Trung Nguyễn
4-7-2017
Bản án 10 năm mà nhà cầm quyền dành cho chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) đã gây ra sự căm phẫn cao độ với đảng cầm quyền. Từ người dân bình thường đến những người nổi tiếng như Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng kí tên và viết trên trang Facebook của mình ủng hộ chị Quỳnh.
Thời kì phát xít hóa
Với một người mẹ đơn thân phải chăm sóc hai con nhỏ và một mẹ già, chỉ lên tiếng một cách ôn hòa trên mạng internet để phản đối bất công xã hội như Formosa gây ô nhiễm môi trường, công dân “tự tử” bất thường trong đồn công an,… bản án 10 năm tù đã gây xúc động sâu xa cho những ai còn quan tâm tới đất nước. Nó cũng báo hiệu một thời kỳ đàn áp khốc liệt hơn nhằm kéo dài thời gian tồn tại của chế độ.
Từ bản án cho chị Quỳnh, chúng ta có thể lường được những bản án sẽ dành cho những người đang bị tạm giam như Hoàng Bình, chị Trần Thị Nga, luật sư Nguyễn Văn Đài, bác sỹ Hồ Hải, Vịnh Lưu, Nguyễn Văn Đức Độ,… trong thời gian tới.
Hãy cùng đọc lại những lời sau cùng của chị Quỳnh trước tòa:
“Con xin cảm ơn mẹ và các con, các luật sư đã cố gắng bảo vệ cho tôi. Mỗi người chỉ có một cuộc đời nhưng dù được làm lại con vẫn sẽ làm như vậy và con tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận mà sẽ tự hào vì con. Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Người dân chỉ có tự do và hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn”.
Những gì chị Quỳnh đấu tranh là quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt cho người dân Việt Nam. Thật ra thì những quyền này đều được ghi nhận trong điều 25 Hiến pháp, theo đó: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Dù vậy, các lãnh đạo đảng cộng sản cầm quyền lại ngăn cấm báo chí tư nhân, trì hoãn luật lập hội, luật biểu tình để có cớ ngăn cản người dân thực hiện những quyền con người, quyền công dân căn bản trên.
Đoàn kết là sức mạnh
Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các lãnh đạo đảng cộng sản phải tôn trọng pháp luật, tôn trọng dân quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền chứ không phải chế độ đảng trị như hiện nay?
Chị Quỳnh đã trình bày giải pháp rằng mọi người phải “lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình”.
Nhìn vào hoàn cảnh đất nước hiện tại, rất ít người có thể dám hi sinh như chị Quỳnh. Việc ở tù đã tước đoạt quyền được chăm sóc con nhỏ của người phụ nữ này. “Vượt qua nỗi sợ hãi” không hề là một điều dễ dàng.
Do đó, cách để vượt qua nỗi sợ hãi là phải đoàn kết lên tiếng cùng nhau, chứ không phải chỉ là những tiếng nói lẻ tẻ, rời rạc với những mục tiêu khác nhau. Ai lên tiếng một mình cũng sẽ dễ dàng bị đàn áp, nhưng nếu có rất đông người cũng lên tiếng như vậy, cùng nhau sẵn sàng hỗ trợ cho những người bị bắt bớ, cho gia đình của họ, thì nỗi sợ hãi sẽ được giảm đi rất nhiều trong một tập thể, trong đám đông.
Sự cần thiết của các chính đảng
Tập thể có cùng mục tiêu, sứ mạng đó chính là một hội. Và nếu tập thể đó muốn tiến tới việc lãnh đạo quốc gia, ra ứng cử vào Quốc hội để soạn thảo ra các bộ luật nhằm quản trị quốc gia thì đó là một chính đảng.
Quốc gia nào cũng cần có các đảng chính trị dân chủ chân chính để cùng nhau điều hành quốc gia, đối trọng, kiểm soát và hợp tác với nhau trong quốc hội, không để cá nhân hoặc đảng phái nào lộng quyền, lạm quyền. Các chính đảng chân chính thực sự là trụ cột của nền dân chủ.
Đảng Đại hội Quốc gia Dân tộc Phi (ANC) ở Nam Phi được thành lập vào năm 1912. Tới năm 1994, nghĩa là sau 82 năm, với việc Nelson Mandela thắng cử tổng thống thì đảng ANC mới chính thức đạt được mục tiêu là chấm dứt chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đem lại quyền bầu cử cho người da đen, tạo dựng một xã hội công bằng cho cả người da đen và người da trắng trên nền tảng một bản hiến pháp chuẩn mực.
Phải mất 82 năm để một chính đảng ở Nam Phi có thể tập hợp đủ lực lượng, có đủ người tài để nắm đa số trong quốc hội, tạo dựng đủ uy tín với người dân và quốc tế, đủ thế và lực để gây sức ép đàm phán với nhà cầm quyền.
Giả sử Mandela có chết trong tù thì đảng ANC cũng sẽ bầu ra lãnh đạo mới để tiếp tục công cuộc đấu tranh. Đảng ANC sẽ không vì mất một cá nhân lãnh tụ mà để cho cuộc đấu tranh ngừng lại. Sức mạnh của một chính đảng là như thế. Nó có thể hoàn thành sứ mạng của mình dù phải mất nhiều thế hệ đảng viên.
“Nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực” là nền tảng quốc gia
Mục tiêu, sứ mạng hiện tại của cách mạng Việt Nam có phải nên là hiện thực hóa quyền làm chủ của người dân trên nền tảng pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ bản hiến pháp toàn dân hay không?
Rõ ràng mọi người dân đều phải là chủ đất nước, không phân biệt là đảng viên đảng nào, có ý thức hệ gì. Quyền làm chủ đất nước đó phải được cụ thể trong Hiến pháp mới do toàn dân phúc quyết. Và phải có các lực lượng chính trị, lực lượng xã hội dân sự đủ đông, mạnh để bảo vệ bản Hiến pháp chuẩn mực đó, cũng là để bảo vệ nhà nước pháp quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Cách đây 241 năm, ngày 4 tháng 7 năm 1776, 13 bang đầu tiên của nước Mỹ đã thông qua Tuyên ngôn Độc lập. Tuy thế, phải đợi đến khi Hiến pháp chính thức có hiệu lực kể từ ngày 4/3/1789 thì thể chế chính trị của Mỹ mới được xác lập. Kể từ đó, tất cả các đời Tổng thống Mỹ khi nhậm chức đều phải thề:
“Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ”.
Từ gần hai thế kỷ rưỡi trước, những người sáng lập nước Mỹ đã nhận thức rõ Hiến pháp là nền tảng của quốc gia mà bất kì công dân nào, nhất là Tổng thống phải “trung thành”, “giữ gìn, duy trì và bảo vệ”. Từ nền tảng quốc gia vững chắc đó mà nước Mỹ đã trở thành siêu cường của thế giới.
Hãy kết nối và cùng đoàn kết đi tới
Dân trí Việt Nam vào ngày 4/7/2017 này không thể thua dân trí Mỹ vào ngày 4/7/1776.
Xây dựng các chính đảng Việt hiện tại sẽ không cần phải mất 82 năm vì hiện tại mọi người đã kết nối dễ dàng hơn nhờ mạng xã hội. Tính đến tháng 3 năm 2016, có khoảng 35 triệu người Việt có tài khoản Facebook, nghĩa là hơn 1/3 dân số có tương tác trên mạng xã hội.
Các chính đảng Việt cần làm được mục tiêu, sứ mạng “nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực” để vĩnh viễn về sau nước Việt Nam này không còn phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng như trong vụ án của chị Quỳnh, không còn cảnh mẹ phải lìa con, vợ xa chồng, gia đình li tán mà bao nhiêu gia đình tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo đã gặp phải kể từ khi đảng cộng sản trở thành một đảng độc quyền nhà nước. Đó thật sự là một công việc “đội đá vá trời”.
Xin gửi bốn câu thơ cuối trong bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của chí sỹ Phan Châu Trinh, tặng cho các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo và gia đình của họ:
“…Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể sự con con”.
© Copyright Tiếng Dân