Bản tin ngày 26/7/2017

Tin trong nước

Tin Biển Đông

Bản đồ các lô dầu ngoài khơi VN. Ảnh: PetroVN

VOA có bài: Việt Nam rút dự án khoan dầu Repsol: ‘hành động bất lực, hèn nhát. Bà Ann Đỗ, từ Úc, nói: “Nếu Việt Nam lùi hay rút lui dự án này do sợ sự đe dọa vũ lực của Trung Quốc thì có nghĩa là Việt Nam đã thua hoàn toàn về mặt xác lập chủ quyền của mình.”

TS Nguyễn Quang A bình luận: “Nếu đúng như thế thì đây là một hành động hèn nhát. Nhưng vì thiếu thông tin, nên chúng ta không nên đánh giá một cách vội vã như vậy. Cũng có những tin nói rằng việc thăm dò đã kết thúc, đã thu thập được đầy đủ dữ liệu, xong việc rồi thì rút. Nếu đúng như vậy thì chúng ta lại đánh giá khác đi”.

VOA đưa tin: Chuyên gia: ‘VN dừng dự án Repsol không làm TQ thôi tham vọng’. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận chuyện TQ đe dọa tấn công VN nếu Repsol tiếp tục khai thác.

Khi được hỏi, có phải Trung Quốc đã ép Việt Nam và công ty Repsol phải ngưng khoan dầu hay không, ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ không trả lời trực tiếp câu hỏi này, mà nói rằng: “Trung Quốc thúc giục bên liên quan dừng các hoạt động vi phạm đơn phương và có hành động thiết thực bảo vệ cho tình hình tích cực phải khó khăn mới có được ở Biển Đông”.

Nhà báo Bạch Hoàn đặt câu hỏi với TTXVN: “Tôi đã chờ đợi ở cơ quan này một bản tin khác. Một bản tin chỉ cần thông báo thôi là đủ. Chỉ cần một bản tin về tình hình Biển Đông của Việt Nam hiện giờ ra sao, đang xảy ra chuyện gì… Chỉ như vậy thôi, không cần đại ngôn hay bất cứ điều gì“.

Facebooker Bạch Hoàn viết tiếp, “những tháng ngày dư luận mong ngóng, lòng dân sôi sục, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin về việc tàu Trung Quốc vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản, nhưng họ hoàn toàn im lặng về những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội rằng tàu Trung Quốc đi vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Họ lo chuyện của nước khác. Nhưng, vấn đề của đất nước mình, chủ quyền của quốc gia mình, quyền lợi kinh tế của dân tộc mình, thì họ im lặng. Im lặng một cách nhục nhã“.

Sự kiện 4 ngư dân Bình Định bị bắn trọng thương

Báo Strait Times đưa tin, Hải quân Indonesia phủ nhận chuyện bắn bị thương 4 ngư dân Việt Nam. Bài báo cho biết, không có chuyện Hải quân Indonesia bắn ngư dân VN. Đại tá Gig Sipasulta, phát ngôn viên của Hải quân Indonesia nói rằng, hôm thứ Bảy 23/7, một tàu tuần tra của nước này đã chặn hai tàu đánh cá VN, vì nghi ngờ họ tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, phía bắc Natunas, và đã đuổi theo 2 tàu này bằng cách bắn những phát súng cảnh báo lên không trung.

Ông Gig Sipasulta nói với báo The Jakarta Post: “Như vậy, tuyên bố của phía Việt Nam không đúng sự thật. Hải quân luôn có một phản ứng phù hợp với chuẩn mực“. RFI có bài tóm lược từ AP: Biển Đông: Hải quân Indonesia bác bỏ tin bắn ngư dân Việt Nam. Báo Người Việt: Hải Quân Indonesia chỉ ‘bắn cảnh cáo’ 4 ngư dân Việt.

Bình luận về tin này, Facebooker Hưng Phạm Ngọc viết, “tuy chưa thể khẳng định lời của phát ngôn viên Hải quân Indonesia là 100% sự thật, nhưng việc 4 ngư dân có thể bị tàu TQ bắn là một nghi ngờ có cơ sở. Hơn thế nữa, trong khi Ban Tuyên giáo xây tường thông tin vây bọc sự kiện bãi Tư Chính, thì việc đổ vấy cho Indonesia để tránh dính TQ vào lại càng củng cố nghi ngờ. Tuy nhiên, nếu sự việc xảy ra như nghi ngờ thì lại mở ra một câu hỏi khác: TQ bắn ngư dân để làm gì? Nếu không phải tạo khủng hoảng?“.

Bài của TS Trần Công Trục trên báo GDVN: Các nguyên tắc pháp lý trên Biển Đông và sai sót cần khắc phục. Về sai sót, tác giả viết, trong các tài liệu của VN, vẫn còn sử dụng tên gọi theo tên Trung Quốc đặt, như: “Quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa, nhóm đảo Vĩnh Lạc, nhóm đảo Tuyên Đức, đảo Thái Bình, đảo Vĩnh Hưng, Trịnh Hòa, Thảm Hàng, Trung Nghiệp, Trung Kiến,…

Vụ đổ chất thải của Vĩnh Tân 1: Tiếp tục dối trá!

Về thông tin Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nói đã từng mời TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, tham gia dự án ở Vĩnh Tân 1, nhưng “ông không thể tham gia vì lý do sức khỏe”, ông An đã bác bỏ thông tin này.

Trả lời báo Pháp luật TP, ông nói: “Một lần nữa, tôi khẳng định là từ trước đến nay chưa có bất cứ một đơn vị, cá nhân nào liên lạc hay mời tôi tham gia dự án nhận chìm bùn, cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1. Thực tế, tôi cũng chưa bao giờ tham gia bất cứ một khâu nào của dự án. Tôi theo dõi báo chí, thấy lãnh đạo công ty này nói trong giai đoạn ban đầu khi xây dựng dự án, đơn vị tư vấn lúc đó là Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam có mời tôi tham gia là hoàn toàn sai sự thật.

Còn thông tin nói Công ty Vĩnh Tân 1 đưa màn chắn, phao quây ra vị trí nhận chìm để triển khai, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định: ‘Vĩnh Tân 1 triển khai quây vùng biển nhận chìm là sai’. Ông Huỳnh Thái Dương, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, nói tỉnh đang “kiến nghị chuyển sang hình thức khác chứ không thực hiện nhận chìm”.

Trong khi đó thì cho đến giờ phút này Bộ TN-MT vẫn “đang theo dõi, lắng nghe …”. À, đây rồi, có tin bên Chính phủ đây: Phó Thủ tướng (Trịnh Đình Dũng) chỉ đạo kiểm tra lại dự án nhận chìm sau buổi họp ngày 24/7 với các bộ có liên quan.

Đến chiều tối ngày 25/7, Chủ tịch VAST Châu Văn Minh xác nhận với báo Pháp luật TP, rằng “Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam (VAST) sẽ kiểm tra lại toàn diện vấn đề môi trường liên quan đến dự án nhận chìm gần một triệu mét khối vật liệu nạo vét cảng biển nhà máy điện than Vĩnh Tân 1”.

Phiên xử nhà hoạt động Trần Thị Nga

Bài trên VietNamNet: Tuyên phạt Trần Thị Nga 9 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước. Bài viết đưa tin về phiên xử chớp nhoáng, tuyên án bà Trần Thị Nga 9 năm tù, 5 năm quản chế, tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, điều 88 Bộ luật Hình sự.

Báo QĐND đưa tin: Tuyên phạt bị cáo Trần Thị Nga 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cho biết: “Trần Thị Nga còn viết, dán nhiều biểu ngữ có nội dung bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an, tẩy chay bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.”

Mời xem clip của TTXVN chiếu quang cảnh bên trong phiên tòa:

Tuyên phạt bị cáo Trần Thị Nga 9 năm tù về tội Tuyên truyền chống Nhà nước

Publié par VNEWS – Truyền hình Thông tấn sur mardi 25 juillet 2017

Còn đây là Luận cứ của LS Hà Huy Sơn trình bày tại phiên tòa. LS Hà Huy Sơn là một trong 4 luật sư đã bào chữa cho bà Trần Thị Nga. Bài của LS Lê Văn Luân: Phiên tòa sơ thẩm bà Trần Thị Nga.

Trong một status trên Facebook, ông Hà Huy Sơn viết về cảm nhận của ông tại phiên tòa, như sau: “Khi phiên toà bắt đầu, tôi có thói quen nhìn quét thẳng vào mắt từ Thẩm phán trở xuống đến hầu hết người của phe toà để đọc trong ánh mắt của họ nói lên điều gì. Tại phiên toà hôm nay khi tôi nhìn đến họ thì họ đều nhìn lẳng đi hoặc cụp mắt xuống. Đến khi giải lao thì tôi đơn độc trong những người này, họ không dám bắt chuyện với tôi. Khi tôi đến gần họ đều lủi chỗ khác như tránh hủi. Có điều tuyệt nhiên không thấy họ nói xấu sau lưng bị cáo hay nói động chạm bóng gió đến luật sư”.

Ông viết tiếp: “Trong phiên toà, không 1 phóng viên, báo chí, chỉ duy nhất 1 Thượng uý An ninh quay camera và chụp hình. Nếu phiên toà họ bắc loa ra ngoài cho công chúng nghe thì tôi xin bái phục sát đất lắm lắm“. Mời nghe clip Phỏng vấn LS Hà Huy Sơn về bản án của bà Trần Thị Nga

Về trang phục bà Trần Thị Nga mặc trước tòa, LS Hà Huy Sơn cho biết trong một bình luận: “Chị Nga nói tại toà: chị mặc trang phục khác của chị nhưng bị CA của trại lột truồng chị ra và bắt chị mặc bộ này.

Để biết thêm diễn biến phiên tòa, xin mời xem bài tường thuật trực tiếp từ báo Tiếng Dân. – Blog Tễu: Xử án Trần Thị Nga: tường thuật bên ngoài phiên tòa.  – Dân Làm Báo Tường thuật phiên toà xét xử sơ thẩm bà Trần Thị Nga  —  Phiên tòa xử Trần Thị Nga: bi hay hài kịch?  —  Giới hoạt động phẫn nộ trước bản án nặng của nhà hoạt động Trần Thị Nga (Thúy Nga)  —  VNTB/ Daily Mail: Người mẹ 2 con bị kết án 9 năm tù giam, 5 năm quản chế  — Phiên tòa xử Trần Thị Nga : Bi hay hài kịch?

Mời đọc thêm bài trên BBC: Tòa kết án nhà hoạt động Thúy Nga 9 năm tù, 5 năm quản chế. – VOA: Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị tuyên 9 năm tù, 5 năm quản chế. – RFA: Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị tuyên 9 năm tù  —  Các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối bản án dành cho Trần Thị Nga. Người Việt: Nhà tranh đấu Trần Thị Nga bị kết án 9 năm tù.

Trong khi đó, Quỹ Lương Tâm thông báo, quỹ sẽ bắt đầu hỗ trợ thân nhân nhà hoạt động Trần Thị Nga. Quỹ Lương Tâm cho biết, từ tháng 7/2017 Quỹ sẽ bắt đầu gửi hỗ trợ hàng tháng đến gia đình bà Trần Thị Nga. Dự kiến hỗ trợ cho đến khi bà Trần Thị Nga được tự do, “nếu tình hình tài chính của Quỹ khả quan”.

Cập nhật thông tin ông Lê Đình Lượng bị bắt

Bài trên VOA: Bắt Lê Đình Lượng, Việt Nam trấn áp tiếng nói tranh đấu. Bà Nguyễn Thị Quý, vợ của nhà tranh đấu Lê Đình Lượng nói với VOA: “Ông Lượng cùng với Thái Văn Hòa, Nguyễn Văn Huân và một người bạn nữa ra Quỳnh Lưu thăm vợ chú Oai, một nhà hoạt động còn đang bị cộng sản bắt giam, trên đường về Yên Thành, thì bị công an tỉnh chặn xe lại. Chú Hòa và ông Lượng bị bắt đưa lên hai xe ô tô chở về Vinh. Đến Vinh, chú Hòa được cho về. Chú Hòa hỏi ‘ông Lượng đâu?’ thì được trả lời ông Lượng phải chờ để lấy lời khai”.

Sự kiện Đồng Tâm

Hôm 25/7, trùng với phiên xử nhà hoạt động Trần Thị Nga tại Hà Nam, thì “Hà Nội chính thức công bố kết luận thanh tra đất Đồng Tâm”. Theo báo Dân Trí, bản kết luận thanh tra nêu rõ: “Thực tế không có diện tích 59 ha hoặc 49 ha đất mà ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu. Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng”.

Báo ANTĐ cho biết do có sự buông lỏng quản lý của UBND xã Đồng Tâm, để các hộ dân xây dựng không phép trên đất quốc phòng. Do vậy bản kết luận thanh tra đã yêu cầu các bên liên quan “có biện pháp thu hồi ngay những diện tích đất quốc phòng đang cho thuê, cho mượn, để bị lấn, bị chiếm, chuyển nhượng trái phép trong phạm vi đất được giao tại sân bay Miếu Môn và các địa điểm khác” và điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.

Lên tiếng với báo Dân Việt, cụ Lê Đình Kình nói rằng, “ông và nhiều người dân khác ở Đồng Tâm vẫn bảo lưu quan điểm đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), chỉ có 47,36 ha đã được cắm mốc giới rõ ràng, còn lại là đất nông nghiệp của người dân địa phương.

Còn Facebooker Nguyễn Anh Tuấn bình luận: “Hà nội công bố chính thức kết luận thanh tra: Vô cùng lươn lẹo, vô cùng bất lương”. Ông Tuấn viết, “lươn lẹo để biến nốt đất Đồng Sênh bên ngoài mảnh 47,36 ha, thành đất quốc phòng nốt, để làm căn cứ cho việc biến cuộc đấu tranh giữ đất của cụ Kình và tổ Đồng Thuận, thành ra cướp đất quốc phòng? Rồi căn cứ vào đó khởi tố bị can, đẩy họ vào tù tội? Lươn lẹo và ác độc như những con thú!

Báo QĐND trấn an “bạn vàng”

Trong mục “Chống diến biến hòa bình” của báo QĐND có bài viết: Kiên định đường lối đối ngoại quốc phòng độc lập, tự chủ, cho rằng “Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội tung lên mạng những bài viết mập mờ theo lối ‘rộng đường dư luận’, cùng thông tin bịa đặt, xuyên tạc để đánh lừa dư luận và gây hoang mang trong xã hội”. Bài báo cũng đả kích các ý kiến cho rằng, “Việt Nam sẽ cho nước ngoài thuê Cam Ranh làm căn cứ quân sự hoặc Việt Nam sắp liên minh quân sự…”.

Nhưng chính bài báo này đưa tin kiểu mập mờ, “một số hãng thông tấn nước ngoài cùng một số trang mạng, blog cá nhân đã lợi dụng chủ trương của Nhà nước ta về việc đưa Cảng quốc tế Cam Ranh vào khai thác, để tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Việt Nam nhằm chia rẽ quan hệ của Việt Nam với các nước.” Các nước ở đây là ai, nếu không phải ông “bạn vàng” của Đảng?

Chính phủ kiến tạo 4.0 của thủ tướng

Báo Dân Trí đưa tin, 13 Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh bị Thủ tướng phê bình vì giải ngân vốn đầu tư công quá chậm.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, khi yêu cầu nhiều bộ giải trình các vấn đề nhưng không có người đại diện nào dự họp. Ông nói: “Các Bộ trốn sạch, không có một ai, chỉ mấy chuyên viên không nắm được vấn đề thế này. Bộ KH-ĐT thì may có Thứ trưởng Đào Quang Thu tham dự ở đây nhưng là với tư cách thành viên Tổ công tác chứ không phải lãnh đạo Bộ”.

Ảnh không lời từ FB Huỳnh Bá Phương:

Chế độ phi nhân, con người vô cảm

Sự kiện gây chú ý cộng đồng mạng, Facebooker Hoa Thanh kể về hành trình gian nan đi xin giấy khai tử cho cha mình, nhưng vì sự tắc trách, hách dịch của các cán bộ phường, và có lẽ vì thiếu cái phong bì 200.000 đồng, mà cha cô không có được giấy báo tử để làm đám tang đúng ngày như kế hoạch. Đây là câu chuyện điển hình cho một xã hội băng hoại về luật pháp lẫn nhân tính, là sản phẩm của một chế độ mục ruỗng từ gốc rễ.

TS Nguyễn Quang A bình luận: “Ông Trọng (cựu bí thư HN), ông Chung: nếu đúng như phản ánh ở đây mà các ông không cách chức và nghiêm trị con mụ Hà phó chủ tịch phường và ông quan oắt con Hiếu thì các ông không xứng làm người!”

Nhà báo Mạnh Quân viết: “Cái nền hành chính tệ hại này, sau bao nhiêu năm hô hào cải cách, nó vẫn thế thôi. Vụ xin giấy chứng tử kia là một vụ điển hình nhưng rồi mấy bữa, lại đâu vào đấy. Cái thói vô cảm, những trò láu cá, tham nhũng vặt … để kiếm thêm tý tiền, để lại lì xì cho cô giáo của con, để dấm giúi vài tay bác sĩ khi đến bệnh viện… nó cứ quẩn quanh, quẩn quanh, làm mục ruỗng những trái tim, làm thối rữa những tâm hồn, dị dạng các khuôn mặt người …”

Kỷ cương nhà Sản

Báo VietNamNet đưa tin, vụ việc “Cả nhà làm quan ở Hải Dương: Điều chuyển em rể bí thư huyện” từ Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ làm… Chủ nhiệm UB Kiểm tra Huyện ủy.

Trong khi đó, trả lời báo Đất Việt, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương cho biết: “Cụ thể vừa qua, huyện Kim Thành đã điều chỉnh sắp xếp cho đúng quy định. Ví dụ như trưởng ban tổ chức huyện ủy Kim Thành được điều sang vị trí khác để làm sao cho đỡ nhạy cảm“.

Còn “quan” Trần Văn Hưng – Chánh văn phòng huyện uỷ Kim Thành thì bảo: “những  người thân của Bí thư và Phó Bí thư huyện uỷ đều được tuyển dụng và bổ nhiệm đúng quy trình, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được tín nhiệm trong cơ quan“.

Mục nát từ trên

Đài RFA có bài “Bạo lực gia tăng vì bức xúc và nghi ngờ trong xã hội” nêu tình trạng người dân “tự xử” khi bắt được người phạm tội, thay vì đưa ra pháp luật xét xử.

Theo bài viết, nguyên nhân của sự việc này là do người dân không còn tin tưởng vào pháp luật, cũng như không tin tưởng lẫn nhau nữa. Và để người dân có ý thức thượng tôn pháp luật, thì lãnh đạo dân phải thật sự là những tấm gương tôn trọng luật pháp cho dân noi theo.

Thủy điện xả lũ, cá nuôi chết đuối

Không cá chết phải do xả lũ, vì mọi chuyện đều thực hiện “đúng quy trình”, mà là 400 tấn cá chết do sặc nước. Đó là lời khẳng định của ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo báo Zing, mặc dù thủy điện Hòa Bình xả lũ làm hơn 400 tấn cá của dân chết, nhưng ông Chính cho rằng: “Ban chỉ đạo đã thông báo địa phương từ rất sớm. Chúng ta đã làm tốt công tác xả lũ, thực hiện đúng quy trình, quá trình xả lũ được đánh giá tốt, đảm bảo an toàn hạ du, không có thiệt hại về người. Đáng tiếc, một số hộ dân ở Tuyên Quang, Phú Thọ và Hòa Bình đã thiệt hại thủy sản, cá nuôi trên lồng bè do sặc nước”.

Chuyện gì đây?

Tin từ báo Thanh Niên: Tiếng nổ lớn phát ra khi máy bay bay ngang, 4 căn nhà hư hỏng. “Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 25.7, một tiếng nổ phát ra sau khi một máy bay bay ngang bầu trời thuộc khu vực KP.1, P. Bảo An, TP. Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận)“.

Bản tin này rất lạ vì không có thông tin máy bay của ai, của ta hay của “bọn lạ”? Nếu máy bay của ta thì chắc chắn Không quân VN đã biết chuyện gì xảy ra, tiếng nổ đó xuất phát từ đâu. Còn máy bay của bọn lạ thì, chẳng lẽ chúng đang làm chủ bầu trời Việt Nam?

Nhưng thông chi tiết hơn từ báo VNexpress, đó là máy bay huấn luyện của Trung đoàn không quân 937 đã gặp sự cố kỹ thuật “gây vụ nổ” khiến tường nhiều nhà dân hư hỏng. Tuy nhiên, bản tin của VNexpress cũng khó hiểu, khi không cho biết là máy bay tự gây nổ hay nó bị nổ do một vật thể khác tác động?

Đề nghị khai quật mộ tập thể ở Nghĩa trang Biên Hòa

Nhà báo Huy Đức đề nghị: Nên cho khai quật những ngôi mộ tập thể ở nghĩa trang Biên Hòa. Nhân chuyện tìm mộ tập thể chôn những người lính tử trận dịp Tết Mậu Thân ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, tác giả đề nghị cho khai quật những ngôi mộ tập thể ở nghĩa trang quân đội VNCH Biên Hòa.

Ông Huy Đức viết: “Đây là những ngôi một chôn xác những người dân chết xung quanh nghĩa trang trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh và, phần lớn là, xác của những người lính VNCH chết tại đó hoặc chết trong những ngày gần đó rồi được đưa về mà chưa kịp an táng… Chính những người lính Mỹ và VNCH đã giúp QĐND VN tìm lại các ngôi mộ tập thể ở TSN, ở sân bay Biên Hòa. Chính quyền hiện nay cũng nên đáp trả bằng cách để cho MTTQ và nhà chùa khai quật các ngôi mộ tập thể này”.

Cũng chuyện những người lính tử trận trong chiến tranh, Facebooker Quoi Nguyen thông báo: Thông tin về hài cốt lính mất tích. “Năm 1972 (mùa hè đỏ lửa) tại thôn Xuân Thái Đông, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Gia đình tôi có chôn cất 2 hài cốt lính VNCH, có thẻ bài mang tên Huỳnh Đạt và Huỳnh Phi (có thể là lính của sư đoàn 2 bộ binh hoặc sư đoàn 3 bộ binh). Vậy ai là thân nhân xin liên hệ số điện thoại 0919474926 để biết thông tin“.

Chuyện ông Hồ Chí Minh và ông Archimedes Patti

GS Ngô Vĩnh Long có bài trên Facebook, kể về những cuộc gặp gỡ giữa ông Archimedes Patti với ông Hồ Chí Minh qua 2 trang sách của ông Patti “Why Vietnam? Prelude to America’s Albatross“. Ông Patti là một trong 7 thành viên của nhóm tình báo Con Nai (Deer Team) thuộc cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân của CIA, đã từng giúp đỡ ông Hồ Chí Minh và Việt Minh hồi thập niên 1940.

Huy động vàng, USD trong dân

Không rõ chính phủ huy động vàng và đô la trong dân tới đâu rồi, nhưng chỉ trong vòng một năm đã có hơn 3 tỉ Mỹ kim từ Việt Nam chạy ngược qua Mỹ, đổ vào địa ốc.

Thôi thì thủ tướng ráng huy động thêm trong dân: Huy động USD trong dân: Huy động bằng cách nào? (BizLive). – Huy động USD, vàng trong dân: Cánh cửa mở còn nhiều rủi ro. (TTXVN) – Huy động USD, vàng trong dân: Làm sao để “hút” được nguồn vốn “chôn giấu” cực lớn? (BizLive). – Lãi xuất 0%, khó huy động vàng, USD trong dân (ANTĐ). – 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ: Bí ẩn tiền nổi tiền chìm (VNN).

Tin quốc tế

Trung Quốc do thám khắp nơi

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Đâu cũng thấy tàu do thám Trung Quốc. Tàu do thám quân sự Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi bờ biển nước Úc, ngay khi có cuộc tập trận với hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ và Úc: “Bộ Quốc phòng Úc ngày 22-7 xác nhận một tàu do thám quân sự thuộc lớp Type 815 Đông Điều của hải quân Trung Quốc đã xuất hiện ngoài khơi bờ biển tây bắc Úc. Vị trí của con tàu rất gần khu vực đang diễn 
ra cuộc tập trận hải quân Talisman Saber“. Bản tiếng Anh trên báo Úc tại đây.

Không chỉ do thám khắp nơi trên thế giới, mà hầu hết người dân TQ cũng bị chính quyền kiểm soát. RFI có bài: Trung Quốc: Mọi ngõ ngách trên Internet đều bị kiểm duyệt.

Ông Michel Bonnin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội EHESS cho biết: “Biện pháp kiểm soát của Trung Quốc mạnh mẽ hơn bất cứ biện pháp nào của các chế độ độc tài ở châu Phi và châu Mỹ la tinh. Người ta không thấy có bạo lực vì mọi thứ đều bị kiểm soát ngay từ khi mới bắt đầu. Không gì có thể thoát khỏi vòng kiểm soát của Tập Cận Bình, và những người phản kháng ngày càng chịu nhiều sức ép. Một người như Lưu hiểu Ba, người luôn tôn trọng nhân văn, hòa bình và lòng bao dung là kẻ thù truyền kiếp cần đánh bại”.

Trung – Hàn

Bài trên VOA: Đối sách hai mặt của Bắc Kinh trên hồ sơ Bình Nhưỡng. Tác giả Thiện Ý nhận định rằng, Bắc Kinh đã và đang thực hiện đối sách hai mặt trên hồ sơ hạt nhân Bắc Hàn. Tác giả viết: “Lá mặt là Trung Quốc bề ngoài cố tạo ra cho chế độ Bắc Triều Tiên “bộ mặt độc lập tự chủ” và mối quan hệ Trung-Triều là quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia có chủ quyền… Lá trái là thực chất mối quan hệ Trung -Triều là quan hệ bất bình đẳng và lệ thuộc toàn diện“.

Chính trường Mỹ: Ngoại trưởng Mỹ sẽ từ chức?

CNN có bài: Một cơn ớn lạnh phát ra từ Nhà Trắng đến Bộ Ngoại giao, cho biết, khả năng Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ từ chức sớm hơn kế hoạch ra đi của ông cuối năm nay. Báo Independent đưa tin: Rex Tillerson có thể sẽ từ chức ngoại trưởng vì thất vọng về chính quyền Trump. Bài báo cho biết, có nhiều sự khác biệt giữa Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ về chính sách ngoại giao, cũng như những bất đồng giữa ông Tillerson với Jared Kushner, con rể của ông Trump.

Một nguồn tin thân cận nói với trang American Conservative, rằng: “Ông ấy [tức Tillerson] không được chấp thuận bất kỳ sự bổ nhiệm nào và cứ phải chạy khắp thế giới để dọn dẹp cho tổng thống vì cố vấn chính sách đối ngoại của ông ta [tức tổng thống] là một tay nghiệp dư 36 tuổi! [tức con rể Trump]

Tổng thống Mỹ sẽ sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Session?

Có vẻ như tổng thống Mỹ định sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Sáng nay, ông Trump đã tweet 2 lần về ông Jeff Sessions. Trump viết trong một cái tweet như sau: “Bộ trưởng Tư pháp Jeff Session có lập trường RẤT yếu về tội lỗi của Hillary Clinton (máy chủ DNC và emails ở đâu) và về những người rò rỉ thông tin tình báo“.

Cũng có thể Trump lên tiếng trên Twitter để ông Session đọc được mà từ chức. Bà Louise Sunshine là người từng làm việc với ông Trump suốt 16 năm, nói rằng: “Ông ta nói rõ rằng bạn đã làm cho ông ta tức giận, và bạn nằm trong danh sách của ông ta. Ông ta nhớ dai và làm cho cuộc sống của bạn đau khổ. Có thể sẽ dễ dàng hơn nếu Jeff Sessions nhận được thông điệp và từ chức“.

Khi được hỏi, liệu ông Trump sẽ sa thải Bộ trưởng Sessions, ông Anthony Scaramucci, Giám đốc Truyền thông tòa Bạch Ốc mà Trump mới bổ nhiệm hôm thứ Sáu tuần qua, trả lời radio host Hugh Hewitt, rằng “có thể tin này đúng“.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng, bà Sarah Huckabee Sanders và bà cố vấn Kellyanne Conway, thân cận với Trump, cũng xác nhận thông tin này, rằng ông Sessions đã làm cho Trump tức giận vì rút lui khỏi cuộc điều tra chuyện Nga xen vào bầu cử ở Mỹ. Do ông Sessions rút lui, để ông Thứ trưởng Bộ Tư pháp là Rod Rosenstein bổ nhiệm ông Robert Mueller làm Công Tố viên độc lập, điều tra vụ Trump – Nga, nên bây giờ Trump gặp rắc rối.

VOA: Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions dưới hai gọng kềm. – Người Việt: TT Trump: ‘Rất thất vọng’ nhưng chưa định cách chức Bộ Trưởng Sessions.

Giám đốc Truyền thông của Trump sa thải người đầu tiên

Ông Anthony Scaramucci, Giám đốc Truyền thông mà Trump bổ nhiệm 4 ngày trước, chuẩn bị sa thải người đầu tiên là ông Michael Short, phụ tá Thư ký Báo chí tòa Bạch Ốc, vì nghi ngờ ông Short đã rò rỉ thông tin ra ngoài cho báo chí. Nhưng ông Short nói, ông không rò rỉ thông tin và nói cáo buộc đó là sai lầm.

Clip của bà Betty Bowers, chế nhạo ông Scaramucci và Trump về chuyện rò rỉ tin:

Nhận định về những sự kiện đang diễn ra trong chính trường Mỹ, nhà bình luận Lê Minh Nguyên có bài: Cảm giác chiến tranh. Tác giả lo ngại, có khả năng TT Trump sẽ khởi sự chiến tranh với Bắc Hàn.

Nhưng tác giả vẫn lạc quan khi kết luận: “Chính quyền TT Trump chỉ kéo dài 4 hay 8 năm tối đa, nên chỉ là hiện tượng nhất thời trong lịch sử HK. Các yếu tố thiên nhiên, địa chính trị, sức mạnh nội tại của đại khối quần chúng, nền dân chủ pháp trị vững chắc, nền giáo dục đại chúng rộng sâu… cho phép HK vẫn là siêu cường số một trong ít nhất là thế kỷ 21 này. Nhưng trước mặt thì dường như có tanh tanh mùi thuốc súng“.

Bình Luận từ Facebook