28-6-2017
Các Vụ Bắt Giữ Và Xét Xử Nhà Hoạt Động Thể Hiện Quyết Tâm Dập Tắt Tiếng Nói Phê Bình Của Hà Nội
(New York) Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam nên phóng thích ngay lập tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh “Mẹ Nấm”) và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với cô. Công an bắt cô từ tháng Mười năm 2016 và tống đạt cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự. Tòa án Nhân dân Tỉnh Khánh Hòa dự kiến sẽ mở phiên xử bà vào ngày 29 tháng Sáu năm 2017.
“Đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xử, chỉ vì đơn thuần thực hiện quyền tự do ngôn luận để kêu gọi chính quyền cải tổ và có tinh thần trách nhiệm, thật là quá đáng” ông Phil Robertson , Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Vấn đề bê bối trong vụ này không phải là những gì Mẹ Nấm nói, mà là thái độ của Hà Nội cứ khăng khăng cự tuyệt thay đổi các điều luật hà khắc, vi phạm nhân quyền để trừng phạt các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa khiến uy tín quốc tế của Việt Nam bị xấu đi.”
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 38 tuổi, viết blog dưới bút danh Mẹ Nấm. Bút danh này được đặt theo tên của con gái cô, năm nay 11 tuổi, được mẹ gọi là “Nấm.”
Với khẩu hiệu, “Nếu bạn im lặng thì ai sẽ nói,” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh viết về các vấn đề chính trị xã hội trong đó có trưng thu đất đai, công an bạo hành, và tự do ngôn luận. Cô lên tiếng ủng hộ bạn bè bất đồng chính kiến và công khai vận động đòi trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm). Trên hết, cô vận động cho một môi trường xã hội không bị nỗi sợ hãi ám ảnh. Buổi sáng cùng ngày, trước khi bị bắt, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đi cùng với bà Nguyễn Thị Nay, mẹ của tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Quốc Duy, đến trại giam để cố vào thăm Duy.
Tháng Chín năm 2009, công an đã bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại nhà vào lúc nửa đêm để thẩm vấn về các bài viết trên blog có nội dung phê phán chính sách nhà nước đối với Trung Quốc và các hành động tuyên bố chủ quyền trên vùng lãnh thổ đang còn tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa của phía Trung Quốc. Cô được thả chín ngày sau đó, nhưng tiếp tục bị công an theo dõi gắt gao và gây sức ép buộc cô phải đóng blog.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tham gia nhiều cuộc biểu tình vận động cho nhân quyền và môi trường. Cô liên tục bị công an sách nhiễu, đe dọa, thẩm vấn và bị quản thúc tại gia nhiều lần nhằm ngăn cản cô tham dự các sự kiện quan trọng. Công an tạm giữ cô hai lần trong năm 2014 để ngăn không cho cô bay đi Hà Nội dự cuộc họp tại Đại sứ quán Úc vào tháng Mười và các cuộc gặp tại Đại sứ quán Canada và Na Uy vào tháng Mười một. Tháng Ba năm 2015, công an lại câu lưu cô để ngăn không cho cô đi Hà Nội dự cuộc gặp tại Đại sứ quán Đức. Tháng Bảy năm 2015, cô cho biết bị một số người mặc thường phục hành hung ngay trước mặt công an, trong khi tham gia cuộc biểu tình ngồi để vận động đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin rằng công an thông báo trong số các bằng chứng phạm tội của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về hành vi viết blog chống nhà nước có một hồ sơ tên là “Chấm dứt nạn công an giết dân thường.” Hồ sơ này có dữ liệu về 31 người chết trong khi bị công an giam giữ, do cô và những người khác sưu tầm từ báo chí nhà nước. Công an phát biểu rằng hồ sơ này “mang quan điểm, lập trường rất thù địch đối với lực lượng công an nhân dân. Tập tài liệu này khiến người đọc hiểu sai bản chất vấn đề, xúc phạm và làm hạ uy tín của lực lượng công an nhân dân, gây xâm hại đến mối quan hệ giữa nhân dân và lực lượng công an.”
Rất nhiều vụ được tổng hợp trong hồ sơ “Chấm dứt nạn công an giết dân thường” đã được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận và công bố, như trường hợp một số người chết đau đớn trong khi bị công an giam giữ như Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Văn Khương, Trịnh Xuân Tùng, Tu Ngọc Thạch và Y Két Bdap. Theo Bộ Công an Việt Nam, được báo chí đưa tin, từ tháng Mười năm 2011 đến tháng Chín năm 2014 có tới 226 vụ tử vong trong các cơ sở tạm giam, giữ.
Công an tuyên bố rằng trong khi khám xét nhà của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, họ tìm thấy nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội. Trong số các tài liệu này có các biểu ngữ như “Cá cần nước sạch, nước cần minh bạch”; “Khởi tố Formosa”; “No Formosa” (Nói không với Formosa); “Formosa Get Out” (Formosa Cút Đi); và phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa, như “No to Chinese Expansionism” (Nói không với Chủ nghĩa Bành trướng Trung Quốc).
Được biết, công an nói rằng, ngoài những bài đăng trên blog và Facebook, các “hành vi phạm tội” khác của cô là trả lời phỏng vấn đài CNN và Đài Á Châu Tự do.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận. Năm 2015, Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự trao cho cô Giải thưởng Của Năm. Tháng Ba năm 2017, cô được nhận giải Những Người Phụ nữ Quốc tế Can đảm của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.
“Trong 10 năm qua, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy nhân quyền và tự do dân chủ ở Việt Nam,” ông Phil Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần công khai phản đối việc bắt giữ cô và thúc đẩy chính quyền Việt Nam phóng thích cô ngay lập tức và vô điều kiện.”
Ngoài blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng vận động Việt Nam phóng thích vô điều kiện tất cả những người đang bị giam, giữ chỉ vì các hành vi và tiếng nói ôn hòa. Trong số những người đang bị tạm giam chờ điều tra có các nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và Trần Thị Nga. Theo tin được biết vào đầu tháng Năm năm 2017, kể từ khi bị bắt vào tháng Mười hai năm 2015, Nguyễn Văn Đài vẫn chưa được tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý. Theo luật sư bào chữa Hà Huy Sơn, Trần Thị Nga (bị giữ từ tháng Giêng năm 2017) bị ốm suốt ba tuần trước và chỉ ăn được cháo. Bà đã đề nghị chính quyền cho đi khám chữa bệnh tại bệnh viện hai lần nhưng đều bị từ chối. Cả hai người, Nguyễn Văn Đài và Trần Thị Nga đều bị truy tố theo điều 88 bộ luật hình sự.