn xin tỵ nạn có thể được xem xét thể theo đúng tiến trình pháp lý.

“Hệ quả của vụ việc hoàn toàn không chấp nhận được này là chúng tôi tuyên bố đại diện chính thức cho cơ quan an ninh Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức là người không được thừa nhận và cho phép ông 48 tiếng để rời khỏi Đức.

“Chúng tôi cũng bảo lưu quyền có thêm các hành động khác nữa ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển.”

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây