Ông Tương Lai bỏ ‘đảng Nguyễn Phú Trọng’, giữ ‘đảng HCM’

VOA

6-9-2017

GS Tương Lai. Ảnh: internet

Nhà trí thức bất đồng hàng đầu ở Việt Nam, Giáo sư Tương Lai, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Ðảng Cộng sản Việt Nam ngay vào ngày Quốc khánh 2017 của Việt Nam. Cựu Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam này trả lời đài VOA về tuyên bố bỏ đảng bị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thao túng trong cuộc phỏng vấn sau đây.


Giáo sư Tương Lai: Tuyên bố của tôi mà một vài đài xem không kỹ, nghe không kỹ cho nên nói chưa chính xác, tôi xin nói lại, tuyên bố của tôi là dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách là đảng viên Đảng Lao động, đảng của Hồ Chí Minh.

Toàn bộ nội dung của vấn đề gói gọn trong cái câu mà tôi đưa lên hàng đầu ấy. Tôi dứt bỏ mọi liên hệ với cái đảng hiện nay, là đảng do Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, không còn là đảng của Hồ Chí Minh nữa, để tiếp tục chiến đấu với tư cách là đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam, là đảng của Hồ Chí Minh. Tôi muốn nhấn mạnh điều ấy.

VOA: Hiện nay ở Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo duy nhất đó là Ðảng Cộng sản Việt Nam, xuất thân từ Đảng Lao động, đảng của Hồ Chí Minh – như vậy Ðảng Cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn là Đảng Lao động?

GS Tương Lai: Vấn đề đề chính là chỗ ấy. Với tuyên bố này của tôi, tôi muốn tách bạch nó ra. [trong tuyên bố] tôi nói rằng khi mà cái đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng, không chỉ riêng Nguyễn Phú Trọng thôi, mà trước đó là Nông Đức Mạnh và những người khác nữa – thao túng thì nó không còn là đảng của Hồ Chí Minh nữa.

Nhưng tôi vẫn ở lại trong cái đảng này để làm gì? Ở lại trong cái đảng này để biết rằng có những đảng viên Đảng Lao động hiện đang sinh hoạt trong cái đảng bị Nguyễn Phú Trọng thao túng. [Họ] bất đồng ý kiến sâu sắc với Nguyễn Phú Trọng và bè lũ. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng có rất nhều người, kể cả những người ở mức độ rất cao, cũng giống như chúng tôi hiện nay là bất bình và không chấp nhận sự thao túng đó của Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi tìm mọi cách để mà chuyển biến dần để để làm cho cái tư tưởng giáo điều, bảo thủ, lệ thuộc vào Trung Quốc, được chính quyền Bắc Kinh bảo kê cho họ giữ lấy quyền lực, làm thân phận chư hầu cho Trung Quốc. Chúng tôi phản đối điều đó. Nhưng mỗi một người, tùy theo vị trí mà có cách hành động. Và vì vậy, khi tôi ở trong đảng này, nhưng không bao giờ tôi hành động theo đường lối, chủ trương, chỉ thị của đảng do Nguyễn Phú Trọng thao túng cả. Chúng tôi vẫn chiến đấu, vẫn hành động với tư cách một đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam chưa bị tha hóa dưới sự thao túng của Nguyễn Phú Trọng.

VOA: Hiện nay số người có tư tưởng theo Đảng Lao động nguyên thủy của Hồ Chí Minh còn nhiều hay không, hay đa số đều đi theo Ðảng Cộng sản hiện nay của Nguyễn Phú Trọng rồi?

GS Tương Lai: Tôi không nghĩ như vậy. Đấy là ông nghĩ như vậy, chứ không phải là tôi nghĩ như vậy. Tôi nghĩ rằng trong cái đảng hiện nay có rất nhiều người phản đối sự thao túng của Nguyễn Phú Trọng. Và với tư cách là đảng viên, họ chiến đấu cho lý tưởng của Đảng Lao động Việt Nam khi họ tham gia, chứ họ không chịu sự thao túng của Nguyễn Phú Trọng.

Khi tôi tuyên bố vấn đề này, chính là tôi muốn rạch ròi cái vấn đề này ra.

VOA: Khi Giáo sư đưa ra tuyên bố này, trong mấy ngày qua, Giáo sư có gặp khó khăn gì từ phía đảng cầm quyền hiện nay không?

GS Tương Lai: Chắc chắn là người ta không đồng ý với tôi, và người ta cũng sẽ tìm cách khống chế, đàn áp. Cái đó tùy thuộc vào diễn biến của tình hình. Và tôi nghĩ hiện nay, chưa biết họ sẽ hành động như thế nào, nhưng đã dấn thân vào cuộc đấu tranh thì phải chấp nhận tất cả những gì có thể diễn ra.

VOA: Trong một bà viết ngày 21 tháng 8, Giáo sư có nói lý do tại sao Giáo sư nói chuyện, trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài. Xin hỏi Giáo sư rằng báo đài nước ngoài, trong đó có đài VOA của chúng tôi, hiện nay vẫn bị xem là báo đài của lực lượng thù địch phải không?

GS Tương Lai: Tôi không biết về phía nhà cầm quyền nghĩ như thế nào, nhưng cá nhân tôi không nghĩ đó là một lực lượng thù địch, thì tôi mới trả lời ông chứ. Nếu tôi nghĩ là lực lượng thù địch thì tôi trả lời ông làm gì. Nhưng mà vì trong cái chế độ toàn trị, phản dân chủ, trên các tờ báo chính thống của nhà nước, nó chỉ có một chiều, cho nên người ta không nghe được thông tin một cách khách quan và thông tin chính là một cái nguồn sống của con người.

Tôi không nghĩ tất cả các thông tin của các đài nước ngoài, trong đó kể cả đài [VOA] của các ông, đề nói lên sự thật cả đâu, cũng có nhiều cái, nhiều chỗ bịa xạo.

VOA: Nếu tư tưởng của Đảng Lao động Việt Nam của Hồ Chí Minh của ông sẽ trở nên chính thống, phổ biến trở lại ở đất nước Việt Nam, thì quan điểm của ông vẫn tiếp tục là chỉ có một đảng lãnh đạo – đó là Đảng Lao động Việt Nam thôi?

GS Tương Lai: Không. Bây giờ vấn đề đa nguyên, đa đảng mới được đặt ra. Những người trí thức như tôi hiểu rằng cái gì mà độc quyền, cái đó đi đến sai lầm. Muốn có dân chủ, phải có đối lập và phải có phản biện. Vì vậy đa nguyên và đa đảng là là một nhu cầu của cuộc sống. Chỉ có cái đảng toàn trị, họ sợ sự phản biện, họ sợ sự đối lập, cho nên họ bằng bạo lực, bằng lừa bịp để họ cấm đoán điều này.

Nhưng trong thực tế không phải như vậy. Chính ông Hồ Chí Minh, trước đây khi thành lập chính phủ liên hiệp kháng chiến sau năm 1946, sau Cách mạng tháng 8, thì đó là chính phủ đa đảng đấy chứ. Và chí ít sau đó cũng có 3 đảng, Đảng Lao động Việt Nam, Ðảng Dân chủ, và Đảng Xã hội Việt Nam, chính là do ông Hồ Chí Minh chủ động thúc đẩy việc thành lập, và tạo mọi điều kiện để thành lập. Ðảng Dân chủ là đảng của các nhà thông thương, các nhà kinh tế. Đảng Xã hội là đảng của các nhà trí thức.

VOA: Nếu Giáo sư có một đề nghị về cơ cấu của đảng để lãnh đạo đất nước, thì Giáo sư đề nghị như thế nào cho Ðảng Cộng sản hiện nay?

GS Tương Lai: Như tôi đã nói ngay từ đầu – sự vật nó vốn là đa nguyên. Một cấu trúc phải đa nguyên mới có thể phát triển. Vì thế tư tưởng đa đảng, đa nguyên bây giờ mới có, mà nó đã có từ lâu rồi. Mà nạn nhân đầu tiên – nói đầu tiên có lẽ cũng không phải hoàn toàn đúng, nhưng rõ nhất là ông Trần Xuân Bách, lúc bấy giờ là ủy viên bộ chính trị, bí thư trung ương đảng, là một người rất thông minh và tài năng. Tôi được tiếp xúc với ông nhiều lần, và tôi biết đấy là một người rất tâm huyết. Ngay khi ông vừa mới đề xướng ra ý này thì đã bị Nguyễn Văn Linh “dập nát đầu” ngay lập tức, và đuổi ra khỏi trung ương ngay, kỷ luật ngay. Thì đấy là cái tấm gương, một bài học để cho những người sau này, tuy rằng muốn có tư tưởng đó, cũng không dại gì bộc lộ tư tưởng sớm đâu, họ vẫn phải giữ gìn lại để khi có điều kiện, có thời cơ thì họ mới đề xuất điều này ra. Đấy là bài học lịch sử mà những người am hiểu thời cuộc đều biết cả. Không thể gói gọn một gói là tất cả những đảng viên của đảng cầm quyền hiện nay là đều vất đi, đều hư hỏng, nhất là những bộ phận cấp cao – nói như thế là không am hiểu tình hình.

VOA: Từ cái bài học mà Giáo sư phân tích cho đến nay thì, bây giờ dù muốn dù không, cũng không có thêm một hoặc hai đảng nào khác để có thể có tiếng nói đối lập với Ðảng Cộng sản hiện nay.

GS Tương Lai: Đấy là ông ngồi bên ngoài nhìn tình hình, thì ông nói như vậy. Và đấy là một sự nhầm lẫn rất lớn. Còn chúng tôi ở trong cuộc, ở trong nước, chúng tôi hiểu tình hình hơn các ông. Và chúng tôi hiểu rằng không phải ông Nguyễn Phú Trọng và những người phe cánh của ổng muốn làm gì thì làm đâu. Họ biết rất rõ, uy tín của họ đang lung lay. Nếu mà không có sự hà hơi tiếp sức của Bắc Kinh thì họ đã bị đổ vỡ từ lâu rồi. Cho nên những người đấu tranh để đòi hỏi dân chủ hóa, càng ngày càng thúc đẩy phong trào dân chủ hóa mạnh bao nhiêu, thì càng tạo điều kiện để thay đổi thế chế. Khi nói thay đổi thể chế, chúng tôi muốn nói thay đổi một cách hòa bình, chuyển hóa dần dần, để các tư tưởng bảo thủ, trì trệ một duy trì một chế độ toàn trị phản dân chủ dần dần phải thay đổi, và thay đổi vào đó là một chế độ dân chủ hơn. Đương nhiên dân chủ không thể một sớm một chiều mà có được. Dân chủ phải là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài với nhiều phương thức, nhiều hoạt động, nhiều lực lượng, nhiều sự phối hợp và tùy theo tình thế. Ví dụ, khi Obama trải thảm đỏ để Việt Nam có thể dứt bỏ mối quan hệ với Trung Quốc đi, thì Nguyễn Phú Trọng vẫn dùng chính sách đu dây, vẫn bám chặt lấy Trung Quốc. Và thời cơ đó qua đi rồi. Đến bây giờ ông Trump lên – tôi không bình luận về nước Mỹ, nhưng có một sự thật là ông Trump không phải là người quan tâm lắm về những vấn đề nhân quyền và vấn đề dân chủ ở nước các anh. Và ông ta là một doanh nhân, ông ta muốn cái gì phải có tiền đếm được, thì vấn đề này trở nên khó khăn. Thì đấy, có những thời cơ, nhưng biết đâu với một diễn biến nào đó, Bởi vì tình hình thế giới, tình hình chính trị của khu vực đang diễn biến rất khác thường. Chính những diễn biến khác thường ấy tạo nên những tiền đề mà những người dám đấu tranh và biết phương thức đấu tranh một cách ôn hòa. Đến một lúc nào đó, thì lượng sẽ đổi thành chất, và lúc bấy giờ nó có những đột biến, thì cái đó không ai lường trước được cả.

VOA: Cám ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn của đài VOA.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây