“Quyền được sống, quyền tự do và quyền tư hữu”

Nguyễn Thái Nguyên

26-6-2017

Về bài viết “Sự thức tỉnh vĩ đại”, đăng trên báo An ninh Thế giới, ngày 20-6-2017, tác giả đã suy tư và đụng đến một vấn đề rất quan trọng và cũng rất nhạy cảm: TƯ HỮU.

Nó quan trọng và cũng rất kỳ lạ. Người VN chúng ta ai cũng biết nhờ câu trích trong Tuyên Ngôn độc lập của HCM mà ta biết được tư tưởng đại thể về Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ.

Tuyên ngôn này được quốc hội Mỹ giao cho 5 nghị sĩ, trong đó Jeffeson là người chủ trì phác thảo, có đoạn: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc…” 

Riêng nội dung chống lại chế độ nô lệ phải chờ một thế kỷ sau, khi kết thúc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ thì câu chuyện giải phóng nô lệ mới được chấp thuận.

Rất ngẫu nhiên, khi truy tìm lại tư tưởng tiến bộ này, tôi thấy nó chính là tư tưởng của chính Locke, một triết gia nổi tiếng người Anh. Rất khó hiểu vì sao Thomas Jefferson, lúc còn là nghị sĩ của Bang Virginia được QH bổ nhiệm tham gia nhóm 5 nghị sĩ để soạn thảo bản Tuyên ngôn, lại thay đi một nội dung rất quan trọng trong “bộ ba” của Locke. Nguyên tư tưởng của Locke nêu ra “bộ ba” khác một chút: Quyền được sống, quyền tự do và quyền TƯ HỮU. Quyền sở hữu tư nhân những gì con người làm ra hay chiếm đoạt được cho là thiêng liêng, được pháp luật bảo hộ trong CNTB. Không hiểu vì sao Jefferson và cả John Adams cùng Benjamin Franklin tham gia sửa chữa lại, thay quyền tư hữu bằng “quyền mưu cầu hạnh phúc” dù chính thể Mỹ không bao giờ coi nhẹ quyền tư hữu. Tác giả bài viết này nêu một nguyên nhân như chế độ tư hữu, theo tôi là đúng dù còn nhiều thứ khác, nên tôi muốn nhắc lại chuyện này, tôi gọi nó là quan trọng nhưng nhạy cảm là vì thế và cũng còn vì những lẽ tôi nói thêm dưới đây.

Triết gia John Locke (1632-1704) với 3 quyền cơ bản: quyền được sống, quyền tự do và quyền tư hữu. Ông cho rằng, bất cứ khi nào chính quyền tìm cách tước đoạt quyền tự do cá nhân của người dân, thì người dân có quyền chống lại. Ảnh: internet

Mặt khác, Khi bàn về chuyện Đông Tây, theo tôi ít nhất có 3 vấn đề lớn đã tạo ra sự khác biệt và đồng nghĩa với nó cũng là tạo ra sự trì trệ. Dù không nghiên cứu sâu sắc gì, như tôi thử nêu để quý bạn hữu cùng suy nghĩ:

Một là về vị trí địa lý: Có đủ thứ ở đây đã tạo ra sự khác nhau tất cả những gì vốn tồn tại ở phía Đông và Tây của trái đất này, từ thời tiết, cỏ cây, các loài thú cho đến con người rồi âm dương, ngũ hành, thiên khí, địa khí…. Liệu có thể gọi chung nó là Địa chính trị hay gần đây có người dùng khái niệm tôi thích hơn là ĐỊA PHONG THỦY Geo-feng shui (chữ pheng shui là phiên âm tiếng tàu: , phong thủy) thay cho chữ vẫn dùng xưa nay là Geopolitic.

Vốn trời đất sinh ra đã khác nhau thế rồi.

Hai là không kể bao nhiêu năm trong cái thời ăn lông ở lỗ, chắc cũng như nhau thôi, thì chuyển lên chế độ phong kiến, phương Tây là phong kiến quý tộc, tản quyền và đa sở hữu nên nó chuyển sang phương thức TBCN không khó khăn lắm, còn phương Đông thì tập quyền một cục là chủ yếu. Tất cả những gì ở dưới trời (thiên hạ) đều là của vua (thiên tử), kể cả thần dân tức con người. Tình trạng này kéo dài cho đến khi chủ nghĩa thực dân phương Tây đến “khai hóa” thì mới ngoi dần lên. Nhưng bị “truyền thống” kìm hãm ghê gớm, không kể những nước có chế độ công hữu vớ vẩn như VN, TQ mà chính các nước châu Á khác cũng không đơn giản như châu Âu đâu. Ngay cả các nước đã trưởng thành vượt bậc, thuộc nhóm đi đầu của thế giới như Nhật, Singapore, Hàn Quốc thì thứ CNTB ở đây cũng khác rất nhiều với các nước phát triển ở phương Tây.

Ở phương Tây, người ta coi giải phóng cá nhân là mục tiêu cơ bản thì ở phương Đông ngược lại, xây dựng cộng đồng mới là mục tiêu lý tưởng. Điều này không chỉ trên dương thế này mà nếu các bạn có dịp “giao lưu” với các vong linh ở thế giới âm thì mới thấy ở thế giới ấy, tính cộng đồng còn chặt chẽ hơn trên dương thế và tôn ti trật tự còn nghiêm khắc hơn trên dương thế nhiều lắm đấy. Bởi thế, phương Tây chết là xong. chẳng hạn như ở Đức, sau khoảng 40 năm, ngưởi Đức dùng một cái máy nén, ấn toàn bộ mộ người chết trước xuống sâu 4-5 mét gì đó để lấy đất cho người chết tiếp theo. Coi như 40 năm là hết.

Còn phương Đông ư? Chết rồi vẫn “lo cho con cháu”. Từ 2000 năm nay vẫn còn về dạy bảo con cháu chuyện thờ phụng đấy ạ. Thờ cúng gia tiên không phải người Á châu bịa ra cho thêm phần rắc rối mà rõ ràng có cả nguyện vọng của các cụ hàng chục đời trước đấy thưa các vị.

Ba là nền văn minh lúa nước và các cây trồng cạn hay văn minh chăn thả khác xa nhau đấy. Chính văn hóa lúa nước tự nó cũng đã ràng buộc con người ta lại với nhau thành cộng đồng làng xã bền chắc hơn là những người du mục hay văn hóa cây trồng cạn. Đã thế, sự can thiệp của tiến bộ kỹ thuật, của máy móc thiết bị vào cây lúa nước bao giờ cũng khó khăn hơn và chậm hơn nhiều so với chăn nuôi và cây trồng cạn. Mọi chi phí cho lúa nước đều cao hơn, hiệu quả thấp hơn, rủi ro nhiều hơn, đất đai và môi trường hư hỏng nhanh hơn nên… nghèo khổ hơn là cái chắc.

Bốn là các nền văn minh cổ đại của phương Đông đã từng đạt đến đỉnh cao của nhân loại, sao không giữ được và phát huy? Theo tôi, tất cả các nền văn minh ấy (trong đó có của người Việt cổ) đều dựa trên hệ thống tư duy “thuận theo tự nhiên”, thuận theo lẽ trời đất mà hệ thống tư duy và minh triết ấy không có được do học hành, sách vở là chính, mà là kết quả của quá trình “Tri kiến trực tiếp”. Họ “đi thẳng” vào trong các sự vật. Họ nhìn thấy, họ biết được bản chất của tự nhiên, của vũ trụ thông qua rất nhiều cách, như Thiền quán hay những phương pháp tương tự như thế và “làm theo” nhưng không có ngôn ngữ nào diễn đạt được, kể cả chữ tượng hình cũng thế. Bởi thế, việc truyền bá và lưu giữ là vô cùng hạn chế.

Phật giáo thường dùng cụm từ “sự im lặng cao quý” để nói về sự im lặng của Đức Phật trước những câu hỏi về bản chất của vũ trụ, của sự sống của các đệ tử. Lão tử thì khẳng định một cách dứt khoát rằng: “Tri giả bất ngôn. Ngôn giả bất tri”. Kẻ biết thì không có cách gì nói ra được. Còn những kẻ đang nói loạn lên kia thật ra họ không biết gì cả! (Tức là nói những thứ không đúng vào đâu cả). Một số nhà Vật lý học lừng danh thời hiện đại khi phát minh ra các học thuyết mới như Einstein, như Hisenberg, như Bohr… đều nói lên tâm trạng bất lực của mình trong việc dùng ngôn ngữ để diễn đạt vì đơn giản, cảnh giới ấy không còn giống cái gì xưa nay con người đã biết và mô tả bằng các phạm trù, khái niệm….

Ngược lại với hệ tư duy nhất nguyên của cổ nhân Đông phương cổ đại, hơn ngàn năm trước, học phái nhị nguyên, thực chứng của phương Tây thắng thế, nền khoa học phương Tây đã đi theo tư duy nhị nguyên, phân biệt rạch ròi giưa tâm với vật, giữa khách thể và chủ thể… Cuộc cách mạng kỹ thuật của phương Tây trong hơn 2 thế kỷ qua đúng là “tiến như vũ bão” trên nền tảng tư tưởng ấy đã đẩy loài người và cả hành tinh này ngày càng đi gần về phía diệt vong. Không có loài gì tự phá hủy môi sinh của mình như loài người và cũng không có loài gì điên rồ đến mức tự tiêu diệt loài mình như loài người văn minh! Cái được và cái mất của nền văn minh này là không đo lường được chứ không thể chỉ nhìn nhất thời trong một giai đoạn.

Năm là, với bấy nhiêu suy nghĩ, thử trở lại với vấn đề TƯ HỮU. Quả không quá lời khi nói rằng tư hữu là một động lực khủng khiếp đẩy loài người tiến lên phía trước. Nhưng giáo lý của đạo Phật lại xếp tư hữu là mối nguy đầu tiên của loài người, đó là THAM. Theo tôi thì nhận định này không hoang đường. Một lòng tham vô hạn độ đặt trên cái nền “VÔ MINH” mà nói trắng ra là ngu dốt mà Einstein có sự so sánh khủng khiếp là “vô cùng vô tận” như vũ trụ. Hai thứ đó là tiền đề quan trọng đẩy tới sự SÂN HẬN, thù hận dẫn tới hãm hại nhau, giết nhau, thậm chí gây ra biết bao cuộc chiến tranh tàn khốc ngay trong một dân tộc và giữa các quốc gia dân tộc với nhau. Đức Phật khuyên con người phải biết tích đức bằng tình thương và lòng trắc ẩn, nhưng có lẽ không mấy ai nghe theo, làm theo vì đã đi trên con tàu Tham, Sân, Si này rồi thì khó mà nhảy sang một quỹ đạo khác, trừ phi khi ai đó đã “mãn duyên”. Dẫu có thì họ là thiểu số và chẳng có quyền gì để phán xét những chuyện này. Còn những kẻ đã ở ngôi cao thì tham, sân, si mới là đặc sản hàng ngày của họ. Các bạn thử ngẫm mà xem. Đó là sai lầm mang tầm toàn cầu và là căn bênh chung của cả loài người. Nguy tai. Nguy tai!

Vài lời dông dài để may ra mua vui được chừng nào. Xin các bạn đừng bàn đến chuyện đúng sai của kẻ “ngôn giả bất tri” này.

Bình Luận từ Facebook