Hai phiên tòa im lặng – với một bên bị cáo phải sử dụng quyền im lặng để tự bảo vệ trước cơ quan tố tụng, với một bên là bị cáo và luật sư không có tiếng nói trong phiên xét xử.
Xuân Tường
3-7-2017
Có hai vụ án được đưa ra xét xử gần như đồng thời, vụ án Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thuỳ Dung bị ông Cao Toàn Mỹ tố cáo lừa đảo chiếm đoạt 16,5 tỷ đồng, và vụ án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) với diễn tiến gây chú ý.
Vụ án Phương Nga – Cao Toàn Mỹ không chỉ là một vụ án hình sự đơn thuần. Diễn tiến trong các phiên xét xử cho thấy tố tụng có nhiều dấu hiệu bị lũng đoạn. Cả bị cáo Phương Nga và Dung đều khai vì tin tưởng điều tra viên hứa hẹn, bảo khai và ký vào sẽ được thả. Nhân chứng Lữ Minh Nghĩa – bạn trai của bị cáo Dung phản cung, khẳng định bị Nguyễn Mai Phương, Cao Toàn Mỹ hướng dẫn khai, đưa ra chứng cứ (thư trao đổi qua cán bộ trại giam N.) cho thấy dấu hiệu thông cung, cho biết lời khai tại cơ quan điều tra luôn bị Cao Toàn Mỹ biết. Nhân chứng Nguyễn Văn Yên khẳng định thông qua Nguyễn Mai Phương, được nhờ đóng giả làm chủ căn nhà trên đường Nguyễn Trãi. Luật sư bào chữa cho Phương Nga cung cấp tình tiết mới với hai bản khai của Cao Toàn Mỹ và Phương Nga ghi cách nhau 20 ngày – bản khai của Mỹ (ghi ngày 9/9/2014) và Phương Nga (ghi ngày 29/9/2014) – nhưng có nội dung giống hệt nhau, cho thấy có dấu hiệu của việc sao chụp lời khai của Cao Toàn Mỹ để đưa vào bản khai của bị cáo Phương Nga.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử lần hai đối với bị cáo Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, ngụ Hà Nội, từng đạt danh hiệu Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1989, ngụ TP.HCM) tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khép lại sau một tuần xét xử (22-29/6), với không bản án được tuyên. Với nhiều tình tiết mới phản bác cáo trạng, HĐXX TAND TP.HCM quyết định cho Phương Nga và Dung tại ngoại; trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Vụ án hình sự thu hút sự chú ý của dư luận, với kết luận phiên tòa nhận được sự ủng hộ của phần đa người theo dõi. Đây có lẽ là vụ án đầu tiên tại Việt Nam mà qua quá trình thẩm vấn, xem xét chứng cứ, tranh tụng công khai, dư luận thấy rõ được những mặt tối đằng sau một bản án. Có dấu hiệu tạo dựng chứng cứ để tạo nên một vụ oan sai với sự liên quan của cơ quan tố tụng.
Bị cáo đã sử dụng quyền im lặng với cả phần xét hỏi của HĐXX và đại diện cơ quan công tố như một cách để tự bảo vệ.
Quyền im lặng chưa được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi 2003, nhưng Hiến pháp 2013 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định trong những điều luật cụ thể về việc bị can, bị cáo không khai báo, được hiểu là “quyền im lặng”.
Tại Khoản 2 Điều 59, Khoản 2 Điều 60, Khoản 2 Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Điều 31 Hiến pháp năm 2013 đã làm rõ nguyên tắc suy đoán vô tội với quy định: Người bị buộc tội bị coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Ngoài quyền im lặng, theo Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Đây được hiểu là việc khẳng định nguyên tắc bình đẳng giữa người bị buộc tội, luật sư và cơ quan công tố trong việc thu thập chứng cứ để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, và trong tranh tụng trước tòa.
Việc công nhận quyền được im lặng, quyền bào chữa, quyền được chối tội mà không bị tăng nặng hình phạt, quyền được coi là không có tội khi các cơ quan tiến hành tố tụng không tìm đủ chứng cứ kết tội, quyền được áp dụng nguyên tắc có lợi… nhằm mục đích ngăn ngừa việc xử phạt oan, sai.
Diễn biến tranh tụng và quyết định của HĐXX sau phiên xét xử sơ thẩm lần 2 trong vụ án Phương Nga – Cao Toàn Mỹ được coi là một dấu hiệu tích cực về tính hiện thực của các nguyên tắc tố tụng hình sự đã được đưa vào Hiến pháp và Bộ luật hình sự.
Cùng ngày 29/6, có một phiên tòa khác diễn ra – phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (38 tuổi, trú TP. Nha Trang, Khánh Hòa) tại TAND tỉnh Khánh Hòa.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXH Việt Nam“, theo Khoản 1, Điều 88 Bộ Luật hình sự.
Sau 1 ngày xét xử, TAND tỉnh Khánh Hòa giữ nguyên bản án của VKS đề nghị, tuyên án sơ thẩm 10 năm tù. Vụ án diễn ra gần như trong im lặng.
Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến tháng 10/2016, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã sử dụng trang Facebook cá nhân có tên “Mẹ Nấm” (các tên sau là Mẹ Nấm Gấu, Nguyen Nhu Quynh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) để soạn thảo, đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền, đả kích đường lối chính sách của Đảng, xuyên tạc lịch sử cách mạng VN, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…
Cũng theo cáo trạng, năm 2014, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thu thập thông tin trên các báo chí về 31 trường hợp người chết sau khi làm việc với công an, soạn một tập tài liệu có tiêu đề tiếng Anh là “Stop police killing civilians”, tiếng Việt là “Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường”. Tập tài liệu này nhằm mục đích để người đọc hiểu sai bản chất, xúc phạm và hạ uy tín của Công an nhân dân VN – cáo trạng nhận định.
Ảnh hưởng của phiên xét xử mang tính quốc gia, khi chiều cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phải lên tiếng về bản án của VKS đề nghị 10 năm tù. Bà Hằng cho biết về việc tổ chức theo dõi nhân quyền kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thì như tại các nước khác trên thế giới, tại Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Quá trình điều tra đã hoàn tất và hiện nay phiên tòa xét xử đang diễn ra – bà Hằng cho hay.
Mặc dù vậy, sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm kết thúc với bản án 10 năm tù, vào ngày 29/6, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí kêu gọi thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và yêu cầu cho phép các cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm của mình và tụ họp ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt.
Trong công luận, Như Quỳnh được biết đến như một phụ nữ lên tiếng vì môi trường và quyền của công dân trước luật pháp theo phương thức ôn hòa. Những nỗ lực của cô được ghi nhận qua các giải thưởng quốc tế như giải Phụ nữ Quốc tế can đảm do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh cùng 12 phụ nữ khác trên thế giới vào năm 2017, giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Giải thưởng của năm năm 2015 của Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự.
Hai phiên tòa im lặng – với một bên bị cáo phải sử dụng quyền im lặng để tự bảo vệ trước cơ quan tố tụng, với một bên là bị cáo và luật sư không có tiếng nói trong phiên xét xử. Công luận theo dõi và dành thiện cảm trước quyết định ban đầu của HĐXX đối với vụ án Phương Nga – Cao Toàn Mỹ bởi sự thật dần được phơi bày, diễn tiến tranh tụng tại tòa cho họ niềm tin rằng những hành vi sai trái sẽ được phân định. Nhưng với diễn tiến của phiên tòa “mẹ Nấm” diễn ra cùng ngày, công luận cũng đặt hy vọng những tích cực tại phiên tòa vụ án Phương Nga – Cao Toàn Mỹ sẽ được thể hiện nhiều hơn, không chỉ là trong một vụ án.