Việt Nam, một đất nước bình yên? (P.1)

Blog RFA

Song Chi 

11-7-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: Thông Luận/ internet

Một trong những luận điệu thường hay được đám dư luận viên, những người bênh vực đảng và nhà nước cộng sản VN đưa ra mỗi khi có bất cứ ai lên tiếng chỉ trích tình trạng đất nước, xã hội VN hiện nay, đó là: “Nói gì thì nói, VN vẫn là một quốc gia bình yên, không có chiến tranh, không có khủng bố, không có những kẻ tâm thần thỉnh thoảng lại xuất hiện nổ súng hàng loạt giết hại người vô tội…Cứ thử nhìn sang các nước Bắc Phi, Trung Đông, châu Âu và cả Hoa Kỳ xem!”“Người dân mình được yên ổn làm ăn như thế này là may mắn lắm, không có đảng và chính phủ lãnh đạo liệu có được như vậy không?” v.v…

Đúng là VN không có chiến tranh, không có nạn khủng bố do những tổ chức Hồi giáo cực đoan gây ra, không có những vụ xả súng giết người hàng loạt mà thường là có yếu tố chính trị, tôn giáo, lòng thù hận (hate crime)… nhiều hơn là do tâm thần, nhưng VN có thật là một quốc gia bình yên?

Tội ác tràn lan, ngày càng tàn bạo.

Nói về sự bình yên, ở cấp độ thứ nhất, mắt thấy tai nghe, hàng ngày khi mở những tờ báo ra, bật TV lên, hay khi đi ngoài đường tận mắt chứng kiến, chúng ta có thể thấy ngay câu trả lời. Ở VN bây giờ ngày nào cũng có những vụ cướp, giết, hiếp…xảy ra ở chỗ này chỗ khác, với mức độ táo bạo và tàn bạo ngày càng tăng.

Tội ác tràn lan, người ta có thể dễ dàng đoạt mạng nhau chỉ vì một cái “nhìn đểu”, một câu nói “không lọt tai” và vô số những lý do hết sức vớ vẩn, nhỏ nhặt khác, cho tới những nguyên nhân thường thấy dính dáng đến tư thù cá nhân, tiền bạc và nhất là những mâu thuẫn trong tình cảm-chồng giết vợ, vợ giết chồng, giết người tình, giết tình địch, cha giết con, con giết cha…, thậm chí vì tuyệt vọng, cùng quẫn, có những người làm cha làm mẹ nỡ giết hại cả con mình trước khi tự vẫn, để lại nỗi đau tột cùng cho người thân.

Càng ngày tính chất sát nhân tàn bạo càng tăng, trong năm 2015 chẳng hạn, có một số vụ thảm sát làm rúng động dư luận như vụ “thảm sát Bình Phước”, hung thủ là Nguyễn Hải Dương cùng với một người bạn đã giết hại tất cả 6 mạng người kể cả người yêu cũ do hận tình; hay vụ cả cả bốn người trong một gia đình ở Yên Bái bị một người họ hàng giết hại do tranh chấp đất rẫy, hung thủ tên Đặng Văn Hùng; thậm chí, chỉ vì một mâu thuẫn bộc phát, kẻ thủ ác tên Vi Văn Hai ở Nghệ An đã dùng dao chém chết 4 người trong gia đình người hàng xóm v.v…

Những vụ giết cùng diệt tận cả nhà tiếp tục xảy ra trong năm 2016 với vụ Tấn Láo Lở, tỉnh Lào Cai giết chết cả 4 người đều là phụ nữ, trẻ em rồi dìm xác dưới suối chỉ vì mâu thuẫn cá nhân; hay vụ tên Doãn Trung Dũng ở Quảng Ninh tới vay tiền không gặp người cần hỏi, giết luôn 4 người họ hàng bên vợ.

Tính chất man rợ, độ máu lạnh của kẻ thủ ác trong nhiều vụ án khiến chúng ta không khỏi rùng mình. Giết người yêu cũ xong chặt đầu vứt một nơi, thi thể vứt một nơi để phi tang như vụ án Nguyễn Hữu Nghĩa, Hà Nội năm 2010, những vụ đốt xác phi tang (VNEXpress), những vụ giết người chặt xác phi tang; giết người, cắt bộ phận sinh dục, rạch bụng rồi ném xuống sông để xác không nổi ở Hưng Yên tháng 5.2017 cho tới chém người đầu lìa khỏi cổ ở Vĩnh Phúc mới đây, tháng 7.2017…Có thua kém gì những vụ án máu lạnh nhất trên thế giới?

Trong năm 2016 còn cò một vụ án khác gây chấn động dư luận là vụ Đỗ Cường Minh (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái) dùng súng K59 bắn chết ông Phạm Duy Cường (Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) và ông Ngô Ngọc Tuấn (Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) ngay tại phòng làm việc sau đó tự sát.

Có lẽ từ sau vụ này, và rải rác nhiều vụ khác, đám quan chức địa phương cũng muốn có người bảo vệ và đề xuất đó đã được đưa ra tại cuộc họp Quốc hội về dự án luật Cảnh vệ ngày 6.6.2017 “Nhiều tỉnh muốn có cảnh vệ cho bí thư, chủ tịch” (Tuổi Trẻ), và một số chức danh khác, nhưng cuối cùng, đề xuất này không được thông qua. Điều này chứng tỏ sự ất ổn trong xã hội và sự bất an trong lòng một số quan chức VN, sợ dân chỉ một phần nhỏ, cái chính là sợ lẫn nhau, họ sợ những mâu thuẫn trong chia chác quyền lợi dẫn tới thanh toán nhau như vụ Yên Bái, chứ nếu một quốc gia bình yên làm sao mà cả đến các quan chức địa phương cũng đòi được bảo vệ?

Ngoài những vụ cướp, giết, hiếp, những vụ án do mâu thuẫn tình, tiền, tư thù..; đối với trẻ em ở VN có một nỗi lo ngại lớn là nạn xâm hại tình dục. So với trước đây chừng mươi năm thôi, bây giờ chúng ta thường xuyên đọc thấy những vụ xâm hại, cưỡng bức trẻ em ở nơi này nơi khác, trong đó có nhiều vụ gây phẫn nộ vì nạn nhân còn quá bé, kể cả 1-2 tuổi, hoặc bị thiểu năng trí tuệ, bị tàn tật; có những vụ để lại hậu quả nghiêm trọng như tổn thương quá nặng, mang thai khi còn nhỏ tuổi, nạn nhân vì uất ức, xấu hổ mà tự vẫn …

Mới đây, báo Thanh Niên có làm một loạt bài về đề tài này: “Xâm hại tình dục trẻ em – Kỳ 1: Những con số đáng báo động”, “Xâm hại tình dục trẻ em – Kỳ 2: Tội ác mang khuôn mặt ‘thân quen’, “Xâm hại tình dục trẻ em – Kỳ 3: Những câu chuyện chìm trong bóng tối”, Xâm hại tình dục trẻ em – Kỳ 4: Cả đời cúi mặt”, “ Xâm hại tình dục trẻ em – Kỳ 5: Trẻ em nam, phần chìm bị quên lãng”…Trong đó, ngay bài thứ nhất, tác giả đã đưa ra những con số khiến người đọc kinh hoảng:

“Cứ 8 giờ trôi qua, lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại tình dục. Hơn 90% thủ phạm là người thân quen

….trong 5 năm (2011 – 2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục là 5.300 vụ. Con số này cũng chỉ là những vụ việc được báo cáo.” …

Điều đáng nói ở đây là nạn xâm hại tình dục trẻ em ở VN đáng báo động như vậy nhưng nhiều bậc cha mẹ do thiếu hiểu biết hoặc do vô tâm vẫn chưa thực sự đề phòng cảnh giác, cũng như giáo dục con biết cách đề phòng, tự bảo vệ mình, luật pháp chưa thực sự nghiêm khắc, có rất nhiều vụ cuối cùng bị “chìm xuồng”-do thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ yếu, do cách xử lý chậm chạp và không loại trừ cả yếu tố “chạy án” nên những kẻ thủ ác vẫn cứ nhởn nhơ.

Đó là chưa nói đến những vụ bắt cóc, sát hại trẻ em “Những vụ bắt cóc trẻ em gây ‘chấn động’ dư luận” (báo Công An TP.HCM), “Truy lùng nhóm bắt cóc bé trai 2 tháng tuổi giữa đêm” (Công An Nhân Dân), “Rùng mình những vụ trẻ em bị bắt cóc, sát hại dã man” (Việt Báo), trong đó mới nhất là vụ cháu bé 6 tuổi ở Quảng Bình bị bắt cóc, giết hại, tháng 7.2017…

Một xã hội mà ngay cả những đứa trẻ cũng có thể dễ dàng bị bắt cóc ngay trong sân nhà, ngay trong chớp mắt, có thể bị xâm hại tình dục ngay từ những người thân trong gia đình hay những người quen, họ hàng thì xã hội đó liệu có thể gọi là bình yên?

Có lẽ có người sẽ bảo ở nước nào mà chả có tội ác cướp, giết, hiếp, những vụ xâm hại tình dục trẻ em, trẻ em. Đúng vậy, nhưng nếu trong một xã hội có luật pháp nghiêm minh, có bộ máy chính quyền làm việc công tâm và hiệu quả, có nền giáo dục nhân bản và tôn trọng con người, thì sẽ hạn chế được phần nào. Ngoài ra, trình độ dân trí, sự hiểu biết về pháp luật, ý thức cảnh giác của người dân cũng là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc đề phòng, ngăn chặn, kể cả báo động và tham gia hỗ trợ cơ quan điều tra trong việc phá án.

Bình Luận từ Facebook