Nguyễn Hoa Lư
19-7-2017
Ngày 10 tháng 5 năm 2017, kỷ niệm 20 năm ngày mất của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhiều tờ báo viết bài ca ngợi ông, gọi ông là “bậc tiên tri”[1], “một người uyên bác và thẳng thắn”[2], người có “tư tưởng canh tân đất nước”[3]… Sinh thời, bác sĩ Viện được tôn xưng với nhiều danh hiệu: nhà báo, nhà văn, nhà sử học không chuyên, đồ Nghệ, nhà bác học, người Pháp gọi ông là nhà thơ vì đã chuyển ngữ Truyện Kiều sang tiếng Pháp với tâm hồn của một thi nhân. Nhưng có lẽ ông tâm đắc nhất với hai danh hiệu “sĩ phu hiện đại” và “nhà văn hóa”[4].
Trên không gian ảo, người ta vẫn truyền nhau một bức thư ngắn đề ngày 30 tháng 11 năm 1986 của bác sĩ Viện. Tôi đọc thư, hình dung về ông, 73 tuổi, mình hạc xương mai, cúi người bên chiếc máy chữ, hai bàn tay lướt nhanh trên bàn phím.
Thư ngắn gửi một quan đại thần của triều đình, cũng là đại thần của thi ca cách mạng Việt Nam. Những dòng thân tình nhưng cũng thật nghiêm khắc. “Anh Tố Hữu ạ, trước kia đọc thơ anh, dịch thơ anh cảm hứng đằm thắm bao nhiêu thì nay thấy ngán bấy nhiêu… Chúng tôi thấy anh càng quyền cao chức trọng, đọc thơ anh càng thấy nhạt nhẽo. Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền là chôn vùi sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân…”
Chính sử không viết, hậu thế vì vậy không biết bức thư của vị “sĩ phu hiện đại” có được gửi đi hay không, có đến tay Tố Hữu và phản ứng của vị đại thần ra sao.
20 năm sau ngày ông mất, tôi ngồi đọc cuốn sách “Việt Nam, một thiên lịch sử” của ông. Cuốn sách được truy tặng giải thưởng nhà nước năm 2000, được ca ngợi là “vừa đậm đà phong cách văn học vừa mang tính chính luận sâu sắc và bản sắc dân tộc” (Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình), “bút pháp của ông ngắn gọn, nghiêm cẩn những sâu sắc, hấp dẫn” (Mai Quốc Liên), “là công trình khoa học lớn” (Hoàng Tùng).
Dù được “bảo đảm” bằng giải thưởng nhà nước và những lời tán dương nồng nhiệt của nhiều tác giả tên tuổi, tôi đã đọc cuốn sách một cách khó nhọc, đã buồn bã suy tư và viết những dòng này. Trong một tâm trạng bình tĩnh, tôi không chờ đợi kiểu nhún nhường “nếu có điều gì sai sót, mong người đọc lượng thứ”. Nếu tôi bị ném đá vì đã vội vàng đưa ra những nhận định nông cạn và sai lầm về bác sĩ Viện thì tốt biết bao nhiêu, cho cuộc đời, cho danh tiếng của người mà tôi đặc biệt kính trọng.
Những hạt sạn trong “Việt Nam một thiên lịch sử”
Trình bày thiên lịch sử bi hùng của dân tộc, từ thời thượng cổ đến những năm cuối cùng của thập kỷ 90 của thế kỉ trước trong 500 trang sách thực sự là một thách thức cho bất kỳ ai. “Ngọc còn có vết, việc đời đa đoan”, nếu đây đó trong 500 trang sách có chỗ cần bàn lại thì cũng là sự đương nhiên.
+ Về Nguyễn Du và Truyện Kiều (Trang 176-180)
Tác giả dành riêng một bài, trân trọng viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều. (Thật thú vị, ba cha con nhà Nguyễn Khắc mê kiều vô cùng. Nguyễn Khắc Niêm và Nguyễn Khắc Dương rất hay lẩy Kiều, Nguyễn Khắc Viện dịch Kiều ra tiếng Pháp). Tuy vậy, khi ca ngợi nội dung có tính Kiều “hiện thực cao”, “tố cáo chế độ phong kiến áp bức và thối nát một cách thích đáng”, “ca ngợi tình yêu của những đôi trai gái tự do tìm đến nhau”… mà không nhắc đến “kim Vân Kiều” thì đó một thiếu sót đáng ngạc nhiên, bởi công đầu trong nội dung truyện Kiều phải là Thanh Tâm Tài Nhân.
Cụ Viện có sự nhầm lẫn khi viết rằng: “Thế rồi, dưới ngọn bút của Nguyễn Du, nàng Kiều sau bao phen bị cuộc đời tàn bạo chà đạp, phải biến thành gái làng chơi, đã nói với người yêu mình rằng nàng vẫn còn trong trắng, bất chấp mọi dập vùi, rằng tính yêu chung thủy phải được quan niệm một cách nhân đạo hơn là cách nhìn của những kẻ đạo đức giả”. Thực ra đó là lời Kim Trọng an ủi người yêu, sau 15 năm lưu lạc, khi nàng một mực tự nhận “Thiếp từ ngộ biến đến giờ/ Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa” và khăng khăng “Nghĩ mình chẳng hổ mình sao/ Dám đem trần cấu dự vào bố kinh”.
Dù tựa đề “Nguyễn Du và Truyện Kiều”, khi nhắc đến Nguyễn Du không thể không nói đến di sản đặc biệt quý giá là ba tác phẩm thơ chữ Hán, “Thanh hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm” và “Bắc hành tạp lục”. Nguyễn Khắc Viện dành đúng một câu để giới thiệu về ba tập thơ này như sau: “Trong các bài thơ chữ Hán, Nguyễn Du miêu tả nỗi thống khổ của những người nghèo bằng những lời thắm thiết”. Tập thơ với 203 bài[5] mang nặng tâm sự và thái độ của Nguyễn Du với cuộc đời, với các triều đại, với những nhân vật lịch sử bằng những vần thơ trữ tình-triết học trác tuyệt. Nói rằng các tập thơ này “miêu tả nỗi thống khổ của những người nghèo” thật sự không chính xác.
+ Những đánh giá về Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (Trang 229-231)
Bác sĩ Viện khẳng định: “Nhân vật nổi bật nhất trong phong trào yêu nước 20 năm đầu thế kỷ XX là Phan Bội Châu”. Rằng Phan Bội Châu “lập ra một tổ chức mới – tổ chức Duy Tân. Duy Tân chủ trương tổ chức lại lực lượng trong nước, đồng thời cử người ra nước ngoài học tập kỹ thuật mới về quân sự và chính trị, chuẩn bị đấu tranh vũ trang”. Với Phan Chu Trinh, bác sĩ Viện viết “Chủ nghĩa cải lương của Phan đã không cứu được ông khỏi bị nhà cầm quyền thuộc địa bắt vào năm 1909, và chỉ nhờ sự can thiệp của các nghị sĩ Pháp, ông mới được cứu thoát”.
Ba câu trích ở trên có hai điều cần bàn lại.
Đầu tiên, việc đánh giá Phan Bội Châu là “nổi bật nhất” và Phan Chu Trinh là “cải lương” không còn đúng ở thời hiện tại. Ngày nay, con cháu càng ngày càng thấm thía và muốn đi theo con đường “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do Phan Chu Trinh đề xướng.
Thứ hai, thông tin viết về Phan Chu Trinh trong câu đã dẫn ở trên là không chính xác. Trên thực tế, cụ Phan hai lần ngồi tù, Nguyễn Khắc Viện đang nói về lần thứ nhất. Lần đó Phan Chu Trinh bị kết án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (tội chém nhưng chỉ giam lại, đày xa ba ngàn dặm, gặp ân xá cũng không cho về), bị đày đi Côn Đảo ngày 4 tháng 4 năm 1908. Sau nhờ dư luận trong nước và sức ép của hội nhân quyền Pháp, đầu mùa hè năm 1910, Thống đốc Nam Kỳ theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương ra Côn Lôn thẩm vấn riêng Phan Châu Trinh. Tháng 8 năm đó, ông được đưa về đất liền. Tại Sài Gòn, một hội đồng xử lại bản án cho ông được ân xá, nhưng buộc xuống Mỹ Tho chịu quản thúc.
+ Viết về Phạm Hồng Thái (trang 254)
Lịch sử ghi rõ, liệt sĩ Phạm Hồng Thái, 28 tuổi, trước khi thực hiện mệnh lệnh có để lại di thư “Hồng Thái tôi vâng mệnh toàn thể hy sinh vì 40 triệu đồng bào[6], chết không hề nuối tiếc; những mong kêu cứu trên toàn thế giới để cho dân tộc Việt Nam được tồn tại trên trái đất này thì Hồng Thái tôi cũng yên lòng nơi chín suối“[7]. Quả bom Sa Điện vì nghĩa lớn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sao bác sĩ Viện mô tả “phải nhảy xuống sông Châu Giang rồi chết đuối”? Hai chữ “chết đuối” đặt ở đây e mắc tội với vong linh vị anh hùng Phạm Hồng Thái?
+ Văn học nghệ thuật (Trang 446-450)
Bài này nằm trong chương 9, viết về xây dựng những cơ sở đầu tiên của CNXH. Vậy nên tác giả chỉ đề cập đến các tác giả của nền văn học XHCN. Điều này hiển nhiên. Nhưng trong tập sách không có bài viết nào đề cập nền văn học nghệ thuật của nửa đất nước còn lại. Trong một công trình biên niên lịch sử dân tộc thì đó là một khoảng trống thật khó lý giải.
Theo bác sĩ Viện thì những lớp nhà văn lãng mạn trước 1945 đã có một “sự chuyển hóa sâu sắc” và dẫn ra các tên tuổi: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Huy Cận… Bác sĩ Viện đánh giá: “Những luận văn chính trị, đặc biệt của các nhà lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, với văn phong súc tích, ngôn ngữ tinh tế, đã là những tác phẩm văn học đánh dấu một thời kỳ.” Nhận định sau được lăp lại đến hai lần, lần đầu trong bài Phong trào văn học 1930-1945, bác sĩ Viện đã “lưu ý” rằng các luận văn chính trị của các nhà lãnh đạo Đảng là “những mẫu mực xuất sắc của văn xuôi mới Việt Nam”. Bây giờ nhìn lại, độc giả có cảm thông với nhận định “chuyển hóa sâu sắc” của lớp các nhà thơ lãng mạn và sự “súc tính, tinh tế”, “mẫu mực xuất sắc” trong các luận văn của các nhà lãnh đạo? Trong thực tế, các nhà thơ lãng mạn bà bác sĩ Viện nêu ra, không một ai vượt qua được những thành tựu của bản thân trước khi đi theo Đảng. Một người bạn của tôi nhất định muốn bạn đọc thưởng lãm văn phong của cụ Đồng qua lời giới thiệu của cho cuốn “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học[8]. Lời giới của Ông Đồng gồm bốn câu. Câu đầu viết “Quyển từ điển tiếng Việt này là quyển từ điển đầu tiên ở nước ta…” . Câu cuối viết “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh công trình này và thân ái gởi đến các đồng chí có công trong việc biên soạn những tình cảm nồng nhiệt của tôi, đồng thời cũng đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao công trình quan trọng này, chuẩn bị biên soạn một bộ từ điển tốt hơn sau này”[9].
+ Viết về những sĩ quan trong chế độ Việt nam Cộng Hòa (Trang 455-456):
“Từ năm 1954, hàng ngàn sĩ quan đã được Mỹ đào tạo và nhồi sọ, phần đông là những phần tử lưu manh, những kẻ mất gốc thèm khát đô la… Chúng giàu có lên ghê gớm bằng những cuộc cướp bóc trong các đợt hành quân, các vụ buôn lâu hàng hóa, vũ khí, ma túy, chúng cài bà con thân thích vào những vụ áp phe béo bở – xuất nhập khẩu, khách sạn, đĩ điếm, ma túy… Bọn đâm thuê chém mướn được dùng để thực hiện những công việc hèn hạ như tra tấn, tàn sát, đốt nhà, mưu sát… Một bộ máy tuyên truyền đồ sộ nhằm đầu độc tư tưởng văn hóa…”.
Hơi văn sang sảng không khí áp đặt, mạt sát. Thật khó tưởng tượng rằng đánh giá này được viết ra gần 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc? Lời khen của nhà báo cách mạng lão thành Hoàng Tùng “ngắn gọn, nghiêm cẩn, sâu sắc, hấp dẫn” khiến tôi thực sự khó xử.
+ Viết về các vấn đề của đất nước trong tương lai (Trang 530-537)
Đây là bài kết thúc cuốn sách, tác “chốt lại” những vấn đề trọng đại trước mắt của đất nước. Trong bài có đoạn sau đây.
“Một khi chính quyền đã ở trong tay một nhà nước Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thì con đường đã được vạch ra sáng tỏ:
– Xóa bỏ chế độ phong kiến, loại trừ từng bước CN Tư bản và nền kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường.
– Cải cách rộng đất triệt để và hợp tác hóa nông nghiệp, đích cuối cùng là thành lập những nông trường quốc doanh.
– Phát triển nhanh chóng khu vực kinh tế nhà nước nắm trong tay toàn bộ quá trình sản xuất – phân phối của cải vật chất theo một kế hoạch chi phối mọi chi tiết của hoạt động kinh tế.
– Hội nhập vào “phe XHCN”, đối lập với “phe đế quốc chủ nghĩa”.
Cả bốn quyết tâm “xóa bỏ”, “cải cách”, “phát triển” và “hội nhập” mà bác sĩ Viện đưa ra ở trên chỉ có một giá trị duy nhất. Ấy là việc gợi lại cho các độc giả đã qua tuổi tri thiên mệnh rùng mình nhớ về những đợt học chính trị vô vị, buồn chán và dài lê thê của 30 năm về trước.
+ Một ý nhỏ về văn phong
Tôi chỉ đọc được bản dịch, văn phong có thể không phải là của chính tác giả. Cứ liệt ra đây để người đọc suy xét. Câu trích dẫn sau đây có phong vị đặc trưng của một tài liệu tuyên truyền thời Việt Nam đang là lương tri thời đại, dân chúng đang hồ hởi chờ xem cơn giãy chết của CNTB. Câu văn dài tưởng như bất tận, chan chứa niềm lạc quan bất tận về tương lai đất nước.
“Ngay từ 1977, toàn thể các bộ máy của Đảng và của nhà nước, cũng như các tổ chức quần chúng – Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn, Mặt trận tổ quốc, đều được huy động cho một chiến dịch rầm rộ nhằm xóa bỏ tư thương, cải tạo các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa ở Sài Gòn thành xí nghiệp quốc doanh hoặc liên doanh, đưa tất cả nông dân miền Nam vào các hợp tác xã nông nghiệp; những hợp tác xã đã có ở miền Bắc phải nhanh chóng tiến lên quy mô đại công xã”.
+ Một câu hỏi bỏ ngỏ
Viết về văn hóa xã hội, về trí thức mà bỏ qua, không có một dòng nào về câu chuyện “nhân văn giai phẩm” (?), thực sự là một câu hỏi khó về “bản lĩnh” của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
Thử tìm hiểu về tâm hồn Nguyễn Khắc Viện qua hai trang viết về Cải cách ruộng đất (Trang 369-372)
Khi cầm tập sách “Việt nam một thiên lịch sử”, đầu tiên tôi chọn đọc bài viết về cải cách rộng đất. Hai lý do rất đơn giản sau đây.
Thứ nhất, Nguyễn Khắc Viện có một số phận rất đặc biệt. Cha ông, cụ Nguyễn Khắc Niêm, vốn là vị quan đại thần triều Nguyễn, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tham tri Bộ Hình, hai lần giữ chức Phủ Doãn phủ Thừa Thiên, Tuần vũ tỉnh Khánh Hòa, Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa. Cụ Niêm về hưu năm 1944. Sau 1945 cụ Niêm tham gia nhiều tổ chức văn hóa kháng chiến từ hội đồng nhân dân xã đến ủy viên chấp hành Liên Việt Liên khu IV. Lúc rảnh thì khám bệnh bốc thuốc giúp đỡ bà con trong vùng. Đến CCRĐ, ông cụ Niêm bị đấu tố, rồi bị chết trong trại. Toàn bộ gia sản bị tịch thu, gia đình bị đẩy ra đường. Nghiên cứu thái độ của Nguyễn KhắcViện về vấn đề này có thể mang đến nhiều giải đáp thú vị.
Thứ hai, cá nhân tôi rất quan tâm đến “cái tôi vô danh và đáng ghét” của các tác giả, cho dù họ viết về những vấn đề vĩ đại nhất của lịch sử và thời đại. Trên bàn tôi có hai tập sách mỏng nổi tiếng “Những câu chuyện lịch sử khác thường”[10] của Jim Pipe. Hai tập sách viết về hai cuộc chiến tranh thế giới. Những thảm khốc của chiến tranh, sau khi dẫn ra những số liệu ấn tượng, Jim viết “nỗi kinh hoàng chưa dừng lại ở đó”. Tác giả lấy ngay câu chuyện trong gia đình mình. “Cụ tôi là James J. Sanders gia nhập quân đội Canada… Trung đoàn của cụ nghỉ chân trong một rạp chiếu bóng. Bệnh dịch lan nhanh như lửa cháy, chỉ trong vòng vài ngày, cả trung đoàn đều bị ngã gục, chỉ một người không bị lây bệnh có lẽ là do uống rượu whisky… Người chết vì dịch bệnh còn nhiều hơn cả vì chiến tranh”. Cuộc chiến cuốn vào vòng xoáy của nó khoảng 65 triệu người thuộc 28 quốc gia. Ông cụ James là một hạt cát. Nhưng đó là một hạt cát có địa chỉ, có số phận. Chi tiết riêng tư nhưng lại góp phần làm nên đẳng cấp của một tác giả lớn.
Quay lại với cụ Nguyễn Khắc Niêm, Nguyễn Khắc Dương viết về cha mình. “Hình ảnh người bắt chân chữ ngũ, tay phe phẩy chiếc quạt nằm dài trên tấm phản ngựa kê trước thềm nhà dinh Tham Tri Bộ Hình ở Huế, tay gác lên trán, ngâm thơ với giọng hơi trầm dưới ánh hoàng hôn, có một cái gì buồn nản, tuy nhẹ nhàng không bi đát lắm nhưng thật thấm thía. Năm 1945, ông tâm sự với con “là người có ăn có học, tự thiếu thời, thày không phải không biết đến cái nhục mất nước; và các cụ Cách Mạng chí sĩ có ý khuyến dụ thầy, nhưng một mặt thày thấy không thể thành công, mặt khác thì biết mình là người thiếu đảm lược gan dạ, sợ không dám dây mình vào “đại sự” chẳng những không lợi ích gì mà còn có thể hại đến đại sự của các cụ, nên thầy từ chối. Ra làm quan có chăng cũng là cái nghề sinh nhai, miễn đừng gây nên tội ác gì, chỉ mong sống bình yên lương thiện, nuôi vợ con”.
Tính cách hàng ngày của cụ Niêm có thể suy ngẫm thêm qua cách cụ dạy các con. “Mỗi khi quét mạng nhện chăng ở trần nhà hay góc tường, thầy cấm không được giết các con nhện chạy trốn. Cụ bảo: mình đã phá nhà người ta chưa đủ hay sao lại đuổi theo giết người ta nữa.” Gọi mạng nhện là “nhà người ta”, sao lại có người cha nhân từ đến vậy!
Vậy nhưng ngoài việc bị đấu tố và chết trong trại cải tạo, cả gia đình cụ chịu tai họa. Lời Nguyễn Khắc Dương: “Mẹ già tôi! Đã cần kiệm giúp thân phụ tôi giữ được thanh liêm trong lúc làm quan! Từ bị trói suốt một ngày trời để bắt nhận tội xúi dục con mình ăn trộm buồng chuối trong thửa vườn mà trước đó vài ngày mình còn là chủ nhân sở hữu. Mẹ già tôi! Hơn 20 năm với hai bàn tay trắng theo nghĩa đen, nuôi con khôn lớn sau khi chồng bị đấu tố, chết trong trại học tập và bị tịch biên toàn bộ gia sản, không ai dám thuê mướn, giúp đỡ hay chào hỏi, phải rời bỏ quê nhà “đi tha hương cầu thực” theo nghĩa đen!”
Không chỉ riêng gia đình, cả dòng họ Nguyễn Khắc và nhiều gia đình khác trong vùng bị tan nát. Nguyễn Khắc Dương viết: “Mẹ tôi! Sao lại không tự tử năm 54 như hai bà cô của tôi, như bà cụ thím của thân phụ tôi, như ông dượng chồng bà dì tôi, như biết bao nhiêu người khác đã làm trong hoàn cảnh tương tự! Thần lực nào đã giữ cho hai hàm răng của người lại để khỏi cắn lưỡi mà chết đi cho rảnh nợ đời…”
Trong “Việt Nam một thiên lịch sử’, CCRĐ được Nguyễn Khắc Viện viết trong 2 trang sách. Rất lạ, ở đó chỉ có âm hưởng hào hùng như một bản hùng ca. Chỉ có thắng lợi, chỉ có quyết tâm, quyết liệt để đạt đến thành tích “hàng trăm ngàn hecta đất đã được cấp phát cho dân nghèo”. Trong đó “Nông dân gợi lại những nỗi khốn khổ và nhục nhã của mình, vạch trần hành vi tham nhũng và tội ác của địa chủ, cường hào, những xấu xa của chế độ cũ… Phát động quần chúng thực hiện cuộc CCRĐ đã tạo nên niềm phấn khởi trong nông dân”.
Với giai cấp địa chủ Nguyễn Khắc Viện dùng những lời lẽ đầy uy lực: “Tuy vậy, các địa chủ vẫn còn giữ một phần ruộng đất khá lớn, tiếp tục bóc lột nhân dân và chính quyền thôn xã một phần vẫn còn trong tay họ; tình hình đó cản trở việc áp dụng các biện pháp nông nghiệp mà nhà nước ban bố”. Và cụ Viện đưa ra tổng kết, lời tổng kết vang lên đầy “chất thép”, không khoan nhượng, rằng “kinh nghiệm cho thấy: nhiều địa chủ đã phàn nàn kêu ca hoặc thậm chí ít nhiều ra mặt chống đối. Chỉ có một cuộc phát động quần chúng nông dân mới có thể đập tan được sự chống đối đó và xóa bỏ hẳn được chế độ phong kiến cản trở tiến bộ xã hội và công cuộc giải phóng dân tộc”.
Kết thúc hai trang sách, cụ Viện dẫn lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vang lên như tiếng kèn xung trận “Chưa bao giờ thấy có một làn sóng người VN đi ra mặt trận đông đảo như vậy… Hậu phương truyền đến tận người chiến sĩ ý chí quyết thắng, tinh thần kháng chiến tuyệt vời và niềm phấn khởi do CCRĐ tạo nên”.
CCRĐ trong sách của Nguyễn Khắc Viện chỉ có tráng ca và niềm phấn khởi tuyệt vời, không hề có tiếng rên của đau đớn, của tủi nhục. Trong cuộc cách mạng của người vô sản, không chấp nhận bi kịch của cá nhân, dù đó là cha mẹ, chú bác và dòng họ mình?
Bài học Nguyễn Khắc Viện
Đặt bên nhau hai cuốn lịch sử của hai tác giả, cuốn “Việt nam sử lược”[11] của Trần Trọng Kim và “Việt Nam một thiên lịch sử” của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ta thấy có nhiều điều thú vị. Hai cụ là đồng hương Hà Tĩnh, đều cùng Tây học. Một cuốn viết đầu thế kỷ, một trong những cuốn đầu tay của một nhà giáo, khiêm cung nhận “sử lược”. Một cuốn viết cuối thế kỷ, cuốn sách cuối cùng của một bác sĩ, tự hào rằng “một thiên lịch sử”. Cuốn đầu thế kỷ khi dân mình là loại Annam mit, cụ Kim dẫn ra danh mục 26 sách tham khảo (16 cuốn chữ Nho và chữ Quốc ngữ, 10 cuốn chữ Pháp). Cuốn sau khi dân mình ngang tầm thời đại, công trình khoa học này không dẫn một cuốn sách tham khảo nào.
Cụ Kim nhiều hơn cha cụ Viện 6 tuổi. Trong “Việt Nam một thiên lịch sử” của cụ Viện, cụ Kim chịu cái án nặng nề. “Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim” (trang 312) đã có những động thái khiến cụ Viện hùng hồn tuyên bố “Chính phủ Trần Trọng Kim tự vạch mặt, đơn giản họ chỉ là tay sai của người Nhật” (Trang 311). Cho đến nay, sự nghiệp chính trị của Trần Trọng Kim vẫn đang là vùng cấm. Cuốn sách của một tác giả tai tiếng (?) nhưng với nhiều thế hệ người đọc của gần 100 năm qua, nó chưa bao giờ cũ.
Con người và sự nghiệp của Nguyễn Khắc Viện được đúc kết nên từ năm đặc điểm sau đây:
- Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về khoa bảng coi trọng lễ nghĩa, ghét dối trá, thương người nghèo, yêu cuộc sống thanh đạm. Quê hương Nghệ Tĩnh trong nửa đầu thế kỷ XX là vùng đất văn vật sản sinh nhiều anh tài cho đất nước.
- Bản tính thông minh và giàu nghị lực, nhiều khát vọng với quê hương đất nước.
- Thấm nhuần Đạo Nho từ thơ bé. Được đào tạo bài bản văn hóa Tây Phương, 26 năm sống và hoạt động ở Paris. Sau đó là những nghiên cứu sâu về đạo phật, đạo Công giáo.
- Cả cuộc đời là một cuộc chiến đấu bền bỉ, can trường với thần Chết.
- Tiếp thu học thuyết Max, trở thành người Cộng sản, suốt đời kiên định, được chính quyền tạo điều kiện để ông làm việc, sáng tạo, cống hiến.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nhận được sự kính trọng và tôn vinh của người đương thời. Nhưng nếu coi ông là nhà văn hóa, sản phẩm lưu truyền cho hậu thế, thì buộc phải xét đến giá trị cuốn sách quan trọng nhất của ông, “Việt Nam một thiên lịch sử”.
Cuốn sách thiếu hẳn cái khí chất cần thiết của một kẻ đi đường dài với các thế hệ tương lai. Vì sao vậy? Xem lại các đặc điểm hun đúc nên con người và tác phẩm của Nguyễn Khắc Viện, tôi cứ nghĩ mãi về đặc điểm cuối cùng. Nếu ông không gặp chủ nghĩa Max, có thể sự nghiệp của ông sẽ hoàn toàn khác?
Dù ở nhiều thành phố, tên ông được đặt cho nhiều con đường và trường học, dù có nhiều bộ phim và lời ngợi ca ông, riêng tôi một hậu thế vô danh, nghĩ về ông, tôi vẫn giữ một niềm thất vọng. Sự thất vọng có vị cay đắng và tiếc nuối.
[1] https://kimdunghn.wordpress.com/2017/05/08/bac-tien-tri-buc-thu-cua-nguyen-khac-vien-gui-to-huu/
[2] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20170509/nguyen-khac-vien-mot-nguoi-uyen-bac-va-thang-than/1311111.html
[3] http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nguyen-khac-vien-va-nhung-tu-tuong-canh-tan-dat-nuoc.html
[4] Bàn về Đạo Nho, NXB Thế giới, 1993.
[5] Nguyễn Du toàn tập, NXB Văn học, 1996
[6] Số liệu này không chính xác(?) Năm 1954, dân số nước ta mới 23,4 triệu. http://tailieu.vn/tag/dan-so-nuoc-ta-1954.html
[7] http://www.vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/pham-hong-thai-va-tieng-bom-thuc-tinh-chan-ly
[8] http://vienngonnguhoc.gov.vn/bai-viet/tai-ban-tu-dien-tieng-viet_575.aspx
[9] Cả một Viện ngôn ngữ, lấy mấy lời loằng ngoằng của ông Thủ tướng để làm bản chứng nhận chất lượng! Học giả Nguyễn Hiến Lê có lần nói đại ý rằng những người viết có nhân cách trong chế độ cũ coi sự giới thiệu của “các anh hai trong chính quyền” là việc làm mất nhân cách.
[10] Nhà xuất bản Kim Đồng, 2015
[11] NXB Văn hóa thông tin, 1999
con người tự đào luyện nên mình còn con rối thì do người nhào nặn.