Paulus Lê Sơn
14-7-2017
Hôm thứ Năm ngày 13 tháng 7, nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba đã qua đời. Ông trở về với cát bụi sau 61 năm sống trong một xã hội do chế độ cộng sản Trung Quốc cai trị. Ông sinh ra và chết đi trong chế độ độc tài, phi dân chủ và không có tự do nhưng chính cuộc đời ông lại là một nhân chứng sống động và hùng hồn nhất về tinh thần, tư tưởng của tự do, hòa bình, bác ái.
Nhìn lại cuộc đời ông Lưu Hiểu Ba, người ta có thể vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc, trong đó những gam màu của tù đày như phủ đầy bức tranh nhưng nó chỉ là phần cộng hưởng để bật lên cái tinh thần cốt cách tâm phúc một con người bền bỉ trong lý tưởng của tự do, dân chủ.
Từ thảm họa Thiên An Môn
Vụ thảm sát nhân loại kinh hoàng nhất mà cộng sản Trung Quốc nhắm vào giới sinh viên năm 1989 tại Thiên An Môn có lẽ đã khiến ông trở nên thủ lãnh “biểu tượng quan trọng nhất” cho cuộc đấu tranh vì nhân quyền tại Trung Quốc. Từ một thỉnh giảng tại đại học Columbia ở New York. Ông đã bay về Bắc Kinh để tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên mà sau đó đã bị đàn áp đẫm máu.
Ông nổi tiếng với những quan điểm, lý tưởng và miệt mài theo đuổi con đường của tự do nhân quyền cho đất nước. Ông bền bỉ vận động cho một đất nước Trung Quốc dân chủ và tự do hơn nên cộng sản Trung Quốc biến ông trở thành người tù tỉ phú thời gian.
Năm 2008, ông và một nhóm trí thức đã giúp soạn thảo ra một cương lĩnh mang tên Hiến chương 08. Tài liệu này đã kêu gọi một loạt những cải tổ dân chủ ở Trung Quốc bao gồm một Hiến pháp mới và một nền dân chủ tư pháp. Hiến chương cũng chỉ rõ sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp cận với hiện đại hóa. Cũng chính vì vậy ông Lưu Hiểu Ba lại bị bắt và lần này ông bị kết án 11 năm tù giam.
Đến khôi nguyên Nobel
Tại Oslo, tháng 10, 2010 ông Lưu Hiểu Ba được trao tặng giải Nobel Hòa Bình, trở thành người Trung Quốc trong nước đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này. Một hình ảnh vô cùng nổi tiếng, gây xúc động lòng người trong ngày trao giải Nobel với trước ghế trống đặt một tấm chân dung của ông tượng trưng. Khi đó thân xác ông đang bị cầm tù, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc phản đối việc trao giải, nhưng thế giới lại vinh danh.
Ủy Ban Nobel đánh giá ông với mức độ bề sâu của tư tưởng và hành động “Trong hơn hai thập niên, ông Lưu Hiểu Ba đã là người phát ngôn mạnh mẽ cho nhân quyền tại Trung Quốc. Ông đã tham gia các cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Ông là tác giả hàng đầu của Hiến chương 08, công bố vào dịp kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.
Hình ảnh này ghi đậm trong tâm trí của tôi lúc bấy giờ, tôi quyết định tìm hiểu nhiều hơn về ông Lưu Hiểu Ba thì nhận thấy nơi ông một tấm gương thật sự cho lý tưởng mà mình đang đeo đuổi. Ông đã truyền lửa cho tôi. Có lẽ ông cũng đã truyền lửa cho hàng triệu người trẻ Trung Quốc và giới trẻ thuộc các quốc gia bị cộng sản cai trị.
Có lẽ với ông cũng không hề hay biết về việc mình được vinh danh, sự vinh danh ông thì hoàn toàn chính đáng, chính đáng cho cái lý tưởng, hành động và quên mình. Và chính điều này mới là cốt lõi của cái tinh thần Lưu Hiểu Ba. Nó có thể được gọi là một di sản, một kho báu được làm nên, tạo ra từ một con người nhỏ bé, bình thường nhưng với một trí tuệ, trái tim và tình yêu trổi vượt cho đi đối với con người và đất nước.
Vĩnh biệt ông về thể lý nhưng tinh thần của ông vẫn còn mãi trong tâm trí của con người yêu chuộng tự do, dân chủ, nhân quyền và bác ái.
“Vì không có thế lực nào có thể ngăn chặn được đòi hỏi của con người được có tự do và Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia được điều hành bởi luật pháp, nơi nhân quyền là trên hết”. Xin được nhắc lại tinh thần của ông Lưu Hiểu Ba để kết thúc bài viết này.