Biên dịch: Tram Nguyen
Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Năm 1937, các nhà lãnh đạo đang lên của Đế chế thứ Ba đã tổ chức hai cuộc triển lãm nghệ thuật ở Munich. Một cuộc, “Triển lãm Nghệ thuật Đại Đức,” trưng bày thứ nghệ thuật mà Adolf Hitler xem là chấp nhận được và phản ánh một xã hội Aryan lý tưởng: những người tóc vàng đặc trưng trong tư thế anh hùng và cảnh quan mục đồng của nông thôn Đức. Cuộc triển lãm còn lại trưng bày cái mà Hitler và những kẻ đi theo gọi là “nghệ thuật suy đồi”: các tác phẩm hiện đại hay trừu tượng, và nghệ thuật của những người bị Đức Quốc xã chối bỏ—người Do Thái, người cộng sản, hoặc những người bị tình nghi thuộc về một trong hai nhóm này. “Nghệ thuật suy đồi” được trưng bày một cách hỗn độn và rối rắm, kèm theo những nhãn dán xúc phạm, graffiti và các mục catalog mô tả “bộ não bệnh hoạn của những kẻ dùng đến chổi vẽ hay bút chì.” Hitler và những kẻ thân cận đã kiểm soát chặt chẽ cách sống và làm việc của các nghệ sĩ trong nước Đức Quốc xã, vì họ hiểu nghệ thuật có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự trỗi dậy hay sụp đổ của nền độc tài của họ, và trong việc hiện thực hóa tầm nhìn của họ cho tương lai của nước Đức.
Tháng trước, chính quyền Donald Trump đã đề xuất một bản ngân sách quốc gia, bao gồm việc loại bỏ Quỹ Nghệ thuật Quốc gia (NEA). NEA hoạt động với ngân sách khoảng 150 triệu USD mỗi năm. Như các nhà phê bình đã nhận xét, con số này tương đương với khoảng 0,004% ngân sách liên bang, biến động thái này thành một cách tiếp cận tương đối thiếu hiệu quả để cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Nhiều người Mỹ đã phản đối việc cắt giảm này bằng cách chỉ ra nhiều cách thức mà nghệ thuật làm phong phú của sống của chúng ta—đúng như điều mà họ nên làm. Nghệ thuật mang lại cho chúng ta niềm vui và sự giải trí; nó có thể đem đến sự an ủi từ những thử thách của cuộc đời hay một cách hiểu những thử thách ấy.
Nhưng như Hitler đã hiểu, giới nghệ sĩ có một vai trò đặc biệt trong việc thách thức chủ nghĩa chuyên chế. Nghệ thuật tạo ra những con đường cho sự lật đổ, cho sự hiểu biết chính trị và tình đoàn kết giữa những người tìm cách xây dựng các liên minh. Nghệ thuật dạy chúng ta rằng cuộc sống của người khác cũng có giá trị. Như viên lộng thần có thể công khai chế nhạo nhà vua trong triều, các nghệ sĩ có vị trí bên lề xã hội cũng có thể dùng nghệ thuật của mình để thách thức các cấu trúc quyền lực theo những cách ngoài ra là nguy hiểm hay bất khả.
Các nhà lãnh đạo chuyên chế trong suốt lịch sử đã cảm nhận được thực tế này và theo đó mà hành động. Chính phủ Stalin trong những năm 1930 đã yêu cầu nghệ thuật phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về phong cách và nội dung để đảm bảo nó chỉ phục vụ cho các mục đích của nền lãnh đạo nhà nước. Trong cuốn hồi ký của mình, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm Dmitri Shostakovich viết rằng chính phủ Stalin đã hành quyết một cách có hệ thống mọi nhà thơ dân gian Ukraina thuộc Liên Xô. Khi Augusto Pinochet lên nắm quyền ở Chilê năm 1973, các họa sĩ tranh tường đã bị bắt giữ, tra tấn và lưu đày. Không lâu sau cuộc đảo chính, ca sĩ và nghệ sĩ sân khấu Víctor Jara đã bị sát hại, thi thể ông chi chít lỗ đạn và bị đem ra bêu làm gương cho những người khác. Trong cuốn Brazilian Art Under Dictatorship, Claudia Calirman viết rằng giám đốc bảo tàng Niomar Moniz Sodré Bittencourt đã phải giấu các tác phẩm nghệ thuật và khuyên các nghệ sĩ nên rời khỏi Brazil sau khi chính quyền ập vào bảo tàng của bà, ngăn cản cuộc triển lãm và yêu cầu dỡ bỏ các tác phẩm do nó chứa những hình ảnh nguy hiểm như bức ảnh một sĩ quan quân đội ngã xe máy, bị xem là nỗi ô nhục đối với lực lượng cảnh sát. Sự can thiệp cực đoan như vậy có vẻ như đã được loại bỏ khỏi nước Mỹ ngày nay, cho đến khi chúng ta xem xét những sự kiện như việc tổng thống công khai chỉ trích dàn diễn viên vở “Hamilton” sau khi họ đưa ra một bình luận tương đối ôn hòa nhắm đến Mike Pence.
Trong vòng tài trợ gần đây nhất, NEA đã trao 10.000 USD cho một lễ hội âm nhạc ở Oregon để tổ chức một buổi trình diễn vũ đạo cho người ngồi xe lăn và các lớp học khiêu vũ dành cho người dùng các thiết bị hỗ trợ di chuyển. Một trung tâm văn hoá ở California đã nhận được 10.000 USD để tổ chức các hội thảo do các nghệ sĩ Hồi giáo dẫn đầu, bao gồm một nghệ sĩ hip-hop, một diễn viên hài, và một nhà làm phim. Một dàn đồng ca ở Minnesota đã được trao 10.000 USD để tổ chức một buổi hòa nhạc nhấn mạnh những trải nghiệm của tuổi trẻ LGBTQ, biểu diễn tại các trường công ở St. Paul. Mỗi khoản tài trợ trong số này đều ủng hộ tiếng nói của chính những người mà chính quyền tổng thống hiện nay đã chế giễu, bài bác, và trực tiếp làm tổn hại. Nhóm người trẻ tuổi, người queer, người nhập cư, và các nhóm thiểu số từ lâu đã dùng nghệ thuật làm một phương tiện để dỡ bỏ những thể chế ban đầu sẽ bắt chúng ta phải im lặng và sau đó sát hại chúng ta, và NEA là một trong số ít các tổ chức có ảnh hưởng hỗ trợ cho công việc ấy.
Giới quan sát Mỹ đã lắc đầu phản đối khi nghệ sĩ trình diễn Danilo Maldonado bị bắt giam vì chỉ trích chế độ Castro, và khi nhà điêu khắc và nhiếp ảnh gia người Trung Quốc Ngải Vị Vị bị quản thúc tại gia và xưởng làm việc của ông bị chính quyền tháo dỡ. Nhưng ở đây, chúng ta bắt buộc phải hiểu bản chất của cuộc tấn công của Trump lên nghệ thuật. Vấn đề không phải là biến nước Mỹ thành một nơi buồn tẻ và khốn khổ, cũng không phải niềm tin vào chính sách thắt lưng buộc bụng hay từ chối cung cấp nguồn lực cho các cộng đồng có nhu cầu. Giống như việc dữ liệu biến mất khỏi các website của chính phủ và các phóng viên quan trọng không được tham dự các buổi họp báo của Nhà Trắng, động thái này báo hiệu một cái gì đó rộng lớn hơn và đầy đe dọa hơn cả việc một nhóm người không thể làm công việc của mình. Đó là sự kiểm soát. Đó là tạo ra một xã hội nơi tuyên truyền lên ngôi và bất đồng bị bít tiếng.
Chúng ta cần nghệ thuật bởi vì nó làm chúng ta trở thành những con người trọn vẹn. Nhưng chúng ta cũng cần nghệ thuật như một yếu tố bảo vệ trước chủ nghĩa chuyên chế. Cứu lấy nghệ thuật là chúng ta cứu lấy mình khỏi một xã hội nơi hoạt động sáng tạo chỉ được phép chừng nào nó phục vụ cho các công cụ quyền lực. Khi con hoàng yến trong mỏ than im tiếng, chúng ta nên biết lo lắng—không chỉ vì tiếng hót của nó đẹp đẽ, mà còn vì đó là dấu hiệu duy nhất cho thấy chúng ta vẫn còn một cơ hội để nhìn thấy ánh sáng mặt trời lần nữa.
Eve L. Ewing là một nhà xã hội học tại Trường Quản trị Công tác Xã hội, Đại học Chicago.