Tin trong nước
Tin Biển Đông
Cali Today có video clip bình luận về tình hình Biển Đông sau chuyến Á du của TT Trump:
Mời đọc thêm: Ngoại giao khoa học ở biển Đông (TP). – Khoảng 100 nhà nghiên cứu tham gia hội thảo về Biển Đông tại Hàn Quốc (VOV). – Philippines thúc đẩy COC có tính ràng buộc pháp lý (SGGP).
Hậu APEC
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có bài: Nền văn minh thịt chó rực rỡ. Tác giả viết: “Nghe nói VN chi ra khoảng trên 300 triệu đô la để tổ chức Hội nghị. So với kỳ tổ chức năm 2006, đánh dấu VN bước vào ‘sân khấu quốc tế’, thì kỳ này chắc là ‘vãn tuồng’. Điệu bộ ốm o bịnh hoạn của ông chủ tịch nước, thấy hình trên TV lúc tiếp đón khách quốc tế, phản ảnh ‘vị thế được nâng cao’ của VN. Rõ ràng là chủ nhà sắp ‘rửa chưn lên bàn thờ’.”
Tác giả đặt câu hỏi: “300 triệu tiền vốn không biết lấy lại được hay không? VN bây giờ hơi sức ở đâu mà nói về ‘động lực mới’? Nhân sự toàn đảng tầm nhắm chiến lược chưa thấy ai có khả năng qua khỏi hàng rào. Lấy cái gì đóng góp vào ‘tầm nhìn mới cho tương lai chung’?” Và chuyện đãi khách ăn những món ăn mà thế giới văn minh không đụng tới để bảo vệ động vật hoang dã, cũng nói lên “tầm nhìn chiến lược” của đảng và nền “văn minh thịt chó”!
Mời đọc thêm: Thông báo kết quả Tuần lễ Cấp cao APEC tới Cơ quan đại diện nước ngoài (TTXVN/ Soha). – APEC, chuyện bây giờ mới kể: Nụ cười của các mật vụ (TN). – TPP – Cuộc lột xác ngoạn mục ở Đà Nẵng (TBKTSG). – APEC thành công có một phần biểu hiện của du lịch, văn hóa ở đó (TQ). – Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh với các nguyên thủ tại APEC 2017 (Tin Tức).
Đặc khu kinh tế
Báo Lao Động có bài: Không nên “đóng khung” quyền lực của trưởng đặc khu kinh tế. ĐBQH Phạm Văn Hòa, thuộc đoàn Đồng Tháp, cho rằng: “Do trực tiếp thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao nên trưởng đặc khu có quyền hạn rất rộng. Việc kiểm soát quyền lực của vị trí này có ý nghĩa rất quan trọng, cần nghiên cứu kỹ… Quan điểm của tôi là không nên hạn chế quyền lực của trưởng đặc khu mà phải kiểm soát quyền lực để không nảy sinh tâm lý tự mãn, tự kiêu dẫn đến những hành vi tiêu cực“.
BBC có bài của LS Lê Ngọc Trai: Mô hình đặc khu kinh tế đã lỗi thời? Tác giả viết: “Tôi chỉ thấy có sự khác biệt ở các đặc khu này là cho phép hợp pháp hóa đánh bạc thông qua kế hoạch xây dựng sòng bài Casino, hoặc có ý kiến cho hợp thức hóa mại dâm. Với sự khác biệt ít ỏi như vậy mà nói xây dựng các đặc khu kinh tế là không thỏa đáng”.
Tác giả cho rằng, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nước, thì một chính sách có lợi phải áp dụng ngay cho cả nước, sao chỉ áp dụng cho một đặc khu? Chính sách phát triển kinh tế của VN đi chậm hơn các nước trên thế giới hàng nửa thế kỷ, các chính sách kinh tế, tài chính mà VN áp dụng, đã được hầu hết các nước trên thế giới đã thực hiện rồi, sao VN phải lo thực nghiệm?
LS Trai viết: “Tôi cảm thấy việc xây dựng đặc khu kinh tế có cái gì như là sự trở về với những thuộc tính của độc tài, độc đoán, tùy tiện mà quay lưng lại với các giá trị về bình đẳng công bằng. Cho nên việc xây dựng các đặc khu kinh tế ở bối cảnh hiện nay là lỗi thời”.
TBKTSG có bài: Giao đất lâu dài mới hấp dẫn nhà đầu tư vào các đặc khu. Bài viết phỏng vấn GSTS Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ TNMT, cho rằng việc giao đất lâu dài mới đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư vào đặc khu. Ông nói: “Chúng ta muốn xây dựng các khu kinh tế đặc biệt thì phải có luật pháp, cơ chế chính sách đặc biệt. Đặc biệt ở đây không phải chỉ so các đơn vị hành chính trong nước mà còn phải đặc biệt hơn những đặc khu kinh tế hiện có trên thế giới, có như vậy, mới có thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư mạnh dạng đầu tư lớn, sinh sống và định cư lâu dài“.
Mời đọc thêm: Đặc khu kinh tế để làm gì? (TVN). – Thủ tướng nói về 3 khu vực kinh tế: Nhà nước, tư nhân và FDI (The Leader). – “Luật các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phải mở và tự do” (BizLive). – Dòng vốn đổ vào BĐS nghỉ dưỡng Phú Quốc trước cơ hội đặc khu (Tầm Nhìn). – Trở thành đặc khu, BĐS nghỉ dưỡng Phú Quốc “lên ngôi” (TH&PL).
Quan chức và Mạng xã hội
Về phát biểu của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, nhạc sĩ Tô Hải có bài: Ông tư lệnh “4 Tê” chỉ huy cái gì dzậy? Một trong những điều tác giả phát hiện về ông Bộ trưởng: “Anh có tài ‘nói đi rồi nói lại’, cứ tỉnh bơ như chuyện bình thường dù nói đi là trắng, nhưng nói lại là đen! Một nguyên lý về ‘tuyên và giáo của đảng cộng sản’ Ví dụ: anh lớn tiếng khẳng định: Nước ta không có kiểm duyệt báo chí, thì ngay sau đó , anh lại giơ cái Luật Báo chí ra để khoe: Năm vừa qua anh đã phạt và đóng cửa hơn 150 tờ báo…”.
Nhà báo Huy Đức có bài: Mạng Xã Hội. Tác giả viết: “Đừng so với Trung Quốc, chỉ trong một quốc gia mà việc người dân chỉ trích lãnh đạo, chỉ trích chính quyền được coi là ‘văn hoá’ thì quốc gia đó mới có cơ may được coi là văn minh, chính quyền của quốc gia đó mới được coi là chính quyền mạnh.”
Theo tác giả: “Với những tiến sỹ rừng như ông Trương Minh Tuấn thì tôi không chấp, tôi rất tiếc khi nghe phát biểu của PTT Vũ Đức Đam. Ông có một trí nhớ tuyệt vời, một khả năng diễn thuyết rất thuyết phục, nhưng ông đã mơn trớn các đại biểu có chức có quyền trong quốc hội thay vì giúp phần lớn trong họ nắm được MXH là môi trường sống của thế giới ngày nay. Nó chứa chấp đủ thứ dịch bệnh của loài người nhưng nó cũng giúp chính loài người từng bước loại bỏ các dịch bệnh đó và nuôi nấng từng mầm tích cực“.
Mời xem clip phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, được trang Facebook Nhật Ký yêu Nước dẫn lại:
"Khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam luận bàn về Mạng xã hội"[T]
Publié par Nhật ký yêu nước sur vendredi 17 novembre 2017
Về phát biểu của ông Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng An ninh mạng, Bộ Công an: Yêu cầu Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam, TS Nguyễn Quang A viết: “Ông Cục trưởng quên có 3 triệu người Việt ở nước ngoài à? Họ phải post lên các server đặt trong bộ ông à? Facebook và Google có hàng ngàn máy chủ đặt ở một số nơi trên thế giới, có giỏi các ông sang, chẳng hạn Phần Lan, mà kiểm tra! Có ông cục trưởng còn tự hào không ‘chơi’ Facebook, Youtube, … vì thế các [ông] mới quá hiểu biết (hoá ra chẳng biết gì) và đòi đủ thứ. Tưởng mình là thánh tướng à? Hay các vị theo ông Tập và mở đường cho Sina-weiboo vào VN thay Facebook? Nếu đúng thế thì cứ nói toẹt ra cho dân chúng tôi biết“.
BBC có bài: VN không hài lòng với Facebook về việc xử lý thông tin ‘xấu’. Không chỉ “phàn nàn” về Facebook với các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, ông Trương Minh Tuấn còn đe “sẽ gia tăng xử lý các hành vi vi phạm trên Facebook”. Không chỉ thế, ông Tuấn còn khen việc Google đã “tuân thủ”, gỡ bỏ hơn 5000 video “nội dung xấu, độc hại, bôi nhọ và làm xấu danh tính của nhiều lãnh đạo Việt Nam” trên Youtube, còn “Facebook tỏ ra kém hợp tác hơn…“.
Mời đọc thêm: Xây dựng Chính phủ điện tử phải bảo đảm an toàn, an ninh mạng (CP/ LĐTĐ).
51 tuổi đảng vẫn không được hiếp dâm: tức, đốt thẻ đảng!
RFA có bài của nhà báo J.B Nguyễn Hữu Vinh: Chuyện dâm ô và chiếc thẻ đảng. Theo tác giả, lý do mà cơ quan luật pháp “ngâm” vụ án Nguyễn Khắc Thủy tới gần ba năm là do ông này không những là cựu giám đốc ngân hàng, mà còn là đảng viên có 51 năm tuổi đảng. Nó khác hoàn toàn với việc bắt và tống giam ngay lập tức những người không có thẻ đảng, nhất là những người bị chính quyền gán cho cái tội “âm mưu”, như “âm mưu” lật đổ chính quyền, “âm mưu” chống phá nhà nước…
Và khi cái thẻ đảng 51 tuổi, vẫn không cho phép ông hiếp dâm bé gái, ông đã châm lửa đốt nó trước cửa sân tòa. Mời xem clip, ông Thủy la hét tại phiên tòa rồi ra ngoài châm lửa đốt thẻ đảng:
Tác giả kết luận: “Chỉ đến khi nào chiếc thẻ đảng không còn là ‘kim lệnh bài”’cho đảng viên bòn xương, hút máu, gây tội ác với nhân dân, thì đất nước, xã hội mới có cơ may yên ổn và trường tồn“.
LS Lê Văn Luân viết: Tội phạm đốt thẻ đảng. Tác giả đặt câu hỏi: Vì sao ông Thủy tuyên bố, nếu bị tuyên án, ông ta sẽ đốt thẻ đảng? Và trả lời rằng “có thẻ đảng giống như thẻ kim bài mà ‘luật cho cán bộ, đảng viên khác luật cho dân’, như chỉ thị 15 của Bộ chính trị đã không cho phép công an được trinh sát đối với đảng viên vậy“.
Tác giả viết tiếp: “Có lẽ hắn đã sử dụng tấm thẻ bài đó để bảo bọc những sai trái của mình quá lâu và được quá nhiều ân huệ – đã từng bị một án khác trong lĩnh vực ngân hàng mà con trai hắn phải đi tù và vẫn đang thụ án trong trại giam – và hắn cũng là kẻ có tiền, nên hắn nghĩ dựa vào số năm khoác áo đảng lớn như vậy thì sẽ được bảo vệ ở mức tối đa nhất có thể. Và vì thế hắn ta cảm thấy mình bị phản bội một cách ê chề và đầy đau đớn, phẫn uất“.
Mời đọc thêm: Video: Toàn cảnh phiên tòa xét xử Nguyễn Khắc Thủy (Infonet).
Nhân quyền ở xứ ta và Tàu
Nhà báo Đoan Trang có bài: Kể chuyện “làm việc” trong đồn công an: Lời thoại như phim! Khi bị buộc phải cung cấp thông tin về cuộc gặp gỡ giữa Phái đoàn Liên minh Châu Âu, bà nói: “Các anh chị quen cái kiểu ấy lâu rồi, nhưng với tôi thì không được đâu. Các anh chị chẳng là cái gì để tôi phải trả lời cả. Ở đây tôi mới là người quyết định có cung cấp thông tin nào đó, cho độc giả, hay không, chứ không phải các anh chị. Các anh chị muốn biết điều gì thì cứ đón đọc bài báo, chứ các anh chị không là cái gì để đòi hỏi được biết thông tin trước các độc giả bình thường cả. Tại sao các anh chị lại có nhu cầu biết trước người khác?”
Pen International có đăng bức thư của cô Madeleine Thien viết cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong thư có đoạn: “Tôi xúc động vì sự can trường của chị, vì những gì chị viết, và sự sẵn sàng của chị trực diện thực tế trong một thế giới không muốn ta nhìn thấy nó. Đời sẽ đơn giản hơn biết bao nếu ta giữ im lặng, quay lưng đi với những đau khổ của người khác và những bất công xung quanh ta. Tuy nhiên, chị đã thể hiện qua những gì chị viết và cuộc sống của chị một cam kết với tất cả chúng ta – trong và ngoài Việt Nam – cuộc đấu tranh của chị để bảo vệ các quyền cơ bản mà tất cả chúng ta đều cần có“.
VOA có bài: ‘Nhân quyền TQ dưới thời Tập Cận Bình tệ hại nhất’. Bà Maya Wang, một nhà nghiên cứu của Human Rights Watch ở Hong Kong mô tả việc đàn áp hiện nay “tệ hại hơn cuộc đàn áp đẫm máu phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989”. Bà Wang nói thêm: “Việc ông Trump không nêu lên vấn đề nhân quyền trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh tuần qua đã giúp cho Trung Quốc có tính chính đáng trong khi nước này là một trong những nước vi phạm nhân quyền tệ hại nhất”.
RFI đưa tin: HRW lên án ‘‘trị liệu sốc’’ với người đồng tính tại Trung Quốc. Báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) công bố hôm 15/11/2017, cho biết “chính quyền Trung Quốc tiếp tục làm ngơ cho trước việc sử dụng ‘các trị liệu sốc’ nhắm vào những người đồng tính, để buộc họ phải thay đổi định hướng tính dục của mình”.
Mất tiền mua danh hão
Báo Giao Thông có bài châm biếm: Cố lấy bằng tiến sỹ để làm… quan? “Ai bảo tiến sỹ là làm lãnh đạo giỏi. Chỉ có nước mình mới mong làm tiến sỹ để thăng quan tiến chức, chứ tôi thấy ở bên tây họ làm vì đam mê theo đuổi ngành học của mình và để làm giàu. Tiến sỹ, giáo sư ngành nào thì giỏi ngành ấy, mang tiến sỹ suốt ngày chỉ chìm đắm trong các con số lên làm giám đốc khéo nát bét cả đơn vị“.
GS Nguyễn Đăng Hưng nói về đề án mới đào tạo tiến sĩ với 12.000 tỷ đồng, rằng ông “có cảm giác ngán ngẩm tột độ!” Tác giả ngán ngẩm vì các đề án này là không tưởng, dai dẳng, cần đạt cho được đại trà 20.000 tiến sĩ, đã công bố từ thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ Trưởng. “Đề án mới cho giai đoạn 2018-2025 cũng chỉ là một đề án chữa cháy sau khi Bộ đã phải chấp nhận (mà không tự phê bình rút kinh nghiệm gì) về sự phá sản không không kèn không trống của đề án 911!”
Báo NLĐ có bài châm biếm: NÓI THẲNG: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói quá chính xác. Tác giả viết: “Một nền giáo dục tầm… thế giới như thế thì nay mai chắc hẳn giáo dục Việt Nam sẽ được xuất khẩu thu ngoại tệ như chơi. Chưa kể phụ huynh các nước cũng sẽ đua nhau nai lưng gom tiền cho con đến Việt Nam du học vì học ở đây dễ hy vọng thành học sinh giỏi, học phí quá rẻ mà các khoản phụ thu, đóng góp chỉ tự nguyện chứ không ép buộc“.
Báo Thanh Niên có bài của GS Vũ Hà Văn: Với chất lượng đào tạo hiện nay, thêm 9.000 hay 90.000 tiến sĩ cũng vậy. Tác giả cho rằng, không nên đem hết tiền cho sinh viên làm bằng tiến sĩ ở nước ngoài vì họ thường được học bổng khi được một trường danh tiếng nhận đào tạo, cũng như được nghiên cứu hay giảng dạy có lương. Hơn nữa, rất ít tiến sĩ tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài về Viêt Nam.
Còn đầu tư cho các tiến sĩ làm luận án trong nước? Tác giả cho rằng: “Với chất lượng chung tiến sĩ được đào tạo như hiện nay, bạn sẽ lắc đầu ngao ngán là dù có thêm 9.000, hay 90.000 người, thì cũng vậy thôi”.
Trang Soha đưa tin: Hàng loạt cán bộ bị “lừa” mua bằng giả. Nhiều cán bộ xã ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Trị, thi mãi không đậu tốt nghiệp PTTH, có nguy cơ bị giảm biên chế, đã nghe theo lời của một người, nộp khoảng 13 triệu để “phúc khảo” và cấp bằng tốt nghiệp, nhưng cuối cùng họ được cấp… bằng giả!
LS Lê Văn Luân bình luận: “Làm cán bộ đã không có trình độ học vấn thật mà còn ngây thơ thế này nhưng lại nắm quyền quản lý đất nước ư? Đất nước bị tàn phá và huỷ hoại, cả về tài nguyên lẫn văn hoá, vì bọn lưu manh tìm mọi cách để chiếm đoạt quyền lực nhưng lại luôn tỏ ra mình là“.
Mời đọc thêm: 12 nghìn tỷ đào tạo thêm 9 nghìn tiến sĩ: Cần phân biệt bằng cấp và trình độ (TTVH). – Số lượng quá lớn ảnh hưởng đến chất lượng (TT). – Từ ‘tiến sỹ’ Phùng Xuân Nhạ đến 9.000 tiến sỹ ‘nuốt’ 14 ngàn tỷ đồng (Cali Today).
Lợi ích nhóm trong quy hoạch ga Hà Nội?
Báo Thanh Niên có bài: Chủ tịch TP. Hà Nội: Không có lợi ích nhóm trong quy hoạch ga Hà Nội. Trước kỳ họp HĐND TP Hà Nội, cử tri Nguyễn Công Hoan yêu cầu lãnh đạo thành phố làm rõ đồ án quy hoạch ga Hà Nội, bởi theo quy định, khu vực này chỉ cho phép xây các công trình cao không quá 18 tầng, nhưng Sở Quy hoạch cho biết, sẽ xây dựng tòa nhà cao 40-70 tầng. Ông nói: “Chúng ta không được để con cháu đời sau chê cười vì lợi ích nhóm mà xây dựng nhiều công trình cao tầng tại khu vực ga lịch sử gắn liền với Thủ đô nghìn năm văn hiến“.
Trả lời thắc mắc cử tri, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nói: “Chúng ta xây dựng quy hoạch cho tương lai hàng trăm năm chứ không phải vài chục năm. Tôi tin các bác sẽ có đánh giá khác sau khi xem quy hoạch. Tôi khẳng định không có lợi ích nhóm trong quy hoạch này“.
Mời đọc thêm: Ông Nguyễn Đức Chung: Xây nhà cao tầng khu ga HN không có lợi ích nhóm (VNN). – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Quy hoạch ga Hà Nội để phục vụ phát triển lâu dài (KTĐT). – Chủ tịch Hà Nội chính thức nói về xây cao ốc 70 tầng khu vực ga Hà Nội (TP).
Vụ án Trịnh Xuân Thanh
Báo Thanh Niên đưa tin: Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Đã khởi tố thêm 3 bị can vụ Trịnh Xuân Thanh. Trả lời chất vấn của QH, ông Nguyễn Hòa Bình, cho biết: ngoài cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh thì các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, khởi tố bổ sung 3 bị can khác.
Mời đọc thêm: Chánh án TAND tối cao thông tin mới nhất về vụ Trịnh Xuân Thanh. (Infonet). – Chánh án TANDTC nói về vụ Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh (CP).
Vụ ĐBQH Châu Thị Thu Nga
Báo Infonet đưa tin: Chánh án TAND tối cao: Không có chuyện không cho khai chi 30 tỷ “chạy ĐBQH”. Ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định, “không có chuyện giấu diếm, không cho bị cáo Châu Thị Thu Nga khai chi 30 tỷ ‘chạy ĐBQH’ tại tòa như báo chí đã thông tin“.
Về thông tin mất điện mà báo chí đã đưa: Khi bà Nga khai đến số tiền ‘chạy ghế’ đại biểu Quốc hội, thì “tín hiệu từ phòng xử sang phòng báo chí đột ngột mất, chỉ còn hình ảnh, không còn âm thanh. Tương tự, tín hiệu cũng mất khi luật sư nói về 12 tỷ đồng ‘chạy’ dự án“, ông Nguyễn Hòa Bình nói rằng không có chuyện đó xảy ra, và rằng “phòng xét xử vẫn diễn ra bình thường không có sự cố gì“!
Mời đọc thêm: Chánh án: Không giấu giếm vụ bà Thu Nga khai ‘chạy tiền’ vào Quốc hội. (Zing). – Chánh án: ‘Bà Châu Thị Thu Nga khai chi tiền cho Hội đồng bầu cử địa phương’ (VnE). – Chánh án: Việc bà Thu Nga khai ‘chạy’ vào QH – ‘Không có gì là giấu giếm, không có gì mờ ám ở đây cả’ (TTVN). – Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói gì về việc Châu Thị Thu Nga khai “chạy” ĐBQH (VOV).
Đảng, đoàn, chính trị
Về phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng: Ngăn chặn tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”, BBC có bài: ‘Chán Đảng khô Đoàn’ có phải là mới? Bài báo cho biết, cụm từ này không phải là mới, nó đã được nhắc trong một văn kiện ra ngày 19/03/2009. Tài liệu này còn đổ thừa rằng, hiện tượng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị” là do “các thế lực thù địch, các tổ chức người Việt phản động ở bên ngoài đã tác động lớn đến sự phai nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong xã hội“.
Vụ nứt dầm cầu Vàm Cống
Không giống như phát ngôn từ các quan chức Bộ GTVT, rằng “kết cấu công trình vẫn đảm bảo ổn định“, TS Trần Chủng, cựu Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng: Vết xé dầm thép cầu Vàm Cống ‘nghiêm trọng và hiếm gặp’. Ông Chủng khẳng định: “đây là sự cố nghiêm trọng, không dễ tìm nguyên nhân và cách khắc phục“. Ông Chủng nhận định: “Tôi đánh giá ban đầu vết xé trên dầm thép cầu Vàm Cống có thể do dầm bị vượt quá cường độ, trường hợp này rất hiếm gặp. Các dầm thép thường bị mất ổn định kết cấu dẫn đến bị oằn chứ ít khi bị xé“.
Một chuyên gia cầu hầm nhận xét: “Vết xé dầm thép cầu Vàm Cống là ‘chưa từng có’, thường vết nứt chỉ xảy ra ở dầm bê tông. Vết rách này trong bối cảnh cầu chưa hoàn thành, chưa có tải trọng sử dụng thì nhiều khả năng do thi công sai, không đúng quy trình“.
Vị này cũng cho rằng: “Bộ Giao thông cần kiểm tra thiết kế dầm, việc thi công lắp đặt và kiểm định chất lượng dầm thép. Việc nứt dầm đã cho thấy có sai sót ở một hay các khâu nào đó. Ngoài ra, cần xem xét trong quá trình thi công lắp đặt dầm thép này, đơn vị thực hiện có thay đổi thiết kế hoặc phương pháp thi công. Bất cứ thay đổi nào cũng phải đánh giá lại”.
Mời đọc thêm: Chuyên gia Hàn Quốc khắc phục vết nứt cầu Vàm Cống (PLTP).
Người Việt bất hợp pháp ở Anh
Cho dù nhập cảnh bất hợp pháp nhưng vẫn được chăm sóc: Một triệu bảng Anh để giúp 10 thiếu niên Việt bị đưa lậu vào Anh. VOA cho biết, Hội đồng thành phố Shropshire ở Anh đã phải chi trả 1 triệu bảng Anh để giúp một nhóm thanh thiếu niên người Việt gồm “cả nam lẫn nữ, tuổi từ 13 đến 16, bị bỏ rơi tại vùng nông thôn Shropshire sau khi được đưa lậu vào vương quốc Anh từ nước Pháp trên một xe tải”.
Tin quốc tế
Tin nước Mỹ
Dân Mỹ và thế giới vẫn còn phải khổ dài dài về ngài tổng thống Mỹ. Năm 2014, Tổng thống Obama đã ký lệnh cấm nhập khẩu chiến lợi phẩm từ voi bị săn bắn ở các nước châu Phi, ngày 16/11, ông Trump đảo ngược lệnh cấm này, cho phép Mỹ được quyền nhập khẩu các chiến lợi phẩm săn bắn voi. Quyết định này của ông Trump gây ra làn sóng phản đối, không chỉ ở Mỹ và cả thế giới.
Sáng qua, dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, tuyên bố, đây là hành động sai lầm ở thời điểm không đúng và kêu gọi chính quyền Trump nên rút lệnh này. Và tối qua Trump ngưng lệnh cho phép săn tìm chiến phẩm voi. BBC cho biết, “Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đình chỉ việc nhập khẩu chiến lợi phẩm săn bắn voi, một ngày sau khi lệnh cấm được nới lỏng bởi chính Nhà Trắng”.
Bức ảnh con trai trưởng của ông Trump cầm cái đuôi voi, lan truyền rộng rãi trên mạng, đã bị dư luận quốc tế lên án:
Nữ diễn viên Pháp Bridget Bardot viết trong một bức thư gửi cho Tổng thống Trump: “Những hành động đáng xấu hổ của ông xác nhận những tin đồn rằng ông không thích hợp để làm tổng thống“.
Mỹ – Triều – Trung
Giải quyết qua đường ngoại giao bị bế tắc: Đặc sứ Mỹ: Không liên lạc, không tín hiệu gì từ Triều Tiên. VOA dẫn lời Đặc sứ Mỹ, Joseph Yun: “Tôi hy vọng Triều Tiên sẽ chấm dứt vĩnh viễn. Tuy nhiên, chúng tôi không giao tiếp với họ nên không biết có nên diễn giải [thời kỳ tạm lắng hiện nay] theo hướng tích cực hay không. Chúng tôi không có một tín hiệu nào từ họ cả”.
Tuy nhiên, đặc sứ Trung Quốc vẫn dễ dàng liên lạc với Bắc Hàn. VOA đưa tin: Trung Quốc nói sẽ hợp tác với Triều Tiên thắt chặt ‘tình hữu nghị truyền thống’. Sau chuyến sang Bắc Hàn của đặc sứ Trung Quốc, Tống Đào, bộ liên lạc đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra thông báo cho biết:
“Tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên được thiết lập và vun đắp bởi các nhà cựu lãnh đạo của cả hai nước, và là tài sản quý báu cho nhân dân hai nước. Hai bên phải hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai đảng và hai nước để có lợi cho cả hai dân tộc”. Không thấy thông báo đề cập đến chương trình hạt nhân hay phi đạn của Bắc Hàn. RFI có bài: Bắc Kinh muốn siết chặt quan hệ với Bình Nhưỡng, bất chấp hồ sơ nguyên tử.
Nắm cơ hội quảng bá “giá trị trung Quốc”: Trung Quốc bài bác các giá trị phương Tây. VOA dẫn lời ông Huang Kunming, người đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc, viết trên Nhân dân Nhật báo, rằng có một số nước Tây phương “đang tìm cách mê muội người ta vào ‘vẻ đẹp Tây phương’ và tuân thủ với Tây phương và tự làm suy yếu hoặc thậm chí từ bỏ văn hóa tinh thần của chính mình”. Ông Huang còn nói: “Chỉ bằng cách phát huy các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi, người dân Trung Quốc mới có thể ngẩng cao đầu”.
Cũng tin Trung Quốc, để đối phó với tình trạng lãi suất tăng: Trung Quốc tung ra lượng tiền lớn trước căng thẳng nợ nần, RFI dẫn nguồn từ AFP cho biết.
Châu Á
Một bài toán khó cho Châu Á: Ngoại giao Châu Á kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. RFI có bài điểm báo, nhận định: “Trước sự bành trướng không còn che đậy của Trung Quốc, chính sách ngoại giao không nhất quán của tổng thống Donald Trump đối với châu Á càng cho thấy ảnh hưởng của Mỹ trong vùng bị ‘đổ dốc’, làm lộ rõ nghi kỵ của các đồng minh đối với Hoa Kỳ và mở rộng cả một con đường thênh thang cho Trung Quốc khẳng định vị thế lãnh đạo trong khu vực, cả về mặt thương mại hay khí hậu và kể cả trên những hồ sơ quan trọng khác”.
Để đối phó với hệ thống phòng thủ phi đạn THADD, Nga-Trung diễn tập mô phỏng chống phi đạn. VOA dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết, “một cuộc diễn tập máy tính sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16/12. Mục đích nhằm cùng nhau thực tập phương cách tự vệ trước phi đạn và xử lý các cuộc tấn công khiêu khích đột xuất bằng phi đạn đạn đạo và phi đạn hành trình vào lãnh thổ hai nước”.
Liên quan đến xứ Chùa Tháp: Campuchia có thể bị chế tài sau khi giải thể đối lập. VOA dẫn lời tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, cho biết: “Theo tình hình hiện nay, cuộc bầu cử năm tới sẽ không thể nào hợp pháp, tự do và công bằng”, và hứa sẽ có “những bước cụ thể”.
Trong khi đó tại Brussels, phát ngôn viên EU cho biết “tôn trọng nhân quyền là điều kiện tiên quyết để Campuchia được hưởng ưu đãi mậu dịch của EU dưới điều khoản ‘Được ưu đãi tất cả trừ buôn bán vũ khí’.” Hiện nay, thị trường EU và Mỹ chiếm 60% hàng xuất khẩu của Campuchia.
VOA có bài: Tòa án Campuchia cáo buộc hai nhà báo làm gián điệp. Theo lời Ly Sophana, phát ngôn Tòa án Thành phố Phnom Penh, hai nhà báo, Uon Chhin và Yeang Sothearin bị buộc tội “cung cấp thông tin gây hại về quốc phòng cho nước ngoài”, khi họ bị bắt quả tang đang gửi bài cho đài RFA. Theo luật sư bào chữa, Keo Vanny, “Các cáo buộc này có thể dẫn tới 15 năm tù giam nếu hai người bị kết tội”.
Tình hình Zimbabwe
BBC đưa tin: Zimbabwe: Đảng cầm quyền yêu cầu Mugabe từ chức. Bài viết cho biết: “Ít nhất 8 trong số 10 hội đồng khu vực đã bỏ phiếu tối hôm thứ Sáu, yêu cầu ông Mugabe từ chức tổng thống và bí thư”.
RFI có bài: Zimbabwe: Hàng ngàn người biểu tình đòi tổng thống Mugabe ra đi. Tin cho biết: “Người dân biểu tình một cách ôn hòa, theo lời kêu gọi của các cựu chiến binh Zimbabwe và các phong trào xã hội dân sự, trong đó có phong trào ThisFlag của mục sư Ewan Mawarire. Các quân nhân hiện diện trên đường phố Harare, nhưng được người biểu tình chào đón, có người còn mang biểu ngữ có chân dung tổng tham mưu trưởng quân đội Constantino Chiwenga”.
Clip người dân Zimbabwe xuống đường biểu tình:
Mời đọc thêm: Hàng nghìn người biểu tình yêu cầu Tổng thống Zimbabwe từ chức (VNE). – Cháu trai nói Tổng thống Zimbabwe ‘sẵn sàng chết vì điều đúng đắn’ (VNE). – Tổng thống Zimbabwe Mugabe: 37 năm cầm quyền và 2 đời vợ (Zing). – Tổng thống Zimbabwe thực sự giàu đến mức nào? (DV). – Khối tài sản khổng lồ của Tổng thống Zimbabwe: Giá 1 chiếc xe còn lớn hơn tổng GDP cả nước (VTC). – Choáng ngợp trước căn biệt thự xa hoa của Tổng thống Zimbabwe đang bị quản thúc (MTG). – Điều ít biết về đội quân trung thành tuyệt đối với Tổng thống Zimbabwe (DT).
Châu Âu – Trung Đông
RFI có bài: Vụ Catalunya: Tòa án Bỉ hoãn phán quyết đến ngày 04/12. Dẫn nguồn từ Reuters, cho biết: “Trong phiên xét xử hôm qua, 17/11/2017, tư pháp Bỉ quyết định chưa đưa ra phán quyết về yêu cầu của chính quyền Tây Ban Nha, dẫn độ cựu lãnh đạo vùng Catalunya, bị cáo buộc tội phản bội và nổi loạn”.
Cuộc điều tra vũ khí hóa học ở Syria: Nga một lần nữa phủ quyết nghị quyết về vũ khí hóa học ở Syria. VOA cho biết, việc “không được gia hạn, thẩm quyền của Cơ chế Điều tra Chung (JIM) đã hết hạn vào nửa đêm ngày thứ Năm. Sự phủ quyết của Nga hôm thứ Sáu là lần thứ 11 Nga phủ quyết một nghị quyết về Syria”.
Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói với Hội đồng Bảo an LHQ: “Hãy biết rằng Mỹ, cùng với các nước còn lại của hội đồng này, sẽ không từ bỏ việc tìm kiếm công lý cho người thân yêu đã mất của các bạn và sự bảo vệ cho gia đình các bạn. Hãy biết rằng Nga có thể ngăn trở hội đồng này, nhưng họ không thể ngăn trở sự thật”.
Mời đọc thêm: Điều tra vũ khí hóa học ở Syria: Nga lại bác dự thảo của Hội Đồng Bảo An –– Thủ tướng Liban rời Ả Rập Xê Út đến Paris –– Ngoại trưởng Pháp tới Ấn Độ chuẩn bị cho chuyến công du của tổng thống Macron –– Thế giới vinh danh Rodin, cha đẻ nền điêu khắc hiện đại (RFI). – Ấn Độ bắt người giết vợ ‘vì bị từ chối tình dục’ (BBC).