Tin trong nước
Tin Biển Đông
Bài viết của GS Carl Thayer, được dịch giả Song Phan dịch cho Tiếng Dân: Việt Nam và các vùng nước bị khuấy đục ở biển Đông. “Việt Nam đã tạo ra hơn 120 mẫu tây [48,6 hecta] đất mới ở biển Đông, chủ yếu ở đảo Trường Sa, Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, và đá Tây. Phần lớn công việc này đã diễn ra trong hai năm qua. So với TQ đã tạo ra gần 3.000 mẫu tây [1214 ha] đất mới tại 7 thể địa lý mà họ chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa thì công trình của Việt Nam không những nhỏ nhoi hơn nhiều mà cũng ít phá hoại môi trường hơn, vì họ không thực hiện nạo vét quy mô lớn các rạn đá có các tiền đồn của Hà Nội đóng trên đó“.
Dù “bạn vàng” tập trận ầm ầm trên sân nhà của mình trước đây, nhưng phía Việt Nam cũng không dám gọi là “tập trận” hay “diễn tập” quân sự, mà chỉ dám gọi là “kiểm tra”: Vùng 5 Hải quân kiểm tra bắn đạn thật trên biển. Báo Đất Việt đưa tin: Tàu pháo Việt Nam diệt gọn mục tiêu đêm.
RFI đưa tin: Philippines: Sự hiện diện của tàu Trung Quốc là “bình thường”. Theo nhật báo Inquirer của Philippines, “hai quan chức Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở khu vực đảo Pagasa (còn gọi là đảo Thitu) ở vùng Biển Đông, là chuyện ‘bình thường’ và không phải là điều gì đáng báo động”.
RFI có bài: Indonesia phát triển hải, không quân để đối phó với Trung Quốc. Trong lễ diễu binh kỷ niệm 72 năm thành lập quân đội, tổng thống Joko Widodo đã tự hào tuyên bố: “Lực lượng Vũ trang Indonesia sẽ là quân đội mạnh nhất và được trang bị tốt nhất Đông Nam Á”.
Mời đọc thêm: Hội thảo về các giải pháp quản lý những điểm chung toàn cầu trên biển (TTXVN). – Mỹ, Thái Lan kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông (VTV). – Tàu Trung Quốc tiến sát đảo Guam, máy bay trinh sát Mỹ “căng mắt” theo dõi (Soha). – Công bố những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại Lào Cai (ITC News).
Hậu quả khi làm ăn với Trung Quốc
Báo Tuổi Trẻ có bài: Hơn 400 cột điện gãy trong bão số 10 do dùng lõi thép chữ V? Cơn bão số 10 vừa qua đã làm hơn 400 cột điện bê tông cốt thép trên địa bàn huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, bị gãy đổ, lộ ra kết cấu thép có hình chữ V khác thường, không phải loại thép tròn xoắn. Điều này khiến người dân nơi đây đặt dấu hỏi về chất lượng loại cột điện này.
Theo báo Tuổi Trẻ, nguyên nhân rất có thể là số cột điện này đã sử dụng thép do Trung Quốc sản xuất. Số thép sử dụng do Công ty Khánh Vinh cung ứng, công ty này do một doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư từ năm 2002 đến 2015, sau đó ông Trần Trọng Tuệ ở Nghệ An đã mua lại nhà máy này. Ông Tuệ cho biết: “lúc doanh nghiệp Trung Quốc quản lý, nhà máy có sử dụng thép hình chữ V khi đúc cột điện bê tông. Hiện nhà máy không sử dụng loại thép này nữa”.
Báo PLTP có bài: Tàu Cát Linh-Hà Đông bao giờ lăn bánh? Không biết bao giờ, nhưng hiện không còn bóng dáng công nhân làm việc ở đây nữa. Một người dân sống ở phố Triều Khúc, cho biết: “Trong khi mỗi một năm các nước đã có sự phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật. Còn Việt Nam do dự án chậm tiến độ nên khi đưa toa tàu vào hoạt động thì tuyến đường sắt đã lỗi thời gần chục năm…”
VTC có clip: “Cận cảnh các đoàn tàu được lắp đặt lên ray đường sắt Cát Linh – Hà Đông”:
CẬN CẢNH CÁC ĐOÀN TÀU ĐƯỢC LẮP ĐẶT LÊN RAY ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH – HÀ ĐÔNGSau rất nhiều lần lỗi hẹn, gần đây nhất là “vỡ kế hoạch “ chạy thử vào tháng 10, ngày hôm nay, các đoàn tàu số 2 và số 3 trong tổng số 13 đoàn tàu dự án Cát Linh đã được đẩy lên ray.
Publié par VTC14 – Thời tiết – Môi trường & Đời sống sur mercredi 4 octobre 2017
Mời đọc thêm: Hai đoàn tàu từ Trung Quốc về Việt Nam đã “yên vị” trên đường sắt Cát Linh – Hà Đông (LĐ).
Chuyện tướng Trương Giang Long “nghỉ hưu”
BBC có bài phỏng vấn cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang: Vì sao Tướng Trương Giang Long nghỉ chờ hưu? Theo nhận xét của ông Quang, tướng Long, ngoài cấp hàm thiếu tướng, còn có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, do vậy, Thiếu tướng Long “hoàn toàn có thể vẫn ở lại tiếp tục lên lớp giảng dạy mặc dù có thể không làm viện trưởng [Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân] nữa“.
Về một phần nội dung video clip trong đó tướng Long có nói “Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm Biển Đông của chúng ta” hay Trung Quốc có “gene tốt thấp, gene không tốt vượt trội”, ông Quang nói: “Tôi không biết video clip này được tiết lộ một cách cố tình hay vô ý, nhưng những nội dung mà anh Trương Giang Long nói là hoàn toàn thực tế. Các cơ quan an ninh của Việt Nam biết rất rõ Trung Quốc đã hoạt động cài cắm người vào các cơ quan như thế nào. Đây là một vấn nạn mà các cơ quan an ninh Việt Nam phải đối phó…”
Hội nghị TƯ 6
GS Mạc Văn Trang có bài: Tại sao càng bàn càng rối, càng đổi mới càng tụt lùi? Theo GS Trang, điệp khúc “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trong diễn văn khai mạc của ông Trọng, đã được nói đi nói lại mấy chục năm qua, nhưng thực tế chỉ thấy ngược lại: Bộ máy càng phình to, kém hiệu quả, chồng chéo… trong khi ngân sách ngày càng hạn hẹp.
Ông Trọng liệu có dám “nhìn thẳng vào sự thật” cái cơ chế mà ông ra sức bảo vệ này, chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi bất cập hiện nay? Hãy nhìn những con số chi cho các hội đoàn vô tích sự này để thấy, chúng “hút máu” người dân đến xương tủy rồi. Ông có bàn bạc, hô hào cách mấy, nhưng vẫn để tình trạng này tiếp diễn, thì nên “về vườn” sớm đi cho dân nhờ.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Bức tranh biên chế bộ máy của hệ thống chính trị:
RFA có bài: Hợp nhất hệ thống song trùng đảng-nhà nước có khả thi? TS Ngô Trí Long, một chuyên gia kinh tế hiện sống ở Hà Nội, cho biết: “Vấn đề nhất thể hóa người ta đã bàn từ lâu rồi. Nội dung của kỳ họp trung ương 6, khóa 12 này có rất nhiều vấn đề, nhưng cái nội dung ấy là cốt lõi. Việc thu gọn hệ thống hành chính, chính trị của Việt Nam là không thể lùi lại được nữa, vì hiện nay nợ công rất lớn, bội chi thì cao, cho nên phải tinh giản mới giảm được chi phí thường xuyên, còn chuyện có quyết định hay không thì phải chờ hội nghị”.
Mời đọc thêm: Kết quả ngày làm việc đầu tiên Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (GDVN). – Ngày làm việc thứ 2 hội nghị Trung ương 6 (VNN). – Thủ tướng điều hành phiên họp thứ 2 của Hội nghị Trung ương 6 (Zing). – Kỳ vọng vào những quyết sách tại Hội nghị Trung ương 6 (TP).
Sức khỏe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Bác sĩ Trần Song Hào viết: “Sức vóc của Chủ tịch nước: mới 3 tháng mà khác quá. Nếu bị ung thư, không thể xuống sức đột ngột như vậy. Chỉ có thể nghi là bị nhiễm (độc) ‘bệnh lạ’!?”
Tác giả đưa hai tấm ảnh so sánh. Ảnh trên: Chủ tịch nước Trần Ðại Quang tại cuộc tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3, quận 4, TP.HCM ngày 07/7/2017. Ảnh dưới: Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 6, khoá 12, ngày 04/10/2017. Ảnh từ báo lề đảng VOV, VnExpress.
Phiên tòa xét xử bà Châu Thị Thu Nga
Báo VietNamNet có bài: Châu Thị Thu Nga xin khai chi tiền ‘chạy’ đại biểu QH. Chuyện lạ là ở phần xét hỏi, khi LS của bà Châu Thị Thu Nga đặt câu hỏi: “Có 4 bút lục lời khai của bà về việc chi tiền để ứng cử vào Quốc hội?” Nhưng khi bà Nga chưa kịp trả lời, HĐXX đã ngắt lời luật sư, cho rằng, “nội dung này không thuộc phạm vi của vụ án này. Điều này đã được thể hiện rõ trong cáo trạng”.
Về vấn đề này, LS Ngô Ngọc Trai cho rằng: Tòa không cho bà Nga khai là đã vi phạm pháp luật. Theo ông, đây là một tình tiết quan trọng để xác định đường đi của nguồn tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt. Từ đó “có cơ sở xem xét việc thu hồi nhằm giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, để bồi thường lại cho các bị hại mua nhà đã bị lừa đảo“. LS Trai nói, việc Tòa “bịt miệng” bị cáo và cho rằng đã tách ra vụ án khác “sẽ khiến cho việc giải quyết vụ án không được khách quan toàn diện và đầy đủ với tất cả tình tiết của vụ án theo quy định pháp luật”.
LS Trần Vũ Hải cho biết: “Luật sư của bị cáo Nga cần khiếu nại ngay vị chủ toạ, yêu cầu triệu tập những người bị tố cáo nhận tiền của bị cáo ra đối chất! Toà phải là nơi sự thật, công lý, bình đẳng được bảo đảm, chứ không phải nơi thẩm phán theo lệnh của ai đó chặn họng bị cáo và luật sư!”
LS Luân Lê viết: “Nguyên tắc xét xử là mọi chứng cứ phải được thẩm tra trực tiếp tại phiên toà mới được sử dụng để kết tội bị cáo. Thế nên nếu không cho bị cáo khai thì tức là chưa đi đến cùng sự thật của vụ án lớn này”.
Nhà báo Nguyễn Thông viết: “Xin nhớ rằng chuyện chạy suất vào quốc hội bà Nga đã khai cách nay gần 2 năm, cả công an lẫn ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ nhiệm VP quốc hội đều hứa sẽ điều tra làm rõ, mẹ kiếp, rõ cái con khỉ. Chống tham nhũng kiểu phản chống tham nhũng thế này, như trò hề”.
Nhà báo Bạch Hoàn đặt câu hỏi: Tại sao lại không cho khai số tiền chạy ghế Đại biểu Quốc hội? “Lẽ thường, toà án phải yêu cầu các bị cáo thành khẩn khai báo hết mọi sự thật để xét xử vụ án một cách công minh, chính xác, đúng người đúng tội. Lẽ thường, ở toà án, kẻ có tội mới là kẻ thường dùng mọi chiêu trò bưng bít sự thật nhằm che đậy hành vi phạm pháp của mình. Vậy tại sao ở đây, toà lại không muốn cho bị cáo khai ra sự thật? Tại sao? Một phiên toà như thế, liệu người dân có thể tin tưởng được không? Một phiên toà như thế thì liệu sự thật có được đi đến cùng và công lý có được thực thi hay không?”
TS Nguyễn Quang A viết: “Bà Nga, bà Malta, ông Trịnh Xuân Thanh, … Dân cứ nhắm mắt bầu những người đảng cử vào QH, và hoàn toàn tin vào cái tòa án của ĐCSVN, thì dân cũng phải chịu trách nhiệm 1 phần! Phải tẩy chay bọn như thế chứ, phải mở miệng ra chứ! Cứ nhắm mắt theo đảng là góp phần củng cố cái sai cái trái của họ“.
Mời đọc thêm: Cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga lừa đảo: Những tình tiết bất ngờ (VNN). – Châu Thị Thu Nga xin khai về 1,5 triệu USD ‘chạy’ đại biểu Quốc hội (TT). – Bà Thu Nga chi 30 tỉ chạy ứng cử đại biểu Quốc hội? (PLTP). – Bị cáo Châu Thị Thu Nga xin khai về khoản tiền “chạy” vào ĐBQH (Infonet). – Việt Nam rúng động vụ ‘1,5 triệu đôla chạy đại biểu quốc hội’. (VOA). – Mua chức đại biểu Quốc Hội giá 1 triệu rưỡi đô la Mỹ (RFA). – Bà Châu Thị Thu Nga khẳng định không lừa đảo, công ty vẫn có khả năng trả cho khách hàng (MTG). – Cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga hối tội, xin chịu hoàn toàn trách nhiệm (VnMedia). – Xét xử Châu Thị Thu Nga: Bị hại tiếp tục mong muốn dự án được triển khai (ANTĐ). – Bị cáo Châu Thị Thu Nga: Quay đầu có đến được bờ? (PLVN).
Cập nhật tình hình Đồng Tâm
Facebooker Lê Đình Công có video clip trực tiếp buổi họp hàng tuần của bà con Đồng Tâm. Trong clip này, cụ Kình cho biết, khả năng cụ bị tàn phế suốt đời. Tuy nhiên, cụ cam kết sẽ kề vai sát cánh cùng bà con Đồng Tâm, chiến đấu đến cùng chống lại những kẻ cướp đất, dù có phải đổ máu.
Cuộc họp thường xuyên hàng tuần của bà Con xã đồng tâm
Publié par Công Lê sur jeudi 5 octobre 2017
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn có bài: Cụ Kình – Thủ lĩnh xứng danh của Đồng Tâm. Cụ Kình dù phải nhồi xe lăn, nhưng tuần nào cũng cùng dân làng Đồng Tâm họp để “phân tích pháp lý, đòi làm rõ những điểm khuất tất trong kết luận thanh tra của Hà Nội, và yêu cầu xử lý nghiêm những kẻ đã gây thương tích cho cụ“.
Tịch thu chấp đất đai
RFA có bài nói về báo cáo nghiên cứu của hai Tổ chức tư vấn TMP Systems và Rights and Resources Initiative vừa được công bố, cho thấy: Việt Nam, điểm nóng tranh chấp đất đai trong khu vực Đông Nam Á. “Tại Việt Nam, các vụ tranh chấp đất nông nghiệp diễn ra khắp các tỉnh, thành; có thể kể đến những trường hợp được dư luận đặc biệt chú ý như Văn Giang, Tiên Lãng, Đông Anh, Trịnh Nguyễn, Dương Nội, Đồng Tâm…và hàng trăm nông dân trở thành nạn nhân mất nhà cửa, ruộng vườn vì phản đối số tiền bồi thường rẻ mạt…“.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Nhà nước, trong những lý do thu hồi đất, thì có lý do là những dự án phát triển kinh tế xã hội khác, vì cái đó nó quá rộng, không làm rõ các dữ liệu khác nhau nên dẫn tới tình trạng thu hồi đất thuần nông của dân rồi giao cho một ông doanh nghiệp khác để làm. Người dân được đền bù một thì đối với ông doanh nghiệp giá đất sau đó có thể lên đến cả trăm lần. Từ đó gây nên những chuyện khiếu kiện đất đai tràn lan ở Việt Nam. Chuyện đất đai trở thành một trong những điều bất công nhất ở Việt Nam hiện nay”.
Nhân quyền ở Việt Nam
RFA có bài: Giải thích về tăng cường bắt bớ đối lập. Chỉ trong vài tháng qua, Việt Nam đã bắt giữ và kết án ít nhất 11 nhà hoạt động xã hội vì các hoạt động ôn hòa, chỉ trích chính quyền. Theo TS Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động ở Hà Nội, cho rằng sự kiện VN tổ chức hội nghị APEC chỉ là “cái cớ”, lý do chính, kể từ sau Đại hội Đảng XII, chính quyền mới chủ trương tích cực đàn áp tiếng nói bất đồng.
Ông Quang A nói: “Họ tưởng như vậy là họ rất mạnh, nhưng để phải dùng đến những biện pháp như thế chứng tỏ họ đang trong một thế rất yếu và rất lo sợ. Chính nỗi lo sợ đó thúc đẩy họ dùng đến những biện pháp rất cổ điển của các chế độ độc tài đó là tăng cường đàn áp tư tưởng như tuyên truyền, phỉ báng những người đấu tranh, mị dân”.
Sánh vai cùng với các nước XHCN “anh em”, Việt Nam trong danh sách hạn chế hoặc thù nghịch với tôn giáo, theo VOA. Phúc trình của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington, cho biết: “Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia hoặc kiểm soát chặt chẽ đối với những định chế tôn giáo hoặc thực sự thù nghịch đối với tôn giáo”. Trong danh sách này còn có “Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên và một vài nước Cộng hòa thuộc Xô Viết cũ”.
Bị mất chức, vẫn làm phó đoàn kiểm tra Formosa
Báo NNVN có bài: Cử ông Lương Duy Hanh làm phó đoàn kiểm tra Formosa có coi thường dư luận? Bộ Tài nguyên – Môi trường không chỉ coi thường mà còn nhạo báng cả dư luận. Việc ông Lương Duy Hanh, người vừa bị cách chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, thuộc Bộ TN-MT, lại được Tổng cục Môi trường giao làm Phó đoàn kiểm tra môi trường tại Formosa, liệu có bảo đảm tính khách quan cho một sự việc hết sức quan trọng, liên quan đến sinh mạng của hàng ngàn người dân?
Nhà báo Huy Đức viết: Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng bộ TN-MT cần cấm cán bộ đi kiểm tra cơ sở, không thể lại để một người vừa bị kỷ luật bởi Formosa lại đi kiểm tra Formosa. Tổng cục Môi trường “là nơi ban hành các tiêu chuẩn về môi trường, kiểm tra giám sát việc tuân thủ hãy để địa phương và lực lượng cảnh sát môi trường làm”.
Mời đọc thêm: Thắc mắc lý do Cục trưởng Lương Duy Hanh vừa mất chức vì Formosa lại được giao tiếp trọng trách làm Phó đoàn kiểm tra Formosa? (GĐNN). – Cục phó mất trộm gần 400 triệu không tham gia đoàn kiểm tra tại Formosa (DT).
Vụ ông Nguyễn Minh Mẫn đòi họp báo
Báo Dân Trí có bài: Quyền Vụ trưởng Nguyễn Minh Mẫn họp báo về việc bị “đánh hội đồng”. Đại diện Thanh tra Chính phủ khẳng định, đây là buổi gặp gỡ báo chí “mang tính chất cá nhân của ông Nguyễn Minh Mẫn, không có đại diện Thanh tra Chính phủ”.
Theo Facebooker Phạm Xuân Cần, “nếu Thanh tra Chính phủ họp báo, ông Nguyễn Minh Mẫn có quyền dự và nói rõ những việc mà ông cho là khuất tất hay truyền thông chưa rõ. Còn với tư cách cá nhân, ông Mẫn không có quyền tổ chức một cuộc họp báo để nói chuyện công vụ của cơ quan nhà nước.”
Theo nhà báo Nguyễn Tiến Tường, ông Mẫn là một quan chức tầm vụ trưởng mà không hiểu nguyên tắc báo chí. Cá nhân ông không phải là tổ chức để họp báo. Mà nếu có thì ông Mẫn đã có giấy phép hay chưa?
Mời đọc thêm: Ông Nguyễn Minh Mẫn sẽ họp báo về vụ ‘xúc phạm báo chí’ (TT). – Ông Nguyễn Minh Mẫn họp báo vụ bị cho là ‘dạy cách bịt thông tin’ (Soha). – Ông Nguyễn Minh Mẫn tổ chức họp báo vụ phải xin lỗi (PLTP).
Về ông vua con ở Vingroup
Báo Cali Today có bài: Thời Vượng xưng vương. Đúng là “xưng vương” khi Phạm Nhật Vượng có thế thao túng truyền thông, lũng đoạn chính quyền, chỉ đạo cả công an… Thật không ngoa khi có người cho rằng, Phạm Nhật Vượng bắt thanh kiếm “bảo vệ đảng” phải quay sang bảo vệ ông ta.
Tác giả Trân Văn có bài viết cho VOA: Đụng vào ‘Vin’ là bị ‘vịn’? Tác giả dẫn nguồn Facebooker Nguyen Tuan Quynh, thắc mắc, “phản ứng về chuyện học phí của Vinschool thì có liên quan gì đến công an? Chẳng lẽ cứ có tiền thì bảo gì cũng làm? Còn theo Quang Doan thì xúc phạm ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup còn nguy hiểm hơn… ‘nói xấu lãnh tụ’.”
Về vụ việc tại trường Vinschool, LS Luân Lê cho rằng, nếu các phụ huynh của các em học sinh học ở Vinschool cảm thấy phía nhà đầu tư đang phá vỡ cam kết và tự ý thay đổi điều khoản “hợp đồng” thì có thể khởi kiện ra toà. “Đó là một hành vi bảo vệ quyền lợi văn minh”.
Theo Facebooker Nguyễn Đình Hà, về chuyện Vinschool đe dọa đuổi học sinh, nếu như phụ huynh tiếp tục lên mạng phản đối trường này tăng học phí, căn cứ vào hợp đồng giữa Vinschool với phụ huynh học sinh, điều này “đi ngược lại quyền tự do ngôn luận của công dân được pháp luật bảo hộ; Trái với đạo đức xã hội Việt Nam (vốn đề cao vấn đề bảo vệ và giáo dục thế hệ trẻ), khi lôi trẻ em ra để đe dọa phụ huynh với các phát ngôn trái chiều nhà trường; Xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh”.
Vụ thăng tiến thần tốc của ông Vũ Minh Hoàng
Báo Dân Trí đưa tin: 9X “thăng tiến thần tốc” Vũ Minh Hoàng không còn là cán bộ công chức. Chuyện ông Vũ Minh Hoàng, sinh năm 1990, được bổ nhiệm chức Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ hồi năm 2014, khi mới 24 tuổi, ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, ngày 2/10, ông đã ký hủy 3 quyết định liên quan đến việc bổ nhiệm ông Hoàng.
Tháng 6/2014, ông Vũ Minh Hoàng được bổ nhiệm chức Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Tháng 9/2014, ông Hoàng được cử đi học tiến sĩ ở Nhật. Đầu năm 2016, ông Hoàng được bổ nhiệm làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế. 32 ngày sau, ông Hoàng được chuyển công tác về làm Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Cần Thơ. Cuối tháng 3/2016, ông Hoàng xin sang Nhật để học tiếp.
Được biết, ông Vũ Minh Hoàng là cháu của đại tá Vũ Quốc Tuấn, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, từng giữ chức Phó cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ. Cha ông Hoàng là chủ doanh nghiệp, mẹ là nội trợ.
Báo GDVN có bài: Nói như Kiểm tra, Thanh tra Thanh Hóa thì bộ máy Nhà nước còn đâu kỷ cương nữa! Tác giả đặt câu hỏi: “Nếu nói bà Trần Vũ Quỳnh Anh nhiều lần được mời nhưng không có mặt, nên không có cơ sở để xem xét tài sản của bà, thế hóa ra pháp luật bất lực à?” Bộ máy nhà nước này có kỷ cương hồi nào đâu mà lo còn hay mất?
Mời đọc thêm: Cần Thơ trả lại ông Vũ Minh Hoàng: Ông Hoàng phân vân (ĐV). – Phó vụ trưởng khi chỉ mới 26 tuổi thăng tiến ‘thần tốc’ thế nào? (TN). – Ông Vũ Minh Hoàng chính thức trở lại làm thường dân (ĐV). – Vụ ‘quan lộ thần tốc của hotgirl xứ Thanh’: Vi phạm nghiêm trọng, nhiều khuất tất (TN).
Môi trường ô nhiễm
Báo PLTP có bài: Đề nghị dừng cấp phép nhận chìm 2,4 triệu m3 bùn, cát. Lo lắng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường ở Khu bảo tồn biển Hòn Cau, nói riêng và khu vực biển Vĩnh Tân nói chung, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, có biện pháp bảo vệ môi trường ở khu vực này.
Theo kiến nghị của tỉnh Bình Thuận, ngoài việc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân phải được đưa vào chương trình giám sát đặc biệt, cần phải dừng cấp phép nhận chìm 2,4 triệu m3 chất thải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 xuống vùng biển này.
Báo CAND đưa tin: Dầu tràn ra suối gây ô nhiễm nghiêm trọng ở tỉnh Bình Phước. Ngày 3/10, hệ thống đường dẫn dầu của Công ty cổ phần sản xuất thương mại giải pháp xanh Bình Phước bị hỏng hóc, rò rỉ dầu ra ngoài. Do trời đang mưa, nên lượng dầu theo nước mưa chảy tràn ra mương thoát nước, rồi đổ thẳng ra suối Bưng Dục, ở gần đó, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mời đọc thêm: Đề nghị dừng nhận chìm bùn thải xuống biển Bình Thuận (RFA). – Đề nghị giám sát đặc biệt môi trường tại Nhiệt điện Vĩnh Tân (Zing). – Vì sao dự án tỷ ‘đô’ Nhiệt điện Kiên Lương bị thu hồi chủ trương đầu tư? (VTC). – Ô nhiễm từ nhà máy chế biến mủ cao su (SGGP). – Người dân Quảng Ngãi phản đối vì nhà máy gây ô nhiễm (VOV). – TS Trần Đình Thiên: “Ô nhiễm do nhiệt điện than có thể dẫn đến thảm hoạ” (DT/ Kênh 14). – Chính sách quản lý môi trường không khí: Cần những “luồng gió mới” (Sở TNMT Yên Bái). – Lượng phát thải khí CO2 cao gấp 3 lần vào năm 2030 (RFA).
Vụ phá rừng ở Bình Định
Báo PLTP có bài: Kỷ luật nhiều cán bộ liên quan vụ phá rừng ở Bình Định. Như vậy, vụ phá rừng nghiêm trọng này không phải là hơn 40ha như nhiều báo thông tin ban đầu, mà là 60ha. Ngoài 60ha rừng ở huyện An Lão bị phá, cơ quan điều tra tỉnh Bình Định còn phát hiện thêm 20ha rừng phòng hộ tại xã Đắk Mang, huyện Hoài Ân, Bình Định cũng bị phá.
Một loạt các lãnh đạo huyện An Lão được nói là bị “kỷ luật”, nhưng chỉ là trò mèo “đề nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm” rồi “khiển trách“, “cảnh cáo về mặt đảng” thì đến chuột chúng cũng chẳng sợ, nói chi lâm tặc.
Mời đọc thêm: Thêm 20 ha rừng ở Bình Định bị “bốc hơi” (NLĐ). – Phát hiện thêm vụ phá rừng quy mô lớn ở Bình Định (DT). – Vụ phá rừng ở Bình Định: Đề nghị kỷ luật lãnh đạo huyện An Lão (VOV).
Bê bối BOT
Báo NLĐ có bài: Tài xế tranh cãi không rời đi, trạm BOT Biên Hòa rối loạn. Lại xảy ra ùn tắc nghiêm trọng tại trạm BOT, tuyến tránh Biên Hòa, khi tài xế và nhân viên trạm thu phí tranh cãi. Trước đó ít phút, các tài xế đã đồng loạt dùng tiền lẻ để trả phí, khiến lực lượng chức năng phải vào cuộc tham gia, nhưng ùn tắc vẫn không giảm.
Theo tường thuật từ một bài báo khác của NLĐ, điều “khuất tất” ở đây là, Sở GTVT cùng với UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi Bộ GTVT “kiến nghị” xét giảm giá vé cho các loại phương tiện, cũng như miễn phí đối với các phương tiện của người dân có hộ khẩu trong vòng bán kính 5 km xung quanh trạm, giảm giá vé cho xe buýt và xe chở công nhân, học sinh. Nhưng đến nay, vẫn “chưa nhận được văn bản trả lời từ Bộ GTVT nên hiện chưa có phương án xử lý”.
Theo Facebooker Huy Nguyen, trong khi phóng viên đang tác nghiệp tại đây, nhân viên trạm thu phí đã ngăn cản.
Mời đọc thêm: Tài xế dùng tiền lẻ, BOT tuyến tránh Biên Hòa ùn tắc kinh hoàng (TP). – Tài xế nằng nặc bắt nhân viên trạm BOT nhận tiền lẻ dù được miễn phí (DT). – Cận cảnh cao tốc tỷ đô Nội Bài – Lào Cai loang lổ như bị tạt axit (VOV). – Mang cá tra ra ‘cúng’ trạm BOT Biên Hòa (TT). – Phí trạm BOT Biên Hòa sẽ giảm 20% (RFA).
Bê bối VN Pharma
Báo Lao Động có bài: Bộ Y tế vẫn bảo lưu: Thuốc ung thư của VN Pharma là thuốc kém chất lượng. Khi trả lời cơ quan điều tra, Bộ Y tế đã nêu rõ, “thuốc này là thuốc không có nguồn gốc rõ ràng, không đạt chất lượng và không sử dụng cho người. Khi một sản phẩm không được dùng cho người thì bản chất là thuốc giả“.
Thế nhưng, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế vẫn ngoan cố: “Thuốc ung thư H-Capita 500mg Caplet do Công ty Cổ phần VN Pharma nhập về không phải thuốc giả, chỉ là thuốc kém chất lượng. Xét về góc độ chuyên ngành, tôi có thể khẳng định đây không phải là thuốc giả”.
Cần biết, “Bộ Y tế chỉ có thẩm quyền xác định chất lượng sản phẩm, còn xác định tội danh thuộc thẩm quyền cơ quan điều tra”.
Báo tuổi Trẻ có bài: Dược sĩ bị buộc tội trong vụ VN Pharma xin thi hành án sớm. Ông Phạm Văn Thông, người đã bị tuyên phạt 2 năm tù về tội làm giả con dấu, vừa có đơn cứu xét được thi hành án sớm vì cho rằng, vụ án kéo dài khiến ông “quá mệt mỏi“.
Cập nhật thông tin vụ xét xử Đoàn Thị Hương
RFI có bài: Vụ ám sát Kim Jong Nam : Phát hiện chất độc VX trên người Đoàn Thị Hương. Một chuyên gia về hóa học khẳng định trước tòa rằng, đã tìm thấy dấu vết chất độc thần kinh VX trên “áo và móng tay” của Đoàn Thị Hương.
Theo VOA, chuyên gia này cho rằng, lòng bàn tay có nhiều mô và mỡ, sẽ giảm việc ngấm hóa chất, nên ít nguy hiểm nếu kịp thời rửa tay, thời gian an toàn khoảng 15 phút để rửa chất độc thần kinh VX bằng nước.
LS Trần Vũ Hải viết: “Các luật sư và nhà báo Việt nam mơ một phiên toà như thế này sẽ có ngày diễn ra tại Việt nam. Các giả thiết đều được ra và được kiểm chứng khả năng, các luật sư tranh tụng ngay khi đang xem xét các chứng cứ, nhân chứng. Mọi nhận chứng quan trọng đều đến toà và được xét hỏi chi tiết”.
Mời đọc thêm: Vụ Kim Jong-nam: Có chất VX trên áo Đoàn Thị Hương (BBC). – Chất độc VX trên y phục của hai nghi phạm nữ trong vụ ám sát Kim Jong-nam (RFA). – Xử Đoàn Thị Hương: Nạn nhân có thể bị đầu độc từ trước? (NLĐ). – Tình tiết có thể giúp Đoàn Thị Hương vô tội (VNN). – Vụ sát hại Kim Jong Nam: Có thể không phải Đoàn Thị Hương đầu độc nạn nhân (Soha).
Phim “Chiến tranh Việt Nam”
RFA có bài: Thế hệ hậu chiến nghĩ gì về phim Chiến tranh Việt Nam. Bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên một trường ĐH ở Hà Nội, cho biết cảm nghĩ: “Có những cái cũng gây bối rối, ví dụ như trình bày những cái tội ác của phía miền Bắc. Những điều đấy chúng tôi không biết. Xem nó gây bối rối vì trước giờ mình có nghe, nhưng không có nhân chứng nào, hình ảnh nào nói rõ ràng như bộ phim này”.
Về bài viết của nhà báo Bùi Tín trang Tiếng Dân đăng hôm qua: Những oan hồn của cuộc chiến. Ccó một đoạn trong bài về chuyện những người lính lên đường vào Nam, bị cắt đứt liên lạc với gia đình, nhà văn Nguyên Ngọc cho là “bịa đặt”.
Nhà báo Bùi Tín phản hồi như sau: “Tôi hơi bất ngờ vì tôi nghĩ anh Nguyên Ngọc cũng rõ cái tình cảnh không có thư từ liên lạc công khai, chính thức qua bưu điện Nam – Bắc ra sao. Sự bặt tin là phổ biến. Tôi đã sống với cả đại đội ở chiến trường miền Nam hàng tháng, đều là như thế. Anh em chỉ có thể gửi thư tay cho cán bộ, anh em bị thương trở ra miền Bắc đưa tay hộ. Hầu như 100% là thế”.
Xin các nhân chứng sống của cuộc chiến, những người đã từng đi B, cũng như các gia đình tử sĩ có con em bỏ mạng trong cuộc chiến, hãy đóng góp ý kiến, giúp làm rõ sự thật này.
Người Việt ở Campuchia
BBC có bài: Campuchia tước quyền công dân 70.000 người gốc Việt. Báo Phnom Pehnh Post đưa tin, Chính phủ Campuchia tiếp tục tiến hành chính sách thu hồi giấy tờ của 70.000 người gốc Việt đang sinh sống tại đây, vì cho rằng giấy tờ quyền công dân của những người này là “không đúng quy định“. Chính sách này hiện nay được đảng đối lập Cứu nạn Quốc gia Campuchia hô hào ủng hộ, nhằm chống lại Việt Nam.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á, nói: “Một kế hoạch như vậy sẽ là một sự vi phạm trắng trợn của Công ước về Không quốc tịch của Liên Hiệp Quốc năm 1954 vì những người này không có nơi nào khác để tuyên bố quyền công dân. Có thể cá rằng làm như vậy sẽ khiến tình trạng buôn người ở Campuchia trở nên tồi tệ hơn”.
Mời đọc thêm: Campuchia sẽ tước quyền công dân của 70.000 người gốc Việt (RFA). – Campuchia thu hồi quyền công dân 70.000 người, đa số gốc Việt (VOA).
Tin quốc tế
Chính trường Mỹ
VOA đưa tin về diễn tiến cuộc điều tra Nga-Trump. Tin cho biết: “Các lãnh tụ của Ủy ban Tình báo Thượng viện sẽ công bố những khám phá sơ khởi về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016-và bắt đầu công khai cảnh báo các tiểu bang, cử tri và các công ty truyền thông xã hội về cách thức ngăn ngừa những vụ can thiệp trong tương lai”. RFI có bài: Hồ sơ tình báo Anh về Trump-Nga được xem xét.
VOA đưa tin: Hạn chót xin gia hạn DACA đã điểm. Tin cho biết, “thứ Năm 5/10 là thời hạn chót để các di dân ở Mỹ theo diện DACA, thường được gọi là DREAMer, nộp đơn xin gia hạn quy chế tạm cư của họ theo chương trình này”. Được biết, “chính quyền Tổng thống Trump từ ngày 5 tháng 9 đã ngưng nhận đơn xin mới theo chương trình DACA bảo vệ gần 700.000 di dân đến Mỹ từ khi còn ấu thơ, thường gọi là DREAMer, khỏi bị trục xuất”.
Báo Người Việt đưa tin: Dân biểu Mỹ chuyên chống phá thai, đòi bạn gái phải phá khi nghi có bầu. Theo tin từ báo Pittsburgh Post-Gazette, “Dân Biểu Tim Murphy (Cộng Hòa-Pennsylvania), 65 tuổi, có lập trường mạnh mẽ chống phá thai, đòi một phụ nữ ông có mối quan hệ ái tình lén lút, phải phá thai khi ông nghĩ rằng bà có bầu”.
Tinh thần “lá lành đùm lá rách”: Xếp hàng chờ hiến máu cho nạn nhân vụ xả súng Las Vegas. VOA đưa tin: “Vài ngày sau vụ nổ súng hàng loạt tại Las Vegas, cư dân địa phương vẫn xếp hàng đợi hàng giờ đồng hồ để hiến máu cho những người bị thương. Thông thường một ngày, các trung tâm nhận máu của khoảng 200 người, nhưng giờ đây số này lên tới 700 mỗi ngày, từ những người tình nguyện đủ mọi thành phần muốn bày tỏ sự ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân và gia đình”.
VOA có bài: Người Việt tranh luận về quyền sử dụng súng sau thảm kịch Las Vegas. Anh Trí Tôn, cư dân tiểu bang Virginia, nói rằng: “Theo tôi thì không nên có những loại súng bắn hàng loạt như súng tiểu liên chẳng hạn. Những loại súng đó chỉ để giết người thôi chứ không phải để bảo vệ. Nếu nói là để bảo vệ gia đình thì chỉ cần những loại súng bắn phát một hoặc là súng lục, còn đi săn bắn thì có loại súng đặc biệt để đi săn. Còn tiểu liên chẳng hạn, bắn để giết người hàng loạt thì không nên cấp giấy phép”.
Báo Người Việt có bài: Từ năm 1968 tới nay, 1.5 triệu người Mỹ chết vì súng. Trong khi đó, “có khoảng 1.2 triệu người Mỹ chết trên các chiến trường trong lịch sử Mỹ, từ năm 1775 đến 2017”.
Báo Người Việt đưa tin: Cứu trợ nạn nhân bão lụt, 5 cựu tổng thống Mỹ sẽ cùng xuất hiện tại Texas. Năm vị cựu tổng thống Mỹ, Jimmy Carter, Bush (cha), Bill Clinton, George W. Bush (ông Bush con) và Barack Obama, “sẽ xuất hiện trong một nhạc hội đồng quê được tổ chức tại khuôn viên trường đại học Texas A&M vào ngày 21 Tháng Mười để gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão lụt vừa qua”.
Một cái tát vào mặt Tổng thống Donald Trump khi ông ta gọi bà Carmen Yulín Cruz, Thị trưởng TP San Juan, Puerto Rico là “Nasty”. Bà Cruz đã mặc cái áo có chữ Nasty (bẩn thỉu, dơ dáy, kinh tởm) mà ông Trump gọi bà, rồi lên TV trả lời báo chí khắp thế giới, để mọi người thấy Trump bẩn thỉu như thế nào. Thị trưởng TP San Juan nói: Điều thật sự bẩn thỉu là quay lưng lại với người dân Puerto Rico.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump dùng chữ “nasty” để nói về phụ nữ. Trước đó, ông ta đã gọi đối thủ của mình, bà Hillary Clinton là “nasty” khi đang tranh luận trực tiếp trên truyền hình.
Mời đọc thêm tin về nước Mỹ: TT Trump: ‘Tillerson chưa từng doạ từ chức’ (VOA). – Ngoại trưởng Mỹ bác bỏ tin đồn bất hòa với tổng thống Trump (RFI). Tấn công thính giác ở Cuba: Câu chuyện trinh thám ly kỳ (RFI). – Ủy Ban Nội An Hạ Viện thông qua dự luật $10 tỉ xây tường biên giới (NV).
– Tổng thống Trump thăm Las Vegas — Cuộc điều tra vụ xả súng Las Vegas hé lộ tình tiết mới (VOA). – Thảm sát Las Vegas: Điều tra vẫn không tiến triển (RFI). – Xả súng ở Las Vegas: Bạn gái tay súng nói không biết gì về vụ tấn công (BBC). – Phụ nữ San Diego bị bắn trúng mắt ở Las Vegas vẫn còn hôn mê (NV).
Tin châu Á
VOA đưa tin: Dân chúng Thái Lan viếng Quốc vương quá cố Bhumibol Adulyadej lần cuối. Tin cho biết: “Hàng ngàn người xếp hàng chờ vào Hoàng Cung để được nhìn thấy Quốc vương quá cố Bhumibol Adulyadej, băng hà vào tháng 10 năm ngoái, trước khi lễ hỏa táng theo nghi thức hoàng gia dự trù sẽ diễn ra vào ngày 26 tháng 10”.
Mời đọc thêm tin châu Á: Gần phân nửa dân biểu đối lập Cam Bốt trốn ra nước ngoài (RFI). – Trung Quốc cấp lô súng trường cho Philippines -– Philippines khen ngợi quan hệ với Hoa Kỳ (RFA). – ‘Thạch Sanh Indonesia’ đánh thắng mãng xà (BBC).
Khủng hoảng Bắc Hàn
Theo Tình báo Mỹ: Kim Jong Un là người có tính toán, VOA dẫn lời Phó trợ lý Giám đốc Trung tâm về các vấn đề Triều Tiên thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông Yong Suk Lee: “Kim Jong Un là một người rất tính toán. Kim Jong Un không muốn đối đầu cùng một lúc với lực lượng Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Kim Jong Un muốn điều mà tất cả các nhà cai trị chuyên chế đều muốn…đó là cai trị lâu dài và chết bình yên trên giường”.
Khủng hoảng Rohingya
Thêm tin không tốt cho Miến Điện: Thái tử Charles gạt Miến Điện khỏi hành trình công du châu Á. RFI đưa tin, sau khi đại học Oxford rút ảnh bà Aung San Suu Kyi, bây giờ hoàng gia Anh gạt Miến Điện ra khỏi lộ trình công du châu Á của thái tử Charles. Dẫn nguồn từ AFP cho biết, “Thái tử Charles và công nương Camilla sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á vào ngày 30/10/2017. Trong vòng 11 ngày, thái tử Charles sẽ lần lượt đến thăm các nước Singapore, Malaysia và Ấn Độ“, không có Myanmar.
RFA đưa tin: Bangladesh lấy đất rừng làm chỗ ở cho người tị nạn Rohingya. Chính phủ Bangladesh cho biết, “phải bỏ ra thêm 400 ha đất rừng để xây lán trại cho người tị nạn Rohingya đang dồn về nước này từ Myanmar”. RFA có bài: Bangladesh phá tàu để chặn làn sóng tị nạn và buôn lậu từ Myanmar.
Tình hình Trung Đông
Lần đầu tiên người đứng đầu vương quốc Ả Rập đến thăm chính thức Moscow: Chuyến thăm « lịch sử » của quốc vương Ả Rập Xê Út tại Nga. RFI đưa tin: “Cả hai nước đối nghịch nhau trên mọi vấn đề. Nhưng tổng thống Vladimir Putin muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho xung đột Syria, nhằm chấm dứt một cuộc can thiệp quân sự tốn kém, và vì thế mà Nga cần đến sự ủng hộ của Ả Rập Xê Út”.
RFI có bài: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Iran. “Chính cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hôm 25/9 ở vùng Kurdistan thuộc Irak đã làm Teheran và Ankara xích lại gần nhau”.
Tin châu Âu
Giải thưởng Nobel văn học: Kazou Ishiguro giành giải Nobel văn chương. VOA cho biết: “Tác giả người Anh Kazou Ishiguro được trao giải Nobel văn chương năm 2017”. Ủy ban trao giải thưởng ở Thụy Điển nói ông Ishiguro, đã “khám phá vực thẳm nằm dưới cảm nhận hão huyền của chúng ta về sự kết nối với thế giới”.
Mồi đọc thêm: Kazuo Ishiguro được giải Nobel Văn học (BBC). – Kazuro Ishiguro, Nobel Văn học 2017 (RFI).
Để ngăn chặn ý định ly khai, Tòa hoãn phiên họp nghị viện Catalonia (BBC). – Catalunya: Madrid bác đề nghị đàm phán (RFI). – Liên Xô cũng từng trưng cầu dân ý rồi tan rã (BBC). – Thủ tướng Đức gặp khó khăn trong việc lập chính phủ liên minh (RFI).
Cho những vị trí thức quan ngại sự suy giảm trong tính chiến đấu của lực lượng công an nói riêng & quân đội Đảng -ai kêu quân đội nhân dân là âm miu thâm độc loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng- tướng Trương Giang Long đã nêu ra những biện pháp rất cụ thể có thể so sánh với cái chân giò có lý của Giáo sư Tương Lai
“Một là, tăng cường đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo hướng chú trọng tính hiệu quả, khắc phục bệnh hình thức, chiếu lệ, tránh giáo điều, gắn với những vấn đề mới của thời đại ngày nay và thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”
Có những người như tướng Trương Giang Long, chúng ta có thể an tâm lực lượng công an sẽ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng cao quý của mình . Phải chi ông ra đề nghị này trước vụ Đồng Tâm . Nếu lực lượng vũ trang thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh thì làm gì có chuyện bị mấy tay nông dân mắt toét lừa bắt nhốt cả lũ như vậy .
Tại sao mọi người lại quan tâm tới ô Trương Giang Long, 1 tướng Công An Cộng Sản không hơn & không kém ?
Ông ta vẫn đóng góp cho Tạp Chí Cộng Sản đây
Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vững vàng về bản lĩnh chính trị
http://tapchicongsan.org.vn/Home/An-ninh-quoc-phong/2017/47266/Xay-dung-doi-ngu-can-bo-chien-si-cong-an-nhan-dan.aspx
“Lực lượng công an dù được trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại, được huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu chu đáo đến đâu vẫn có thể bị tê liệt, rệu rã, mất phương hướng nếu mất định hướng chính trị, nếu bản lĩnh chính trị bị lung lạc. Thực tế những gì diễn ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX là bài học đau xót, đắt giá và là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho những ai sao nhãng và xem nhẹ việc xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang
…
Rõ ràng không thể có lực lượng công an cách mạng vững mạnh, trung thành với Đảng, Nhà nước, vì nhân dân phục vụ nếu mỗi cán bộ, chiến sĩ không có bản lĩnh chính trị vững vàng – yếu tố trước tiên của tính cách mạng, mà nếu thiếu nó, sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại cũng chỉ là vật trang trí. Đặc biệt, hiện nay khi các thế lực thù địch đang ráo riết tuyên truyền luận điệu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, trong đó có CAND, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng CAND, làm mất phương hướng chính trị và suy yếu sức mạnh chiến đấu của lực lượng công an”
Xin đừng dùng khăn mùi soa hỉ mũi thương ông tướng công an về hưu, khăn mùi soa không có tội tình gì cả, tội nghiệp lắm! Lấy báo Nhân Dân hoặc Tạp Chí Cộng Sản ra mà hỉ mũi, không thể bôi bác hơn được nữa đâu .
ấn tượng với vụ ” vin “.