“Ai rồi cũng chết. Vậy thì cái còn lại chính là di sản cho đời. Di sản của Lưu Hiểu Ba thật vĩ đại đối với đất nước Trung Quốc. Vậy chúng ta sẽ để lại di sản gì cho đất nước Việt Nam này, cho con cháu đời sau? Có phải đó là bản hiến pháp chuẩn mực để làm nền tảng quốc gia cho muôn đời sau hay không?”
Trung Nguyễn
15-7-2017
Tôi chỉ dành sự lưu tâm đặc biệt tới Lưu Hiểu Ba vào những ngày gần đây, khi cái chết vì bệnh ung thư gan của ông thu hút sự chú ý của toàn thế giới, trừ đa số người dân Trung Quốc vẫn đang bị bức tường lửa bưng bít thông tin. Tôi đã đọc ngấu nghiến các tác phẩm của Lưu Hiểu Ba và thật sự rất xúc động trước một nhân cách, một tài năng phi thường nhưng tràn đầy tình cảm con người.
Sự kiện Lưu Hiểu Ba cũng khiến tôi nhớ lại trường hợp của cố Giáo sư Hoàng Minh Chính. Tháng 8 năm 2005, GS Hoàng Minh Chính và vợ được nhà cầm quyền cho qua Mỹ chữa bệnh vì họ tin rằng GS Chính đã quá yếu và sẽ mất ngay khi tới Mỹ. Tuy nhiên, điều kỳ diệu là sức khỏe của GS Chính đã phục hồi. Thậm chí ông còn gặp gỡ các dân biểu Mỹ, phát biểu tại đại học Harvard, thành lập Phong trào Dân chủ Việt Nam, và phục hoạt đảng Dân Chủ Việt Nam.
Có lẽ Trung Cộng đã học được bài học đó nên họ đã dứt khoát không cho phép gia đình Lưu Hiểu Ba được ra nước ngoài chữa bệnh. Họ không muốn lịch sử lặp lại.
Tình yêu vượt qua song sắt
Đã có rất nhiều bài viết ca ngợi cuộc đời đấu tranh của Lưu Hiểu Ba, nhưng tôi lại xúc động nhất khi đọc lời cuối cùng ông dành cho người vợ Lưu Hà ở phiên tòa năm 2009.
“Trong suốt những năm tháng này anh sống không có tự do, tình yêu của chúng ta đầy cay đắng vì hoàn cảnh áp đặt từ bên ngoài nhưng trong khi anh nếm trải điều đó thì tình yêu vẫn không có giới hạn.”
“Anh sẽ ngồi trong nhà tù có thực trong khi em chờ đợi trong nhà ngục vô hình của trái tim. Tình yêu của em là ánh mặt trời sẽ vượt qua những bức tường cao vợi và xuyên qua những song sắt cửa sổ nhà tù của anh, ve vuốt trên từng làn da anh và làm ấm nóng mọi tế bào trên cơ thể anh, cho phép anh luôn gìn giữ sự bình yên, rộng mở và điểm sáng trái tim anh, và lấp đầy từng giây từng phút trong tù của anh với những điều có ý nghĩa.”
“Ngược lại, tình yêu của anh dành cho em lại đầy nuối tiếc và ân hận mà đôi khi nó làm anh lê bước trước sức nặng của nó.”
Có lẽ chỉ những ai đã từng phải phân vân lựa chọn giữa gia đình và lý tưởng mới thấu hiểu được đoạn văn trên. Cũng có lẽ chỉ những ai đã từng trải qua cảnh tù đày mới hiểu được tình yêu của một người phụ nữ có thể giúp chúng ta đứng vững trong ngục tối để đợi đến một ngày mà chúng ta có thể gặp lại người phụ nữ yêu dấu đó. Thật sự bà Lưu Hà là một nguồn năng lượng khổng lồ tiếp sức cho Lưu Hiểu Ba trong cuộc đấu tranh không cân sức với nhà cầm quyền.
Rất nhiều người đã vinh danh Lưu Hiểu Ba, và tôi muốn bổ sung thêm rằng, tôi vinh danh cả vợ ông, bà Lưu Hà. Bà đã chọn đi theo tiếng nói của tình yêu, của lý tưởng nhưng đó cũng là con đường đầy nhọc nhằn, cay đắng. Tôi cũng vinh danh cha mẹ của bà Lưu Hà, nghĩa là bố mẹ vợ của Lưu Hiểu Ba, những người đã ủng hộ cuộc hôn nhân này, kể cả lúc đó Lưu Hiểu Ba đang ở trong tù.
Chắc ai cũng biết dưới chế độ toàn trị, gia đình, người thân, bạn bè của người đấu tranh gặp trở ngại đủ bề. Áp lực của cả một “cỗ máy nghiền” có thể nghiền nát bất cứ ai, bất cứ gia đình nào có tư tưởng không theo “chính thống”. Đó cũng là lý do vợ chồng Lưu Hiểu Ba phải chấp nhận lựa chọn rằng họ sẽ không có con.
Nếu muốn đi xa, hãy đi đông người
Phong trào dân chủ ở Trung Quốc bị chia rẽ rất nặng nề vì nhiều vấn đề như nền độc lập của Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng, vấn đề đường lưỡi bò, thái độ đối với Mỹ, Nhật,… Do đó, rất nhiều người Trung Quốc đã kì vọng là ông Lưu Hiểu Ba, với giải Nobel Hòa bình 2010 sẽ trở thành một lãnh tụ dân chủ có khả năng tập hợp lực lượng.
Dù vậy, cuộc đời của ông đã chấm dứt vào ngày 13/7/2017. Những ước mơ về một lãnh tụ dân chủ cũng ra đi. Nhiều người Trung Quốc đang đấu tranh cho dân chủ rất thất vọng, thậm chí tuyệt vọng.
Đó là lúc chúng ta thấy được vai trò quan trọng của các tổ chức chính trị dân chủ. Thực sự để cuộc đấu tranh thành công, phong trào dân chủ không nên phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào. Nếu cá nhân đó gặp bất trắc gì thì phong trào hay tổ chức chính trị đó không vì thế mà tan rã mà sẽ tiếp tục tiến tới.
Tư tưởng của tổ chức chính trị, của cá nhân kiệt xuất đó vẫn còn và những thành viên thế hệ sau sẽ tiếp tục đi tới, phát triển lực lượng, để cuối cùng đủ thế lực để thực thi mục tiêu, sứ mạng của tổ chức.
Tương tự, nếu như Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi có phải chết trong tù thì đảng Đại hội Quốc gia Dân tộc Phi (ANC) ở Nam Phi hay đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ở Miến Điện cũng sẽ bầu lên lãnh đạo mới và tiếp tục cuộc đấu tranh. Mục tiêu, sứ mạng, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt qua nhiều thời kỳ, nhưng có những con người lãnh đạo cụ thể qua từng thời kỳ. Có như vậy thì cuộc đấu tranh mới có thể đi tới đích, dù có phải mất bao nhiêu năm đi chăng nữa.
Rất tiếc là Lưu Hiểu Ba đã không có điều kiện để có thể thành lập tổ chức chính trị của riêng ông để đồng đội trong tổ chức đó tiếp tục những hoài bão mà ông theo đuổi. Nhà cầm quyền Trung Cộng thừa hiểu chỉ có tổ chức chính trị mới đủ sức mạnh nói chuyện với họ nên mọi hình thức tập hợp lại với nhau, dù mới chỉ là cùng nhau soạn thảo một bản Tuyên ngôn, họ cũng đã đàn áp khốc liệt.
Mandela và Suu Kyi còn sống để chứng kiến ngày đảng của họ thành công. Còn Lưu Hiểu Ba đã vĩnh viễn dừng lại, cũng như Giáo sư Hoàng Minh Chính đã mất khi mới phục hoạt lại đảng Dân Chủ. Nhưng Lưu Hiểu Ba cũng là một anh hùng dân tộc của Trung Quốc. như chí sỹ yêu nước kháng Pháp Nguyễn Duy Hiệu đã viết “chớ đem thành bại luận anh hùng”.
Nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực
Lưu Hiểu Ba viết năm 1986: “Tôi có thể tóm gọn vấn đề của các nhà văn Trung Quốc trong một câu. Họ không thể tự mình sáng tác — đơn giản là họ không có khả năng — vì chính cuộc đời họ cũng không thuộc về họ.”
Chính xác là như thế, dưới chế độ toàn trị, không một ai có thể sống đúng với cuộc đời của mình, thậm chí kể cả những người trong Bộ chính trị của đảng cầm quyền. Họ muốn nói ra điều gì cũng phải dè chừng chính đồng chí của họ. Liệu có đảng nào trên thế giới này tự quy định 19 điều đảng viên không được làm vượt ra ngoài phạm vi pháp luật, hay ra hẳn một nghị quyết chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” để quy chụp và bức hại mọi đảng viên nói trái ý với thành phần bảo thủ trong đảng?
Đảng viên đảng cầm quyền phải sống một cuộc đời do một thiểu số bảo thủ quyền lực trong đảng ấy điều khiển. Không được sống cuộc đời của mình, không được nói ra những gì mình suy nghĩ, thì đó có còn là một cuộc đời đáng sống hay không?
Từng người Việt Nam hiện nay còn chưa làm chủ cuộc đời của mình vì quyền con người của mình còn chưa có, vậy thì còn nói gì đến quyền làm chủ đất nước? Chúng ta còn đợi gì nữa mà không bắt đầu làm chủ cuộc đời mình, dám nói lên suy nghĩ của mình? Chính chúng ta là những người chủ thật sự của đất nước. Tại sao phải đợi một thiểu số bảo thủ quyền lực đó cho phép?
Dĩ nhiên, để bảo vệ được quyền con người, quyền làm chủ đất nước đó, cần phải bắt đầu từ bản Hiến pháp chuẩn mực, nghĩa là phải có một nhà nước pháp quyền. Chính Lưu Hiểu Ba đã viết “Vì không có thế lực nào có thể ngăn chặn được đòi hỏi của con người được có tự do và Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia được điều hành bởi luật pháp, nơi nhân quyền là trên hết”.
Lòng bao dung giữa đồng bào để đoàn kết quốc gia
Trong “Tuyên bố tuyệt thực ngày mùng 2 tháng 6” Lưu Hiểu Ba viết rằng “xã hội dân chủ không được xây dựng trên thù hận và đối địch, mà được xây dựng trên sự tham vấn, tranh luận, và bỏ phiếu… [và trên] sự tôn trọng lẫn nhau, khoan dung, và sẵn sàng thỏa hiệp.”
Thực tế ở Việt Nam, đảng cầm quyền luôn nhìn những người góp ý phản biện là “thế lực thù địch” với điều 79, 88, 258 Bộ luật hình sự luôn sẵn sàng để đem ra áp dụng. Ngược lại, một số người đấu tranh dân chủ cũng nhìn những người cộng sản như kẻ thù, như ác quỷ khát máu, phải dẹp bỏ.
Cả hai cách nhìn tiêu cực trên đều không phản ánh đúng sự thật. Có những người cộng sản chân chính, đứng về phía nhân dân. Chúng ta có thể kể ra một số cái tên như GS Hoàng Minh Chính, tướng Trần Độ, Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ,…
Ngược lại, phía những người đấu tranh dân chủ cũng có nhiều người thực sự ôn hòa, chỉ mong muốn cả dân tộc đoàn kết cùng nhau xây dựng một Việt Nam dân chủ, giàu mạnh. Họ hoàn toàn không muốn chuyện nội chiến, trả thù, vì người cộng sản cũng là đồng bào, mà đã là đồng bào với nhau thì không thể chấp nhận lại có tư tưởng thù địch với nhau.
Dân tộc này không thể chia rẽ thêm nữa mà phải cùng nhau đoàn kết trên nền tảng tôn trọng pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ bản hiến pháp mới của toàn dân. Cùng nhau phối hợp mọi thành phần trong xã hội, kể cả phối hợp với người cộng sản, để cải tổ xã hội, cải cách thể chế chính trị trong tinh thần bao dung đồng bào chính là con đường để cả dân tộc cùng thắng, kể cả đảng cộng sản cũng thắng.
Hãy nghe Lưu Hiểu Ba tuyên bố tại phiên tòa năm 2009:
“… Tuy nhiên tôi muốn nói với chế độ đã tước đoạt quyền tự do của tôi, rằng tôi vẫn thủy chung với niềm tin của mình mà tôi từng bày tỏ hai mươi năm trước, khi tôi phát biểu tại kì tuyệt thực – Tôi không có kẻ thù, không có lòng căm thù. Không một nhân viên an ninh theo dõi, bắt giữ và thẩm vấn tôi, công tố viên kết tội tôi, hay vị chánh án đã xử án tôi, không ai là kẻ thù tôi cả. Mặc dù tôi không thể chấp nhận sự theo dõi, bắt bớ, kết tội, tuyên án của các vị, tôi vẫn tôn trọng nghiệp vụ và nhân cách của các vị. Kể cả sự buộc tội lần này: Tôi biết các vị tôn trọng tôi và giữ sự chân tình trong lúc thẩm vấn tôi hôm 3 tháng mười hai”.
“Bởi vì lòng thù hận chỉ làm hoen rỉ sự khôn ngoan và ý thức của ta; não trạng thù hận có thể làm hỏng hồn tính một quốc gia, gây ra bao nhiêu là bạo động oan khiên cho vạn sinh linh, phá hỏng lòng khoan hòa và tình người của một xã hội, và ngăn chặn bước tiến của một quốc gia trên hành trình về tự do dân chủ…”
Di sản trước khi về với cát bụi
Ai rồi cũng chết. Vậy thì cái còn lại chính là di sản cho đời. Di sản của Lưu Hiểu Ba thật vĩ đại đối với đất nước Trung Quốc. Vậy chúng ta sẽ để lại di sản gì cho đất nước Việt Nam này, cho con cháu đời sau? Có phải đó là bản hiến pháp chuẩn mực để làm nền tảng quốc gia cho muôn đời sau hay không?
Là một người đấu tranh dân chủ, và cũng là một trí thức, một nhà thơ, nhà văn, Lưu Hiểu Ba với linh cảm của mình đã dự cảm rằng có lẽ ông chỉ được đoàn tụ với người vợ yêu ở thế giới bên kia.
Xin dành phần cuối của bài viết để trích dẫn một đoạn thơ mà ông gửi cho người vợ yêu Lưu Hà, cũng là di sản của ông dành cho những người đang đấu tranh vì công lý và gia đình của họ.
Cùng cát bụi đợi anh – gửi người vợ vò võ đợi chờ (trích)
Em biết đấy, mộ phần
Là nơi tốt nhất để em quay về
Ở đó em đợi anh
Sẽ không còn kinh động nào nữa
Em cô độc trung thành với tình yêu của bụi
Trong đêm đen, trong im lặng, trong ngột ngạt
Đợi anh, đợi anh
Cùng bụi trần đợi anh
Cự tuyệt ánh mặt trời và không khí
Hãy để cát bụi vùi lấp em hoàn toàn
Hãy ngủ thiếp đi dưới tầng cát bụi
Tới khi anh về
Em mới tỉnh lại
Lau sạch da và linh hồn của cát bụi
Như sự kỳ diệu phục sinh
Lưu Hiểu Ba 4/9/1999
© Copyright Tiếng Dân
Hay~ cung` nhau keu goi tuoi? tre? Hongkong mua dat^’,
du*ng tuo*ng LU*U HIEU^? BA