Tin trong nước
1. Tình hình biển Đông vẫn phức tạp, Việt Nam cần cảnh giác
Tình hình Biển Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ khôn lường, và xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Quang Dy có bài phân tích đăng trên trang Viet-studies, với tham vọng bành trướng ảnh hưởng của mình trên Biển Đông, Trung Quốc đang gây sức ép mạnh mẽ lên các nước có liên hệ làm ăn với Việt Nam.
Giàn khoan 981 của TQ đang hoạt động tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh: internet
Và mặc dù theo tác giả, Việt Nam cần liên minh với Mỹ, Nhật nhưng “điều đáng lo ngại nhất không phải ta thua vì thiếu tàu chiến hay máy bay, mà sợ “quân đội nhân dân” đánh mất lòng tin của dân, không còn “trung với nước, hiếu với dân”.
Mặc dù hôm 27/6/2017, trong Hội nghị quân chính của Bộ quốc phòng có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo chỉ được nhắc đến qua loa.
Một tin liên quan là hôm nay 28/6, Trung Quốc đã vừa hạ thủy một tàu khu trục tự đóng thế hệ mới.
2. Người Việt Nam thiện cảm với Mỹ, bị Trung Quốc ghét
Một nghiên cứu mới được công bố ngày 26/6/2017 của Pew cho biết, có tới 84% người Việt được hỏi họ thích nước Mỹ. Có thể do yêu Mỹ mà không yêu “bạn“, nên người Việt bị Trung Quốc ghét?
Cũng trong báo cáo này, “Liên quan đến nền dân chủ kiểu Mỹ, có đến 69% người Việt được hỏi, nói họ thích các ý tưởng dân chủ kiểu Mỹ”.
Không phải bây giờ người Việt mới “thích” Mỹ như vậy, mà đã thấy thấp thoáng có từ ngày 2/9/1945 rồi. Phải chi người Mỹ không “bỏ rơi“ người yêu mình, thì lịch sử có lẽ đã đi theo chiều hướng khác!
3. Thảm họa Formosa Hà Tĩnh và vấn đề môi trường
Trong khi môi trường biển khu vực miền Trung vẫn chưa được khôi phục, việc chi trả đền bù chậm trễ kéo dài, vấn đề minh bạch số liệu quan trắc vẫn chưa được công bố… thì những ưu đãi của chính phủ cho công ty Formosa tiếp tục là một dấu hỏi.
Biển miền Trung tiếp tục nóng khi báo Thanh Niên cho biết, chiều ngày 27/6/2017 Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy phép chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù Bộ TN-MT có yêu cầu quan trắc, nhưng những số liệu báo cáo thường không đáng tin cậy.
Chiều nay, trên mạng lan truyền một văn bản do Hội văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh phát hành ngày 1/6/2017 Quyết định thu hồi bức tranh ‘Biển chết’ và thi hành “kỷ luật cảnh cáo thời gian thử thách là một năm” đối với Họa sỹ Nguyễn Nhân, tác giả bức tranh.
Tác phẩm “Biển chết” của họa sĩ Nguyễn Nhân. Ảnh: FB Võ Đắc Danh
Bức tranh ‘Biển chết’ của họa sỹ Nguyễn Nhân, sinh năm 1953, được giải Ba trong cuộc thi sáng tác tranh do Hội văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh tổ chức năm 2016, có giá trị giải thưởng là hai triệu đồng.
4. Quân đội và Kinh tế
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình trong sân bay Tân Sơn Nhất, hôm nay 28/6/2017 theo báo chí, UBND quận Tân Bình vừa có công văn khẩn gửi UBND và Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất tổng kiểm tra các công trình bất hợp pháp được xây dựng trong khu vực thuộc đất sân bay Tân Sơn Nhất.
Lần này là Sư đoàn 370 Không quân ký hợp đồng với các đơn vị kinh tế, “để triển khai xây dựng các công trình khu vui chơi giải trí, các dịch vụ trong khu vực thuộc đất sân bay Tân Sơn Nhất thuộc phường 15“. Điều đáng nói là, “Đa số các công trình xây dựng bất hợp pháp nêu trên không có giấy phép xây dựng”.
Để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh kinh tế của quân đội nhân dân Việt Nam, mời đọc lại bài báo trên Vietnam Finance: Nhân phát biểu của tướng Lê Chiêm, thử soi bức tranh kinh tế quân đội.
5. Điểm nóng Yên Bái
Trong khi cộng đồng mạng vẫn nêu ra những quan điểm trái chiều về phóng viên Lê Duy Phong, sáng nay, Bộ Công an cho biết, phóng viên Lê Duy Phong của Báo GDVN đã nhận 200 triệu đồng của Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Yên Bái.
Hôm 26/6/2017, Công an TP Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với nhà báo Lê Duy Phong, theo đó “Trưởng Ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, có hành vi đe dọa, đã nhận 50 triệu đồng của ông Hoàng Trung T (doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại thành phố Yên Bái) để dừng viết bài về doanh nghiệp này“.
6. Vụ việc tại Đồng Tâm
Tiếp tục gây chú ý khi trong ngày hôm nay, “Bộ Công an đã có Quyết định thành lập đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra việc Công an Hà Nội bắt giữ người ở Đồng Tâm”.
Quyết định trên được Thiếu tướng Bạch Thành Định – Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đưa ra trong buổi họp báo sáng 28/6.
Cũng trong buổi họp báo này, liên quan đến việc tại sao Công an Hà Nội lại khởi tố vụ án? Ông Bạch Thành Định cho hay: “Việc khởi tố hình sự nhằm tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ hành vi bắt, giữ người trái pháp luật và cố ý hủy hoại tài sản để điều tra xử lý theo đúng trình tự pháp luật”.
7. Về sự việc chạy thận gây chết nhiều người tại Bệnh viện Hòa Bình
Sáng 28/6, trả lời báo giới về việc Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam gửi đơn kiến nghị lên Bộ trưởng Công an, cho rằng cơ quan điều tra bắt bác sĩ Hoàng Công Lương do liên quan vụ tai biến chạy thận khiến 8 người tử vong là chưa “khách quan và thuyết phục”, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, cho rằng việc Công an Hòa Bình khởi tố “đảm bảo khách quan“.
Tuy nhiên vào buổi chiều cùng ngày, Bộ Y tế nói rằng sẽ đề nghị cơ quan điều tra cho bác sỹ Lương được tại ngoại trong quá trình điều tra.
Sự cố tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xảy ra sáng 29/5 khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo làm 8 người lần lượt tử vong, nguyên nhân chính được xác định là do trong nước RO sử dụng để lọc máu có chứa độc tố.
8. Thu hồi sách Một Cơn Gió Bụi
Vụ thu hồi cuốn sách Một Cơn Gió Bụi đang gây xôn xao dư luận, có thể có tác dụng ngược đối với cơ quan kiểm duyệt, làm cho người dân tò mò, tìm hiểu kỹ hơn lý do vì sao cuốn hồi ký này bị thu hồi.
Lý do của những người chủ trương thu hồi là, “trong cuốn sách có nhiều chi tiết, đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng“. Tuy nhiên, có thể lý do chính là vì cuốn sách này có các chi tiết “nhạy cảm”, liên quan đến ông Hồ Chí Minh.
Nhà báo Huy Đức cho biết: “Trang 75 bản Vĩnh Sơn 1969 có đoạn ‘Trong số 22 người ấy có một nữ đảng viên tên Đỗ Thị Lạc là người sau này có đứa con gái với Hồ Chí Minh. Vể sau người ta nói khi về đến địa hạt Bắc Giang, có ba đảng viên trong 22 người ấy bị giết vì không chịu theo cộng sản’. Đoạn này đã bị cắt ở bản Phương Nam in 2017 (trang 80)”.
9. Blogger Mẹ Nấm ra tòa hôm nay
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, sẽ bị đưa ra xét xử vào lúc 8h sáng hôm nay, tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh hòa. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vừa có bài viết kêu gọi chính quyền Việt Nam nên phóng thích cô Quỳnh ngay lập tức và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với cô.
Blogger Mẹ Nấm. Ảnh: internet
Luật sư Võ An Đôn, một trong những luật sư bào chữa cho blogger này, cho biết: “Sau khi cô bị bắt giam vài tháng, điều tra viên thông báo cho cô ấy biết về tình hình trong nước và thế giới như sau: Bị can bị bắt dư luận trong nước không ai quan tâm đến bị can; quốc tế thì ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và nước Mỹ không còn quan tâm đến dân chủ, nhân quyền nước khác, bị can sớm nhận tội để hưởng sự khoan hồng của nhà nước”.
Lên tiếng trên Facebook, Luật sư Trần Vũ Hải yêu cầu toà án hãy xử vụ blogger Mẹ Nấm công khai như xử vụ hoa hậu Trương Hồ Phương Nga. Vị luật sư này cũng mong rằng, “sẽ có nhiều phóng viên tham gia và đưa tin chi tiết về phiên toà này, tránh tiếng báo chí chỉ thích các vụ án ‘tình tiền’, trong khi lờ đi những vụ án liên quan đến chính trị, dân oan…”. Tuy nhiên, blogger Lê Nguyễn Hương Trà cho biết, “bà Lan mẹ của Quỳnh và các nhà hoạt động có tên trong cáo trạng đã đến Nha Trang chiều nay, nhưng chắc khó lọt vô được trong tòa!”
Blogger Mẹ Nấm bị Công an tỉnh Khánh Hòa đã bắt giữ từ tháng 10 năm 2016, với cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
10. Các nhà hoạt động nhân quyền ngày càng gặp khó khăn
Liên tiếp mấy ngày gần đây, Chính phủ Việt Nam thực hiện những biện pháp cứng rắn với một số nhà hoạt động trong nước. Sau khi trục xuất GS Phạm Minh Hoàng hồi cuối tuần rồi, hôm 27/6 Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong thuộc Dòng Chúa Cứu thế bị chính quyền bất ngờ ngăn không cho xuất cảnh.
Sáng 28/6/2017, TS Nguyễn Quang A tố cáo an ninh bắt cóc ông mà không rõ lý do, mặc dù sau đó ông được thả về chỗ ban đầu lúc 13:50′ cùng ngày.
Trước đó, nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh và chị gái của bà cũng bị cấm xuất cảnh “vì lý do an ninh“.
11. Chính quyền lại đàn áp tôn giáo
Theo Facebook Tin Mừng Cho Người Nghèo, “sáng nay, nhiều tu sĩ Thiên An ở Huế đã bị hành hung ‘bầm tím mặt’ bởi một số cán bộ và phụ nữ“. Video hành hung tu sĩ Thiên An và tháo gỡ thánh giá ở Huế sáng 28/6/2017:
Video tháo gỡ thánh giá hành hung các tu sĩ Thiên An ở Huế sán…
Video hành hung tu sĩ Thiên An và tháo gỡ thánh giá ở Huế sáng naySáng nay, nhiều tu sĩ Thiên An ở Huế đã bị hành hung “bầm tím mặt” bởi một số cán bộ và phụ nữ. Đây là hành động xúc phạm đến người Công giáo.Theo đó, giới chức Huế đã huy động hơn 100 người gồm các cán bộ và phụ nữ đến hạ một cây Thánh giá bên trong khuôn viên đan viện xuống.Phản ứng trước hành động này, các tu sĩ Thiên An đã chạy đến ôm lấy cây thánh giá và cương quyết không để người của giới chức trách hạ xuống, bởi đây là biểu tượng thiêng liêng của Kitô giáo.Vì bảo vệ cây thánh giá và phản đối hành động không dựa trên bất kỳ điều khoản luật pháp nào, một số đan sĩ bị đánh “bầm tím mặt”. Theo niềm tin của người Công giáo, việc đánh đập các tu sĩ, linh mục là mắc tội phạm thánh.Đan viện Thiên An là điểm nóng trong thời gian gần đây, bởi giới chức trách Huế đang tìm cách chiếm được phần đất hơn 107 hécta mà đan viện khẳng định có chủ quyền và đủ chứng cứ pháp lý, ở thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.Cây thánh giá có tượng Chúa Giêsu bị hạ xuống nói trên, là cây thánh giá đã bị người của giới chức trách đập vỡ tượng trước đó.Hôm 16/6 vừa qua, Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng giám mục đã đến viếng cây thánh giá này khi thăm đan viện Thiên An.
Publié par Tin Mừng Cho Người Nghèo sur mardi 27 juin 2017
Mục đích chính quyền đàn áp tu viện này, theo nguồn tin trên, là nhằm chiếm đoạt 107 hecta đất của tu viện ở thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dù đã có cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng nhiều lần Việt Nam vẫn bị đề nghị đưa vào danh sách đen CPC, là danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo.
Tin Quốc tế
1. Tối cao Pháp viện Venezuela bị trực thăng cảnh sát ném bom
Theo tin từ báo chí nước ngoài, hôm nay một chiếc trực thăng của cảnh sát đã ném bom xuống Tối cao Pháp viện nước này. Tổng thống Nicolas Maduros lên án vụ ném lựu đạn từ trực thăng xuống trụ sở cơ quan tư pháp cao nhất đất nước là hành động khủng bố. Vụ tấn công không gây thương vong, nhưng đã khiến tình hình ở đất nước Trung Mỹ này thêm căng thẳng.
Viên cảnh sát phi công Oscar Perez (giữa), là người thực hiện vụ ném bom xuống Tối cao Pháp viện Venezuela và đăng bức ảnh này trên intergram.
Cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế ở Venezuela kể từ sau cái chết của Tổng thống Hugo Chávez, ngày càng trầm trọng hơn trong một năm qua. Tỷ lệ lạm phát cao, hàng hóa khan hiếm, tỉ lệ thất nghiệp cao do sản xuất đình trệ vì thiếu điện, nước, nhiều cuộc biểu tình của dân chúng diễn ra khắp nơi, đòi tổng thống nước này từ chức.
2. Cập nhật thông tin về ông Lưu Hiểu Ba
Trong khi Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc cho phép ông Lưu Hiểu Ba ra nước ngoài chữa trị, thì trên mạng xã hội hiện đang loan tải một lá thư ngỏ của giới trí thức Trung Quốc gửi chính quyền, yêu cầu trả tự do cho ông.
Ông Lưu Hiểu Ba bị bắt năm 2009, do cùng với hơn 300 trí thức tham gia viết Hiến chương 08, kêu gọi chính phủ TQ cải cách chính trị và dân chủ. Ông bị kết án 11 năm tù về tội “xúi giục chống phá nhà nước”.
3. “Người thật không nên tin vào các đảo giả của Trung Quốc”
Theo tin từ Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, tố cáo Bắc Kinh là “đang nâng cao khả năng chiến đấu và lợi thế về vị trí với mục đích khẳng định chủ quyền trên thực tế của mình tại các vùng biển đang trong vòng tranh chấp trong biển Đông”. Phát biểu tại Trung tâm Chính sách Chiến lược Úc, Đô đốc Harris nói “Người thật không nên tin vào các đảo giả của Trung Quốc“.
4. Hồng Kông – Trung Quốc
Theo đài RFI và đài RFA, ngày 01/07/2017 tới đây là đúng 20 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, tuy nhiên đông đảo người dân Hồng Kông cảm thấy các quyền tự do tại đặc khu hành chính này bị thu hẹp dần dần. “Một quốc gia, hai chế độ” đâu không thấy, chỉ thấy hai bàn tay thép đang bóp nghẹt người dân Hồng Kông, nhiều người đang đổ xô xin hộ chiếu Anh quốc.
Cũng theo RFI, “nếu quan sát kỹ, chính sách của Tập Cận Bình thi hành tại Hồng Kông diễn ra cùng lúc và cùng chiều tại Hoa Lục và trên biển: đàn áp nhân quyền, kềm kẹp tự do ngôn luận trong nước và ráo riết bành trướng ở Biển Đông và Hoa Đông“.
5. Nạn Buôn người: Hoa kỳ cho Trung Quốc vào danh sách đen
Hoa Kỳ đã liệt Trung Quốc vào danh sách đen các nước buôn người trầm trọng, cùng hạng với Bắc Triều Tiên và Syria. Được biết có 23 quốc gia bị xếp vào hạng này, nhưng không có tên Việt Nam. Mời xem toàn bộ 454 trang báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình trạng buôn người của tất cả các nước trên thế giới.