Khuất Đẩu
Không phải dốc cao thăm thẳm súng ngửi trời của Quang Dũng. Mà là những ngọn đồi nho nhỏ, lúp xúp nằm liền bên nhau đến những chín ngọn. Ở một nơi mà núi rừng nhiều như quê ngoại của các con tôi, thì chín ngọn đó cũng chẳng có chi nhiều, cũng chẳng có chi đáng nói, nếu không phải là nơi lưu đày của những cư dân thành phố thuộc diện “X”, hay diện “Y”.
Chín ngọn đó bây giờ bạn có thể thong dong ngồi trên xe để hưởng cái thú bập bềnh như ngồi trên thuyền vượt qua đầu những ngọn sóng. Nhưng cách đây bốn mươi năm, không dễ như thế đâu. Bạn phải trèo mệt đến bở hơi tai, chưa đến ngọn thứ chín bạn đã phải bò. Đó là chưa kể, với đôi vai gầy guộc nhỏ, bạn phải mang cả một gánh củi hay gánh than, xuống chợ cách xa đến mười mấy cây số để đổi lấy gạo, muối.
Muốn có nhiều hơn, bạn phải chất lên chiếc cộ cải tiến từ chiếc xe đạp trành, rồi chồng kéo vợ đẩy nếu chồng không phải đi cải tạo, không thì mẹ kéo con đẩy nếu con bạn được chừng mười tuổi. Đó là lúc lên dốc, tuy è ạch nhưng không đáng sợ bằng lúc xuống dốc. Khi ấy, hai người phải đổi chỗ, ai mạnh hơn phải ra sau, dùng cả tay và chân cộng với cái thân thể mỏng manh để trì kéo chiếc xe chậm lại, nếu không cả sức nặng của củi và than sẽ lao xuống như chiếc xe đứt thắng, đè nghiến chính bạn hay con bạn.
Đã có người chết vì bị đè.
Chín lần lên dốc rồi chín lần xuống dốc như thế, cho dù trước đó không tin, nhưng lúc này bạn phải tin là có địa ngục và bạn đã đi qua chín cửa để đến cửa thứ mười của thập điện Diêm vương. Nơi đây không có vạc dầu, không có quỷ sứ cầm đinh ba, chỉ có những tên mặt sắt đen sì, gọi là quản lý thị trường sẽ chực chờ hốt hết bao nhiêu mồ hôi nước mắt của bạn! Nếu may mắn vượt qua được thì bữa ăn sẽ có thêm con mắm, con bạn có thêm chút đường, còn không thì chỉ còn lại chiếc xe xệch xạc để mà kéo chính bạn hay con bạn sắp chết vì đói về lại cái nơi có tên gọi mỉa mai là kinh tế mới.
Nơi ấy bạt ngàn cây cỏ hoang vu, chẳng có con gì ăn được ngoài những con có thể giết bạn hay ăn thịt bạn, như rắn rít, hổ báo. Dẫu có muốn hái lượm như tổ tiên bạn cách đây hàng trăm ngàn năm, thì cũng không có trái gì để hái lượm được nữa. Bạn chỉ còn mỗi một cách cạp lấy đất mà ăn, nghĩa là phải trồng trọt trên những vạt rừng bạn đã đốt phá chẳng đặng đừng.
Rồi mẹ đất tuy cằn cỗi, cũng thương lấy đứa con hẩm hiu mà cho bạn hạt bắp, củ khoai. Lần hồi bạn cũng sống được, cho dù con bạn phải bỏ học để giúp mẹ nuôi em. Bạn già đi, xấu đi nhưng con bạn lớn lên, thay vì trồng bắp trồng khoai, chúng trồng mía để bán cho những nhà máy đường mới mọc lên.
Giờ không chỉ chín ngọn mà cả hàng trăm cụm, ngay cả trên núi cao, mía cũng thay cây cỏ dại để thành rừng. Chín con dốc đã mọc lên những ngôi nhà, có sân có vườn, có những cô dâu mới, có chàng rể hiền và rồi có tiếng trẻ bi bô. Trên những ngọn đồi chập chùng trong cái se lạnh của buổi sáng hay cái mờ ảo của sương chiều, bạn có cảm giác như đang ở một vùng ngoại ô của Đà lạt.
Sức mạnh đáng nể phục của những kẻ bị lưu đày, chính là ở đây, nơi người ta muốn họ chết nhưng chẳng những họ không chết mà còn sống được và sống đàng hoàng. Những cư dân hạng bét ấy giờ đã có thể sắm xe để vù một mạch xuống phố ngồi nhâm nhi cà phê, có thể sắm tivi màn hình phẳng coi bóng đá, mua điện thoại di động để có thể cài nhạc nghe cho đỡ buồn khi một mình giữa rẫy mía.
Tuy rằng các chủ nhà máy đường hiện giờ liên tục ép giá, các chủ xe chở mía vòi vĩnh thêm tiền, có lúc mía chất cao hai bên đường như thành lũy, chờ đến héo khô phải đốt. Mùi đường, chính là mùi mồ hôi của họ, cháy quằn quại đến nghẹn ngào. Nhưng so với bốn mươi năm trước, cái đau cái khổ này chẳng thấm vào đâu. Mẹ đất vẫn còn đấy, nếu không cho họ sữa qua cây mía, sẽ cho họ qua cây khác, miễn là họ không chịu đầu hàng số phận.
Trước đây họ là người thua cuộc, nhưng giờ đây từng bước, họ là người thắng cuộc. Tôi tin như vậy, cho dù những kẻ thắng hiện giờ vẫn đang ngồi trên đầu trên cổ họ, vẫn cấu kết với nhau để bóp nặn mồ hôi và nước mắt của họ.
Tôi là người lữ khách một chiều ngang qua đây, nhìn những đồi núi được sức người làm cho chúng trở nên tròn trịa, xanh tốt không khỏi bồi hồi khi nghĩ tới những miền đất giàu có ở phương nam. Nơi đó, hàng trăm năm trước muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh còn khốn khó gấp ngàn lần ở chốn này. Cũng vẫn những con người bị lưu đày biệt xứ, cùng với những lưu dân đói nghèo tự nguyện lưu đày, đã bằng sức mình qua bao thế hệ, biến cả một vùng sông nước mênh mông thành những cánh đồng bất tận.
Dân tộc chúng ta là một dân tộc phi thường, ở chỗ từ không làm ra có, từ chết làm ra sống. Đất nước mỗi ngày một lớn rộng không phải do đòn roi xích xiềng của những kẻ thống trị mà nhờ bàn tay và ý chí của những người bị trị. Một dân tộc như thế tất nhiên sẽ phải đòi được cái quyền làm chủ chính số phận mình, làm chủ đất nước mình.