Đông Kinh Nghĩa Thục và cuộc quốc gia khởi nghiệp thế kỷ XX

Nguyễn Khắc Mai

9-7-2017

Kỷ niệm 110 năm Đông Kinh Nghĩa Thục (1907-2017)

Cụ Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết, tại hội thảo 110 năm Đông Kinh Nghĩa Thục. Nguồn: tác giả cung cấp

I. Đông Kinh Nghĩa Thục – Điều cần đến đã đến

Vào đầu thế kỷ XX, Khi phong trào Cần vương đã thất bại, Thực dân Pháp bắt đầu đặt nền đô hộ hoàn chỉnh lên Việt Nam, thì tấm gương duy tân của Nhật bản, với sự kiện bùng nổ chiến tranh Nga – Nhật kết thúc. Nhật đã đánh tan Hạm đội hùng hậu của Nga ở eo Đối mã, cùng lúc tiếng vọng về những tư tưởng mới Âu Mỹ từ những “tân thư” vào Việt Nam.

Những sự kiện ấy cùng lúc dội vào tâm trí lớp sĩ phu cấp tiến, nặng lòng yêu nước, ý thức được sự yếu kém về mọi mặt của đất nước của xã hội, khiến cho cái tinh thần Duy Tân trỗi dậy. Họ tìm tòi một con đường cứu nước, trước hết bằng thức tỉnh quốc dân, vượt lên sự hủ lậu cố cựu, xây dựng nội lực tự lập, tự cường, bỏ con đường khoa cử hư danh, “nọc độc”, gây dựng thực nghiệp làm cho dân mạnh nước giàu, cổ vũ lối sống mới, xóa bỏ hủ tục, mở mang nhiều trường học ở khắp nơi… Bắt đầu từ Trung kỳ kết hợp chống thuế và Duy Tân, rồi lan ra Bắc vào Nam.

Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời trong bối cảnh ấy. Cố nhiên, chúng ta phải đánh giá cao sự gợi ý từ mẫu hình của Khánh ứng nghĩa thục (Keio Gijuku) của Nhật bản. (Và cũng phải ngậm ngùi than thở, cớ sao trường Nghĩa Thục của họ vẫn tồn tại, hoạt động suốt hơn trăm năm qua. Còn ở Việt nam thì dẫu gọi là đã giành độc lập, mà ngôi trường ấy chẳng những không được phục hưng, mà còn bị dập vùi quên lãng!)

Cụ Nguyễn Khắc Mai, cùng các nhân sĩ tham dự hội thảo. Nguồn: tác giả cung cấp

Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ tồn tại vỏn vẹn trong 9 tháng (kể từ tháng Tư bắt đầu khởi sự cho đến tháng 12 thì phải theo lệnh thực dân Pháp mà đóng cửa. Tuy thế, chưa bao giờ có một ngôi trường kiểu mới, vừa học vừa hành, vùa học vừa tập, nhà trường rộng mở, liên kết với nhiều hoạt động văn hóa xã hội, vừa học vừa bàn kế sách cứu nước. Từ cả ngàn năm, chưa bao giờ có một sinh hoạt văn hóa tưng bừng, nô nức hứng khởi như vậy.

Bởi vì đây là một ngôi trường kiểu mới, “hoàn toàn của Việt Nam”, không chỉ là một nhà trường mà thật sự là một phong trào văn hóa mới, cách mạng, yêu nước mới. Ở đó thầy và trò đề cao mục đích (cũng là lý tưởng của việc học):

Liệu làm sao, tính làm sao,

Làm sao cho được bảnh bao như người?

Mai sau cho được như lời,

Lên lầu Độc Lập, hát bài Tự Do.

Hoặc dẫu chỉ là một vấn đề của lối sống (văn minh, hợp lý hơn, như việc cắt đi cái búi tó, thì cũng là;

Phen này cắt tóc đi tu,

Tụng kinh ĐỘC LẬP, ở chùa Duy Tân!

Sự hưởng ứng của quần chúng có chăng, chỉ những ngày đầu của Khởi nghĩa Tháng Tám mới sánh được:

Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ,

Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành.

Gái trai nô nức học hành,

Giáo sư tám lớp, học sinh non ngàn.

Buối diễn thuyết người đông như hội.

Kỳ bình văn khách tới như mưa.

Cái mới mẻ, hào hứng nhân lên đầy reo vang tự hào:

Mở tân giới, xoay nghề tân học.

Đón tân trào dựng cuộc duy tân.

Tân thư, tân báo, tân văn.

Ngày nay sau 110 năm nhìn lại, Đông Kinh Nghĩa Thục xuất hiện trên bầu trời văn hóa Việt, chỉ như ánh sao băng, rọi một làn sáng chói, tưởng chừng chỉ trong khoảnh khắc. Nhưng năng lượng để lại thì đang lan tỏa trong vũ trụ. Cũng như năng lượng vũ trụ không bao giờ mất. Giá trị của Đông Kinh Nghĩa Thục còn tồn tại vĩnh hằng. Thế mà có những kẻ dám quên ơn, dám “trứng khôn hơn vịt” coi thường sĩ khí một thời. Còn nhớ, về sau này khi Khởi nghĩa Yên bái thất bại, bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, trước khi ra pháp trường, Nguyễn Thái Học đã cảm khái “Dẫu không thành công thì cũng thành nhân”. Thành nhân có thể hiểu theo hai nghĩa. Thành người, và thành ra những hạt nhân, nếu biết cách có thể thu được năng lượng vô cùng to lớn của nó, chữ nhân này cũng nên hiểu như những hạt giống tốt, đúng, đẹp để nếu biết gieo trồng nhất định sẽ có kết quả tử tế, tốt đẹp.

Quang cảnh hội thảo. Nguồn: tác giả cung cấp

Vào thời ấy, Đông Kinh Nghĩa Thục như mở ra một cánh cửa lớn để Dân tộc nhìn vào, rồi đi vào một con đường lớn, làm một cuộc khởi nghiệp quốc gia để đưa Đất nước, xã hội bước vào con đường giành Độc Lập, gây dựng một nền Dân Quyền, phát triển một nền kinh tế, một nền giáo dục hoàn toàn mới. Bây giờ, chúng ta cổ vũ sự khởi nghiệp của từng doanh nhân, doanh nghiệp. Nhưng cuộc vân động khởi nghiệp để có một Quốc gia Việt Nam kiểu mới, trong đó “lập quyền dân” mới, lập một kiểu chính quyền mới, xây dựng một nền văn hóa giáo dục mới hoàn toàn Việt nam, phát triển môt nền kinh tế có công nông thương tín hiện đại… những nhà Đông Kinh Nghĩa Thục thời đó cả thầy cả trò đã thực hiện một ước mơ lớn lao dường nào? Thử hình dung tình hình nước ta thời đó, đất nước không còn độc lập, chủ quyền trong tay thực dân Pháp, Triều đình (chính quyền), nói như GS Vũ Ngọc Khánh là ngu ngơ hư hèn! Xã hội thì dân còn mù chữ, kinh tế đời sống lạc hậu, giáo dục thì chuộng hư danh khoa cử (các cụ phải kêu lên: khoa cử nọc độc).

Đông Kinh Nghĩa Thục, không chỉ là ngôi trường theo nghĩa cụ thể, mà là một trường hoạt động, đấu tranh, để chấn hưng, “đổi mới” Đất Nước và Dân tộc, chuẩn bị điều kiện “dân trí, dân quyền”, năng lực tự lập, tự cường về kinh tế, văn hóa…để giành lại độc lập, tự do cho nhân dân và đất nước. Đông Kinh Nghĩa Thục, là một “cú hích” quyết liệt để khẳng định sự từ bỏ trung cổ, phong kiến chuyển sang hiện đại và hòa nhập văn minh nhân loại. Đông Kinh Nghĩa Thục khẳng định độc lập gắn với dân trí, dân quyền, với nền kinh tế công nghiệp, hòa nhập thế giới. Đông Kinh Nghĩa Thục mở ra định hướng mới cho sự chấn hưng, phát triển đất nước, mà nhiều điều cốt lõi đến nay vẫn nguyên giá trị.

Cho nên với những việc làm, những hô hào cổ vũ, những sách báo mà Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương, đặc biệt là Văn Minh Tân Học Sách và Tân Đính Luân Lý Giáo khoa Thư …không thể nghĩ khác hơn, đó chính là một cương lĩnh to lớn và đẹp đẽ của một cuộc QUỐC GIA KHỞI NGHIỆP đầu thế kỷ XX.

II) Những lý tưởng của cuộc quốc gia khởi nghiệp mà Đông Kinh Nghĩa Thục đề xướng

1- Giữ Gìn Nền Độc Lập của Dân của Nước

Đông Kinh Nghĩa thục nhân thức rõ cái họa “mất nước” và phải khôi phục lại nền độc lập cho nước nhà. Họ quan niệm 4 yếu tố gắn với nền độc lập: Quốc gia – Dân tộc – Quốc dân – và Lòng Yêu nước, mà ngày nay vẫn tồn tại như những giá trị cập nhật.

Về lòng yêu nước, Đông Kinh Nghĩa Thục nhấn ba điều, vừa thể hiện tinh thần, vừa thể hiện ra hành động:

Một là, lo nghĩ về vận nước. “Than ôi! Lo không gì hơn mất nước, buồn không gì buồn hơn thân bị nhục”.

Hai là, lo rửa nhục mất nước, thân nô lệ, xã hôi yếu hèn lạc hậu. Các cụ gọi là Tuyết quốc sỉ. Tuyết, là làm trắng lại như tuyết, rửa sạch nỗi nhục nô lệ, yếu hèn lạc hậu. Quốc sỉ là nỗi nhục của nước.

Ba là, hành động để hóa dân, cường quốc. Phải làm biến đổi, chuyển hóa quốc gia dân tộc. Làm cho dân tiến hóa, cho dân văn hóa, biến đổi chất lượng con người, chất lượng xã hội. Để giành lại và giữ gìn độc lập thì nước phải mạnh và dân có văn hóa.

Vào cuối thế kỷ XX, khi đã thấm đòn “bao cấp”, thật ra bao cấp chỉ là một phương thức hành động có tính chất nhà nước và xã hội. Bao cấp đã có từ xa xưa trong thời nguyên thủy, thời chế độ chiếm nô, thời “feudalism” trong chủ nghĩa tư bản và XHCN. Để tránh sự kết án XHCN nên các nhà “tư tưởng” mác xít ở Việt Nam dùng làm hình nhân thế mạng cho CNXH. Khẩu hiệu “Dân giàu, nước mạnh” được phổ biến. Khẩu hiệu này kém một bậc so với khẩu hiệu của nho gia Việt Nam, là “Quốc phú Dân cường”, nghĩa là Dân mạnh, Nước giàu. Dân mạnh, là mạnh vì gạo, bạo vì tiền, mà còn là mạnh về học vấn, văn hóa trí tuệ, chữ nghĩa, nhân cách con người! Tuy nhiên mấy khẩu hiệu ấy chủ yếu nói về các kết quả đạt được. Trong khẩu hiệu của Đông Kinh Nghĩa Thục ta thấy nó là phương thức kép, vừa nói cái kết quả phải đạt được, mà còn nói tới cả cái quá trình hành động để tạo ra kết quả ấy.

Hóa dân, cường quốc, là triết lý kép lại biện chứng, hai nội dung ấy hỗ trợ cho nhau, có tiến hóa, có văn hóa (cái kết quả tinh thần mà không chỉ đạt tới bằng vật chất, nên có vật chất mà không có tiến hóa và văn hóa thì cũng chỉ là “vật” chứ chưa có thể thành người). Cho nên Đông Kinh Nghĩa Thục quan niệm rất rõ: “Nước mạnh hay yếu là do Dân. Dân mạnh thì nước yếu có thể chuyển thành mạnh, mạnh lâu dài”.

Phải đổi mới tư cách của người dân. Lần đầu tiên, Đông Kinh Nghĩa Thục đưa ra quan niệm Quốc dân, là một quan niệm tiên phong, đi trước thời đại cả trăm năm. Quốc dân chính là cái xương sống, cái lõi của quốc gia dân tộc. Quốc dân phải là những người “ý thức ái quốc, ái quần, bồi dưỡng tài năng tự trị, tự lập”. Và, “Muốn nước được bình trị, mà mong ở vua hiền, tướng giỏi thì không bằng mong ở dân mạnh”.

Ngày nay chúng ta đã ghi được vào Hiến pháp một số điều cơ bản về nhân cách và quyền của Quốc dân (công dân). Nhưng để đạt cho được cái minh triết trong hai chữ Quốc Dân mà Đông Kinh Nghĩa Thục mong ước thì còn phải sửa đổi và làm nhiều hơn nữa. Quan niệm dân mạnh của Đông Kinh Nghĩa Thục bao gồm: mạnh về trí tuệ, học vấn, năng lực khoa học kỹ thuật, công nghệ và thực nghiệp, mạnh về phẩm chất đạo đức, tinh thần yêu nước, bác ái, tiến thủ, cạnh tranh, biết vị trí của mình trong xã hội, mạnh về ý thức tự quyền, không nhất thiết trông chờ ở chính phủ. Bởi vì “quan cũng chỉ là người dân nắm chính quyền mà thôi”. Mà thiết thực nhất là “mạnh” vì có sản nghiệp và biết làm chủ sản nghiệp.

Triết lý “Hóa dân, Cường quốc” của Đông Kinh Nghĩa Thục đặt ra một loạt vấn đề có tính hệ thống: xây dựng một chính thể dân chủ của Việt Nam, do Việt Nam, vì Việt Nam; một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền kinh tế biết coi trọng và phát triển cái vốn (tư bản), coi trọng công, nông, thương, tín, coi trọng luật pháp để biết bảo vệ tài sản, kể cả tài sản trí tuệ. Hơn nữa, biết coi trọng và phát huy mọi phương thức, phương tiện hiện dại để phát triển và quản lý kinh tế.

Hãy làm cho nước Nam của ta càng văn minh, kế ấy là kế của nước, cũng tức là kế của bản thân mình”. Bởi vì “Không thể như trăm năm trước nữa, cứ đóng cửa mà trị dân, dù không tiến bộ cũng có thể ngồi mà giữ nước”. Vì thế, cái định hướng Độc lập gắn với Dân chủ, Dân quyền rõ ràng là một định hướng minh triết.

2- Thực hiện “Chủ nghĩa mở trí khôn cho Dân”

Trong Văn Minh Tân Học, Đông Kinh Nghĩa Thục khẳng định như vậy. Mở trí khôn cho Dân. Tư tưởng ấy khác xa cái lối suy tính “tuyên huấn” cho dân biết tuân phục, nghe theo. Làm cho dân có trí khôn để tự mình có hiểu biết quyết định lựa chọn. Trí khôn mà Đông Kinh Nghĩa Thục quan niệm, vừa là những hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, những hiểu biết về con người, về đất nước, về thế giới, cổ vũ thực học, thực nghiệp. Hơn nữa Đông Kinh Nghĩa Thục còn nhấn mạnh về một nhân cách quốc dân mới. Lần đầu tiên, trong lịch sử văn hóa Việt Nam, đã hình thành một quan niệm mới về người dân như một chủ thể của quốc gia dân tộc, một chủ thể của xã hội, chủ thể của chính quyền nhà nước.

Chủ nghĩa mở trí khôn cho dân, đánh dấu một sự phân biệt về văn hóa, tiến bộ, nhân bản của giáo dục, mà cho đến nay vẫn rất cần để suy ngẫm. Trong thời hiện đại, chúng ta từng chứng kiến những nền giáo dục nhằm đào tạo những “con người công cụ”, chỉ cần biết tuân phục, chỉ cần có được một niềm tin giáo điều! Khác với giáo dục đào tạo “con người công cụ”, Tư tưởng mở trí khôn cho dân đã đề cập đến một triết lý giáo dục dân tộc, nhân bản, và tiến bộ. Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương giáo dục nên những con người “quốc dân”, mạnh mẽ (Dân cường), biết tự chủ, tự lập tự cường.

Để mở trí khôn cho dân, Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương Làm cho cả nước văn minh thì phải có giáo dục phổ cập. Giáo dục phổ cập là cả nước không một người nào không được đi học! Hưởng ứng chủ trương này khắp nhiều tỉnh thành quanh Hà Nội, cho đến Nghệ An, Quảng Nam Quảng ngãi, cả một số nơi ở Lục tỉnh Nam kỳ cũng mở những trường “Nghĩa thục”.

Với tư cách là một ngôi trường, một cơ sở giáo dục, Đông Kinh Nghĩa Thục là hình mẫu tinh khôi đẹp đẽ về một nhà trường do dân, của dân, vì dân. Là một ngôi trường tư đa cấp, đa nghành, một ngôi trường kiểu mới đầu tiên của dân tộc trong thời hiện dại. Nó hơn hẳn và khác hẳn những ngôi trường của chúng ta sau này, kể cả những trường đại học. Đông Kinh Nghĩa Thục, đã xác định và để lại một di sản quý giá, có tác dụng đặt nền móng cho một triết lý giáo dục Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, giáo dục Việt Nam đã có hẳn một triết lý giáo dục với những phạm trù khá hệ thống và hoàn chỉnh.

Về mục tiêu, Đông Kinh Nghĩa Thục xác định:

– Giáo dục để mở trí khôn cho dân.

– Giáo dục để đào tạo ra con người quốc dân mạnh. Bởi vì nước yếu hay mạnh là do dân. Dân mạnh thì nước yếu có thể chuyển thành mạnh và mạnh lâu dài.

– Theo lý chung thì học là để có ích cho bản thân mình và cho quốc gia. Có 3 điều, Một là học vệ sinh, tức là học phương pháp làm cho thân thể cường tráng, không bệnh tật. Hai là học trị sinh, tức là học phương pháp làm cho có thức ăn, đồ mặc, và quản lý sản nghiệp. Ba là, học làm người, làm quốc dân, tức là học cách tự kiềm chế, và cách đối xử với quốc gia xã hội. Tôi coi đó là thiên tài Việt, bởi một trăm năm sau, Jacques Delors dẫu có đưa ra bốn cột trụ của giáo dục thì cũng đến thế là cùng!

Đông Kinh Nghĩa Thục mở đầu cho xu hướng cải cách phương thức và phương pháp Dạy và Hoc, đã phá lối học vì khoa cử hư danh, học để làm quan, lên án khoa cử nọc độc, khoa cử thối nát. Đáng tiếc, vì nhiều nguyên nhân chính trị, văn hóa và xã hội, trong chế độ hiện nay lại đang duy trì lối dạy và học chạy theo khoa cử, bằng cấp, thành tích giả và dối trá.

Đông Kinh Nghĩa Thục cổ vũ tinh thần giáo dục thực nghiệp, tinh thần thực học, làm sao cho cái mà học sinh học và thi không trái với công việc thực tế họ phải làm.

Điều đặc biệt lý thú là Đông Kinh Nghĩa Thục phần lớn là những nhà nho có tư tưởng tiến bộ đầu thế kỷ XX, nhưng nhiều tư tưởng của họ tiến bộ lạ kỳ. Họ chủ trương dường như là tinh thần “Tự do học thuật”, họ đề cao phương pháp dạy và học văn minh tiên tiến, dân chủ. Cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không phải nề hà, không cần thể cách gì hết. Ngẫm ra, nền giáo dục của chúng ta hôm nay lạc hậu mọi bề. Sự khác nhau là một bên có triết lý “Mở trí khôn cho Dân”, còn một bên vì sợ dân khôn thì khó trị và khó tiếm quyền, để cho dân ngu “dân dại” đặng dễ tham nhũng.

Đông Kinh Nghĩa Thục còn để lại một giá trị minh triết về một phương thức ứng xử văn hóa của dân tộc:

Á Âu chung lại một lò,

Đúc nên nhân cách mới cho là người

Nghìn năm trước, chúng ta từng rơi vào cái bẩy “hủ nho”khiến dân tộc không kịp canh tân cho kịp thời nên đã sa vào vòng đô hộ của thực dân. Có ngót cả trăm năm, chúng ta dán đủ thứ nhãn lên trán, đến nỗi một nhà Đông Kinh Nghĩa Thục là cụ Nguyễn Hữu Cầu từng cảnh báo “Ngày nay, chúng ta đã quá Tây, quá Tàu, chúng ta là lũ giáo điều ba rọi, lũ xã hội chủ nghĩa cậy quyền”*. Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương Việt Nam phải hòa nhập với thế giới. Chữ “Đúc” là một chữ rất khoa học, rất triết lý, nó nói về việc xây dựng một bản lĩnh Việt Nam mới một bản ngã Việt Nam mới. Nền văn hóa của Việt Nam thế kỷ XXI cũng đang đứng trước vấn đề “đúc” hay “dán nhãn”.

Triết lý giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục, còn là đề cao tinh thần “Nghĩa thục”. Một kiểu nhà trường không vụ lợi, đề cao cái nghĩa công ích về sự mở mang dân trí. Nhà trường đề cao sự liên thông kết nối với xã hội, thầy và trò đắm mình trong thời sự của đất nước và dân tộc.

Nhà trường nêu cao tinh thần tự chủ, tự lập, soạn lấy chương trình, sách giáo khoa, mời gọi tất cả những ai có tài, có tình, có tâm huyết tự nguyện tham gia xây dựng giáo dục.

Đông Kinh Nghĩa Thục để lại một triết lý về nhân cách của kẻ sĩ, giới trí thức. Là lớp trí thức đầu tiên trong thời hiện đại, các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa cho dân tộc, để lại nhiều di sản quý báu, hữu ích cho những thế hệ nối tiếp. Nhiều dự báo của các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục càng chứng nghiệm càng thấy đúng đắn, hợp lý và cập nhật. Các Cụ xứng đáng như lời Nguyễn Trãi “Trí giả quan chư sự ư vị hình”, nghĩa là kẻ trí xem xét sự vật lúc nó chưa định hình.

Là trí thức cũng có nghĩa là chiến sĩ đấu tranh cho lẽ “Chân-Thiện-Mỹ” của cuộc đời, của dân tộc.

3- Chấn hưng công nghệ

Đông kinh nghĩa thục chủ trương xây dựng một nền kinh tế tự chủ tự lập, tự cường, đúng nghĩa như tên gọi của nó. Kinh tế đồng nghĩa với kinh bang tế thế, trong minh triết của phương Đông. Nó không chỉ có nghĩa là việc làm ăn tiết kiệm (economy) như phương Tây quan niệm. Nền kinh tế mới có công nông thương tín phát triển theo quy luật phổ biến với những phương thức hiên đại.

Công nghệ rất quan hệ với quốc gia. Ta không hơn người thì người sẽ bỏ rơi ta. Tiền của phung phí ra ngoài nước, không còn gì tệ hại hơn thế nữa.

Cạnh tranh để tồn tại. Chỉ có thể tin cậy vào sự cạnh tranh của dân ta mà thôi.

Triết lý về sở hữu và quyền sở hữu của Đông Kinh Nghĩa Thục rất tiến bộ, nó là minh triết vì nó là quy luật phổ biến, nó đúng ở hơn 100 năm trước mà cập nhật cho đến bây giờ. Sau già nửa thế kỷ say sưa và võ đoán với một lý thuyết cộng sản quái đản, người ta buộc phải nói lại về tư hữu!

Thế giới càng văn minh, của công càng ít, của riêng càng nhiều.

Sản nghiệp nên là của riêng, không nên là của công.

Nước càng văn minh thì pháp luật bảo vệ sản nghiệp càng tường tận.

Giá như người giàu bỏ vốn ra phát triển công nghiệp, thì dân ta sẽ cảm kích, xưng tụng, sao lại sinh lòng đố kỵ.

4- Chủ nghĩa Dân bản và triết lý Dân quyền

Có thể lấy ngay ý tứ và chữ nghĩa của Đông Kinh Nghĩa Thục để lại mà đặt tên cho một chủ nghĩa chính trị, một đạo trị nước mà Đông Kinh Nghĩa Thục đề xướng là chủ nghĩa dân bản và triết lý dân quyền. Lần đầu tiên ở nước ta đã ra đời một triết lý trị đạo mới, nó kết hợp những tư tưởng dân bản (Quốc dĩ dân vi bản – Nước lấy dân làm gốc) cổ truyền với những tư tưởng dân quyền hiện đại. Một quan niệm Chính phủ chỉ là người trong quốc dân nắm chính quyền. Quan đáng tôn đáng trọng, nhưng chỉ là một người dân nắm chính quyền… Phải nghĩ rằng dân là gốc của nước, không thể bắt dân theo ý muốn của mình, chẳng phải chỉ không bạo ngược mà thôi. Phàm những quyền lợi mà dân đáng được hưởng thì phải theo chừng mực mà cho dân hưởng… Quyền chính một nước không thể để một người nắm hết…hơn cả trăm năm sau vẫn còn nguyên giá trị!

Những tư tưởng của một nền dân quyền như thế mới mẻ biết bao nhiêu trong cả trăm năm trước, mà ngày nay vẫn còn cập nhật với chúng ta. Từ ngàn năm trước, chúng ta chỉ có những tư tưởng thân dân coi Dân Là Quý (Dân vi quý), coi dân là gốc nước… Nhưng chưa bao giờ dân thoát khỏi thân phận “thần dân”, thứ dân, thảo dân, dẫu có quý, nhưng không có quyền. Một trăm năm nay vấn đề dân quyền luôn luôn là vấn đề mới mẻ, thời sự. Quyền của dân luôn được “đề cao”, nhưng luôn bị chiếm đoạt.

Có thể nói thế kỷ trước, tk XX là thế kỷ của Độc lập và Thống nhất, thì thế kỷ này XXI phải là thế kỷ của Dân quyền. Và ý nghĩa của chủ nghĩa Dân Bản và triết lý Dân Quyền của Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn luôn có ý nghĩa như lý tưởng của thời đại.

Làm cho Dân vừa quyền vừa Quý là lý tưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục.

III) Đứng trên vai những người khổng lồ, khởi nghiệp mới vào thế kỷ XXI

Sau Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt Nam chứng kiến hai cuộc quốc gia khởi nghiệp lớn.

1- Một là cuộc Quốc gia khởi nghiệp theo mô hình Xô-viết, một đảng – nhà nước toàn trị, dân quyền, nhân quyền là hình thức. Thực quyền nằm trong tay lãnh đạo của đảng chứ cũng không phải là toàn đảng. Nền kinh tế gọi là “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”. Sau đó thất bại nên phải điều chỉnh đôi chút, có tí tư bản, có tí thị trường, thực chất vẫn là đảng lãnh đạo, nắm lấy công hữu, duy trì công hữu với cách nói kinh tế nhà nước, với lý thuyết chủ nghĩa tư bản nhà nước. Vì tư bản nên mời gọi được đầu tư nước ngoài và có GDP tăng trưởng. Vì nhà nước nên kiên trì CNXH, nghĩa là kiên trì tham nhũng, cậy quyền. Một nền kinh tế quái đản đẩy tới tha hóa xã hội, phân hóa giàu nghèo kịch liệt, giết hại môi trường, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của, lãng phí tài nguyên, nợ công và nợ xấu đến độ nguy hiểm!

Một chính quyền được rêu rao là của dân, do dân, vì dân, nhưng thực chất dân chỉ có hư quyền. Cả ngót trăm năm những vấn đề thế nào là một chính quyền có chính danh, chính thống, chính nghĩa vẫn là vấn đề tranh luận chưa ngã ngũ. Cậy quyền và tham nhũng biết rồi, nói mãi cũng không có cách chi để đẩy lùi!

Một nền văn hóa giáo dục tiến thụt lùi, không có khả năng cải cách. Văn hóa suy đồi, nhân cách thoái hóa, những giá trị nhân văn cổ truyền mai một. Mối quan hệ người và người trong xã hội, chưa bao giờ thấy những biểu hiện ghê tởm đau lòng như hiện thực.

Cái vỏ vật chất được tạo ra, bề ngoài hào nhoáng, sang trọng, nhưng nó là một thứ vỏ bọc của ung nhọt nguy hiểm, xấu xa.

Có thể nói, cuộc quốc gia khởi nghiệp theo mô hình xã hội chủ nghĩa rồi điều chỉnh định hướng xã hội chủ nghĩa đã không giải quyết rốt ráo những mục tiêu quóc gia là: Độc lập, Thống nhất, một nền chính trị dân chủ dân quyền, một nền kinh tế phát triển bình thường như thiên hạ đời nay một nền văn hóa giáo dục cho con người, vì con người. Có thể nói nó có những thành “công” (có một chính quyền, có một nền kinh tế, có một nền văn hóa khoa học, giáo dục hiện thực) nhưng không thành nhân!

Hãy đem bấy nhiêu tài sản do Dân Nước tạo ra hôm nay làm một cuộc Khởi Nghiệp Mới-Cuộc Quốc gia Khởi nghiệp của thế kỷ XXI. Hãy phấn đấu cho một nền DÂN QUYỀN vẫn chưa bao giờ hiện hữu ở nước ta!

2- Có một cuộc Quốc Gia Khởi nghiệp đi vào Cộng Hòa, nửa đường đứt gánh, ở Miền Nam Việt Nam. Đáng tiếc là chúng ta đã không biết tổng kết, lưu giữ cho dân tộc những di sản hữu ích. Khi nghĩ đến thành công hay thất bại không thể không kể đến những tích cực cũng như những tiêu cực đã xảy ra. Sự thất bại nào cũng có nguyên nhân nội tại. Tuy nhiên lich sử đã xảy ra như một số phận dân tộc. Một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đã xảy ra, vừa có chút sắc thái chống thực dân biết lợi dụng, vừa mang tính chất một cuộc chiến ủy nhiệm mà chính Việt Nam đã tự, và bị đẩy rơi vào. Có phải là một may mắn không khi miền Nam tự và bị buộc phải buông súng?

Trong cuộc Quốc Gia Khởi Nghiệp này, miền Nam đã cống hiến những gì cho lịch sử Việt Nam thời hiện đại, đã có những bài học tích cực nào và bao nhiêu những tiêu cực. Việt Nam là một dân tộc của sông nước hải hồ, nó từng có một ngụ ngôn của văn minh đánh bắt. Phàm con cá, con thú sổng lưới là con cá to! Dẫu sao Nó cũng đã để lại những bài học đắt giá!

Cái gia sản mà chúng ta đang có, cả cái hay, cái dở đều cần cho một CUỘC QUỐC GIA KHỞI NGHIỆP MỐI TRONG THẾ KỶ XXI này.

Ô Đồng Lầm tháng 6 năm 2017 rất nóng.

Ghi chú: Những dòng đen đậm: lời văn của Đông Kinh Nghĩa Thục

*Bài “Une grande figure de lettree”. Le Peuple số 8-1946.

Bình Luận từ Facebook