Đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy như thế nào?

Carnegie-Tsinghua Center for Global Policy

Tác giả: Yan Xuetong

Dịch giả: Hoàng Việt

08-06-2017

Ảnh: Getty

Trường phái tư tưởng được biết đến là chủ nghĩa hiện thực đạo đức giải quyết câu hỏi làm thế nào một cường quốc đang trỗi dậy có thể tham gia cạnh tranh hiệu quả với nước thống trị trong một hệ thống quốc tế. Nó cũng tập trung vào việc cường quốc đang trỗi dậy này có thể một ngày nào đó vượt qua nước thống trị như thế nào.

Những người tán thành trường phái tư tưởng này sẽ lập luận rằng bất kỳ cường quốc đang trỗi dậy nào cũng phải đối mặt với các thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài ở bất kỳ thời điểm nào. Đây chính xác là tình huống mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Mặc dù khó có thể nói rằng bất kỳ thử thách riêng lẻ nào trong số này hoàn toàn có bản chất nội địa hoặc quốc tế, nhưng đúng là 2 nhóm thử thách này có mức độ ý nghĩa khác nhau đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, phụ thuộc vào tình hình ở những thời điểm nhất định.

Những mối đe dọa bên ngoài hiện không thể làm suy yếu sự trỗi dậy của Trung Quốc

Có một số lượng lớn các nhân tố bên ngoài gây ra một mối đe dọa tiềm tàng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, không có nhân tố riêng lẻ nào trong số này đặt ra một thách thức có thể cản trở sự phát triển sức mạnh quốc gia liên tục của Trung Quốc.

Với việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, khẩu hiệu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” sẽ có khả năng trở thành hệ tư tưởng dẫn đường cho các chính sách quốc tế của ông. Không có khả năng Tổng thống Trump sẽ từ bỏ định hướng này trong tương lai gần, mặc dù đa số nhà quan sát không tin rằng ông có những điều cần thiết để đạt được những mục tiêu của mình. Trong tháng đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Trump nhận thấy ông phải đối mặt với các thách thức chính trị đến từ cả cánh hữu lẫn cánh tả, và các chính sách của ông đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ trong nước. Các chính sách này rất tham vọng, nhưng tình huống có khả năng nhất là chúng sẽ chỉ đạt được thành công hạn chế. Donald Trump sẽ tiến tới hiểu rằng mặc dù Mỹ có thể tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tất cả các nước khác trên thế giới sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính Trung Quốc mới là nước duy nhất có thể thực sự tăng trưởng nhanh hơn Mỹ trong những thập kỷ gần đây. Để đối chiếu, khi Chiến tranh Lạnh đi đến kết thúc, GDP của Nhật Bản bằng 2/3 của Mỹ, và GDP của Đức bằng 1/3 của Mỹ. Hiện nay, GDP của Nhật Bản đã giảm xuống còn 1/3 quy mô GDP của Mỹ, trong khi Đức thậm chí không thể đạt tới 1/4 quy mô đó. Vì lẽ đó, ông Trump tin rằng chính Trung Quốc đã khiến Mỹ mất đi tầm vóc mà nước này có được trong những năm đầu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Rất có thể ông sẽ tập trung chiến lược của mình để cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Chiến lược của ông Trump cạnh tranh với Trung Quốc sẽ rất khác với chiến lược “tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương” của ông Obama. Một mặt, điều này là vì khái niệm chiến lược “tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương” là do cựu Tổng thống Obama định hình. Tuy nhiên, nhân tố thúc đẩy đằng sau sự thay đổi về chiến lược này là thực tế rằng sức mạnh tương đối của Mỹ đã chứng kiến một sự sụt giảm đáng kể, kể từ nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của ông Obama. Tổng thống mới sẽ thu hẹp chiến lược của ông vào Đông Á, thay vì toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này sẽ cho phép Mỹ tập trung năng lượng và nguồn lực của nước này. Họ sẽ chú trọng hơn tới các cuộc triển khai quân sự trong khu vực Đông Á thay vì toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Trump sẽ kế tục cách tiếp cận tương tự như của ông Obama về củng cố sự hợp tác chiến lược với các đồng minh của Mỹ ở Đông Á. Tuy nhiên, Chính quyền Trump sẽ tập trung hơn vào Đông Bắc Á so với Đông Nam Á. Đó là vì Mỹ đang mất đi chỗ đứng chiến lược vững chắc của mình ở khu vực này, khi Philippines tiếp tục điều chỉnh các chính sách của nước này đối với Mỹ.

Trên trường quốc tế, Mỹ là chướng ngại vật lớn nhất sẽ kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù Mỹ sẽ có thể gây nhiều thách thức hơn cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, nước này cuối cùng sẽ không thể ngăn chặn được Trung Quốc trỗi dậy thành công. Hầu hết các học giả ở Mỹ đã đi đến kết luận rằng động lực phía sau sự tăng trưởng của Trung Quốc có nguồn gốc từ trong nước, và Mỹ sẽ không thể ngăn chặn được Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng. Cùng lắm Mỹ cũng sẽ chỉ có thể tạo ra các thách thức nhất định cho Trung Quốc bằng cách áp dụng những chiến thuật trong lĩnh vực an ninh và chính trị. Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu của nước này là duy trì vị thế thống trị của mình ở châu Á-Thái Bình Dương: Cô lập Trung Quốc để kiềm chế sự trỗi dậy của nước này là một phần không thể thiếu của chiến lược này.

Khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở nên phân cực hóa hơn, Mỹ sẽ nỗ lực khuyến khích đa số các quốc gia tham gia phe của chính nước này, không phải phe của Trung Quốc. Ghi nhớ mục tiêu này, Mỹ sẽ tiếp tục hình thành các liên minh trong khu vực. Trong nhiệm kỳ ngoại trưởng của mình, bà Hillary Clinton đã tuyên bố rõ ràng rằng một phần của chiến lược “tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương” là khôi phục sự hợp tác của nước này với các đồng minh truyền thống của mình, để hình thành liên minh với các quốc gia mới và để củng cố đối thoại của nước này với các đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cần nhớ rằng Mỹ không phải là nước duy nhất thách thức sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính quyền Abe ở Nhật Bản cũng đã thông qua các chính sách đối với Trung Quốc với mục đích cản trở sự đi lên của nước này. Tuy nhiên, các nỗ lực của Nhật Bản sẽ chỉ mang lại những kết quả hạn chế. Khi khoảng cách về sức mạnh quốc gia giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục được nới rộng, khả năng của Nhật Bản cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc thậm chí sẽ giảm bớt hơn nữa. Có thể trong dài hạn, các chính phủ Nhật Bản tiếp sau Abe có thể điều chỉnh các chính sách của họ đối với Trung Quốc, và có thể có một sự cải thiện đáng kể trong quan hệ Trung-Nhật.

“Độc lập cho Đài Loan” sẽ đặt ra thách thức đáng kể cho sự trỗi dậy của Trung Quốc

Trung Quốc đang phải đối mặt với các phong trào ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương. Tuy nhiên, chính các phong trào “Độc lập cho Đài Loan” và “Độc lập cho Hong Kong” mới đang tiếp tục thu được động lực. Rõ ràng chủ nghĩa ly khai sẽ tiếp tục đe dọa sự trỗi dậy của Trung Quốc, và mối đe dọa này sẽ chỉ trở nên nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn. Sau khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền, Mỹ bắt đầu gia tăng sự ủng hộ ngầm của nước này đối với phong trào “Độc lập cho Đài Loan”. Quốc hội Mỹ đã thông qua 6 đảm bảo đối với Đài Loan, và đã gia tăng mức độ trao đổi quân sự giữa Mỹ và Đài Loan. Sự gia tăng động lực cho phong trào “Độc lập cho Đài Loan” chỉ giúp củng cố lại cấu trúc liên minh kết nối biển Hoa Đông, Nam Trung Hoa (Biển Đông) và eo biển Đài Loan. Chính quyền ở Đài Loan có thể tăng cường sự hợp tác của họ với Nhật Bản và Mỹ ở 3 vùng biển có giá trị chiến lược này, một tình huống mà tác giả gọi là “Liên kết 3 vùng biển”. Một biểu hiện có thể có của liên kết này sẽ là nếu các nhà chức trách Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản tổ chức các chiến dịch tìm kiếm và cứu trợ nhân đạo chung trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Itu Aba. Một hành động như vậy sẽ là một vấn đề nghiêm trọng và cần sự chuẩn bị trước.

Trong những năm 1990, “ba chữ T” là những vấn đề bất đồng lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng bao gồm vấn đề Đài Loan, các vấn đề về thâm hụt thương mại và vấn đề Tây Tạng. Trong 3 vấn đề này, vấn đề Đài Loan gây ra mức độ xích mích lớn nhất. Vào đầu những năm 2000, ông Mã Anh Cửu đã nỗ lực nhằm giảm bớt những căng thẳng này trong nhiệm kỳ cầm quyền của mình. Tuy nhiên, đảng Dân tiến (DPP) đã thông qua các chính sách có thể khiến vấn đề Đài Loan một lần nữa trở thành nguồn gốc căng thẳng chính giữa Mỹ và Trung Quốc. Những căng thẳng này có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Sự cạnh tranh ở biển Nam Trung Hoa sẽ vẫn căng thẳng trong nhiều năm tới

Chiến lược “tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương”, ở mức độ lớn, là một chiến lược được Mỹ thông qua nhằm gây ảnh hưởng tới quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc và Mỹ đều đang nỗ lực thu hút các nước duyên hải biển Nam Trung Hoa theo phe của họ. Đây là nguyên nhân phía sau những xích mích đã xuất hiện trong vài năm qua.

Trong tình hình hiện tại, các lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở vùng biển này có thể được chia thành 3 loại nói chung. Thứ nhất là các lợi ích kinh tế của nước này, trong đó bao gồm các quyền đánh bắt cá cũng như thăm dò tài nguyên dầu khí. Thứ hai là vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo. Thứ ba là quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc với các quốc gia xung quanh. Giới truyền thông ở Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các lợi ích kinh tế và các vấn đề chủ quyền của nước này. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần nhớ rằng ngay cả khi biển Nam Trung Hoa không có tài nguyên thủy sản và dầu khí, hoặc ngay cả khi Trung Quốc không thể sử dụng được những tài nguyên này, các vấn đề này vẫn sẽ không đóng một vai trò quyết định đối với việc liệu Trung Quốc có thể trỗi dậy thành công trên trường quốc tế hay không. Xét tới việc toàn bộ các đảo ở biển Nam Trung Hoa hiện đều được kiểm soát bởi một trong những quốc gia có tuyên bố chủ quyền, sẽ là rất khó khăn đối với bất kỳ quốc gia nào trong số này để giành quyền kiểm soát các đảo này từ bất kỳ quốc gia nào khác mà không sử dụng vũ lực. Vì quyền kiểm soát mỗi đảo trong số này đã trở thành một thực tế vững chắc, vấn đề về quốc gia nào có sức mạnh để kiểm soát mỗi đảo cũng đã trở thành một thực tế vững chắc. Ngược lại, hướng đi mà mỗi nước trong số 10 nước ASEAN sẽ lựa chọn liên quan tới việc liên minh với Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ đưa ra một biến số chiến lược quan trọng. Sẽ là khôn ngoan nếu Trung Quốc có những biện pháp chiến lược để kéo các nước này về phe mình.

Theo trường phái chủ nghĩa hiện thực đạo đức, Trung Quốc sẽ có thể cải thiện quan hệ chiến lược của mình với các nước ASEAN nếu nước này có những điều chỉnh chiến lược nhất định. Nếu có thể làm vậy, Trung Quốc có thể làm thay đổi cán cân chính trị hiện đang xác định những xung đột đang diễn ra ở biển Nam Trung Hoa. Ngày càng có nhiều nước ASEAN bắt đầu ủng hộ Trung Quốc trong những vấn đề này. Môi trường chiến lược của Trung Quốc cho sự trỗi dậy của nước này sẽ cải thiện đáng kể nếu số quốc gia ủng hộ Trung Quốc tăng lên lớn hơn số quốc gia ủng hộ Mỹ. Kiểu ủng hộ chiến lược này quan trọng hơn nhiều đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc so với các vấn đề kinh tế và kiểm soát đảo mà giới truyền thông chủ yếu đưa tin.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ không được giải quyết trong ngắn hạn

Trung Quốc có 2 mục tiêu khác nhau đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Mục tiêu thứ nhất là duy trì hòa bình và ngăn chặn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Mục tiêu thứ hai là đạt được việc phi hạt nhân hóa bán đảo. Khi 2 mục tiêu này mâu thuẫn nhau, Trung Quốc sẽ phải ưu tiên các lợi ích của nước này một cách thận trọng. Tình hình hiện tại đối với Trung Quốc là nước này có thể ngăn chặn chiến tranh bùng nổ trên bán đảo trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện không thể loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Triều Tiên. Giả sử Trung Quốc không cho phép tiến hành các hoạt động quân sự trên bán đảo Triều Tiên, có 4 tình huống khác nhau có thể xảy ra: 1) Một Triều Tiên được trang bị hạt nhân thân thiện với Trung Quốc; 2) một Triều Tiên được trang bị hạt nhân không thân thiện với Trung Quốc; 3) một Triều Tiên phi hạt nhân thân thiện với Trung Quốc; 4) một Triều Tiên phi hạt nhân không thân thiện với Trung Quốc.

Chính phủ Triều Tiên đã thông qua chiến lược phát triển nền kinh tế với tốc độ ngang bằng với phát triển các khả năng hạt nhân của nước này. Trong bối cảnh đó, rõ ràng tình huống thứ ba và thứ tư được nêu chi tiết trên đây sẽ không xảy ra. Do đó, Trung Quốc sẽ phải quyết định xem nước này có các khả năng theo đuổi lựa chọn thứ nhất hoặc thứ hai được đề cập trên đây hay không. Bản chất mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên là giống với bản chất các mối quan hệ giữa các quốc gia, trong đó mối quan hệ an ninh là khía cạnh cơ bản nhất. Quan hệ kinh tế không thể đóng vai trò là nền tảng của quan hệ chiến lược song phương. Đây là một điều quan trọng cần ghi nhớ khi ưu tiên các mục tiêu liên quan đến lợi ích quốc gia.

Ưu tiên của Trung Quốc là giảm bớt sự phản kháng quốc tế

Chủ nghĩa hiện thực đạo đức nói rằng việc nỗ lực để giành được sự ủng hộ quốc tế có tầm quan trọng mang tính chiến lược đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều rất tự nhiên là một cường quốc đang trỗi dậy sẽ nhận thấy mình phải đối mặt với sự chống đối khi nước này tiếp tục tăng trưởng. Do đó, cường quốc đang trỗi dậy sẽ phải phát triển một chiến lược mà chú trọng chủ yếu đến việc giảm bớt mức độ phản kháng quốc tế đối với sự trỗi dậy của mình. Một chiến lược như vậy khi đó sẽ cho phép Trung Quốc nỗ lực để giành được nhiều sự ủng hộ nhất có thể trên trường quốc tế. Để giảm mức độ xích mích do sự trỗi dậy của một nước gây ra, chủ nghĩa hiện thực đạo đức cho rằng nước đang trỗi dậy nên thông qua chiến lược mở rộng các lợi ích của mình trong các lĩnh vực đang nổi lên. Nước đang trỗi dậy cũng nên có những điều chỉnh kịp thời đối với chiến lược bên ngoài theo các khả năng của riêng mình trong mỗi lĩnh vực.

Sự tín nhiệm chiến lược là quan trọng đối với một cường quốc đang trỗi dậy khi nước này tiếp tục mở rộng trên quy mô quốc tế. Chủ nghĩa hiện thực đạo đức tin rằng cường quốc đang trỗi dậy cần tránh các chính sách ngoại giao “phi thực tế, kiêu ngạo và trống rỗng”. Những chính sách như vậy sẽ có tác động làm suy yếu sự tín nhiệm chiến lược của Trung Quốc trên thế giới. Điều rất quan trọng là ban lãnh đạo chính trị ở nước đang trỗi dậy có thể thông qua một chiến lược bên ngoài có lợi cho sự trỗi dậy của mình. Điều quan trọng là chính phủ quốc gia có thể tạo ra những nhà lãnh đạo cùng chia sẻ tinh thần cải cách và mở cửa liên tục. Nếu chính phủ có thể làm được như vậy, nước này có thể rút ngắn khoảng cách của mình với nước thống trị với tốc độ nhanh hơn, đồng thời đảm bảo sự trỗi dậy của mình. Nếu nước thống trị thường xuyên có những sai lầm chiến lược, tính hiệu quả của chiến lược cải cách và mở cửa của cường quốc đang trỗi dậy sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Chủ nghĩa hiện thực đạo đức tập trung vào vai trò của đạo đức trong sự trỗi dậy của các nước xuyên suốt lịch sử. Nó tìm cách xác định nhân tố nào đã góp phần làm nên thành công của các nước, và nhân tố nào đóng góp vào thất bại của các nước. Trường phái tư tưởng này cho rằng điều quan trọng hơn là Trung Quốc phải học hỏi từ những ví dụ về thất bại, thay vì tập trung vào những ví dụ về thành công. Chính những ví dụ về thất bại có thể mang lại cho Trung Quốc những lời cảnh báo có giá trị nhất.

Bình Luận từ Facebook