“Thượng tôn pháp luật”, trước hết là phải áp dụng từ cấp lãnh đạo

Trương Nhân Tuấn

16-7-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hôm rồi tôi có nói về việc: Cán bộ nhà nước bây giờ mở miệng ai cũng nói “thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm trọng”. Cái kết của status ngắn là “Nếu mấy ông cộng sản làm cái gì cũng ‘theo luật’ mà làm, đất nước đã không nghèo, xã hội không có nhiều nỗi ngang trái, oan ức như vậy”.

Vậy tinh thần của “thượng tôn pháp luật” là gì? Ai phải thượng tôn pháp luật?

Thượng tôn pháp luật là “cốt lõi” của “The Rule of Law”, một khái niệm luật học của Anh, đặt nền tảng trên “thông luật – common law”. Ý nghĩa phổ cập của “the Rule of Law”, theo định nghĩa của Qui ước của Hội đồng Châu Âu – Statut du Conseil de l’Europe, là “sự ưu việt của pháp luật – prééminence du droit”.

Chữ “ưu việt” có nghĩa là “vượt lên trên hết” (ưu: trội, hơn; việt: vượt lên). Vì vậy cụm từ “thượng tôn pháp luật” vừa quen thuộc, có ý nghĩa gần gũi hết thảy với “tính vượt trội của pháp luật”.

Khái niệm “Rule of Law” xuất hiện lần đầu tiên trong Magna Carta – Đại Hiến chương (ý nghĩa theo Latin), do giai cấp quí tộc Anh quốc viết năm 1215 nhằm mục đích hạn chế quyền lực của vua. Nội dung “buộc” vua làm gì cũng “theo luật mà làm”.

Tức là khi nói tới “the Rule of Law – thượng tôn pháp luật” (trước tiên) là nói tới tầng lớp lãnh đạo. Những người nắm quyền lực (lãnh đạo) phải sử dụng quyền lực theo qui định của pháp luật.

Vấn đề là ở VN hiện nay, việc “thượng tôn pháp luật” chỉ áp đặt cho người dân. Điều này đi ngược lại ý nghĩa ban đầu của “the Rule of Law”.

Nguyên nhân do đâu?

Dĩ nhiên do tầng lớp đảng viên CSVN. Giai cấp này dùng hiến pháp (luật nền tảng) để qui định cho họ quyền lãnh đạo quốc gia. Nhưng lớp “học giả” Việt Nam cũng góp phần không nhỏ.

Học giả VN “nhập nhằng” khái niệm “Rule of Law” với “pháp quyền”. Đây là một ngộ nhận lớn.

Từ “pháp quyền” của VN hiện nay nguyên thủy lấy từ khái niệm “nhà nước pháp quyền”, (mà cụm từ này) lấy hứng từ khái niệm luật học “Etat de Droit” của Pháp. Những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, TBT Đỗ Mười đề ra khái niệm “Nhà nước Pháp quyền” đồng thời yêu cầu học giả XHCN bổ sung ý nghĩa của cụm từ này sao cho nó thích hợp với pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Nguồn gốc từ “pháp quyền” lấy từ bài vè “Việt Nam yêu cầu ca” của Hồ chí Minh. Pháp quyền ở đây có ý nghĩa đơn thuần là “pháp luật” áp dụng cho dân chúng các nước bị trị. “Quyền” của dân bản xứ được “xét xử” tương đương với dân da trắng.

“Nhà nước pháp quyền” của VN được xây dựng, đó là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, với những thuộc tính của chủ nghĩa xã hội Mác Lê nin (pháp chế XHCN).

Tức là, nếu chuyển ngữ tương đương, “Nhà nước” tương ứng với “Etat” và “Pháp quyền” tương ứng với “Droit”. Tức “pháp quyền” có nghĩa là “pháp luật”.

“Etat de Droit” là nhà nước xây dựng trên nền tảng pháp luật. Pháp luật thể hiện ý chí của toàn dân. Mọi hình thức thể hiện quyền lực không thông qua pháp luật đều không chính đáng.

Vì vậy mới có “tam quyền phân lập” ở các chế độ “Etat de Droit” và “checks and balances” và “separation of power” ở các chế độ “Rule of Law”.

Nhiều lần tôi đã nói học giả VN sử dụng sai từ “pháp quyền”. Trên quan điểm ngôn ngữ, “pháp quyền” là “quyền được xét xử” (juridiction). Tự điển VN (trước 75) và các nước ảnh hưởng văn minh Trung hoa đều dịch như vậy. Sử dụng nó với ý nghĩa “Rule of Law” là sai.

Trên quan điểm “từ khái niệm”, từ “pháp quyền” không thể tách rời với “nhà nước”. “Nhà nước pháp quyền” là một khái niệm (Etat de Droit), “pháp quyền” thì không.

“Pháp quyền” chưa bao giờ được các học giả XHCN “gắn” cho nó nội hàm của “the Rule of Law”.

Học giả VN sử dụng từ “pháp quyền” hết sức tùy tiện. Các quốc gia khai sinh ra các khái niệm này, không nơi đâu sử dụng (cẩu thả) như VN.

Đối với dân chúng, đơn thuần người ta chỉ nói đến việc tôn trọng pháp luật (chấp hành pháp luật).

Người ta chỉ nói tới “Etat de Droit” hay “Rule of Law”, khi và chỉ khi, đề cập tới cách thể hiện quyền lực của giai cấp lãnh đạo.

Học giả VN “nhập nhằng” ngôn từ là vì VNCH ngày trước, cũng như các xứ ảnh hưởng văn minh Trung Hoa (Đài loan, TQ, Nam Hàn, Nhật…) đều sử dụng khái niệm “pháp trị” để chỉ định cho “the Rule of Law”. (“Nhà nước pháp trị” chỉ định cho “Etat de Droit”).

Họ nhập nhằng “pháp quyền với pháp trị”, kiểu “xưởng đẻ với nhà bảo sinh”, “lính thủy đánh bộ với thủy quân lục chiến”, “máy bay lên thẳng với phi cơ trực thăng”…

“Pháp trị” là một khái niệm luật học đã hiện hữu từ thời xa xưa. Dùng một từ “khái niệm” để dịch một từ “khái niệm” là chỉnh, như các nước TQ, Đài loan, Nam Hàn, Nhật… đã dịch.

Trong khi “pháp quyền” là… từ trên trời rớt xuống. Do các “học giả” VN “đẻ ra” bằng cách tách rời nó ở cụm từ “nhà nước pháp quyền”.

Trở lại việc “thượng tôn pháp luật”. Nếu mấy ông cộng sản làm gì cũng theo luật, thì các việc “cha truyền con nối”, con vua thì lại làm vua đã bị diệt trừ từ lâu.

Mấy ông “trời con” trong BCT hiện nay, tính “chính danh” của họ đến từ đâu? Không có người dân nào bầu cho họ cả.

Tức là, trên phương diện “pháp luật”, họ đã ngồi xổm và phóng uế trên nền tảng “dân chủ”.

Quyền lãnh đạo của họ thường biện hộ rằng họ “có công”.

Những kẻ “có công”, như ông Hồ, ông Đồng, Giáp, Chinh, Duẩn v.v… lên làm lãnh đạo. Cái “công trạng” của họ là cái “chính danh”. Không ai dị nghị quyền lực trong tay họ.

Ai trong đảng bây giờ có tư cách để nắm quyền lực quốc gia? Không một ai trong BCT hiện nay có công lao với đất nước.

Ông Trọng có công lao gì?

Mà “công lao” không có thừa kế.

Đám lãnh đạo bất tài, chuyên xài bằng giả ở TƯ, hầu hết là “con cái lãnh đạo”.

Như vậy, trên phương diện “pháp luật”, họ cũng ngồi xổm và phóng uế trên chế độ “cộng hòa”.

Cộng hòa là chế độ chính trị mà quyền lực không đến từ sự kế thừa (như chế độ vương quyền).

Vậy họ lãnh đạo dựa vào lý thuyết chủ đạo?

Giả sử rằng lý thuyết Mác Lê vẫn là tư tưởng “sống động”, có tính chính thống để lèo lái đất nước.

Thì tất cả những đảng viên cộng sản đều là những tên bịp bợm, đạo đức giả. Bọn họ không có một “chất” gì gọi là “cộng sản”, từ yếu tố “nhân đạo” cho tới lý tưởng thực thi công bằng trong xã hội.

Những đảng viên cộng sản là những tên “phản động”, hơn cả những người phản động khác. Thử nhìn cách sống của một đảng viên. Ta thấy gì? Họ là những “đại gia” giàu sụ, nhà cửa như “lâu đài”.

Họ tham nhũng, mua quan, bán chức, chuyên quyền… ăn cắp của cải của quốc gia bằng cách khai thác, bán tháo tài nguyên quốc gia …

Tức là nếu pháp luật được thực thi, hầu hết nhân sự đảng CS đều lãnh án tử hình.

Nếu pháp luật được thực thi, VN đã là một nước “dân chủ cộng hòa”.

Vì vậy, kêu gọi “thượng tôn pháp luật – Rule of Law” trước hết là phải áp dụng từ cấp lãnh đạo, sau đó mới đến hàng thứ dân.

Mấy ông cộng sản cứ muốn Sài Gòn trở thành Singapore, Hà Nội trở thành thế này thế nọ.

Thử áp dụng luật lệ cho đúng, bắt đầu từ việc sử dụng ngôn từ, sau đó áp dụng ở cấp lãnh đạo. Dân chủ cho ra dân chủ. Cộng hòa cho đúng cộng hòa. Chỉ cần vài năm thôi. Ta sẽ thấy cái gì cũng có thể.

Bình Luận từ Facebook