Nói và làm

FB Nguyễn Thông

4-11-2017

Vài chục năm trước, người ta hay truyền nhau câu nói của ông Nguyễn Văn Linh khi ông yêu cầu “những việc cần làm ngay”, ông bảo “nói và làm”, hai thứ phải đi đôi với nhau. Viết báo cho mục “Những việc cần làm ngay”, ông ký tên NVL, bà con ta đọc là en nờ vê e lờ, cũng là dạng viết tắt của nói và làm.

Ấy, thời ông Linh là vậy. Ông này tuy cũng cải lương, không làm thứ gì đến đầu đến đũa giống như bất kỳ anh cộng sản nào nhưng cũng “lừa” dân được một thời gian. Thời đó, ông Trọng còn là anh tép riu, chưa nên cơm cháo gì.

Dù gì đi chăng nữa, ông Linh đúng ở chỗ, nói phải đi đôi với làm. Người bình thường mà đàng hoàng tử tế còn phải thế, huống hồ làm lãnh đạo.

Nhưng tôi thấy những năm qua, xứ này nhan nhản chuyện “nói một đằng, làm một nẻo”, hoặc nói không đi đôi với làm, nói mà không làm, nói ngược với làm. Kể ra vài thứ để các cụ dân thấy, chứ cán bộ chúng chả thèm nghe đâu:

– Có một dạo, vài năm trước, để dẹp bệnh hình thức, tránh tốn kém phiền phức, hoa hòe hoa sói, ông Trọng tổng bí thư yêu cầu trong những cuộc đi thăm và làm việc của ông, nơi ông đến, nơi ông làm việc không được căng băng rôn khẩu hiệu, không đón rước cờ quạt, không hoa hoét. Ông cũng đề nghị các đồng chí của ông làm như vậy. Sự gương mẫu của ông tổng diễn ra được một thời gian ngắn, rồi hình như chính ông cũng chán, cũng quên, mà cũng chẳng thấy đồng chí nào ủng hộ, làm theo. Hôm qua tôi coi tivi thấy ông Trọng tiếp chuyện tay bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, vẫn trên giời dưới hoa, khiếp. Đừng bảo nghi lễ quốc gia, quan hệ quốc tế, sự mến khách, v.v.. nó phải vậy. Nước người ta có tiếp tổng thống cũng chỉ hai cái ghế ngồi trò chuyện với nhau thôi, chả có món hoa hòe hoa sói đâu, nhá.

Nhiều năm trước, các ông chủ trương lập 2 khu đại học quốc gia ở Hà Nội và Sài Gòn, chuyển hết các trường đại học nội đô ra đó cho hoành tráng, vừa lấy đất và cơ sở vật chất nhà cửa cũ dùng vào việc quốc kế dân sinh khác, vừa giảm bớt ùn tắc giao thông, vừa có cơ sở đại học hiện đại quy mô sánh ngang các cường quốc 5 châu. Năm qua tháng lại, tới giờ hai cái đại học quốc gia thì ông dở ông thằng dở thằng, nhôm nha nhôm nhoam, chả giống ai, còn các trường vẫn cố thủ ở nội đô, càng cấm càng xây, to đẹp hoành tráng hơn mười ngày nay như ý cụ Hồ, không có trường nào trả đất trả nhà cho phúc lợi dân sinh.

Vừa rồi các ông lấy biết bao nhiêu đất của thủ đô mở rộng xây dựng mới trụ sở các bộ ngành để chuyển ra ngoài. Tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Giờ thì gần như đã xây xong cả rồi, vẫn chưa có cu bộ nào nhúc nhích di dời, cứ một tấc không đi, một li không dời, xem làm gì được nhau. Nói đâu xa, bộ Ngoại giao có trụ sở mới rất to, hoành tráng bậc nhất, nhưng thiên hạ bảo nó quyết không nhả cái nhà trăm mái gần nhà quốc hội đâu. Tội gì nhả, đi họp chỉ quẹt chân đi bộ vài bước cũng cũng qua, trả nhà cho thằng khác sướng, họa có mà điên.

Đại loại kiểu cộng sản nói một đằng làm một nẻo nhiều lắm, kể ra có mà bã bọt mép.

Cụ nào đọc cái stt này, nhà cháu chỉ đề nghị đừng nhắc lại câu của ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, bởi nhắc đi nhắc lại mãi rồi.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bình luận: Nói tắt, viết tắt là điều rất tối kỵ trong văn bản và đọc văn bản. Chúng ta đã chứng kiến cảnh thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trẹo quai hàm thế nào khi ông ấy đọc diễn văn. Viết tắt thường bị xuyên tạc đi rất nhiều vì nó phụ thuộc vào tâm thế của người đọc, ví dụ, hồi đó có người dịch cụm chữ cái “NVL” thành “Nó Vẫn Lừa (dân)”, hoặc có người lại hiểu thành “Nó Vẫn (là)Lừa”. Ngay cả việc nói không rõ nghĩa hoặc so sánh không chuẩn thì cũng gây ra nhiều hiệu ứng không hay: bạn hãy phân tích cụm từ ” Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy” của một vị vốn là người đã tốt nghiệp khoa Ngữ Văn ĐHTH xem sao!?

Comments are closed.