Monique vẽ chân dung ai? Hay là sự lạm bàn về tấm gương đạo đức
Nguyễn Hoa Lư
23-7-2017
Muốn phác họa chân dung một ai đó, người họa sĩ cần đến cọ và “toan”, các nhạc sĩ thì dùng những nốt nhạc và lời ca, các nhà văn, nhà thơ, nhà sử học vẽ chân dung bằng những trang viết. Có một nhân vật này rất nổi tiếng, tôi mang chân dung đi hỏi 100 người, tất cả đều trả lời sai, và oái ăm thay, tất cả đều mắc chung một lỗi.
Nhưng trước hết phải giới thiệu tác giả “bức họa” là Monique Brinson Demery, một phụ nữ Mỹ. Năm 1997, bà nhận được học bổng của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đến Việt Nam học tiếng Việt, sau nhận bằng thạc sĩ về Đông Á học của Harvard. Năm 2013, bà xuất bản một cuốn sách dày hơn 350 trang khổ lớn viết về lịch sử đương đại VN.
Monnique dành ra hai trang trong cuốn sách để đặc tả chân dung đời thường của một nhân vật. Tôi gọi nhân vật là “cụ” hay “ông cụ” như cách gọi các bậc cao niên. Và để không làm khó bạn đọc, tôi xin đưa ra năm gợi ý sau đây:
1) Ông cụ sinh ra trong một gia đình ở “miền Trung Việt Nam… được thấm nhuần từ cha mình những phẩm cách của một nhà dân tộc chủ nghĩa chống Pháp và chống thực dân”.
2) Đã có thời gian cụ “hy vọng rằng người Mỹ sẽ giúp người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp”.
3) Dòng chảy của lịch sử Việt Nam hiện đại chịu ảnh hưởng bởi các quyết sách mà cụ đưa ra.
4) Cụ qua đời trong thập niên 60 của thế kỷ trước.
5) Lúc sinh thời, sau khi mất và mãi đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, vẫn có hằng triệu người Việt muốn phong thánh cụ, và không ít người muốn đào mồ chôn cụ xuống mấy tầng địa ngục.
Bạn đừng vội trả lời, hãy kiên nhẫn ngắm “bức chân dung” dưới đây, bà Monique đã vẽ lại qua lời kể của một người lính cận vệ. Tôi đã làm nhòe vài chi tiết bằng cách xóa đi một số câu trong tác phẩm, với mục đích muốn làm khó người đọc chứ không hề làm thay đổi chân dung người được khắc họa.
Cụ sống trên tầng hai tòa cổ Dinh của Pháp có sàn gỗ trơ trụi. Chỗ ngủ của cụ kê liền văn phòng, nơi cụ trải qua hầu hết thời gian khi thức. Đồ đạc bao gồm một chiếc bàn tròn bằng gỗ và một chiếc ghế da mòn vẹt. Ông cụ thường ăn cháo với cá kho (cá nhỏ). Những bữa trưa và tối của cụ rất đơn giản, gồm cơm và rau cải, thịt heo chỉ rán hoặc vài loại cá nào đó. Ông cụ có sở thích giản dị, ăn gần như cùng một thực đơn trong mọi ngày. Cụ (thậm chí) đã dùng tiền lương của mình cho người hoạn nạn để giúp họ ổn định cuộc sống…
Sau giờ làm việc, ông cụ thường tản bộ qua những mảnh vườn tược trong Dinh. Khi các chức sắc ngoại quốc viếng thăm, mang theo trái cây và những thứ cao lương mỹ vị như một món quà từ xứ họ, ông cụ dành phần ngon cho những vệ sĩ; chỉ kêu họ đưa lại hạt để cụ trồng chúng trong khu vườn của mình…
Người vệ sĩ đưa ra một kết luận ngắn gọn về ông cụ, rằng cụ có “nhiều nét thánh thiện” và “có cuộc sống khổ hạnh như một thầy tu”.
Bạn thân mến, bây giờ thì chắc bạn đoán biết đó là ai rồi. Tôi mong là như vậy. Nếu ai còn băn khoăn, mời tìm đọc cuốn sách của Monique, đã được dịch sang tiếng Việt[1], trang 146-147.
Ông cha xưa thường nói “được làm vua thua làm giặc”, vậy giặc hay vua chỉ khác nhau ở chuyện được và thua ngoài chiến trường mà thôi. Lại theo nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ thì được thua là chuyện thường tình, “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh”. Một bậc vĩ nhân hay một người bình thường, điều cuối cùng còn lại trên cuộc đời này chính là “thanh danh”, nôm na là đạo đức. Mà đạo đức thì không thể là sự độc quyền của bất kỳ ai trên trần thế gió bụi này, vì vậy không thể bắt tất cả mọi người cùng học một tấm gương được. Đó là quan niệm man rợ của thời mông muội.
PS: Nếu bạn nóng ruột muốn xác thực câu trả lời của mình, tôi xin đưa đáp án, người đó là Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng. Và đây là chân dung cóp từ internet.
[1] Madam Nhu Trần Lệ Xuân, quyền lực của bà Rồng, NXB hội nhà văn, 2016.