Bản tin ngày 15/10/2017

Tin trong nước

Tin Biển Đông

Sự kiện khu trục hạm USS Chafee của Hải quân Hoa Kỳ thực hiện chuyến đi bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, RFA đưa tin: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc của TQ. Dẫn nguồn từ trang Washington Free Beacon, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông James Mattis, cho biết, việc cho chiến hạm USS Chafee đi qua vùng quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Và ông James Mattis nói rằng, Hoa Kỳ trong mấy thập niên nay từng cho tàu chiến tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS) không chỉ trong vùng biển gần Trung Quốc, mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Hoạt động như thế là vô hại”.

Về bài viết của TS Trần Công Trục đăng trên báo Giáo Dục VN: Phải chăng cuộc “chiến tranh pháp lý” trên Biển Đông đã mở màn? Một học giả nghiên cứu Biển Đông gửi tin nhắn cho Tiếng Dân: “Bác Trục đặt câu hỏi như thế là chưa chính xác, bởi Mỹ đã thực hiện tự do hàng hải đi xuyên qua đường cơ sở thẳng của TQ từ năm ngoái. Điểm mới năm nay là tần suất chương trình tự do hàng hải dày đặc hơn, thường xuyên hơn. Ấn phẩm dưới đây tổng hợp thông tin về các hình thức của chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đã thực hiệnNhững Vấn Đề Pháp Lý Cơ Bản về Tự Do Hàng Hải ở Biển Đông“.

Trang Dự án ĐSK Biển Đông có bài: Chức Năng Tư Vấn của Toà Án Công Lý Quốc Tế cho Tranh Chấp Biển Đông – Bài Học từ Thực Tiễn Tranh Chấp Chủ Quyền Quần Đảo Chagos. Tác giả Nguyễn Hoàng Sa cho biết, bài viết này “tìm hiểu khả năng ứng dụng cơ chế tư vấn (advisory opinion mechanism) của Toà Công lý quốc tế (International Court of Justice) vào giải quyết tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa… nhằm chia sẻ với công luận quan tâm những ý tưởng và những kết quả nghiên cứu ban đầu, với mong muốn khởi động cho một cuộc thảo luận học thuật về một hướng đi trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, cũng như có thể nhận được những góp ý cho bài viết”.

Facebooker Ann Đỗ cho biết: Trung Quốc đang quảng cáo tour du lịch ra Hoàng Sa ăn hải sản, ngắm san hô, nhằm thực thi quyền chủ quyền và giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình.

Báo Tiền Phong có loạt bài: Kỳ 1: Hạ Long tương phản   —  Kỳ 2: Những kình ngư “mắc cạn”  —  Kỳ 3: Cách nào phục sinh “hồn cốt” di sản vịnh Hạ Long?  —  Kỳ cuối: Đau đáu ước mơ lại về với biển.

Mời đọc thêm: Mỹ khẳng định chủ trương tăng tốc các cuộc tuần tra ở Biển Đông (BizLive). – Bộ trưởng Mattis nói chiến hạm Mỹ đến gần Hoàng Sa ‘đúng pháp lý’ (TN).

Tin lũ lụt tang thương – Thiên tai hay nhân tai?

Báo NLĐ có bài: Nước mắt tuôn rơi nơi vùng mưa lũ. Dù chỉ là áp thấp nhiệt đới nhưng sau khi đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc, chỉ trong ba ngày, các tỉnh đã có 54 người chết, 39 người mất tích, 31 người bị thương, hàng ngàn căn nhà của dân bị lũ cuốn trôi, hàng chục ngàn vật nuôi như trâu, bò, heo, gà… trong các trang trại cũng đã bị lũ nhấn chìm, chết hết.

Đám tang tập thể vụ sạt lở đất ở Hòa Bình ngày 12/10. Ảnh Báo NLĐ.

Cũng báo VietNamNet có bài: Tổng cục trưởng: Chúng ta đang phải trả giá vì ‘cạo trọc’ rừng. Lời thú nhận muộn màng và đau xót của ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT): phá rừng là một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở. Chúng ta đang phải trả giá và sẽ còn tiếp tục do nhiều đồi, nhiều rừng đã bị ‘cạo trọc’.

Còn ông Lê Thanh Hải, Phó TGĐ Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia thì cho rằng: “Dự báo bão, lượng mưa cũng như bắn súng, bắn càng xa càng khó trúng, đến gần bắn dễ trúng hơn”. Ông Hải nói thế là coi thường “đảng ta” rồi đấy. “Đảng ta vĩ đại”, chẳng lẽ thua bọn “tư bản giãy chết” sao, khi từ tháng 4/2016, bọn chúng đã dự báo thời tiết trước 90 ngày, “đảng ta” giỏi bắn “giặc lái Mỹ”, chẳng lẽ không thể “bắn trúng” trong vòng vài ngày cho tới một tuần?!

Báo NLĐ có bài: Thủ tướng: Rừng là vàng, chặt 1 cây gỗ cũng phải thắp hương lạy cây! Vì nó là “vàng” nên có phải cúng lạy thì họ cũng chặt, thủ tướng à! Nhìn những khu rừng bị tàn phá ở  Yên Bái, Hòa Bình, Bình Định, Quảng Nam … mà xem, nó có phải cây kim đâu mà chính quyền địa phương không biết?

Và đây không phải lần đầu Thủ tướng lệnh tiếp tục đóng cửa rừng, xử nghiêm bất cứ ai vi phạm. Bởi rừng là “vàng”, nên người ta bất chấp tất cả, bởi nhờ có nó, các quan lớn, quan nhỏ mới có được những biệt thự, biệt phủ mọc lên ở khắp nơi. Bây giờ Thủ tướng tiếp tục ra lệnh cấm trong khi chẳng còn bao nhiêu rừng để bảo vệ.  Và cũng để xem sau lệnh đóng cửa rừng thứ hai này, số rừng ít ỏi còn sót lại, có được bảo vệ không?

Facebooker Ngô Trường An có bài: Hãy nhớ lời ông Thiệu. Trong thời gian người dân đang vật lộn với lũ, mất mát tang thương, người chết chưa tìm được xác, bốn vị lãnh đạo cao nhất đang làm gì? “Ngày 12.10, ông Nguyễn Phú Trọng tươi cười tiếp xúc cử tri ở Hà Nội. Ngày 13.10, ông Trần Đại Quang hân hoan tiếp xúc cử tri ở Tp HCM. Ngày 14. 10, bà Nguyễn thị Kim Ngân phấn khởi lên đường đi thăm nhà nước Kazakhstan. Ngày 14.10, ông Nguyễn Xuân Phúc vui vẻ gặp mặt lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp toàn quốc“.

Mời đọc thêm: Mưa lũ ở các tỉnh phía bắc làm 96 người chết và mất tích (TTXVN). – Thanh Hóa: Nhiều người dân vẫn sống cảnh “màn trời chiếu đất” sau lũ (DT). – Người dân Thanh Hóa lay lắt cảnh… “màn trời, chiếu đất” (Soha). – Ảnh: Nước ngập mái nhà, ‘bủa vây’ trường học ở Nghệ An (Soha). – Ông Trần Quốc Vượng: “Tập trung thực hiện mọi biện pháp ổn định đời sống đồng bào vùng lũ” (VOV).

– Sau hơn 1 ngày vỡ đê, dân Chương Mỹ vẫn ngụp lặn trong biển nước (Infonet). – Dừng cấp phép thủy điện nhỏ có chuyển mục đích rừng tự nhiên — Phá rừng làm thủy điện, hồ chứa nước… gây thiệt hại lớn (TT). – Lạ lùng kế hoạch… vỡ đê! (NQL). – UBND huyện nói dối vụ vỡ đê ở Chương Mỹ (SGGP). – ‘Tôi không sai khi nói ‘vỡ đê theo kế hoạch” (PLTP). – Dự báo lượng nước về hồ khác xa thực tế (TP).

Cập nhật tin Đồng Tâm

LS Hà Huy Sơn có bài: Sự kiện Đồng Tâm, Mỹ Đức bộc lộ sự bất hợp lý của thiết chế Chính thể. Theo ông Sơn, điều 2 và điều 4 Hiến pháp năm 2013 được hiểu là hệ thống hành pháp, tư pháp, lập pháp “đều chịu sự lãnh đạo trực tiếp theo ngành dọc của các cơ quan Đảng“.

Ông Sơn cho rằng, trường hợp Đồng Tâm, Mỹ Đức, bài toán chỉ có các kết quả như sau: “1-Nếu ông Chủ tịch và Cơ quan tư pháp Hà Nội đều tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo thì được hiểu là Đảng đã ‘lá mặt, lá trái’. 2- Nếu ông Chủ tịch và Cơ quan tư pháp Hà Nội cùng vi phạm nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhưng hai bên lại có sự khác biệt thì chỉ có 02 kết quả xảy ra: Một là cả hai đều vi phạm pháp luật, Hai là có một trong hai bên vi phạm pháp luật. 3- Đều vi phạm pháp luật nhưng có 01 bên theo Đảng. Nhà nước hoạt động theo pháp luật và do Đảng lãnh đạo nhưng pháp luật và Đảng lại không phải là một thực thể thống nhất, đây chính là mâu thuẫn về logic hình thức của thiết chế Chính thể”.

Facebooker Lê Đình Công có video chiếu trực tiếp buổi phỏng vấn giữa truyền hình VTC và bà con Đồng Tâm: Cụ Kình nói pháp luật không công bằng. Vụ bắt cóc cụ kình hôm 15/4 là nguồn cơn gây phản ứng của bà con, nhưng đến nay chính quyền không xử lý vụ này. Cụ Kình cho rằng Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc thanh tra lại toàn bộ diện tích đất của Đồng Tâm.

Đại diện dân Đồng Tâm cho biết, giấy triệu tập của công an yêu cầu đầu thú và tự thú là hết bài. Người dân khẳng định không có tội nên không cần khoan hồng. Người dân cho biết, họ đối xử với những CSCĐ hôm 15/4 là quá nhân đạo. Họ khẳng định những kết luận của Thanh tra TP Hà Nội có khuất tất. Người dân nhắc lại rằng, họ thừa nhận có lỗi trong vụ giữ 18 CSCĐ hôm 15/4. Nhưng họ đã xin lỗi và mong tất cả vụ việc tại Đồng Tâm được giải quyết theo hướng hành chính.

Truyền hình Vtc1 về làm việc với bà con xã đồng tâm

Publié par Công Lê sur samedi 14 octobre 2017

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Hà Nội, dẫu uy quyền cưỡng chế trong tay, vẫn nên tính toán thật kỹ những tổn thất chính trị nếu hành động thiếu cân nhắc trong thời điểm này. Bất kỳ vụ bắt bớ với bất kỳ dân làng Đồng Tâm nào sẽ ngay lập tức được coi là một hành động phá vỡ lời hứa không chỉ của một quan chức địa phương như ông Chung mà còn là của các nguyên thủ Việt Nam trong mắt dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế – một biểu hiện hẳn là không được mong đợi ngay trước thềm APEC do Việt Nam đăng cai tháng 11 tới đây. Bà con Đồng Tâm rất nên vững tin, bởi lẽ không chỉ chính nghĩa mà thế cuộc đều đang đứng về phía họ”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn đăng clip, ba người phụ nữ ở Đồng Tâm kể vụ “bắt cảnh sát cơ động“. Tác giả cho biết: “Mấy bà già Đồng Tâm tay cầm nón lá đã ‘bắt’ được mấy chục cảnh sát cơ động như thế này đây. ‘Bắt’ thế này, cưu mang như vậy, thì tự thú thế nào đây, hả CA Hà Nội?

Vụ bắt cảnh sát cơ động vốn hài vãi chưởng Mấy bà già Đồng Tâm tay cầm nón lá đã "bắt" được mấy chục cảnh sát cơ động như thế này đây."Bắt" thế này, cưu mang như vậy, thì tự thú thế nào đây, hả CA Hà Nội?—

Publié par Nguyễn Anh Tuấn sur samedi 14 octobre 2017

Nhà báo Trương Duy Nhất có bài viết: Đừng thắng dân. Theo ông Nhất: “Thắng dân, tướng Chung sẽ để lại một vết nhơ khó bề gột rửa trong “hồ sơ chính trị” của mình. Cái dại nhất của quan chức Cộng sản là luôn tìm cách thắng dân, thắng bằng mọi cách, dùng “nghiệp vụ” để thắng. Thắng dân là mất dân. Vậy mà họ lại cứ muốn đưa dân ra toà.”

Mời đọc thêm: Vụ Đồng Tâm: CA Hà Nội kêu gọi ‘dân đầu thú’ (BBC). – Dân Đồng Tâm thêm bức xúc trước kêu gọi đầu thú (RFA).  – Công an Hà Nội gửi thư kêu gọi người dân Đồng Tâm ‘tự thú và đầu thú’ (VOA).

Vụ biệt phủ … bóng đen

Báo NLĐ có bài: Nói thẳng: Biệt phủ Yên Bái có bị làm sao không? “Lâu đài của ông Phạm Sỹ Quý chẳng hề hấn gì…“. Còn dân thì chết vài chục mạng, chỉ tính riêng Yên Bái, trong hơn hai tháng, qua hai trận lũ, số người chết và mất tích lên tới hơn 30 người, hơn ngàn ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại về vật chất ước tính 120 tỷ đồng.

Đừng để vụ việc này thành trò chơi cá độ công bố thanh tra biệt phủ Yên Bái đấy nhé.

Một góc khu biệt phủ của ông giám đốc sở Phạm Sỹ Quý. Ảnh: Báo NLĐ

Chống tham nhũng không còn vùng cấm” đối với các phe khác, còn phe của ông Trọng thì chẳng lẽ “ta chống ta”? Cả hai khúc xương khó nuốt như Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình thì từ từ, chờ đốt hết đống củi kia sẽ tính tới hai khúc củi to này.

Ghế ít, đít nhiều, tinh giản đâu có dễ

Báo NLD có bài: Giải thể BCĐ Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ: Nhiều người hồi hộp. Hồi hộp vì kẻ có tiền hoặc thân quen thì được ghế thơm, kẻ ít tiền thì bị loại. Quá trình chạy ghế lại bắt đầu.

Còn nếu giải thể ba ban chỉ mới giải quyết về mặt “bộ máy” khi mạng lưới tổ chức bị hủy bỏ, còn con người thì vẫn giữ nguyên thì đâu có gì đặc biệt để gọi là “tinh giản”? Các vị sợ đụng chạm tới “tâm tư, tình cảm” của nhau còn dân thì vẫn phải đóng thuế nuôi các vị.

Đồ họa: Báo NLĐ

BBC hỏi: Tinh gọn hệ thống chính trị VN: Làm được không? Nếu còn ngại “đụng chạm tới tâm tư, tình cảm” của nhau thì khó đấy.

BBC có bài nêu ý kiến của Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Trưởng Ban Dân vận Trung ương ĐCSVN: Đảng ‘quyết’ nhất thể hóa, nhưng ‘căn cứ luật nào’? Ông Mai cho rằng: “Theo nguyên tắc, nếu có một cơ quan đảng với một cơ quan của chính quyền mà trùng nhau, thì giải thể cơ quan của đảng đi, đưa những người tử tế, nếu có, ở bên cơ quan đảng bổ sung cho chính quyền làm việc và tạo ra những luật lệ văn minh, chứ không phải như hiện nay. Cho nên việc nhất thể hóa, tôi thấy là họ làm một cách đại khái… tùy tiện, chẳng có luật nào để nói là nhất thể hóa hết!”

Lại “cả nhà làm quan”

Báo Người Đưa Tin có bài: “Cả nhà làm quan” – 8 anh chị em cùng làm lãnh đạo tại một xã. Theo phản ánh của người dân địa phương xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, cả nhà bà Lương Thị Hồng, Phó Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch UBND xã Thông Thụ đều làm quan.

Cụ thể, bà Hồng “có em trai là ông Lương Văn Hà làm Chủ tịch hội Nông dân xã; bà Lương Thị Phượng làm Chủ tịch hội Phụ nữ xã; ông Lô Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND xã Thông Thụ là em rể; ông Quang Văn Sinh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã là chú bên chồng; ông Quang Văn Thành, Trưởng Công an xã và ông Quang Văn Quế, Chỉ huy trưởng BCH quân sự xã là anh em bên chồng; ông Quang Văn Thanh, Bí thư đoàn thanh niên xã là em rể; ông Lô Văn Vinh, cán bộ văn phòng xã là em ruột ông Lương Văn Hoà…

Không giống như việc xử lý cán bộ ở các ban chỉ đạo ở trên, ngại “đụng chạm tới tâm tư, tình cảm“, bà Hồng cho biết, “trong quá trình làm việc chúng tôi rất rõ ràng và không để tình cảm làm ảnh hưởng đến công việc chung. Đây là đặc điểm vùng miền và do lịch sử để lại”. Ha ha ha…

Chủ tịch Quang chống tham nhũng?

Báo GDVN có bài: Chủ tịch nước: Tham nhũng vặt làm ngứa ngáy, khó chịu trong người dân. Tại buổi tiếp xúc cử trị TP HCM, Chủ tịch Quang cho rằng: “việc phát hiện tham nhũng đã khó, nhưng công tác điều tra, xét xử các vụ án này luôn phải làm kiên quyết, kiên trì. Các hành vi tham nhũng vặt luôn làm ngứa ngáy, khó chịu trong người dân, nên cần phải xử lý nghiêm các bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực”. Thế tham nhũng “bự” thì sao, dân muốn xử những vụ lớn kia.

Xử đám quan chức tham nhũng, nhận hối lộ, Chủ tịch Quang thì cũng cần xử tội đưa hối lộ. Nhân tiện, Chủ tịch Quang xử tội tay Đại tướng Quang này, đã từng hối lộ thần thánh, cúng chùa hàng chục tỷ đồng. Cũng cần cho điều tra tiền ở đâu ra mà tay Đại tướng Quang này hối lộ thần thánh nhiều như vậy?

Báo VietNamNet có bài: Sẽ làm rõ trách nhiệm đơn vị thuộc Bộ Y tế vụ VN Pharma. Cử tri TP HCM yêu cầu: “Tất cả những người liên quan đều liên đới chịu trách nhiệm. Thuốc làm ra phải rõ nguồn gốc, chất lượng nhưng trong vụ án này lại không minh bạch, không có giấy tờ mà vẫn qua mặt, được cấp phép”. Chủ tịch Quang né trách nhiệm, đẩy qua Chính phủ: “Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra toàn diện việc cho phép nhập khẩu, lưu hành số thuốc VN Pharma để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Y tế. Kết quả sẽ được công khai, thông báo đến cử tri và nhân dân cả nước”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm tiếp xúc cử tri. Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Có lẽ ông Quang nên lắng nghe nhà báo nguyễn Thông: “Nên nghỉ khỏe hẳn, nhất là để cái đầu thật sáng suốt mà làm tốt vai trò đại biểu quốc hội, rồi thì hãy đi tiếp xúc, ông ạ.” Bởi “Thần sắc bác Quang còn kém, âm sắc yếu đi nhiều“, nhưng vẫn cứ “đe dọa xử lý hoặc cấm cửa các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội,” mà lại “né tránh hoặc không trả lời đúng câu hỏi. Người ta bức xúc về các trạm thu phí BOT trấn lột, đề nghị nhà nước nêu cách xử lý, ông lại chỉ nói vòng vo.”

Hãng phim truyện Việt Nam (VFS)

Báo tuổi Trẻ có bài: Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim VFS. Sau khi “vỡ lẽ” với việc quản lý đất đai và cổ phần hóa tại VFS, Thanh tra Chính phủ mới quyết định thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện VN trong 30 ngày. Nội dung chủ yếu là thanh tra quá trình cổ phần hóa VFS từ năm 2014 đến khi thành lập Công ty CP Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.

Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, VFS đang sử dụng gần 7.000m2 đất nhưng cho thuê lại hơn 800m2 đất trái thẩm quyền. Không những vậy, VFS cũng chây ì không chịu nộp tiền thuê đất tới gần sáu tỷ đồng. Việc xử lý vấn đề đất dai chưa xong, nhưng VFS lại công bố phương án cổ phần hóa và bán cổ phiếu, đây cũng là việc “không thực hiện đúng quy trình“.

Vụ “họp báo” của ông Nguyễn Minh Mẫn

Báo Dân Trí có bài: Quyền Vụ trưởng Nguyễn Minh Mẫn được phép họp báo vào sáng mai. Bà Phan Lan Tú – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, cơ quan này đã cấp phép cho ông Nguyễn Minh Mẫn – Quyền Vụ trưởng Vụ III (Thanh tra Chính phủ) tổ chức họp báo “với tư cách cá nhân” vào sáng Chủ nhật, 15/10. Địa điểm tại Khách sạn Daewoo Hà Nội.

Trong khi ông Lê Hồng Lĩnh, người phát ngôn Thanh tra CP cho biết: Không liên quan, không dự họp báo của ông Nguyễn Minh Mẫn. Ông Lĩnh cũng cho biết thêm: “Việc ông Nguyễn Minh Mẫn xin tổ chức họp báo chỉ mang tính cá nhân và Sở TT và TT Hà Nội đồng ý là thực hiện theo quy định của pháp luật nên Thanh tra Chính phủ không có ý kiến gì. Còn nếu việc Sở đồng ý cho họp báo của cá nhân ông Mẫn mà đưa Thanh tra Chính phủ vào thì không được”.

Dự án metro Bến Thành – Suối Tiên: Gậy ông đập lưng ông

Báo Tuổi Trẻ có bài: Nguy cơ tạm dừng dự án Metro số 1 TP.HCM: Hậu quả khôn lường! Đó là nguy có có thật, bởi theo báo cáo, tổng mức đầu tư Dự án từ 17.000 tỉ đồng, đội lên hơn 47.000 tỉ, quá cao so với con số lúc lập dự án. Bây giờ có cầu cứu Quốc hội e hơi khó, bởi trước khi duyệt dự án, Quốc Hội đã bị qua mặt.

Khi lập dự án vào năm 2006, các bên đã dùng “chiêu trò” lập dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 20.000 tỷ, chỉ cần sự chấp thuận của Thủ tướng mà không cần thông qua Quốc hội. Mưu kế này cốt để dự án được phê duyệt, sau đó có đội vốn sẽ xin bổ sung vốn. Ai ngờ, kinh tế khó khăn, tiền đã cạn nên đến Quốc hội giờ cũng “ngó lơ”. Thậm chí lần này, con số 47.000 tỷ đồng cũng đã vượt mức 35.000 tỷ so với Nghị quyết số 49, quy định phải báo cáo Quốc hội.

Cũng đừng có nói là “phía Nhật đã thu xếp xong rồi, tại sao VN cứ trả lời là do thủ tục này nọ nên không thể giải ngân được“. Bởi vì người ta có cho không đâu, tất cả rồi cứ ngân sách chịu và dân gánh thôi…

Công trường gói thầu 1A dài 747m từ chợ Bến Thành tới Nhà hát thành phố hiện thi công chỉ đạt 13,5% khối lượng. Ảnh: Thuận Thắng/TT

Báo Thanh Niên chắc chưa đến gói thầu 1A hay sao mà lòe dân bằng hình ảnh Cận cảnh metro số 1 chục ngàn tỉ lượn trên không, sắp lắp ray ở Sài Gòn? Đang lo sốt vó bị phạt hợp đồng vì chậm và thiếu tiền kia, lấy đâu ra mà dự kiến đưa vào khai thác cuối 2020, “kỳ vọng thu hút người dân sử dụng, giảm áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía đông TP hiện đang quá tải”?

Lại chuyện BOT

Báo Một Thế Giới có bài: BOT Cai Lậy: Không có tính thị trường, cũng không định hướng XHCN. Bài báo cho biết, dự án BOT Cai Lậy, cũng là trường hợp điển hình của BOT trên cả nước, không hề đáp ứng tính chất của thị trường. Bởi nó không có “tự do lựa chọn”, không có “động cơ lợi tức” và không có tính “cạnh tranh”.

Tuy nhiên, nó cũng không hề “định hướng XHCN” nếu hiểu XHCN là “đích đến của sự phát triển, phồn vinh, công bằng, văn minh tiến bộ cho một xã hội“. Nếu có sự công bằng, thì chưa chắc chủ đầu tư Bắc Ái và TriCo đã thắng thầu và người dân đâu có phản ứng gay gắt như vậy. Còn văn minh thì đương nhiên là không có, hãy ngước mắt lên mà xem thiên hạ đối xử với thượng đế kìa. Công bằng, văn minh tối thiểu không có, thì lấy đâu ra mà phát triển, phồn vinh?

Mời đọc thêm: BOT trong “chân” Bộ GTVT — Đường sông cũng dựng trạm BOT? (NLĐ). – Dự án BOT: ‘Vênh’ số liệu phát hiện giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra giao thông (DT).

“Thượng đế” ở xứ ta

Báo Thanh Niên có bài: Đứt cáp, sập nguồn… người dùng internet tự chịu. Về sự cố sập nguồn hai ngày 12 và 13/10, chị N, giám đốc một công ty thương mại ở Hà Nội, cho biết, công ty của chị đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ hợp đồng với đối tác nước ngoài: “Đối tác hẹn ngày 12.10 gửi hợp đồng qua mail để kiểm tra ngay trong ngày trước khi ký kết. Thế nhưng, cả ngày hôm đó tôi không thể nào tải được mail xuống, đến sáng 13.10 cũng vẫn ‘bó tay’. Khi gọi lại đối tác nước ngoài họ rất thất vọng về sự thiếu chuyên nghiệp này và đang dọa cắt hợp đồng trị giá cả tỉ đồng”.

Chuyên gia Ngô Trí Long, nói: “Từ trước tới nay chỉ thấy khách hàng nộp tiền chậm thì bị cắt mạng, còn đứt cáp thì tôi chưa bao giờ thấy nhà mạng đền cho ai cả. Trong khi một thực tế rất rõ là lợi nhuận của các doanh nghiệp viễn thông hiện nay rất lớn, thuộc tốp đầu trong nền kinh tế“.

Còn đây là thượng đế Tây được “phục vụ” bằng những nắm đấm: Đi hết 12.000, vòi thành 50.000 đồng không được, tài xế Vinasun đánh khách Tây giữa đường? Một tài xế taxi hãng Vinasun đã cự cãi và với hành khách nước ngoài khi đòi thêm tiền không được, “nguyên nhân do vị khách nước ngoài thấy đồng hồ hiển thị số tiền 12 nghìn đồng nên đã đưa 20 nghìn đồng nhưng tài xế taxi đòi 50 nghìn đồng?! Đỉnh điểm của việc cự cãi, tài xế hãng Vinasun đã có hành động dùng chân đạp vào khách nước ngoài“.

Clip tài xế Vinasun đánh khách Tây:

Mời đọc thêm: Người dùng Internet Việt Nam kêu trời vì mạng chậm (VNN). – Đã xác định được nguyên nhân sự cố trên tuyến cáp quang biển SMW-3 (24h).

Dân kiện CSGT

Báo Pháp luật & Xã hội có bài: Một công dân khởi kiện hành chính CA huyện Thuận Thành. Không rõ Sở GTVT hay Công an tỉnh Bắc Ninh cho cắm biển báo kiểu “bẫy” dân để CSGT huyện Thuận Thành lấy cớ xử phạt và đòi giữ giấy phép lái xe (GPLX) của công dân Trần Ngọc Thành. Khi ông Thành đến lấy GPLX thì CSGT ép dân nhận lỗi mới trả.

Bức xúc vì cho rằng “biển cấm ô tô rẽ trái trên được cắm không đúng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ nên không có hiệu lực và người điều khiển phương tiện không phải tuân thủ theo biển báo không có hiệu lực ấy“, ông Thành đã gửi đơn kiện hành chính tới TAND huyện Thuận Thành, khởi kiện một số cá nhân liên quan đến vụ việc.

Chiếc biển cấm ô tô rẽ trái không đúng quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Ảnh: Quốc Doanh/PL&XH

Anh Hai miền Tây

Báo Thanh Niên có bài: Hiệu trưởng mua bia uống từ tiền chăm sóc sức khỏe học sinh! Ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang đã nâng khống giá đồ dùng của học sinh, duyệt chi sai quy định tiền quỹ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Học sinh, lên tới cả trăm triệu đồng. Khi giải trình về khoản chi sai này, kế toán và thủ quỹ nói, số tiền đó “mua bia và thức ăn theo chỉ đạo của hiệu trưởng”.

Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện có 310 học bạ của học sinh được bà Trần Thị Hữu Nhân, vợ ông Thành, ký. Còn trong lúc đang thanh tra thì Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Thành. Đến ngày 29/2/2016 ký tiếp 2 quyết định “cùng số 228/QĐ-UBND cho thôi giữ chức Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Bình, đồng thời thuyên chuyển ông Thành đến Trung tâm xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH Tiền Giang“.

Đây là quyết định trái thẩm quyền, vì việc này thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh. Thế nhưng, đến nay ông Thành vẫn giữ chức Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Bình.

Mời đọc thêm: Hiệu trưởng nhờ vợ giả chữ ký hàng trăm học bạ (NLĐ).

Kè chống sạt lở, bị sạt lở

Quảng Ngãi: Kè chống sạt lở bị… sạt lở nghiêm trọng (TN). Kè chống sạt lở ở bờ biển thôn Thạnh Đức 1, thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, có tổng vốn đầu tư gần 15 tỉ đồng, từ ngân sách tỉnh, do UBND huyện Đức Phổ làm chủ đầu tư. Dự án thi công từ năm 2015, đến mùa mưa lũ 2016, khi trong giai đoạn hoàn thành, chưa nghiệm thu thì bị sóng lớn đánh, gây hư hỏng, hiện đang sạt lở nghiêm trọng khiến người dân lo sợ.

Một người dân ở đó, cho biết: “Chính quyền chủ trương làm tuyến kè, dân ở đây đều mừng nhưng lại hư hỏng nhanh quá. Bây giờ hễ nghe dự báo thời tiết biển động mạnh, ai cũng lo vì sóng lớn đổ ập vào là tuyến kè tiếp tục sạt lở, đe dọa nơi an cư của các hộ dân”.

Buôn trẻ Việt ở Anh

Anh: Hơn 150 trẻ Việt được cứu khỏi giới buôn người, lại mất tích (RFI). – Anh: Hơn 100 trẻ em Việt từng bị buôn người mất tích (BBC).

Tin quốc tế

Tin châu Á

Căng thẳng có thể leo thang thêm một mức nữa: Bắc Triều Tiên chuẩn bị bắn tên lửa. RFI dẫn nguồn từ chính quyền Nam Hàn, cho biết về khả năng Bắc Hàn chuẩn bị bắn tên lửa “vào thời điểm cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn mở ra từ ngày 16 đến 26/10/2017”.

VOA đưa tin: Quân đội Myanmar điều tra cáo buộc người Rohingya bị sát hại, ngược đãi. Tuy nhiên, theo các cuộc điều tra trong nước trước đây, phần lớn bác bỏ lời kể của những người tị nạn về các hành động ngược đãi xảy ra trong những hoạt động truy quét của lực lượng an ninh”.

Những người Hồi giáo Rohingya mới tới Bangladesh từ Myanmar chuẩn bị rời một nơi tạm trú ở Shahparirdwip, Bangladesh, ngày 2 tháng 10, 2017. Nguồn: AP

Bài báo đưa tin, vẫn còn “hàng ngàn người tị nạn tiếp tục băng qua sông Naf ngăn cách bang Rakhine của Myanmar và Bangladesh trong những ngày gần đây, dù Myanmar nhất mực nói rằng các hoạt động quân sự đã chấm dứt vào ngày 5 tháng 9”.

Điều trần trong một phiên họp kín trước Hội Đồng Bảo An: Cựu tổng thư ký LHQ yêu cầu Hội Đồng Bảo An áp lực trên Miến Điện. “Ông Kofi Annan đã kêu gọi gia tăng áp lực trên chính quyền Miến Điện để người tị nạn Rohingya tại Bangladesh sớm được trở về nguyên quán, chấm dứt khủng hoảng nhân đạo”.

RFI có bài: Phủ TT Philippines cải chính tuyên bố của ông Duterte về LHCÂ, về việc ông Duterte đe dọa trục xuất các đại diện ngoại giao châu Âu”. Phát ngôn viên tổng thống Rodrigo “lên tiếng xác định rằng không có chỉ thị nào được đưa ra về việc trục xuất các nhà ngoại giao châu Âu”.

Trang Nhịp Cầu Đầu Tư có bài: Tình báo Mỹ: Trung Quốc đang mở rộng căn cứ ở nước ngoài. Bài viết cho biết, “quân đội Trung Quốc loan báo thiết lập một căn cứ hỗ trợ hậu cần ở Djibouti, một quốc gia nhỏ tại châu Phi, để phục vụ cho các chiến dịch nhân đạo, duy trì hòa bình và hộ tống trên biển ở vùng châu Phi và vùng tây châu Á, cũng như hỗ trợ cho các cuộc thao dượt quân sự và di tản khẩn cấp“. Hãng tin Bloomberg nhận định, “căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài này, rất có thể sẽ là khởi đầu cho nhiều căn cứ quân sự khác mà Trung Quốc sẽ thiết lập khắp thế giới“.

BBC có tin: WeChat Trung Quốc dùng từ xúc phạm chủng tộc và đã “phải lên tiếng xin lỗi sau khi phần mềm này dịch từ ‘người da đen’ thành ‘n*gger’.”

Tin nước Mỹ

VOA có bài: Ứng viên được Trump đề cử bị phản đối. Bà Kathleen Hartnett White, là một cựu giới chức quản lý môi trường ở Texas được đề cử vào Hội đồng của Tòa Bạch Ốc về Chất lượng Môi trường. Sự đề cử này đã bị các nhóm bảo vệ môi trường phản đối vì bà White là “người từng viết bài nói rằng CO2 không phải là chất gây ô nhiễm”.

VOA đưa tin: Cựu chánh văn phòng của Trump được công tố viên đặc biệt phỏng vấn. Ông Reince Priebus, cựu Chánh Văn phòng Nhà Trắng của Tổng thống Trump, “được đội ngũ của Công tố viên Đặc biệt Mueller phỏng vấn để xem ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ hay không”.

VOA có bài phỏng vấn tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt: Nguyễn Thanh Việt ‘khiêm nhường’ với giải MacArthur danh giá. Nguyễn Thanh Việt đoạt giải thưởng MacArthur Fellowship, một giải thưởng danh giá do Quỹ MacArthur, một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận lớn thứ 12 ở Mỹ, trao tặng. Ông Việt nói về suy nghĩ của mình:

“Tôi nghĩ nêu bật những trải nghiệm của những sắc dân thiểu số ở Mỹ và ở những nơi khác lúc nào cũng là điều quan trọng, bởi vì hoàn cảnh và tình thế lưỡng nan mà những sắc dân thiểu số đối diện ở Mỹ không phải là điều mới mẻ. Dù rằng chúng ta cảm thấy như mình đang trải qua một khoảnh khắc khủng hoảng và xung đột khủng khiếp ở nước Mỹ ngày nay, song chuyện đó không mới. Nó có tính chu kỳ. Những gì mà chúng ta đang đương đầu ngày hôm nay đơn giản là hiện thân của những mâu thuẫn thâm căn cố đế, mang tính nguyên thủy trong xã hội Mỹ xung quanh chủng tộc, giai cấp, giới tính và dục tính mà tới nay chưa bao giờ được giải quyết”.

Mỹ – Iran

RFI có bài: Các cường quốc lo ngại cho hiệp định hạt nhân Iran vừa bị TT Mỹ đe dọa. Trong một hành động mang tính chất biểu tượng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh Theresa May, “đã ra một thông cáo chung với lời lẽ ngoại giao nhưng kiên quyết, nhấn mạnh rằng ba nước vẫn thiết tha với thỏa thuận đã ký kết, đồng thời kêu gọi các bên ‘thực thi đầy đủ’ hiệp định này”.

Và cũng để phản bác lập luận của tổng thống Mỹ, chính quyền Teheran không tôn trọng thỏa thuận đã ký kết: “Giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, Yukiya Amano, ông Amano khẳng định, Teheran tôn trọng những điều đã cam kết và AIEA đã thanh tra các cơ sở hạt nhân Iran một cách công bằng và khách quan”.

Đáp lại việc Tổng thống Trump không xác nhận thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran với 6 cường quốc, Iran thách thức Tổng thống Trump. VOA cho biết, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, nói, “Tehran sẽ tăng đôi nỗ lực mở rộng khả năng quốc phòng kể cả chương trình phi đạn đạn đạo bất chấp Mỹ áp lực đình chỉ”.

Tin châu Âu

Báo Người Việt cho biết: Nga tố cáo Mỹ đưa quân đến gần biên giới Nga. Hoa Kỳ hôm Thứ Năm loan báo việc đổ quân của Trung Đoàn Kỵ Binh Số Hai tại tiền đồn của NATO ở Ba Lan, vào nơi cách khu quân sự Kaliningrad của Nga chừng 100 dặm. Hành động này là một phần trong nỗ lực mới nhất của Washington nhằm yểm trợ quốc gia đồng minh này chống lại điều mà họ cho là mối đe dọa quân sự từ nước láng giềng Nga”.

RFI đưa tin: Một người Pháp được bầu làm tổng giám đốc UNESCO. Người được bầu là bà Audrey Azoulay, 45 tuổi, cựu bộ trưởng văn hóa Pháp. Về thân thế, bà Azoulay “sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Essaouira, Maroc, có cha là cố vấn cho nhà vua Maroc và mẹ là một văn sĩ, bà Azoulay nhận bằng thạc sĩ quản trị tại đại học Paris Dauphine. Việc bà Azoulay được bầu làm tổng giám đốc UNESCO như là một minh chứng thuyết phục, bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ về việc tổ chức này chủ trương bài Do Thái”. VOA: UNESCO chọn lãnh đạo mới.

RFI có bài bình luận về tình hình dân chủ hiện nay trên thế giới: Dân chủ phương Tây tứ bề thọ địch. Nhà bình luận chính trị , Raffaele Simone, nhận định: “Tất cả các cột trụ của các nền dân chủ (bao gồm các định chế, tâm thức, huyền thoại) đều mất ổn định, nếu không muốn nói là chúng gần như đang chao đảo”.

Mời xem thêm: Bầu cử cấp vùng: Một cuộc trắc nghiệm chính trị tại Venezuela (RFI).

Châu Phi

VOA đưa tin: Bom xe gây chết người phát nổ giữa giao lộ Mogadishu, san bằng nhà cửa. Các quan chức cho biết, “ít nhất 25 người thiệt mạng và ít nhất 50 người khác bị thương trong một vụ nổ bom xe tải gần một giao lộ chính ở thủ đô Mogadishu của Somalia”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.