Tin trong nước
1. Tin Biển Đông
Về những đồn đoán căng thẳng với Trung Quốc trên biển Đông, sau khi Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển đến cửa Vịnh Bắc Bộ, trong buổi họp báo chiều qua 29/6, bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng, “không có những thông tin như vậy“.
Trong khi đó, Bắc Kinh khoe đã bắt tay xong với Philippines về Biển Đông. Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, hai nước TQ – Philippines đã “thiết lập được cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông và cơ chế hợp tác giữa tuần duyên hai nước“.
Ông Alan Peter Cayetano, Ngoại trưởng Philippines ca tụng sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Tập Cận Bình, nói rằng ý tưởng này giúp kết nối các nước lại với nhau, thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, là “ý tưởng lớn mà thế giới đang tìm kiếm và mong muốn”. Hãng tin Reuters chạy tít, Trung Quốc ca ngợi “thời kỳ vàng son” trong mối quan hệ với Philippines.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 29-6 – Ảnh: Reuters
Cũng tin Biển Đông, trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Ấn Độ mới đây, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi “tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải trên biển Đông một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế“.
Tuyên bố chung của hai nước đã tái khẳng định “tầm quan trọng của việc phải tôn trọng tự do hàng hải, tự do hàng không và thương mại trên toàn khu vực“… “Tuyên bố chung được đưa ra giữa lúc Bắc Kinh trở thành tâm điểm của các cuộc tranh cãi gay gắt về chủ quyền ở cả biển Đông lẫn biển Hoa Đông. Bắc Kinh đã xây dựng và quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá do họ kiểm soát trong khu vực“.
2. Tài nguyên đất nước ngày càng cạn kiệt
Đồng bằng Sông Cửu Long hiện đang đối diện nguy cơ sạt lở nghiêm trọng do quá trình khai thác vật liệu quá mức. Theo tường thuật của báo Người Việt, “hoạt động khai thác cát diễn ra ồ ạt trên diện rộng trong bối cảnh cát, sỏi, phù sa từ thượng nguồn đổ về hạ du sông Mekong giảm liên tục“. Báo này cũng dẫn một thống kê do Tổng cục Hải quan thực hiện, trong vòng ba năm, từ năm 2007 đến 2009, “chính quyền Việt Nam đã cho phép moi 24 triệu khối cát từ hệ thống sông rạch của đồng bằng sông Cửu Long để xuất cảng“.
Đáng chú ý, “ngày 28/6 vừa qua, tiếp xúc với cử tri thành phố Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội, chính thức tuyên bố chỉ cấm khai thác cát trái phép chứ không cấm khai thác cát“.
Cũng liên quan đến Đồng bằng Sông Cửu Long, Đài VOA bình luận: “vùng đất mệnh danh vựa lúa và là kho dự trữ tôm cá của Việt Nam một thuở, dường như nay không còn gì“.
Có thể nói rằng đi suốt các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, vùng đất mệnh danh vựa lúa và là kho dự trữ tôm cá của Việt Nam một thuở, dường như nay không còn gì. Đất ruộng bị hạn, mặn, việc trồng lúa không còn thuận lợi như xưa, các con sông cạn dòng do các đập thủy điện thượng nguồn chặn mất dòng chảy, bên cạnh đó, các nhánh Cửu Long cũng bị ô nhiễm nặng do chất thải công nghiệp, các loài sinh vật sông hầu như cạn kiệt. Đời sống của người dân phải chuyển từ dòng sông nghèo nàn sang đám ruộng, mảnh vườn chật hẹp và chưa có lối thoát nào cho họ. Xem thêm: http://bit.ly/2tUZyr5
Publié par VOA Tiếng Việt sur mercredi 28 juin 2017
3. Thảm họa Formosa
Chiều 29/6, Facebook Tin Mừng Cho Người Nghèo đưa đưa lên mạng một video clip, cho thấy đông đảo người dân, trong đó có các em thanh thiếu niên thuộc Giáo xứ Đông Sơn và các giáo xứ lân cận, tuần hành, yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam.
Giáo xứ Đông Sơn và các giáo xứ lân cận tuần hành yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam
Publié par Tin Mừng Cho Người Nghèo sur jeudi 29 juin 2017
4. Quan chức – Tài sản và những điều Đảng viên không được làm
Dư luận trong dân chúng Việt Nam chẳng lạ gì khi nhìn thấy những tài sản của các quan chức, họ chỉ thắc mắc, không biết với mức lương ít ỏi như thế, các vị quan này làm thêm nghề gì để có thể có được khối tài sản lớn khủng khiếp như vậy?
Nhiều người dân làm lụng vất vả quanh năm đôi khi vẫn không đủ ăn, phải chi các quan chịu khó bỏ thì giờ ra, chỉ giúp cho dân cách làm giàu để cả quan lẫn dân đều được giàu có như nhau!
Một vị ĐBQH cũng đã khẳng định, “với đồng lương của một quan chức cấp tỉnh thì đến cả trăm năm cũng không thể làm được biệt thự hoành tráng như thế“. À, thì ra là nhờ làm lụng vất vả và vay ngân hàng 20 tỷ nên ông quan Phạm Sỹ Quý, GĐ Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, mới có được căn biệt phủ mà nhiều người nằm mơ cũng không thấy. Không rõ ông lấy gì để thế chấp mà vay tiền đây ông ơi?
Việc Thanh tra chính phủ đang tiến hành vào cuộc ở Yên Bái là điều được nhiều người hoan nghênh, tuy nhiên dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ việc thanh tra này, vì họ thừa hiểu rằng, là người của đảng, các quan chức đã có được một vỏ bọc khá an toàn, bởi cụ Tổng bí thư đã tuyên bố “diệt chuột đừng để vỡ bình“.
Cũng liên quan tới chuyện Yên Bái, một tin lạ mà không lạ là, trong văn bản mới nhất đưa ra sáng 29/6, Cơ quan CSĐT – Công an thành phố Yên Bái đã từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, với lý do ông Lê Duy Phong “thấy chưa cần thiết phải có LS tham gia và đã có đơn từ chối luật sư“.
5. Kiểm duyệt bị phản tác dụng
Trong một bài viết trên báo Tiếng Dân có tựa đề “Quyền lực của kẻ bị trị“, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng, chuyện kiểm duyệt ở thời đại thông tin toàn cầu như hiện nay là vô ích và phản tác dụng. Ông viết: “Khi mọi rào cản được dựng nên, con người lại càng khao khát hơn nữa sự thật và tri thức về tự do của mình, của thế hệ mình. Ngăn cấm giờ đây thật dễ bộc lộ gương mặt trơ trẽn của kẻ thống trị, và nhanh chóng tạo quyền lực nhận thức cho kẻ bị trị“.
Về câu hỏi “nên hay không” thu hồi cuốn hồi ký ‘Một cơn gió bụi’ của sử gia Trần Trọng Kim, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trả lời BBC: “Tôi rất ngạc nhiên, như vậy là không bình thường, tôi không đồng tình về việc thu hồi cuốn sách“. Nhà văn Nguyễn Đình Bổn viết một status trên Facebook, cho rằng, “nếu phải lừa dối, cắt xén, đút lót” để in lại các tác phẩm cũ thì “Làm như vậy nó hèn kém, không xứng đáng với văn hóa!”
Liên quan tới chuyện kiểm duyệt, thu hồi bức tranh “Biển chết”, GS Trần Hữu Dũng có lời bình trên trang nhà của mình: “Họa sĩ Nguyễn Nhân nên cám ơn ‘cơ quan chức năng’ ngu xuẩn này! Nhờ họ mà bức tranh này có thể sẽ bán đến 1 triệu USD!“. Whoa!
Chưa hết, chuyện kiểm duyệt chắc chắn sẽ làm cho số lượng sách “lậu” tăng lên, cho dù Bộ 4T có vẽ ra trò dán tem gây lãng phí vô ích này.
Tự trả lời câu hỏi có nên trách báo chí bị kiểm duyệt không, nhà báo Trung Bảo than thở: “Chỉ nên buồn cho nghề báo. Buồn vì chúng tôi có những người đủ khả năng và sự chuyên nghiệp để đưa tin nhưng mãi mãi bị kiềm hãm bởi óc quản lý của những cảnh sát tư tưởng còn rơi rớt lại từ thời Stalin. Bạn có thể yêu cầu chúng tôi đấu tranh cho nghề nghiệp của mình. Đành trả lời đó phải là câu chuyện dài của cả một xã hội, không thể trút hết lên vai nhà báo dù đúng là họ có vai trò quan trọng“.
Cũng chuyện kiểm duyệt, một bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 27/6/2017, có tựa đề: “Phía đường băng, còn đó các anh nằm…“, có đăng hai bức ảnh bị cắt, dán, chỉnh sửa, đục bỏ hai chữ “lầm đường” trong câu: “Nơi đây an nghỉ những chiến sĩ lầm đường đêm mồng 1 Tết Mậu Thân. Linh thiêng xin các bạn hãy giúp cho xứ Việt Nam thân yêu của chúng ta mau thái bình”. Không rõ báo Tuổi Trẻ đã bị ở trên tuýt còi hay chính họ đã tự kiểm duyệt để khỏi bị rắc rối?
6. Vụ xử Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Sáng nay 29/6 phiên tòa sơ thẩm xét xử “công khai” blogger Mẹ Nấm đã diễn ra, người thân duy nhất là bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của cô Quỳnh vẫn không được vào tham dự. Bà Lan nói với BBC rằng, bà không được vào bên trong trực tiếp tham dự phiên tòa, mà phải theo dõi qua tivi ở một phòng khác.
Trong bài viết của báo NLĐ “Đề nghị 8-10 năm tù đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh”, báo này đăng bức ảnh của một người phụ nữ nào đó, với dòng chú thích: “Mẹ bị cáo Quỳnh tham dự phiên tòa” đã bị các Facebooker vạch ra. Bức ảnh này hiện đã bị gỡ bỏ khỏi báo NLĐ.
Blogger Nguyễn Tường Thụy bình luận về vụ này qua status Hai bức hình đáng xấu hổ của báo Người Lao động. “Nhà báo phải tôn trọng sự thật. Bịa đặt, minh họa một cách sống sượng cho nhà cầm quyền không phải là thiên chức của người làm báo. Bài báo đưa tin về phiên tòa xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hôm nay của tác giả Kỳ Nam, báo Người lao động điện tử sặc mùi bút nô, thật đáng xấu hổ“.
Blogger Mẹ Nấm tại phiên tòa hôm qua 29/6. Ảnh: TTXVN
Luật sư Lê Văn Luân, một trong 3 luật sư bào chữa cho cô Quỳnh đã thuật lại lời của cô tại phiên tòa, như sau: “Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Người dân chỉ có tự do và hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn“.
Mời xem lại Cáo trạng của VKSND tỉnh Khánh Hòa, truy tố cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Với cáo trạng, buộc tội, xét xử, kết án đã diễn ra như vậy, nhà báo Mạnh Kim cho rằng, bản án này là “vô nhân đạo” và rằng “chẳng ai có thể an toàn“.
Một bài viết trên báo Washington Post viết về blogger Mẹ Nấm năm ngoái có tựa đề: In Vietnam, Telling the Truth is Criminal “Propaganda”. Mời xem bản dịch của dịch giả Phạm Vũ Lửa Hạ: Ở Việt Nam, nói lên sự thật là tội ‘tuyên truyền’.
Rất nhiều tờ báo nước ngoài đưa tin về vụ xử này: Vietnam Sentences Prominent Blogger to 10 Years in Prison (NYT). – Vietnamese blogger ‘Mother Mushroom’ goes on trial for anti-state propaganda (Taipei Times). – Vietnamese blogger jailed for 10 years for ‘defaming’ regime (Guardian). – Who is Mother Mushroom? Blogger accused of propaganda against Vietnam goes on trial (IBT). – Blogger Mother Mushroom goes on trial (SBS). – Vietnam sentences prominent blogger to 10 years in prison (Daily News).
7. Cộng đồng gốc Việt vận động cho nhân quyền Việt Nam
Đài VOA đưa tin, Nhiều phái đoàn người Mỹ gốc Việt, từ 15 tiểu bang ở Hoa Kỳ, đã tiếp xúc với các dân biểu và các nhân viên lập pháp và các giới chức Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ… để lên tiếng về việc chính quyền Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền.
Ảnh: VOA
Dân biểu Alan Lowenthal thuộc đảng Dân Chủ, đồng Chủ Tịch Vietnam Caucus – Khối dân biểu Hoa Kỳ Quan tâm Vấn đề Việt Nam, cho biết: “Sự kiện này giúp tôi hiểu thêm về tình hình ở Việt Nam, đặc biệt là các tù nhân lương tâm, để ra sức ép buộc chính quyền phải gia tăng tự do tôn giáo, và không đối xử bất nhân với công dân của mình, khi họ thể hiện quyền tự do ngôn luận”.
8. Vụ án cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga
Có lẽ được dư luận chú ý vì có những tình tiết pháp lý cần quan tâm, chứ “đâu có xoay quanh cái “lá đa” như cách nghĩ phàm tục” của mấy “ông tám bà tám”. Chiều ngày 29/6 cựu hoa hậu đã được tại ngoại, LS Trần Vũ Hải có lời chúc mừng cô và bạn gái cô, qua một status trên Facebook: Án lệ Phương Nga đánh dấu lịch sử tư pháp Việt!
9. Lại thêm địa phương dính tàu vỏ thép kém chất lượng
Ngoài hai tỉnh Bình Định, Thanh Hóa, hôm nay Báo Tuổi trẻ cho hay, “nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Nam được đóng theo nghị định 67 cũng đang gặp sự cố, thậm chí có tàu chưa bàn giao cho ngư dân đã phải đưa lại lên bờ để… dưỡng thương“.
Ngư dân phần lớn phải vay tiền Ngân hàng để đóng tàu, nên những sự cố trên đã đẩy họ lâm vào cảnh nợ nần. Theo thông tin từ bài báo trên, chính quyền, người dân và doanh nghiệp vẫn không tìm được tiếng nói chung, nên một số ngư dân đã đâm đơn kiện doanh nghiệp đóng tàu ra tòa.
10. Quân đội với kinh tế
Chắc là do biết sắp nghỉ làm kinh tế, quá rảnh, không có việc gì để làm, nên quân đội Tập huấn công tác Đoàn cho cán bộ Quân đội nhân dân Lào? Tiếc là không thấy có chương trình đào tạo thủy thủ tàu viễn dương và người nhái cho các thủy thủ Lào.
11. Nạn buôn người vẫn nhức nhối
Không ở mức cao như Trung Quốc, Bắc Hàn, Syria, nhưng Việt Nam cũng bị liệt vào “những nước không đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu về bài trừ buôn người”, mặc dù “đang có những nỗ lực đáng kể nhưng chưa cải thiện“.
Tin quốc tế
1. Hồng Kông – Trung Quốc
Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm ngày Anh quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc đại lục, lần đầu tiên trên cương vị chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình sẽ viếng thăm Hồng Kông trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt.
Để hiểu thêm về việc Anh quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Hoa đại lục như thế nào, mời xem bài viết hôm qua trên đài BBC.
2. Thượng đỉnh Nhật – Trung – Hàn bất ngờ bị hủy
Báo An ninh Thủ đô đưa tin, cuộc họp thượng đỉnh 3 nước Nhật – Trung – Hàn lẽ ra sẽ được tổ chức tại Tokyo vào tháng 7 tới, thế nhưng, do những bất đồng với Seoul, liên quan tới Hệ thống Phòng thủ Tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đang triển khai trên đất Hàn, Bắc Kinh bất ngờ cho biết sẽ không tham gia. Trung Quốc rất bất bình với Hàn và Mỹ khi cho rằng, hệ thống tên lửa này nhắm vào họ.
3. Hoa Kỳ với Báo chí
Tự do báo chí ở Mỹ có vẻ như ngày càng xấu đi khi Tổng thống Trump tấn công hai bình luận viên Joe Scarborough và Mika Brzezinski chương trình Morning Joe của đài MSNBC. Sáng nay, Trump đăng tải hai Tweet liên tục, tấn công hai phóng viên nói trên rằng: “Tôi nghe nói chương trình ít người xem Morning Joe nói xấu tôi dữ lắm (đừng có xem nữa!) Vậy thì làm sao [bà] Mika điên khùng, đần độn cùng với [ông] Joe tâm thần lại đến Mar-a-Lago ở 3 đêm liên tiếp và muốn cùng tôi tham gia đón giao thừa. Bà ta chảy máu dữ quá từ khuôn mặt giải phẩu thẩm mỹ. Tôi trả lời ‘không’!”
Bình luận viên Joe Scarborough từng là dân biểu Hạ viện từ năm 1995 to 2001, đại diện cho quận hạt 1 của tiểu bang Florida. Bà Mika Brzezinski là con gái của nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Zbigniew Brzezinski, là Cố vấn An ninh Quốc gia, dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, và là tác giả cuốn sách Thất bại lớn – Sự ra đời và cái chết của CNCS trong thế kỷ XX. Ông mới qua đời hồi cuối tháng trước, thọ 89 tuổi.
Hai ngày trước, Trump cũng đã đưa lên Twitter những lời bình luận, liên tục tấn công các tờ báo lớn ở Mỹ như: Washington Post, CNN, NBC, CBS, ABC…
Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ trích Myanmar bắt nhà báo. Ba nhà báo đã bị bắt giữ khi họ đến dự một buổi lễ do Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta’ang (TNLA) tổ chức ở miền bắc Myanma. Chính phủ Myanmar cáo buộc, các nhà báo này đã vi phạm luật vì họ không được phép tham dự buổi lễ nói trên.
4. TT Trump “tán tỉnh” nữ phóng viên khi đang điện đàm với thủ tướng Ireland
Trong khi nói chuyện điện thoại với ông Leo Varadkar, thủ tướng Ireland, bất ngờ Tổng thống Trump dừng cuộc điện thoại và ra hiệu cho cô phóng viên Caitriona Perry tiến về phía ông. Trump hỏi: “Cô từ đâu đến?” Hai người trao đổi vài câu ngắn ngủi, rồi Trump quay lại nói chuyện với thủ tướng Varadkar, rằng “Cô ấy có một nụ cười thật xinh”.
Clip ghi lại giây phút kỳ quặc này đã được phóng viên Caitriona Perry đăng tải trên Twitter hôm qua:
Video of the bizarre moment when President @realDonaldTrump called me over during his call with Taoiseach @campaignforLeo Varadkar. @rtenews pic.twitter.com/TMl2SFQaji
— Caitriona Perry (@CaitrionaPerry) June 27, 2017