3-8-2017
“Một con người hay chính phủ mà không bao giờ phải nhận chỉ trích hoặc bị phê phán thì chắc chắn rằng đó là một con người hay chính phủ tồi, bởi nó sẽ luôn đứng yên và giữ nguyên như thế, dù xã hội và thế giới này có biến đổi thế nào đi chăng nữa”.
Chúng ta có ý thức, tư duy và ngôn ngữ để giao tiếp và truyền đạt thông tin tới thế giới bên ngoài mà ta gọi là xã hội, nên chúng ta phải biết sử dụng một cách hữu ích chúng cho những việc có ý nghĩa, là để kiến tạo nên giá trị mới, để trao đổi và học hỏi, và quan trọng hơn là biết lên tiếng khi cần thiết để ngăn cản những điều xấu xảy ra hoặc là bảo vệ những chuẩn mực chung của xã hội, của lẽ phải và tình người. Nếu không thể làm được điều đó thì người câm cũng có giá trị hơn những kẻ có cái miệng linh hoạt mà chỉ để nói lời ba hoa hoặc a dua, xu nịnh dù biết đó là những thứ đáng bị lên án và thải bỏ.
Mỗi chúng ta cần biết lên tiếng bảo vệ cái đúng đắn, xây dựng mang tính tích cực và nghiêm túc, trước mọi vấn đề trọng đại với tình yêu thiêng liêng và cao quý nhất đối với tổ quốc, chúng ta không thể có thái độ hời hợt hay cợt nhả, châm biếm để góp ý hay kiến nghị tới chính phủ để hòng đòi lại quyền lợi hoặc mong muốn được thiết lập nên một chính sách cũng như sự thay đổi nào đó tích cực.
Nếu bạn là một công dân một đất nước, mà không quan tâm gì đến những tình hình biến động của xã hội mình đang hiện diện thì tôi tự hỏi, bạn quan tâm đến những gì trong nhận thức của mình? Vì đất nước là nơi để sinh ra, lớn lên và bao bọc, bảo vệ chúng ta, vậy tại sao lại có thể thờ ơ và phó mặc nó để cho những kẻ xấu muốn hoành hành hay tàn phá nó ra sao thì ra?
Vậy chúng ta sẽ định sống thế nào khi không còn gỗ để làm giấy, kể cả cho việc học tập đến vệ sinh; chúng ta sẽ định sống thế nào nếu không khí mỗi ngày hít vào lại chứa nồng độ các loại khí độc ở mức báo động mà có thể gây hại cho hô hấp mà nguy hiểm hơn là tính mạng của chúng ta và cả những thế hệ đứa trẻ đang cùng tồn tại?
Chúng ta sẽ sống thế nào nếu rừng bị tàn phá và cứ thường xuyên lũ lụt càn quét làm nhà cửa tan hoang, trường lớp của con em chúng ta bị cuốn trôi và không cả còn nơi cư trú để mưu sinh? Chúng ta sẽ sống thế nào nếu nguồn nước bị đầu độc và ngày càng cạn kiệt, trong khi nước ngọt là tài nguyên hữu hạn và cũng khó lòng tái tạo nhưng lại là thứ thiết yếu cho con người trong sự duy trì sự sống mỗi ngày. Biển cả mênh mông, nhưng chỉ là muối mặn, lênh đênh trên biển thì cũng không thể dùng chúng mà cho vào miệng để uống được.
Nên bởi vậy, không quan tâm đến xã hội xung quanh, được vận hành ra sao bởi nhà quản lý, bởi các sự kiện cả thiên tai và do con người gây nên, thì chúng ta sẽ quan tâm đến cái gì trên đất nước mình?
Ai ai trong chúng ta cũng đều đi kiếm tiền và mưu sinh để sinh tồn cả, nhưng cuộc sống không phải là một thế lưỡng nan như thế lưỡng nan của người tù mà Von Neuman đặt ra, tức lợi ích của người này bắt buộc phải là triệt tiêu của người khác. Chúng ta cùng nhau liên kết và sinh tồn trong một mục đích chung là bền vững và gây dựng nên tương lai an toàn, chứ không phải bằng những hành động chà đạp con người, tự nhiên, sẵn sàng tước bỏ các giá trị nhân bản, quyền và danh dự, phẩm giá của người khác.
Xã hội là một sự phân công và sắp xếp nguồn lực, người làm ra cái này thì cung cấp cho người khác cái mà họ thiếu và rồi nhận lại những thứ mà mình không làm ra mà đang thuộc về người khác, đó là trao đổi hay giao dịch, từ đó dẫn đến thương mại. Mà nếu chúng ta cứ giành giật bằng được lợi ích của người khác mà không để lại chút gì cho họ, không tạo nên những thứ tốt đẹp mà còn gây nên những bất công, phân hóa thì chính chúng ta rồi sẽ trở thành nạn nhân của những bất công ấy vào một ngày nào đó, khi sự mâu thuẫn đã đủ mức để làm nảy lên một sự phản kháng của số đông. Nào có thể khác được, khi dồn đến những đường cùng quẫn thì con người ta sẽ hành động theo bản năng hơn là kiểm soát bằng lý trí và nhận thức.
Trích: MỘT NGƯỜI QUỐC DÂN