16-7-2017
Một nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam vừa đưa thông tin trên mạng xã hội cho hay bà đã bị một nhóm người ‘theo dõi’ và ‘hành hung’ trên đường về nhà sau khi dự một lễ tưởng niệm nhà hoạt động Trung Quốc Lưu Hiểu Ba tại Sài Gòn vào tối hôm Chủ Nhật.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình trong một tường trình tự thuật trực tuyến (live), bà Sương Quỳnh, người vừa dự buổi lễ tại nhà riêng của Giáo sư Tương Lai hôm 16/7/2017, đưa ra cáo buộc cho biết bà đã bị tấn công bởi một đám đông khi đi trên xe máy một mình:
“Khi tôi đi dự lễ tưởng niệm Lưu Hiểu Ba tại nhà của Giáo sư Tương Lai về… khi tôi đi trên đường Nguyễn Văn Linh về thì co chỉ dẫn là tôi đi sang quận II theo cầu Phú Mỹ… Tôi theo cầu đó đi và tôi cũng đã hơi có một linh cảm rằng sẽ có người theo tôi,” bà Sương Quỳnh nói.
“Vì ngay lúc chúng tôi làm tưởng niệm ở trên, thì ở dưới an ninh cũng có những người ở đó chụp ảnh, nhưng tôi nghĩ cả đoạn đường vắng đó mà họ không đánh tôi ngay trên cầu Phú Mỹ, vì khi đó rất là vắng và cả con đường đó vắng.
Ảnh: FB Hoàng Dũng
“Tôi nghĩ rằng khi đến quận II, họ định vị được tôi đi vào con đường đó, thì khi đó họ mới tập trung người, lúc tôi đi qua, một nhóm người kéo nhau, họ nhìn mặt, nhận rồi thì họ đứng chờ nhau. Tôi đến đường Nguyễn Thị Định để rẽ về quận II, tôi đang vòng ra đường Nguyễn Thị Định để hỏi đường, mọi người chỉ cho tôi đường ấy thì lập tức có một chục thanh niên xông vào đánh tôi.
“Họ đạp tôi ngã xuống xe, lập tức tôi la lên là ‘Cướp xe! Cướp xe! Nhưng cũng phải đến 5-6 người xông vào đánh tôi, đánh liên tục, đấm đá vào vai, vào lưng, vào tay tôi, đạp vào chân tôi. Tay tôi đang bị xước,” bà Quỳnh vừa thuật lại trên Facebook vừa chỉ cho thấy vết thương trên khuỷu tay trái của bà.
‘Mới đầu tưởng là cướp’
“Và họ đánh vào đầu tôi, nhưng do có mũ bảo hiểm, tôi cũng bất ngờ. Mới đầu tôi cũng nghĩ là cướp, nhưng họ không đụng chạm gì đến xe của tôi cả… Nhưng xung quanh đấy người dân thấy tôi la như thế mà thấy chỉ có một mình tôi, nên họ xông ra cũng rất nhiều, có bốn, năm người họ mang gạch, ngói họ xông vào đánh mấy người kia… Thậm chí lúc ấy có người còn mang cả gậy gộc ra.
‘Lúc ấy tôi nghe thấy nói ‘Nhầm rồi, nhầm rồi, bọn tôi là Công an! Tôi là An ninh, bọn tôi đánh phản động!’ Nhưng người dân họ bất kể, họ không tin, họ vẫn xông vào họ đánh và đánh nhau rất là kinh khủng. Lúc ấy là người dân với cả (nhóm tấn công), và tôi không biết nhóm nào vào nhóm nào, họ đánh nhau.
“Lúc ấy tôi thấy lôi cả kiếm, cả gậy gộc ra, sau khi người dân họ túa ra họ lấy gậy gộc, đá nện… thì đám (tấn công) đó mới nhảy lên xe, hơn một chục người, họ lên xe và đi mất và tôi có nhìn thấy một người mà tôi rất quen mặt mặc áo đỏ, mà tôi cho đấy là an ninh thường xuyên theo dõi tôi, an ninh của Quận” bà Sương Quỳnh nêu cáo buộc.
“Và họ đứng họ nhìn tôi, vì tôi đứng ở trong và người dân đứng bảo vệ, họ bỏ họ đi. Lúc ấy người dân, một người chạy đi báo Công an, ngay bên kia đường Nguyễn Thị Định có một (Đồn) Công an phường. Có ba người chạy tới.
“Mãi sau ba người chạy tới, thì lúc ấy người dân mới nói chuyện với tôi rằng ‘Chị là cái gì mà sao họ nói chị là ‘phản động’? Mà lúc chúng em đánh, họ nói họ là Công an, thấy chị la ‘cướp, cướp’, em vẫn nghĩ bọn cướp nó giả dạng.”
Và nhà hoạt động cho biết tiếp trên Facebook:
“Tôi nhận luôn, tôi bảo rằng là ‘Chị hay đi biểu tình chống Trung Quốc, thì đây là Công an đánh chị đấy’, bà Sương Quỳnh tiếp tục nêu cáo buộc.
Nhà hoạt động sau đó cho hay bà đã từ chối không tới đồn Công an ở gần hiện trường vì quan ngại không an toàn khi tới đó trình báo theo yêu cầu và đã ‘liều đi về’ sau khi đã chọn các lối đông người.
‘Từ chối về đồn CA’
Bà Sương Quỳnh cũng kể ba sỹ quan công an phường đã từ chối lời yêu cầu của người dân bảo vệ và ‘đưa bà về nhà’. Vẫn theo nhà hoạt động, các viên chức công an này đã không tin những người đã tấn công bà là công an.
“Công an gì mà lại đi cướp?” bà thuật lại lời bình luận của họ trên Facebook được phát trực tuyến.
Ảnh: FB Hoàng Dũng
BBC Việt ngữ đã thử liên lạc với bà Quỳnh, cũng như với đồn công an ở khu vực được mô tả sau khi nhận được thông tin từ Facebook của nhà hoạt động, nhưng chưa liên lạc được.
Trước đó, Giáo sư Tương Lai, nhà bất đồng hàng đầu, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học của Việt Nam, nói với BBC một lễ tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu của Trung Quốc vừa qua đời hôm 13/7, đã được tổ chức tại nhà ông và bà Sương Quỳnh là một trong những người tham gia.
Tại buổi lễ, trong diễn văn đọc trước một nhóm các nhân sỹ, trí thức ở Sài Gòn, một số thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và các nhà hoạt động khác, Giáo sư Tương Lai gọi ông Lưu Hiểu Ba “là ngọn lửa của trí tuệ và lòng quả cảm của người trí thức đích thực”.
Về lý do của cuộc tưởng niệm, nguyên thành viên tổ tư vấn chính phủ VN thời các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói:
“Chúng tôi tổ chức (sự kiện) này, đương nhiên là ngoài việc chính là tỏ lòng ngưỡng mộ một giải Nobel Hòa Bình người Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa…
“Lưu Hiểu Ba là một tù nhân lương tâm vĩ đại, ông bị nhà cầm quyền bắt nhiều lần và bản án của ông là một bản án khắc nghiệt. Đến khi ông bị ung thư, người ta cũng không cho ông đi chữa trị. Vì sao? Vì người ta sợ uy tín và biểu tượng đấu tranh của ông ta.”
Ảnh: FB Hoa Kim Ngo
“Ở Việt Nam hiện nay…, ngọn lửa Lưu Hiểu Ba cũng âm ỷ cháy và bừng sáng trong những con người Việt Nam quả cảm, đang đấu tranh cho khát vọng dân chủ và tự do và cho quyền con người. Những người ấy cũng đã bị nhà nước… này bắt giam như đang giam cầm Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – mẹ Nấm… và bao nhiêu người khác nữa.
“Chúng tôi nói rằng họ đang ở tù thay cho chúng tôi, vì chúng tôi cũng đang đấu tranh cho mục tiêu của họ đang đeo đuổi. Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba cũng là để làm nóng lên ý trí quật cường bất khuất của người trí thức Việt Nam, của người đấu tranh cho nhân quyền, cho khát vọng dân chủ và tự do,” Giáo sư Tương Lai nói với BBC Việt ngữ.
Ảnh: FB Hoàng Dũng