Trung Nguyễn
2-9-2017
Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã chỉ đạo đội quân “mang bản chất giai cấp công nhân” chào mừng dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám “cướp chính quyền” và Quốc khánh 2/9 của đảng Cộng sản Việt Nam bằng cách tập trận ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong suốt tháng 8 và kéo dài tới tháng 9.
Báo chí trong nước cũng đã đưa tin về sự kiện này và Bộ ngoại giao Việt Nam vẫn phản đối như thường lệ. Còn quân đội cũng “mang bản chất giai cấp công nhân” dưới sự lãnh đạo “trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện” của đảng Cộng sản Việt Nam thì không phản ứng gì trước việc quân đội Trung Cộng dương oai, diễu võ ngay trong nhà mình.
Do đó, đây cũng là dịp rất tốt để kiểm lại những mặt vĩ mô của đất nước sau 72 năm.
Có bốn yếu tố quan trọng cấu thành một quốc gia, đó là lãnh thổ, nhân dân, pháp luật, chính quyền. Chúng ta thử lần lượt khảo sát từng mặt.
Lãnh thổ bị thu hẹp
Sự kiện tập trận của quân đội Trung Cộng đang diễn ra đã nhắc nhở cho toàn dân Việt biết lãnh thổ quốc gia đã bị “gặm nhắm” nặng nề. Quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa đã rơi vào tay Trung Cộng vào những năm 1974, 1988. Một số vùng ở biên giới phía Bắc cũng rơi vào tay Trung Cộng sau cuộc chiến biên giới năm 1979-1984.
Mới đây, hãng dầu Repsol cũng đã phải từ bỏ việc khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam do áp lực từ Trung Cộng.
Điều nực cười là các tướng lãnh quân đội đụng đến chuyện quân đội làm kinh tế thì lên tiếng bảo vệ quyết liệt. Thế nhưng khi lãnh hải bị xâm phạm, giặc giương oai diễu võ ngay trong nhà mình thì không thấy có vị tướng lãnh nào “tâm tư” hay “bức xúc” lên tiếng kêu gọi toàn dân cũng như quân đội chống giặc cả.
Rừng phòng hộ giữ đất ở nhiều tỉnh, thành bị phá để làm sân golf, trang trại. Đất bị biển ăn vào nghĩa là lãnh thổ quốc gia cũng bị thu hẹp.
Người Trung Quốc có mặt ở nhiều nơi, nhiều địa điểm “nhạy cảm” về an ninh, quốc phòng như rừng đầu nguồn, vịnh Cam Ranh, Tây Nguyên,… cũng không thấy các tướng lãnh cảnh giác.
Như thế, kể từ ngày “cướp chính quyền” 1945, lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam đã mất đi chứ chưa mở mang thêm được. Chưa kể là dân không thấy được tinh thần ái quốc mà chỉ thấy tiền, thấy lợi nhuận trong suy nghĩ của các tướng lãnh quân đội.
Dân quyền chưa hiện thực
Trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã hạch tội thực dân Pháp như sau: “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.”
Đã nói về “dân chủ” nghĩa là dân làm chủ, thế nhưng đến giờ phút này, những quyền làm chủ đất nước căn bản nhất của người dân vẫn chưa có.
Dân chưa bao giờ được trưng cầu ý dân về những chuyện hệ trọng của quốc gia. Dân chưa bao giờ được phúc quyết Hiến pháp. Dân cũng không có quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử để bầu ra lãnh đạo quốc gia vì các lãnh đạo đảng cộng sản đã tự cho mình quyền lãnh đạo quốc gia qua điều 4 Hiến pháp. Dân cũng không có quyền sở hữu đất đai, tài sản của mình, cho nên đất đai của dân có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào, điển hình như vụ Đồng Tâm đang gây chú ý trên cả nước.
Quyền làm chủ đã không có thì đương nhiên không thể có những quyền tự do căn bản khác như quyền tự do báo chí, dân không có quyền ra báo chí tư nhân. Luật về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình thì liên tục bị Quốc hội của đảng cộng sản trì hoãn vô thời hạn.
Do đó, về các quyền tự do dân chủ thì rõ ràng là không có một tiến bộ nào từ ngày giới lãnh đạo đảng cộng sản cướp chính quyền đến nay. Dân quyền hoàn toàn chưa hiện thực.
Chính quyền chưa chính trực
Từ việc dân không có quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử đã nêu ở trên, từ việc một đảng tự cho mình độc quyền chính trị, đã khiến chính quyền hiện tại hoàn toàn không chính danh.
Chính vì đảng cộng sản cầm quyền không thông qua lá phiếu trung thực của người dân nên đến những ngày như 2/9, 30/4, họ phải vận động, thậm chí nói thẳng là ép buộc người dân phải đi treo quốc kỳ để “tự sướng” là họ vẫn đang được sự ủng hộ của người dân.
Việc không trung thực trong chuyện cực kỳ hệ trọng của quốc gia là bầu cử chọn lãnh đạo nên dẫn đến việc không trung thực, thiếu chính trực trong “cả hệ thống chính trị”. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận tình trạng cán bộ được bổ nhiệm trên cơ sở “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”, chứ không phải trên cơ sở “trí tuệ” hay lá phiếu của dân.
Gần đây, quan chức xây biệt phủ lộng lẫy xa hoa và tuyên bố rằng đó là nhờ họ “buôn chổi đót”, “bán rượu”, “chạy xe ôm thâu đêm”… cũng trở thành chuyện tiếu lâm cho người dân về tính chính trực của giới lãnh đạo quốc gia.
Tóm lại, đặc điểm quan trọng nhất của một Việt Nam “dân chủ” và “cộng hòa” là lãnh đạo quốc gia phải do dân bầu ra qua bầu cử tự do và công bằng, có định kỳ vẫn chưa có ở Việt Nam. Nghĩa là nhà nước hiện tại không chính danh, hay chính quyền không chính trực với dân.
Pháp luật chưa chuẩn mực
Để biết một quốc gia có công lý hay không, một chỉ dấu rất quan trọng là ngành tòa án có độc lập hay không. Ngành tòa án hay bất cứ ngành nào ở Việt Nam cũng đều nằm dưới sự lãnh đạo “trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện” của đảng thì không còn có công lý nữa mà chỉ có “đảng lý”.
Tại sao các vụ án tham nhũng lớn phải có sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư đảng cộng sản? Nếu không có chỉ đạo của Tổng Bí thư thì tòa án và công an sẽ không làm việc, không xét xử công bằng, khách quan?
Chỉ thị 15 của Bộ chính trị đảng cộng sản yêu cầu công an không được trinh sát đảng viên cộng sản. Pháp luật Việt Nam không có điều nào cho phép Bộ Chính trị của một đảng lại có quyền ra chỉ thị cho công an để làm một việc trái Hiến pháp, cụ thể là điều 16 Hiến pháp về quyền bình đẳng trước pháp luật của người dân, bất kể cộng sản hay không. Rõ ràng là giới lãnh đạo cộng sản đứng trên luật pháp.
Một ví dụ nữa là Tổng Bí thư của đảng cộng sản cầm quyền trên thực tế là nguyên thủ quốc gia, đại diện nhà nước ký kết các hiệp định với các quốc gia khác, nhưng Tổng Bí thư lại không hề do dân bầu ra. Trong Hiến pháp không hề có dòng nào quy định quyền và nghĩa vụ của Tổng Bí thư đảng cộng sản.
Các lãnh đạo đảng cộng sản hô hào người dân phải “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” nhưng trên thực tế, Hiến pháp hiện tại mâu thuẫn, dẫn đến pháp luật tùy tiện, bất công, không chuẩn mực, và chính bản thân giới lãnh đạo cũng không hề tuân thủ luật pháp.
Thông lệ quốc tế trong thể chế chính trị
Việc tăng thuế giá trị gia tăng từ 10 lên 12% đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt của nhiều chuyên gia kinh tế và người dân. Bộ Tài chính lý giải rằng việc tăng thuế lần này, và vô số lần tăng thuế, phí khác trước đó, đều dựa trên “thông lệ quốc tế”.
Chế độ chính trị trong đó một đảng độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật, tước đoạt quyền làm chủ của người dân có phù hợp với “thông lệ quốc tế” hay không? Hay nói đến chính trị là nói đến “đặc thù Việt Nam”, “hòa nhập chứ không hòa tan”, “đổi mới chứ không đổi màu”?
Bao nhiêu xương máu của các anh hùng liệt sỹ đã đổ xuống để xây dựng một thể chế “dân chủ”, “cộng hòa” đúng nghĩa, xây dựng một nhà nước thật sự chính danh, đủ sức giữ gìn chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đó mới là “thông lệ quốc tế” và cũng là chính nghĩa, đạo nghĩa trong chính trị.
Tiếp tục thể chế chính trị như hiện tại sẽ làm suy yếu quốc gia, chia rẽ dân tộc, khiến Trung Cộng nhòm ngó, khiến người Việt nhìn nhau như “thế lực thù địch”.
Xây dựng nền tảng quốc gia là pháp luật chuẩn mực
Do đó, người Việt trong đảng cộng sản cũng như ngoài đảng cộng sản cần đoàn kết lại để thực hiện bằng được “dân quyền hiện thực, pháp quyền chuẩn mực, chính quyền chính trực”, bắt đầu từ bản hiến pháp chuẩn mực do toàn dân phúc quyết.
Bản hiến pháp chuẩn mực và hệ thống pháp luật chuẩn mực chính là nền tảng quốc gia mà nước Việt chưa bao giờ có và đang rất cần vào thời điểm này. Bản hiến pháp chuẩn mực sẽ đảm bảo quyền làm chủ của người dân và giới hạn quyền lực của chính quyền, đảm bảo chính quyền phải chính danh.
Đó là giải pháp để đoàn kết dân tộc, để cả dân tộc cùng thắng, kể cả đảng cộng sản, vì đó cũng là những gì mà các thế hệ cộng sản yêu nước trước đây và hiện tại mong muốn từ năm 1945.
Pháp luật chuẩn mực cũng sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đảng viên cộng sản vì họ cũng là một thành phần của dân tộc, cũng là dân, cũng là người chủ đất nước. Pháp luật chuẩn mực cũng đảm bảo không để xảy ra chuyện trả thù trái pháp luật hay nội chiến một lần nữa.
Giải quyết được ba mặt “dân quyền, pháp quyền, chính quyền” rồi, nghĩa là đoàn kết quốc gia trên nền tảng pháp luật chuẩn mực rồi, thì lúc đó mới có thể huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong việc bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, là yếu tố thứ tư trong việc cấu thành quốc gia, bên cạnh các yếu tố nhân dân, pháp luật và chính quyền. Đó là giải pháp khả thi nhất cho Việt Nam.
© Copyright Tiếng Dân