Trịnh Xuân Thanh bị điều tra những gì?

GDVN

Xuân Quang

1-8-2017

Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ điều tra làm rõ Trịnh Xuân Thanh đã trốn chạy bằng cách nào? Ai đưa đối tượng bỏ trốn…?

Bộ Công an vừa công bố thông tin “Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú”.

Trước đó, ngày 16/9/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Sau khi xác định Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với bị can này.

Trịnh Xuân Thanh chịu trách nhiệm chính trong khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng tại PVC. ảnh: Thanh Niên.

Ngày 31/7, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo thuộc Bộ Công an (giấu tên) cho biết, việc điều tra vi phạm của đối tượng Trịnh Xuân Thanh sẽ được tiến hành theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Trước đây Bộ Công an mới khởi tố điều tra hành vi vi phạm về quản lý kinh tế của Trịnh Xuân Thanh… Bước tiếp theo sẽ làm rõ nguyên nhân cụ thể của việc thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Về vấn đề tham ô tài sản của Trịnh Xuân Thanh, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ đối tượng dùng số tiền đó vào việc gì? Tẩu tán tài sản tham ô ra sao?

Vị lãnh đạo này cho biết thêm, sau khi Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ việc bỏ trốn của đối tượng này.

“Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ điều tra làm rõ Trịnh Xuân Thanh đã trốn chạy bằng cách nào? Ai đưa đối tượng bỏ trốn… Đây là vấn đề cần phải có thời gian để điều tra làm rõ.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và lời khai của đối tượng Trịnh Xuân Thanh, pháp luật sẽ xem xét đối tượng có được khoan hồng hay không? Nếu được khoan hồng thì ở mức độ nào?”, vị lãnh đạo này nói.

Trước đó, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và điều tra ban đầu, nhóm cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).

Dưới thời điều hành của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trịnh Xuân Thanh và Tổng giám đốc Vũ Đức Thuận cùng các thuộc cấp, PVC đã sử dụng phần vốn điều lệ đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết.

Do yếu kém sản xuất kinh doanh nên việc góp vốn không mang lại hiệu quả. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm của PVC bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa thể triển khai khiến Tổng công ty thua lỗ gần 1.850 tỷ đồng.

Trước khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam đối với 10 bị can nguyên là cán bộ của PVC.

10 bị can khởi tố về các tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và tham ô tài sản…

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây