“Kỳ nghỉ dài ngày và đầy thách thức” của 3 nhà hoạt động nữ Việt Nam

“Kỳ nghỉ dài ngày và đầy thách thức” của 3 nhà hoạt động nữ Việt Nam sau hành trình tranh đấu gian khổ

Hate Change

Trần Khả Minh

27-7-2017

Các nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ, chống tham nhũng, đòi các quyền tự do và trách nhiệm giải trình minh bạch của chính quyền tại Việt Nam thường xuyên bị sách nhiễu, câu lưu và đối mặt với việc bị bỏ tù. Nhưng họ vẫn can đảm tiếp tục con đường mình đã chọn. Trong rất nhiều tấm gương về những nhà hoạt động ở Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc 3 nhà hoạt động nữ đã đánh đổi sự an toàn, cuộc sống yên ổn và giờ đây là tự do cho những hoạt động đấu tranh ôn hòa với cái xấu, các ác của họ. Mỗi người trong họ đang có những “thời điểm tạm nghỉ ngơi” dài ngắn khác nhau, nhưng điểm chung là những kỳ nghỉ ấy đang diễn ra lúc này.

1. Trần Thị Nga: Hành trình từ công nhân xuất khẩu lao động tới Người tranh đấu vì dân chủ, nhân quyền, và môi trường ở Việt Nam.

Thúy Nga tại phiên tòa ngày 25/7/2017 . Nguồn ảnh: Báo Nhân Dân

Trần Thị Nga quê ở Hà Nam, là bà mẹ của 2 con nhỏ, còn được biết đến với tên gọi Thúy Nga. Cô từng là một công nhân xuất khẩu lao động tại Đài Loan, bị ngược đãi, bất công và đã lên tiếng đòi công bằng cho công nhân. Sau khi về nước cô tham gia giúp đỡ cho những trường hợp bị lừa đảo xuất khẩu lao động.

Tiếp đó cô tham gia các hoạt động chính trị, xã hội như biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, hỗ trợ cho các nhà hoạt động khác, cũng như giúp đỡ những thành phần dân chúng phải khiếu kiện vì đất đai bị cưỡng chế phi pháp, lên tiếng về thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên tại khu vực biển miền Trung… Cô Trần Thị Nga là thành viên của một số tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam gồm Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Bầu bí Tương Thân…

Cô trực diện đấu tranh với lực lượng công an, an ninh, chính quyền trong các lần đi đòi hỏi quyền lợi chính đáng của công dân, chống bất công, cường quyền…Vì phương pháp đấu tranh thẳng thắn này Thúy Nga từng bị những người mặc thường phục hành hung đến thương tích nhiều lần vào năm 2014, 2015.

Vào ngày 25 tháng 5 năm 2014, trên đường ra bến xe Giáp Bát, Hà Nội để trở về Hà Nam, cô đi cùng các con, bị côn đồ truy đuổi, dùng tuýp sắt đánh vỡ xương tay trái và chân, phải nhập viện điều trị. Nhóm côn đồ hành hung vô cớ được Thúy Nga nhận diện là an ninh Hà Nội. Cùng này hôm đó, cô đăng tải một thông điệp trên Facebook:Cảm ơn mọi  người quan tâm. Cái đau thể xác không thể làm tôi nhụt trí chống Trung Quốc xâm lược. Ngành công an đừng nghĩ sức mạnh và tội ác của các người sẽ thắng được chính nghĩa”.

Nhà của cô ở Phủ Lý, Hà Nam thường xuyên bị canh giữ, bị ném các chất bẩn, đe dọa đốt nhà, giết người bởi các đối tượng côn đồ, không rõ danh tính.

Những người yêu chuộng công lý và ủng hộ quyền con người, gọi Thúy Nga là nhà hoạt động nhân quyền, nhưng ngày 25 tháng 7 năm 2017 cô bị tòa án tỉnh Hà Nam tuyên 9 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Luật sư của Trần Thị Nga, ông Hà Huy Sơn chia sẻ: “Trong lới nói sau cùng của chị Nga, chị nói chỉ chống bất công, tham nhũng, tố cáo thảm họa môi trường, chị không chống ai cả; chị không chống nhân dân.”

 2. Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Hành trình từ bà mẹ yêu con trở thành Người bảo vệ dân quyền

Nguồn ảnh: Ảnh trên trang cá nhân Facebook của Mẹ Nấm

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, mẹ của 2 đứa con, bắt đầu quan tâm đến hiện trạng xã hội từ năm 2006 khi cô đến thăm một bệnh viện và chứng kiến ​​nhiều người nghèo trong nắng nóng, tuyệt vọng chờ đợi để điều trị, nhưng bị phớt lờ vì họ thiếu tiền để đút lót các quan chức bệnh viện. “Tôi đã suy nghĩ tại sao những người dân bình thường, giống như tôi, những người đã làm việc và nộp thuế cho các dịch vụ chăm sóc y tế nhưng lại không nhận được sự chăm sóc y tế phù hợp từ chính phủ. Vì vậy, thời điểm đó, các sự bất công đã đánh thức tôi”- Mẹ Nấm trả lời phỏng vấn Civil Rights Defenders, 2015.

Nổi tiếng với việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để lên tiếng về những bất công xã hội và vi phạm nhân quyền, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã viết blog từ năm 2006 bút danh Mẹ Nấm (Nấm là tên gọi thân mật của con gái cô) để chỉ trích những vi phạm về nhân quyền và nạn tham nhũng của chính quyền Việt Nam. Như Quỳnh cho biết động cơ hoạt động của mình: “ Có rất nhiều lý do nhưng chính yếu thì là một động lực rất cá nhân: tương lai của các con tôi. Tôi không muốn con tôi phải đấu tranh và làm những gì tôi đang làm bây giờ. Hoặc tệ hơn, tôi không muốn chúng nhắm mắt lại, trốn chạy khỏi hiện thực của chế độ nô lệ hiện đại và mù quáng hoặc tự lừa mình nghĩ rằng chúng đang sống một “cuộc sống bình thường” – Mẹ Nấm trả lời phỏng vấn Civil Rights Defenders, 2015.

Cô cũng tham gia rất nhiều các hoạt động dân sự, đòi dân quyền, và biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo tại biển Đông, phản đối công ty Formosa trong việc gây ra thảm họa môi trường biển ở miền Trung. Cô là một trong những người sáng lập và là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam.

Cô từng bị bắt giam, câu lưu và đánh đập nhiều lần vì những hành động đấu tranh ôn hòa của mình. Năm 2009, cô từng bị cơ quan an ninh bắt giam và thẩm vấn do in và phát tán 40 áo phông có nội dung phản đối Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa, trường Sa và phản đối Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Năm 2013, cô bị bắt giữ cùng một số nhà hoạt động khác khi công khai phát cho nhiều người bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Năm 2014, cô bị bắt giữ tại thành phố Nha Trang khi đang chuẩn bị thảo luận về chủ đề: “Công ước chống tra tấn và nạn công dân chết trong đồn công an”,…

Vì những hoạt động dũng cảm của mình, Mẹ Nấm được nhiều tổ chức quốc tế vinh danh với những giải thưởng như: Giải Hellman/Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (2010);  Giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự của tổ chức Civil Rights Defenders (2015);  Giải thưởng dành cho Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2017).

Nhưng tại quê nhà của cô, Mẹ Nấm bị bắt và khởi tố tại Nha Trang với tội danh theo điều 88 khoản 1, Bộ luật hình sự – tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và bị kết án 10 năm tù vào tháng 6 năm 2017.

Bạn có thể đọc bài phỏng vấn của Mẹ Nấm khi nhận giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự của tổ chức Civil Rights Defenders tại đây.

3.  Cấn Thị Thêu: Hành Trình từ nông dân mất đất thành nhà hoạt động

Ảnh trong một dự án nghệ thuật của Thịnh Nguyễn

Cấn Thị Thêu là một nông dân chất phác, sống tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội cùng chồng và các con trai trước khi trở thành là một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng với hoạt động khiếu kiện đòi đất.

Tháng Sáu năm 2006, chính quyền địa phương quyết định trưng thu đất nông nghiệp ở phường Dương Nội thuộc quận Hà Đông và chuyển đổi khu vực này thành đất đô thị. Hàng trăm hộ gia đình đã biểu tình phản đối sự thiếu minh bạch trong quá trình trưng thu và đền bù không thỏa đáng cho những gia đình bị mất sinh kế. Chính quyền chỉ có những nỗ lực không đáng kể trong việc thương lượng với người dân địa phương và giải quyết khiếu nại của họ. Vào tháng Tư năm 2014, chính quyền đã sử dụng vũ lực để giải tỏa đất và đánh đập dã man nhiều người phản đối việc giải tỏa.

Cấn Thị Thêu là người đi đầu trong công cuộc đấu tranh giữ đất, tổ chức khiếu nại, tố cáo đòi lại công bằng cho hàng trăm hộ dân tại Dương Nội. Vào tháng 4/2014, bà Cấn Thị Thêu bị bắt ngay tại hiện trường vì chụp ảnh và quay phim quá trình cưỡng chế. Bà bị cáo buộc về tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 của bộ luật hình sự. Vào tháng 4/2014,  bà  bị kết án 15 tháng tù về tội danh chống người thi hành công vụ theo điều 257 Bộ luật Hình sự.

Sau khi ra tù, Cấn Thị Thêu tiếp tục vận động cho các vấn đề về đất đai và môi trường. Bà tham gia các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà, yêu cầu chính phủ hủy bỏ điều 88 của bộ luật hình sự có nội dung hình sự hóa các hành vi phê phán chính quyền một cách ôn hòa. Bà tham gia biểu tình phản đối công an bạo hành và tham gia tuyệt thực để ủng hộ tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức.

Vì các hoạt động biểu tình, phản đối ôn hòa của bà, ngày 11/6/2016, Cấn Thị Thêu đã bị bắt tạm giam về hành vi gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật Hình sự. Vào ngày 20/09/2016 bị kết án 20 tháng tù giam vì tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 245, Bộ luật hình sự.

Nguồn tổng hợp:

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – Wikipedia

Người Bảo Vệ Dân Quyền Năm 2015 – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị tuyên 9 năm tù

Việt Nam: Cần hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai

Ảnh bìa: http://news.wisc.edu

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây