Nhà nước pháp trị với quyền im lặng của luật sư

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

23-06-2017

Lời giới thiệu: Chiều 20.6 vừa qua 434/457 Đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, với 19 đại biểu bỏ phiếu chống, 4 bỏ phiếu trắng. Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung dự thảo Luật, khẳng định:“…Xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa“; và viện dẫn dữ liệu thế giới: “Kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha… cho thấy: các nước đều quy định trong những trường hợp nhất định, luật sư được tiết lộ thông tin về thân chủ của mình trong quá trình hành nghề để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, cộng đồng, nhằm ngăn chặn hậu quả của tội phạm…“.

Thế giới ngày nay không lạ gì Việt Nam và 90 triệu người Việt ít nhiều được sống cùng thế giới trên mạng không lạ gì các nước. Liệu dẫn liệu của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga có chính xác? Xin mời Qúy độc giả tham khảo bài viết dưới đây đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn dưới tiêu đề: “Quyền im lặng của luật sư, nhìn từ luật của Đức“, cho biết thực tế “Quyền im lặng“ trên thế giới và “Quyền bảo mật“ của nghề Luật sư ở Đức hiện được nước họ bảo đảm tuyệt đối  như thế nào?

***

Mối quan hệ giữa nghi phạm, luật sư, người làm chứng với cơ quan điều tra tố tụng trong thể chế “pháp quyền (nước ta hiến định tại Điều 2, Hiến pháp 2013)“ về mặt khai báo được điều chỉnh bởi các điều luật về quyền im lặng của bị can, của người làm chứng và quyền bí mật của luật sư (trong đó có quyền im lặng) vốn liên quan chặt chẽ với nhau mà các cơ quan điều tra tố tụng bị chế tài trách nhiệm phải bảo đảm. Quan điểm của giới “kiên định lập trường cũ (bảo thủ)“ (tiếng la tinh conservare) cho rằng quyền im lặng có thể giúp tội phạm trốn tránh trách nhiệm, là nguy cơ gây nên bất công, mất trật tự và vô pháp nên cần giới hạn. Ngược lại, theo giới “cải cách“ (tiếng la tinh progressio) đó là dấu hiệu bản chất của một nhà nước pháp trị và tiền đề để có được một quá trình điều tra xét xử công minh, nên chống lại mọi hạn chế, và ra sức ủng hộ tăng cường nó. Do khác biệt quan điểm nên quyền im lặng được bảo đảm ở mức độ, phạm vi nào tùy thuộc quan điểm chủ trương chính sách nào chiếm ưu thế ở từng giai đoạn của từng quốc gia.

Như ở Anh, quyền im lặng của nghi phạm “không ai buộc phải khai báo chống lại mình“ tới năm 1994 bị đưa thêm hạn chế trong những trường hợp cụ thể, như: Nghi phạm sẽ bị buộc tội nếu không có lý do chính đáng mà không trả lời câu hỏi hay không giải trình đối với vật chứng mang theo hoặc không khai nguyên nhân có mặt tại chỗ bị bắt giữ…

Tại Mỹ, quyền im lặng của nghi phạm được quy định tại Điều 5 Tu chính Hiến pháp. Đến năm 2011 Bộ tư pháp bổ sung thêm những quy định ngoại lệ cụ thể đối với nghi phạm khủng bố.

Còn khối EU, tới năm 2012 quyền im lặng của nghi phạm được đưa vào Quy phạm 2012/13/EU quy định chi tiết nghi phạm phải được nhà chức trách hướng dẫn  bằng miệng hoặc giấy mà nghi phạm hiểu được về quyền im lặng của họ sớm nhất như có thể tại thời điểm mà họ cần. Dựa theo đó, như ở Đức, Luật xét xử hình sự StPO và Luật Vi phạm Hành chính OWiG quy định, ngay buổi thẩm vấn đầu tiên phải thông báo cho nghi phạm, họ được quyền tự do lựa chọn khai báo hay không; được quyền đòi có luật sư do họ chọn, để tham vấn. Thậm chí khi mở phiên toà, nghi phạm phải được thông báo quyền im lặng lần nữa mặc dù khi thẩm vấn điều tra đã được cảnh sát và viện kiểm sát thông báo.

Để bảo đảm quyền đó thực thi, luật đưa ra chế tài trách nhiệm các cơ quan điều tra và tố tụng: Nếu vi phạm, các bằng chứng đưa ra khi xét xử có thể bị coi không có giá trị (tức nhà chức trách không hoàn thành trách nhiệm).

Quyền im lặng cũng được áp dụng đối với người làm chứng là “người nhà“, như vợ chồng, ông bà, anh chị em, cô dì, chú bác, cháu chắt, hoặc các nhóm nghề nghiệp như lãnh đạo tôn giáo, bác sỹ, điều trị viên tâm lý, hiệu thuốc, hộ sinh, công chứng, kiểm toán, tư vấn thuế, luật sư…

Bước tiến ở ta

Quyền im lặng ở các nước hiện đại phải trải qua thực tế lịch sử tư pháp lâu dài mới có được như hiện nay. Vì vậy ở ta tranh luận sôi nổi trên nghị trường vừa qua là một bước tiến cần thiết để hoàn chỉnh nó phù hợp với thời đại khi thảo luận Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, Điều 19 khoản 3: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự… trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại điều 389 (được liệt kê tới 80 tội danh)”. Cũng như các nước khác, phiá phản đối Điều khoản trên đưa ra luận chứng: “Nếu luật sư tố giác tội phạm thì thân chủ có mời luật sư nữa không?“ hay “Liên Hiệp quốc cũng đã có công ước đề nghị các nước phải bảo đảm quyền bí mật của nghề luật sư“. Phiá ủng hộ cũng vậy, “Đúng là luật sư đi tố giác thân chủ thì không được, nhưng phải giới hạn tội nào chứ không thể làm ngơ“ hoặc “Luật sư phải có trách nhiệm báo cáo cơ quan nhà nước nếu biết thông tin thân chủ chuẩn bị thực hiện tội phạm“ (nld.com.vn). Tuy nhiên, luận điểm phiá ủng hộ có 3 điểm so sánh không cùng tiêu thức: – Chỉ tội phạm đã xảy ra bị điều tra tố tụng mới áp dụng Quyền im lặng của luật sư, còn chưa xảy ra (thân chủ chuẩn bị…) tức chưa điều tra tố tụng thì chẳng ai cần tới luật sư cả, nên không thể so sánh 2 trường hợp đó với nhau. – Chỉ nghi phạm mới bị áp dụng cấp độ nguy hiểm của tội danh để giới hạn quyền im lặng của họ (như với những hành vi tiên liệu trước ở Mỹ hay Anh), trong khi luật sư là một nghề bảo vệ cho mọi nghi phạm bị cáo buộc bất kỳ tội danh nào, nên không thể giới hạn quyền im lặng của nghề luật sư theo cấp độ tội danh như đối với nghi phạm. – Điều tra tố tụng thuộc trách nhiệm cơ quan nhà nước không hoàn thành thì bị chế tài, không thuộc bổn phận luật sư nên không thể đồng nhất trách nhiệm cả 2 như nhau.

*Vấn đề nằm ở bản chất nghề luật sư

Luật sư hành nghề phải ký hợp đồng về dịch vụ đại diện pháp lý cho thân chủ, vì vậy bị hợp đồng đó chế tài trách nhiệm pháp lý phải bảo vệ quyền lợi cho chỉ mỗi thân chủ dù họ là ai, tội danh gì. Họ phải thông tin cho thân chủ đầy đủ tổng thể về mặt pháp lý, từ văn bản luật tới án quyết mới nhất liên quan, những thiệt hại có thể lường trước và tránh. Nếu sai phạm gây ra bất kỳ thiệt hại nào, thân chủ có quyền đòi luật sư bồi thường đối với hợp đồng. Thiệt hại kinh tế được tính bằng trị giá trước và sau khi luật sư gây ra. Ở Đức, thường xảy ra các vụ luật sư kiện lại luật sư đòi bồi thường là vì vậy (nghề luật sư gian nan chứ chẳng hề thong dong).

Chính do bản chất nghề nghiệp trên, nên như ở Đức nghề luật sư được quyền “Bảo mật Tuyệt đối“ bao hàm quyền im lặng được coi là quyền cơ bản của Luật sư (giống quyền cơ bản của con người trong Hiến pháp, bất khả xâm phạm), bởi quyền đó quyết định lòng tin của thân chủ đối với luật sư thay mặt họ (nếu không xã hội không cần luật sư). Những gì họ tin cậy phó thác không được chuyển tiếp cho người khác được quy định chi tiết tại Luật nghề nghiệp luật sư BORA. Theo đó, đối với luật sư, im lặng không chỉ là quyền, tức nhà nước không được phép xâm phạm (nhưng bản thân họ được quyền không thực hiện, nếu muốn) mà còn là trách nhiệm (buộc phải thực hiện dù không muốn, nếu không sẽ bị chế tài) kéo dài ngay cả khi thân chủ chết, ngoại trừ được thân chủ đồng ý, hoặc để bảo vệ quyền lợi của thân chủ, hoặc đã được công khai trước đó, hoặc không ảnh hưởng gì tới thân chủ. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu nhân viên văn phòng họ và những ai liên quan giúp thân chủ phải giữ quyền im lặng.

Quyền im lặng ở Đức còn được bảo đảm bằng các án quyết khi quyền đó mâu thuẫn với các luật khác. Chẳng hạn, Bộ Luật Xã hội SBG II cho phép Cơ quan cấp trợ cấp Xã hội đòi luật sư cung cấp thông tin về tiền cấp dưỡng con cái của cha/mẹ hưởng trợ cấp xã hội, nhưng đã bị Án quyết số IV ZB 23/09 của Toà án Tối cao bác bỏ. Tương tự, Luật tín dụng KWG, cơ quan về tín dụng liên bang và Ngân hàng Trung ương có quyền đòi cung cấp dữ liệu liên quan tới ngân hàng của nghi phạm, nhưng bị Toà án Tối cao bác bỏ khi áp dụng cho luật sư (Án quyết ngày 08.07.1999).

*Buộc phải bảo đảm quyền bảo mật tuyệt đối của luật sư

Trong lúc ở ta đang tranh cãi quyền im lặng của Luật sư, thì một sự kiện nổi bật tương tự xảy ra ở Đức rất đáng tham khảo. Do án quyết của toà Bảo hiến, cách tháng trước Hạ viện Đức buộc phải thực thi thông qua Luật BKA mới, trong đó Điều 62 quy định nghề luật sư cùng nhân sự giúp việc trong mọi lĩnh vực đều được quyền bảo mật tuyệt đối; Cơ quan hình sự BKA không được phép theo dõi, như đặt máy nghe, thu hình lén, thu thập tin online, giám sát nơi làm việc, nhà ở họ.

Nguyên nhân: Luật BKA cũ được sửa đổi năm 2008 nhằm trao cho cơ quan cảnh sát hình sự nhiệm vụ chống nguy cơ khủng bố, nhưng Điều 20u, Đoạn 1 quy định những nghề mang tính bảo mật được bảo đảm tuyệt đối, như nghị sỹ, cha cố hay luật sư hình sự, tới Đoạn 2 lại đưa ra phân biệt: Những luật sư không thuộc lĩnh vực hình sự chỉ được bảo đảm quyền bảo mật tương đối.

Sự phân biệt đó lập tức bị hiệp hội luật sư, các tổ chức nhân quyền, các chính khách, đảng phái, nhà văn tên tuổi phản đối. Kéo dài tới 1 năm không kết quả, năm 2009 họ buộc phải đệ đơn lên Toà Bảo hiến chống lại, với luận điểm: Văn phòng Luật sư được bảo mật tuyệt đối là dấu hiệu bản chất của một nhà nước dân chủ pháp  trị, và lý giải: Mục đích Luật BKA là phòng chống tội phạm hình sự, nhưng về nguyên tắc trong giai đoạn điều tra dấu hiệu tội phạm hình sự chưa khẳng định được ngay nên luật sư chưa đóng vai trò luật sư hình sự và cũng không thể xác định được thời điểm nào chuyển qua hình sự để từ thời điểm đó họ được quyền bảo mật tuyệt đối. Nghĩa là mâu thuẫn khi thực thi.

Phải trải qua 7 năm “điều nghiên“, ngày 20.04.2016, Toà bảo hiến mới đi đến án quyết (trích): Bảo mật được coi là thước đo cơ bản bảo vệ mối quan hệ giữa thân chủ với luật sư. Vì vậy, Điều 20u quy định bảo mật tuyệt đối trước các biện pháp điều tra tố tụng của nhà nước chỉ áp dụng đối với luật sư hình sự mà không cho cả nghề luật sư, phải được sửa đổi.

Toà án được coi là cán công công lý, nhờ vậy mọi khác biệt quan điểm hay bất đồng tranh cãi ở họ dù sôi sục tới đâu, rốt cuộc đều được kết thúc dứt điểm bằng con đường pháp lý.

* Xem bài: Quyền im lặng của luật sư nhìn từ luật của Đức trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bình Luận từ Facebook