Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG: Việc công bố kết luận thanh tra còn chậm đến bao giờ, thưa Tổng Bí thư và Thủ tướng (kỳ 22)

Nguyễn Văn Tung

7-8-2017

Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Thanh Phượng và Lê Nam Trà. Nguồn: internet

Ngày 31/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì kỳ họp 12 của Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương. Tại hội nghị này, Ban Phòng chống tham nhũng trung ương đã xác định danh sách 11 đại án cần tập trung xử lý trong năm 2017 (9 đại dự án thua lỗ lớn, dự án Mobifone mua AVG, cổ phần hóa cảng Quy Nhơn). Đặc biệt, Tổng Bí Thư đã chỉ đạo chỉ đạo khẩn trương kết luận thanh tra, làm rõ đúng, sai, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

1- Giá trị thật của thương vụ Mobifone mua AVG:

Vào cuối tháng 12 năm 2015, Mobifone đã bỏ ra 8.900 tỷ đồng (gần 400 triệu USD) để mua lại 95% cổ phần của công ty AVG.

Đã hơn 1 năm rưỡi nay, vin vào lý do đây là dự án”bí mật quốc gia” nên Bộ Thông tin Truyền thông và Tổng công ty Mobifone vẫn chưa hề công khai về giá trị hợp đồng Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG, thể hiện sự coi thường pháp luật, xem thường công chúng cũng như vi phạm nghiêm trọng chế độ công bố thông tin đối với doanh nghiệp nhà nước.

Ở kỳ báo số 21 ra ngày 27/7, bằng ba phương pháp định giá khác nhau: tài sản ròng, chiết khấu dòng tiền và giá trị so sánh, chúng tôi đã chỉ ra giá trị thực 95% cổ phần công ty AVG là khoảng 880 tỷ đồng – thấp hơn nhiều lần so với giá mà Mobifone đã bỏ ra để mua lại AVG vào cuối năm 2015. Vào tháng 5, Hội đồng thẩm định giá Mobifone mua AVG (do Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cùng tham gia thẩm định) cũng đã kết luận giá trị của công ty AVG chỉ ở mức khoảng 800 tỷ đồng.

Cũng rất trùng hợp, vào tháng 5, Kiểm toán Nhà nước đã công bố giá trị của công ty VTV Cab là ở mức 4.200 tỷ đồng (phương pháp tài sản) và 7.000 tỷ đồng (theo phương án chiết khấu dòng tiền). Trong khi VTV Cab cao hơn ít nhất 4 lần AVG so về: số thuê bao, hạ tầng truyền dẫn, vùng phủ sóng…; ngoài ra, tình trạng tài chính của VTV Cab rất lành mạnh (trong khi AVG đã âm vốn chủ sở hữu vào thời điểm vụ mua bán diễn ra – tức là cuối năm 2015), chúng tôi đã phân tích chi tiết việc so sánh này tại kỳ báo số 21. Chỉ cần nhìn vào giá trị định giá VTV Cab (đã được Kiểm toán Nhà nước công bố) là có thể công bố ngay thiệt hại của Nhà nước trong vụ Mobifone mua AVG được rồi!

Với nhiều chứng cứ và số liệu cụ thể theo 3 phương pháp định giá, có thể khẳng định ít nhất 8.000 tỷ đồng tiền của Mobifone (từ là tiền của Nhà nước) đã bị một nhóm lợi ích tại Bộ Thông tin Truyền thông, Tổng công ty Mobifone, công ty AVG rút ruột để chia chác.

Nghe nói, Phạm Nhật Vượng chỉ được giữ lại 3.000 tỷ (gọi là để “hoàn vốn đầu tư”), còn lại là phải “campuCHIA”. Gần đây, khi đoán vụ việc sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu, một số cá nhân tại Bộ Thông tin Truyền thông và Mobifone đã nằng nặc trả lại tiền “lại quả” cho Phạm Nhật Vũ. Như vậy, đây là hành vi “tham ô” chứ không đơn thuần là “cố ý làm trái”!

2- Các sai phạm lớn trong vụ mua bán:

Qua thông tin từ C46, Lê Nam Trà, Phạm Nhật Vũ, Phạm Đình Trọng và đồng bọn đã có hành vi “cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng” như sau:

– Không lập dự án nhóm A để trình Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định rồi trình Thủ tướng phê duyệt (nhất là mức giá mua bán).

– Việc thuê tư vấn định giá không đảm bảo đủ thủ tục quy định.

– Không công bố thông tin của vụ mua bán (cố tình vin vào lý do “an ninh quốc gia” mặc dù dự án Mobifone mua AVG không nằm trong danh mục các dự án thuộc diện phải bảo mật của ngành viễn thông).

– Cố tình bỏ qua việc phân tích chi tiết và thận trọng về tình hình tài chính tệ hại của AVG, nhất là việc mất vốn (AVG đầu tư vào 2 công ty con ở mức trung bình 15 chấm) và tình hình âm vốn chủ sở hữu (vào thời điểm tháng 12 năm 2015).

– Cố tình đưa 4 băng tần 700 Mhz (vốn là tài nguyên quốc gia) vào để khai khống tài sản vô hình cho AVG.

– Cố tình đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng thuê bao, doanh thu, lợi nhuận giai đoạn 2016-2020 của công ty AVG, không dựa vào tình hình phát triển kinh doanh của AVG trong giai đoạn 2011-2015 để dự báo cho giai đoạn 2016-2020 (dẫn đến việc giá trị AVG theo phương pháp dòng tiền tăng lên rất cao một cách phi lý và không có sở cứ).

– Cố tình gấp gáp chuyển gọn 8.500 tỷ đồng cho Phạm Nhật Vũ trong 5 tháng đầu năm 2016 mặc dù đã có công văn cảnh báo vào cuối tháng 1/2016 của Bộ Kế hoạch Đầu tư (đề nghị tạm dừng việc thực hiện hợp đồng Mobifone mua AVG để đánh giá lại hiệu quả).

– Cố tình đổi thương hiệu dịch vụ truyền hình AVG thành dịch vụ MobiTV vào tháng 7/2016 (mặc dù biết việc này sẽ gây thiệt hại về giá trị thương hiệu).

– Cố ý bù chéo lợi nhuận của Mobifone (chính là tiền của Nhà nước) sang AVG để cứu không bị lỗ, cụ thể: bù 160 tỷ đồng trong năm 2016 và bù 60 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017.

3- Các thiệt hại đối với Nhà nước:

Tổng công ty Mobifone mua AVG với mức giá 8.900 tỷ đồng, trong khi mức giá được thẩm định là gần 800 tỷ đồng. Như vậy, Nhà nước đã bị rút ruột 8.100 tỷ đồng từ vụ mua bán AVG.

Ngoài ra, Mobifone còn mất khoản lãi tiền gửi ngân hàng hàng năm (khoảng 150 tỷ đồng/tháng) do phải dồn 8.900 tỷ đồng để mua cục sắt vụn AVG.

Trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, Mobifone đã bù chéo 220 tỷ đồng lợi nhuận sang AVG để công ty AVG báo lãi (chi phí hoạt động của Mobifone khoảng 20 nghìn tỷ đồng/năm nên việc dành vài trăm tỷ bù chéo sang AVG là không quá khó, làm trực tiếp thì thông qua các công ty kinh doanh khu vực, làm gián tiếp thì thông qua một số đối tác rồi các đối tác này lại được lãnh đạo Mobifone bù lại bằng các việc khác).

Khi cổ phần hóa, do phải bỏ 65% vốn điều lệ để mua AVG – vốn là một tài sản không sinh lời, nên giá trị của Mobifone sẽ giảm ít nhất là 1 tỷ USD (tức là Ngân sách thất thu ít nhất là 1 tỷ USD khi cổ phần hóa Mobifone).

4- Những nhân vật chính trong vụ mua bán AVG:

Ngày 15/6/2017, Huy Đức đã chỉ đích danh tại bài “những thủ phạm chính trong vụ Mobifone mua AVG” như sau:

“Vấn đề của thương vụ MobiFone “thâu tóm” AVG là giá. Rồi chúng ta sẽ biết ai là các “đạo diễn chính”. Lãnh đạo MobiFone và thậm chí những người ký tá cũng chỉ là “tép riu” thôi. Tuy nhiên, trong phận tép riu này cũng có vài dấu hiệu cho thấy vai trò của đạo diễn hiện trường: Cựu bộ trưởng 4T Nguyễn Bắc Son.

Ngay sau khi Bộ thống nhất với Lê Nam Trà về nguyên tắc để MobiFone mua bán cổ phần của AVG và nêu rõ “giao dịch này thuộc danh mục bí mật nhà nước, yêu cầu MobiFone thực hiện theo đúng quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, không phổ biến, tuyên truyền”, cùng ngày 12/03/2015, BT Nguyễn Bắc Son ký quyết định tiếp nhận Phạm Thị Phương Anh, đang là PGĐ sân bay Nội Bài về làm Phó TGĐ MobiFone phụ trách tài chính. Hơn một tháng sau đó, 20/4/2015, ông Bắc Son lại ký quyết định điều Cao Duy Hải từ Vinaphone về làm TGĐ MobiFone.

Cao Duy Hải và Phạm Thị Phương Anh là người chủ trì việc “đàm phán” và thực hiện mua “xác chết AVG” với giá 8.900 tỷ VND. Kịch càng hay vì có vẻ như là các nhân vật chính đang múa may như chính mình không phải là thủ phạm.”

Huy Đức chẳng nói sai bao giờ vì anh ta là “bên thắng cuộc”. Huy Đức đã có những thông tin rất sâu về vụ đại án này.

Thực vậy, Tổng Giám đốc Cao Duy Hải là nhân vật số hai của Mobifone trong vụ mua bán AVG. Cao Duy Hải chính là người chỉ đạo trực tiếp các nhóm công tác (kỹ thuật, tài chính, kết hoạch kinh doanh, đàm phán) của Mobifone phối hợp nhịp nhàng để tâng giá đống sắt vụn AVG lên mức chót vót 8.900 tỷ đồng, Hải cũng chính là người đặt bút ký trình Hội đồng thành viên Mobifone để đề xuất mức giá mua AVG và trình dự thảo hợp đồng mua bán, cũng chính Hải là người đã ký các ủy nhiệm chi để chuyển gọn 8.500 tỷ đồng của Mobifone cho Phạm Nhật Vũ trong 5 tháng đầu năm 2016. Vậy tội của Hải có kém gì Trà?

Có tin nói rằng Cao Duy Hải được Thủ tướng can thiệp, cứu vớt nên “trụ hạng” thành công (trong khi Trà bị điều chuyển về Bộ Thông tin Truyền thông từ đầu tháng 6 để chuẩn bị khởi tố).
Còn Phó Tổng Giám đốc tài chính Phạm Phương Anh là người trực tiếp bàn bạc với “đạo diễn chính” và lãnh đạo của các công ty tài chính VCBS, MAX, ASC… để nhào nặn số liệu, nắn tất cả các con số (tài sản, chiết khấu dòng tiền…) của AVG để hướng đến mức giá 8.900 tỷ đồng. Bề ngoài thì nhìn có vẻ luôn chắt chiu vì Mobifone nhưng thực ra Phạm Phương Anh đã góp phần tích cực để đục khoét 8.900 tỷ đồng của Mobifone trong nháy mắt!

5- Kết luận:

Việc công bố kết luận thanh tra đã chậm trễ hơn 6 tháng, nhiều dấu hiệu cho thấy Thanh tra Chính phủ đã che chắn, tìm cách làm chìm xuồng vụ việc vì họ đã nhận rất nhiều tiền chạy án từ các cá nhân liên quan.

Thực hiện chỉ đạo ngày 31/7/2017 của Tổng Bí thư về vụ AVG, thay mặt nhân dân cả nước, đề nghị Ban Bí thư và Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ công bố ngay kết luận thanh tra và xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm, thu hồi tiền tham nhũng về cho Nhà nước!

____

Mời xem lại kỳ 21 và các kỳ trước: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây