Hội CTNLT
26-6-2017
Hôm nay nhân ngày Quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn (26/6), Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm đã tổ chức hai cuộc gặp gỡ các đại diện tổ chức xã hội dân sự và những nhà hoạt động tại Hà Nội và Sài Gòn, để cùng nhau thảo luận về đề tài: “Vấn nạn bạo hành của nhà cầm quyền đối với giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam”.
Việt Nam là nước đã ký kết Công ước Chống tra tấn ngày 07/11/2013 và phê chuẩn Công ước ngày 05/02/2015.
Người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, ngoài việc có thể bị bắt giam bất cứ khi nào, còn phải đối diện với tình trạng bạo lực, bạo hành của nhà cầm quyền. Có thể nói rằng, có đến 70-80% số người bất đồng chính kiến, người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam đã từng bị đánh đập bởi công an và côn đồ được công an chỉ đạo.
Báo cáo vi phạm nhân quyền VN các năm 2014, 2015 và 2016 của Hội CTNLT đã thống kê và nhấn mạnh đến vấn nạn tấn công người bất đồng chính kiến.
Ngày 19/6/2017 vừa qua, dưới tiều đề “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động nhân quyền: Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung”, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) cũng công bố bản phúc trình về việc nhiều nhà hoạt động nhân quyền và các blogger ở Việt Nam thường xuyên bị hành hung, đe dọa. Trong khi đó, thủ phạm của các vụ bạo lực nhằm vào những người có tiếng nói đối kháng không bị truy cứu trách nhiệm.
Đánh đập người đấu tranh, bất đồng chính kiến, nhà cầm quyền có ba mục đích. Một là ngăn chặn những hoạt động đang diễn ra của người đấu tranh, giới bất đồng. Hai là đánh để dằn mặt, làm hoảng sợ. Ba là đánh để trả thù người đấu tranh. Có những người đấu tranh bị đánh vì sự trả thù của an ninh, công an. Trong những va chạm, xô xát hoặc những hình ảnh xấu của an ninh, công an bị đưa ra công luận, dư luận, khi sự việc xảy ra, an ninh chưa làm gì được. Họ đợi dịp để trả thù…
Trong bối cảnh nhà cầm quyền sử dụng bạo lực như một công cụ để đối phó với phong trào dân chủ, các nhà hoạt động đã thảo luận những biện pháp để hạn chế, ngăn chặn phần nào vấn nạn này như tố cáo, lên án việc sử dụng bạo lực của nhà cầm quyền tới các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, tới dự luận thế giới, dư luận trong nước. Với những trường hợp cụ thể, có bằng chứng, hình ảnh và giám định thương tật chúng ta đã và đang làm những công việc đó một cách khá bài bản và hiệu quả.
Các cựu tù nhân lương tâm và các blogger ở VN. Ảnh: Hội cựu TNLT
Áp dụng một số biện pháp nhằm tự bảo về bản thân và bạn bè, những người đồng chí hướng. Những người bất đồng chính kiến cần chuẩn bị những phương án đối phó với việc sử dụng vũ lực của an ninh, công an trong các trường hợp, tình huống cụ thể. Trang bị những kiến thức về quyền con người, pháp luật, thông tin kịp thời tới bạn bè, người thân khi có sự cố; lưu giữ những hình ảnh vi phạm pháp luật để tố cáo và lên án nhà cầm quyền.
Tham dự buổi hội thảo tại Hà Nội có ông Yann Righetti, tùy viên ĐSQ Thụy Sĩ. Tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn thì cử bà Pamela Pontius đến tham dự.
Đây là năm thứ ba Hội CTNLT chủ xướng tổ chức ngày phản đối bạo lực này tại VN.
CTV Hội CTNLT