20-10: Ngày vượt lên chính mình

Thảo Dân

20-10-2017

Hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu. Ảnh: internet

Ngày hôm nay bị mệnh danh là ngày của phụ nữ Việt Nam. Bọn đàn ông thâm độc và các cơ quan đoàn thể mị dân đang âm mưu giết chết bản lĩnh của chúng ta bằng những lời chúc tụng và những bó hoa hồng. Giờ phút nguy nan êm ái này, mong chị em hãy tỉnh táo, giữ vững sự minh mẫn đừng bị chết chìm vào những lời chúc tụng ích kỷ, những bó hoa trăm ngàn vài ba hôm ném vào sọt rác và chính chúng ta lại bê rác đi đổ trong khi bọn đàn ông ngồi quán bia chém gió.

Chị em thân yêu!

Trước khi sửa soạn váy áo bôi môi thoa phấn đánh mắt để ngồi vào bàn chiêu đãi tối nay, ở gia đình hay ở cơ quan, hãy tỉnh táo nhớ lại bản chất ngày 20-10 là gì đi đã rồi hãy nâng cốc uống độc dược vào người.

Ngày 20.10.1930 là ngày thành lập Hội phụ nữ phản đế. Nghĩa là từ ngày đó, bọn đàn bà con gái bị giao trọng trách đẩy lên tuyến đầu chống thực dân đế quốc và những nhiệm vụ chính trị nặng nề, không một khúc đoạn nào ngơi nghỉ. Luôn phải vượt lên chính mình, y như Ngô Thị Tuyển vác hòm đạn gấp đôi trọng lượng bản thân. Xin điểm qua chuỗi lịch sử Hội PNVN để minh chứng:

– Thời kỳ 1930- 1936: Phụ nữ tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
– Thời kỳ 1936-1939: Phụ nữ chống phát xít, chống chiến tranh.
-1939- 1941: Hội phụ nữ phản đế.
-1941-1945: Đoàn phụ nữ cứu quốc, đánh Pháp đuổi Nhật, Phá kho thóc Nhật.
-1945-1954: Phong trào đời sống mới, tham gia Hội mẹ chiến sĩ.
-1954-1975:
+Miền Bắc: Ba đảm đang: Đảm đang sản xuất, Đảm đang gia đình, Đảm đang phục vụ chiến đấu và sản xuất chiến đấu.
+ Miền Nam: 5 tốt…
– 1975 đến nay: Giỏi việc nước đảm việc nhà.

Tự hỏi, trong những đoàn quân Xô viết Nghệ Tĩnh từ các ngả đường Bến Thủy, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Can Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Hương Sơn… có bao nhiêu bàn chân năm ngón tòe ra, chưa một lần đi dép của các bà, các mẹ? Trong đoàn người hối hả phá kho thóc Nhật cứu đói, có bao nhiêu bàn chân phụ nữ, vẫn năm ngón tòe ra?

Tự hỏi, có ở đâu trên trái đất này có Hội mẹ chiến sĩ? Có nghĩa, trừ những trường hợp đặc biệt được miễn trừ hoặc lý lịch không đủ điều kiện, còn lại, đã là đàn ông, đến tuổi, đều phải ra trận! Trời ơi! Hãy hình dung đứa con nào lớn lên, đứa con đó lại bị đẩy ra chiến trường, ném vào lò lửa chiến tranh! Nếu chết hết không còn đứa con nào thì sẽ được phong Bà Mẹ VN anh hùng!

Tự hỏi, trong suốt 21 năm chiến tranh Bắc Nam ròng rã, người đàn bà miền Bắc lúc nào cũng vắt kiệt sức cho phần công dân, còn giây phút nào sống cho bản thân, cho phần người nhỏ bé? Chuyện tình ái mơ mộng chỉ trong sách vở.

Phụ nữ làng tôi những năm đó, lầm lũi thân cò thân vạc. May mắn ai có chồng, thì cũng vắt kiệt sức cho Ba đảm đang, chuyện đàn ông đàn bà chắc cũng như con gà con vịt, chín tháng mười ngày sau có thêm một chiến sĩ tương lai. Giấc mơ kinh niên của bao người phụ nữ là được ăn một bữa cơm trắng no nê, không phải bớt miệng cho chồng cho con. Chỉ thế mà thôi đâu. Thiếu thốn cay cực đến nỗi, đàn bà đến tháng còn không có nổi miếng vải màn thấm kinh nguyệt, phải khâu miếng vải cũ từ quần áo rách giống như cái ruột tượng, tống tro bếp vào mà dùng. Chi tiết này, tôi chưa đọc được ở cuốn sách nào.

Những câu chuyện kể về phụ nữ trong làng, toàn là thím này gánh lúa đến trưa rồi đẻ con rơi dọc đường. Bác nọ buổi sáng sinh ở trạm xá, chiều về thắt chặt bụng lội bùn oàm oạp mà chẳng bị làm sao. Chị kia ở với mẹ chồng, cứ nửa đêm bà bắc ghế ra cửa buồng hờ ông chồng chết trẻ. Những đứa con tượng hình trong tiếng hời ma, mấy chục năm chưa từng cãi mẹ chồng câu nào… Toàn tấm gương vượt khó vượt khổ để đàn bà con gái nhìn vào mà đời nối đời cam chịu.

Tự nghĩ, ai sinh ra cái khẩu hiệu quái đản “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”? Tưởng chừng nó rất bình đẳng, nâng phụ nữ Việt lên tầm cao, nhưng thực ra, nó ác vô cùng, bóc lột thậm tệ sức lực, trí tuệ của họ. Đàn ông ở đâu mà chị em chúng tôi phải gánh cả trên vai bên nước, bên nhà? Ai tự hào, chứ tôi rất sợ mấy chữ vàng “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang”. Phụ nữ sinh ra là để yêu thương và được yêu thương! Chấm hết! Dân tộc nào bắt phụ nữ phải “Anh hùng bất khuất” là một dân tộc suy thoái giống nòi, một dân tộc bất hạnh! Khi phụ nữ phải phi thường, là khi đàn ông cần nhục nhã!

Xin nhắc lại, trong mọi chuỗi đoạn lịch sử, từ khi có ngày 20.10, phụ nữ đều phải vị nghĩa vong thân. Đừng để chết chìm trong khẩu hiệu. Đừng làm Ngô Thị Tuyển vác hòm đạn gấp đôi trọng lượng bản thân. Chỉ có con kiến mới làm được điều đó. Còn chúng tôi là phái yếu, phái đẹp! Tại sao đòi hỏi ở chúng tôi nhiều thế? Ngược lại, cái Hội PNVN, Hội bảo trợ của những người phụ nữ, thì họ làm được gì cho chúng ta?

Bạo lực gia đình, phụ nữ bị hãm hiếp, bị bán sức lao động, bán nhân phẩm để kiếm tiền, trẻ em gái bị xâm hại, phụ nữ về hưu bị giảm lương…cái Hội này ở đâu?

Không thấy họ ở đâu hết! Đưa những vụ việc đau lòng ra ánh sáng, là do một số nhà báo và sức ép của cư dân mạng.

Vậy thì tại sao chúng ta lại đem mình làm bình phong cho một hội ăn bám, vô trách nhiệm, hàng tháng phải trích tiền đóng quỹ để hồ hởi nhận lời chúc tụng được copy năm này tới năm khác và bó hoa mua vội dọc đường? Đó là những lời chúc có điều kiện- chúc để ta luôn phải gồng mình cố gắng và vượt lên, luôn luôn vượt lên không than thở.

Hôm qua, đọc ở trang một hot facebooker, lời chúc thú vị:

“Các Mẹ, các Chị, các Em đừng vất vả đi chợ, nấu ăn. Hãy làm bất cứ điều gì có thể:

– đi đâu đó, không quan trọng xa hay gần;
– mua ngay cho mình một món quà đã định, đừng quan tâm đến giá;
– ăn một con gì đó đang thèm;
– và hãy ôm bất cứ ai, thật chặt, thật lâu, miễn là cảm thấy hạnh phúc”.

Tại sao chúng ta không làm như thế?

Và sáng nay khi ngủ dậy, tôi được một người anh gửi cho clip những vụ giật đồ táo tợn trên phố với lời nhắc nhở ân cần. Với tôi, đó là những lời chúc đáng quý. Những lời chúc không vụ lợi, không kèm điều kiện.

Tôi còn nhớ nguyên cảm giác bất ngờ, khi chú bảo vệ chuyển giùm bức thư gửi bằng đường bưu điện của ông xã. Bức thư tay ở thời buổi nối mạng toàn cầu. Nhìn nét chữ của anh, tôi phải hít sâu mấy lần để khỏi trào nước mắt. Món quà này cũng không kèm điều kiện. Chỉ là quà tặng yêu thương.

Nguồn: FB Trần Quốc Quân

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây