Chuyện của một thời

Kông Kông

9-7-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tôi chưa bao giờ về Việt Nam để du lịch, chỉ về thời gian rất ngắn vì không thể không về: Người thân qua đời. Sau đó tranh thủ thăm viếng người còn sống để nhỡ các cụ có về cõi thì cũng tự an ủi. Lần vừa rồi đến thăm người bạn cũ, người một thời nằm trong số lãnh đạo Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Tranh đấu trước kia. Ngày đó chúng tôi từng rất thân, rồi đường ai nấy đi vì khác chính kiến, nên khi gặp, tự nghĩ không nên nhắc đến quá khứ, chỉ thăm hỏi bạn bè một thuở, ai còn ai mất, sinh sống ra sao. Ngày đó và bây giờ!

Nhắc chuyện “ngày đó” bỗng từng nhân dáng cũ quay về nên dù không muốn nói đến chính trị, tự nó cũng hiện diện trong câu chuyện. Tôi buộc miệng: “X nghĩ gì về những người tranh đấu cùng thời, thử kể tên vài người, người nào cũng được?” “Mình không thích bàn chính trị. Đừng nói với mình về chính trị”. Không phải ngạc nhiên mà là kinh ngạc! Một con người từng đam mê chính trị, từng sống sôi nổi hết mình trong tuổi thanh niên, từng vô/ra bưng để “chống Thiệu-Kỳ-Hương độc tài, bất công, áp bức…” bây giờ lại né nói về chính trị.

Tôi tự hỏi tại sao? Phải chăng vì sợ hãi? Rồi tiếp: “Có phải bây giờ người dân đã có đầy đủ 12 quyền tự do căn bản như yêu sách của Hà Nội và Mặt trận Giải phóng lúc đàm phán về Hiệp định Paris nên khỏi cần nói về chinh trị?” X dứt khoát: “Đã nói là không bàn về chính trị mà” rồi cười, lái sang hướng khác: “có biết anh Y hiện giờ đang ở đâu không? Mình nhận di chúc của Z trước khi qua đời, nhờ chuyển lời trăn trối đến anh Y”. Tôi im lặng khá lâu, buông một tiếng thở dài “hoàn toàn không biết!” Tôi thở dài vì ký ức hơn 42 năm trước.

Z học văn khoa, không liên quan đến chính trị, nhưng là một trong những nạn nhân chịu bi đát nhất vì người chồng trốn tập trung cải tạo! Đã phải trốn chui lủi khắp nơi, từng ăn ngủ tại các bến xe như những kẻ bụi đời để tránh bị công an theo dõi. Bị đói khát ở vùng kinh tế mới sau đó vì bệnh nặng nên phải quay lại Sài Gòn bằng mọi cách, tìm được một chỗ dung thân là cái chuồng nuôi heo rách nát bỏ hoang giữa một nghĩa địa ở Gò Vấp rồi qua đời tại đó. Còn Y với tôi từng cặp kè trước khi cả hai bị Tổng động viên sau biến cố Mậu Thân 1968 và biệt tin từ đó.

“Mình nghĩ chắc anh Y đi theo diện H.O. nên hy vọng anh có thể tìm được”. Tôi ậm ừ “cho dù có đi H.O. mà không muốn ra mặt thì cũng rất khó tìm huống gì nước Mỹ rộng bao la lại sống ở một thành phố nào đó ít người Việt nữa thì vô phương” nhưng hứa “mình sẽ cố gắng”. Về lại Mỹ tôi liên lạc khắp nơi, nhờ bè bạn trực tiếp thông báo trong những dịp lễ hội đông người… cuối cùng nhận được tin (dù vẫn còn mù mờ) là Y đã mất tại Sài Gòn, chưa kịp đi H.O. còn gia đình vợ con Y thì không biết hiện đang ở đâu, sinh sống ra sao. Tôi gửi email chi tiết về nguồn tin rồi đặt câu hỏi: “Tại sao những đứa bạn thân, như tụi mình, bỗng chia năm xẻ bảy, bệnh hoạn, đói khát, rách nát, tản lạc tứ xứ đến nỗi thân thiết như Y, lại chết ngay tại Sài Gòn, mà tụi mình không hề hay biết? Như vậy ý nghĩa và mục đích cuộc chiến là gì?” X trả lời lan man, chính gia đình X cũng là nạn nhân chứ đừng nghĩ được ưu đãi!

Dù X vẫn “hoạt động” hết mình trong thời gian người hôn phối bị tù ngoài Côn Đảo, đoàn tụ sau ngày 30 tháng Tư, mà như thế đấy!

Chuyện trên tuy riêng tư nhưng có lẽ phản ảnh được phần nào về mặt thật của cuộc chiến 42 năm trước tại miền Nam. “Phe tôi” xấc bất xang bang, đã đành, nhưng “phe X” cũng không khá lắm! Chỉ khác một điều là tôi vẫn nói những gì mình nghĩ, còn X yên lặng. Không hiểu yên lặng vì ăn năn hay sợ hãi? Hay vì “không làm chính trị” nên “không bàn về chính trị” nữa? Hoặc đã chấp nhận khuyến cáo “làm gì cũng được nhưng không được bàn về chính trị vì đã có đảng lo”?

Thế nhưng, trên facebook X có một câu mà tôi coi như là slogan: “Tôi biết làm gì bây giờ?”

X tự hỏi như thế là chút trăn trở còn sót lại, cho thấy căn bản giáo dục thời VNCH và bây giờ trái ngược! Trước kia nhờ hưởng được nền tảng giáo dục Nhân Bản và Khai Phóng đã giúp tuổi trẻ dám đứng ra gánh vác trách nhiệm xã hội, dám dấn thân vì hoài bảo, cho dẫu sự dấn thân đó do bị đánh lừa! Nhưng 42 năm sau, dù là trong số người được ca ngợi “đã hoàn thành sứ mạng lịch sử” lại phải chịu sự dòm ngó của công an, dần dần đã hình thành một nếp sống khác. Nếp sống nhìn trước, ngó sau, nghi ngờ và thấp thỏm! Nếp sống cầu an “vì mình già rồi còn làm được gì nữa. Không khéo lại ảnh hưởng đến con cháu”. Như vậy chế độ hiện tại đã biến một thanh niên tự tin thành một người già sợ hãi. Biến một người dấn thân thành người cam phận. Cam phận ngay với việc con cháu bị nhồi nhét những cặn bã phi giáo dục “thầy không muốn dạy, trò không muốn học”!

Cộng sản đã biến một dân tộc có truyền thống bất khuất trở nên nhu nhược, hèn nhát!

Người được trưởng dưỡng phía Nam đã như vậy thì người phía Bắc, xuất thân “tinh ròng” XHCN, đã phản ứng ra sao với hiện tình đất nước? Cho dù đang chứng kiến thực tế xã hội nhiễu nhương, hỗn loạn nhưng có dám biến tư duy thành hành động, có dám làm cuộc cách mạng để vứt bỏ một thể chế phi nhân tính đang đưa đất nước vào thảm họa? Một nửa dân số của dân tộc phía Bắc đang có được bao nhiêu người trọng tuổi dấn thân?

“Thành quả” tất yếu đang có là một xã hội vô đạo. Quan tối cao thì “ngai vàng điện ngọc” (Nông Đức Mạnh) lấy di sản Trống đồng, ngà voi làm của riêng trang trí tư dinh (Lê Khả Phiêu) còn quan bé hơn thì “ăn không chừa một thứ gì” (Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói)… nhưng lời của những “lãnh đạo” cỡ đó luôn luôn dạy dỗ đạo đức cho mọi người!

Nhìn lại, văn hóa VNCH như một cái cây đang phát triển sum suê dù giữa giông bão chiến tranh, bỗng bị chặt phăng tận gốc, vì nó là “tàn dư Mỹ Ngụy”, tưởng đã mục nát theo thời gian nhưng không ngờ, rễ nó vẫn còn bám sâu trong lòng đất, nên từng bước lại nẩy mầm. Sách, báo, nhạc “ngày đó” dù bây giờ chỉ in “chui” nhưng tràn lan khắp nước trong khi báo chí “văn chương cách mạng” được nhà nước dùng tiền thuế hỗ trợ, tuyên truyền, cổ động tối đa cũng bị thui chột, đến què quặt và chết ngay từ trong chiếc nôi của nó! Điều nầy cho biết những gì thuộc về thiên lương sẽ tồn tại dù cái ác cố tình hủy diệt. Còn những gì trái với nhân bản tự nó sẽ bị đào thãi.

“Cách mạng” rải hạt giống Đỏ từ Bắc vô Nam nhưng văn hóa Vàng lại từ Nam ngược dòng ra Bắc. Mặc cho Đỏ thống trị Vàng vẫn hồi sinh!

Bình Luận từ Facebook