Trương Nhân Tuấn
24-7-2017
Tuần trước tôi có viết status ngắn, nói rằng CSVN đã thất bại trong sách lược “quốc tế hóa Biển Đông”, nhân việc nhà báo Greg Rushford đăng trên trang web của ông một bài tường trình có nội dung đưa ra ánh sáng các việc nhà nước CSVN đã sử dụng tiền bạc để “vận động” dư luận quốc tế, nhứt là ở Mỹ. Mục đích để tạo dư luận “tốt” cho sự hiện diện hải quân Mỹ trong khu vực, trước sự hung hăng của TQ.
Từ lâu tôi đã cảnh báo rằng việc “quốc tế hóa” theo “cái cách của CSVN” sẽ chỉ đem lại thất bại.
Nhà nước CSVN đã sử dụng phương pháp nhượng bộ và chia sẻ chủ quyền, quyền chủ quyền, cũng như lợi ích chính đáng của quốc gia VN (ở Biển Đông) cho các quốc gia khác với hy vọng các quốc gia này vì quyền lợi của mình sẽ giúp VN chống lại những uy hiếp của TQ.
Chiến dịch “bảo vệ tự do hàng hải – FONOP” của Mỹ ở Biển Đông là một hình thức VN chia sẻ quyền hạn của mình (hay hy sinh một phần chủ quyền của quốc gia) cho Mỹ. Đổi lại sự hiện diện thường xuyên của Mỹ được xem như là “đối trọng” với TQ. Điều này cần thiết, vì chủ trương bành trướng, đế quốc chủ nghĩa của TQ với những yêu sách vượt quá mọi giới hạn, như đòi chủ quyền tất cả các đảo ở Biển Đông cũng như yêu sách đường chín đoạn.
Nhưng hiệu lực của nó xem ra còn rất giới hạn. Dư luận quốc tế vẫn chưa được thuyết phục, trong khi hành vi (của CSVN) chi phí tiền bạc cho các học giả (Mỹ và thế giới), trả phí tổn cho Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS)… đã làm cho tiếng nói của các học giả (bị mang tiếng) là không còn trung thực.
Trong khi nếu so sánh hành vi tương tự của Mỹ xảy ra ở khu vực lãnh hải các nước khác (ở Iran hay ở Lybie), ta thấy cách thức đối xử không hẵn là giống nhau. “Tương quan lực lượng” giữa các bên khiến cho kết quả rất “tùy tiện” (như trường hợp Iran bắt giữ tàu tuần tiễu của Mỹ cùng với thủy thủ đoàn, khi tàu này xâm phạm hải phận của họ).
Từ lâu tôi đã cảnh báo rằng, TQ có thể thỏa mãn tất cả những gì mà VN thỏa mãn cho Mỹ, thậm chí nhiều hơn, về kinh tế lẫn chiến lược, để nước này đạt được mục tiêu.
Tức là TQ sẵn sàng cho Mỹ (và các quốc gia khác) “quyền qua lại không gây hại” trong khu vực, cũng như với nhiều hợp đồng kinh tế lớn lao khác, để các nước này “làm ngơ” cho TQ “hà hiếp” các nước trong khu vực (như VN).
TQ còn nắm trong tay con bài “Bắc Hàn”. Người ta lo ngại rằng Mỹ có thể đánh đổi Biển Đông, tức bỏ mặc khu vực này cho TQ muốn “làm gì thì làm”. Đổi lại TQ phải làm “áp lực” lên Kim Jong Un để tay này hủy bỏ các chương trình làm bom nguyên tử và các chương trình hỏa tiến tầm xa và liên lục địa (có thể đe dọa an ninh cho Mỹ).
Điều này (có thể) đang xảy ra. Bởi vì “quyền tự do hàng hải” của Mỹ thực hiện ở các đảo HS. TQ “la lớn” nhưng không làm gì với Mỹ. Trong khi khu vực biển phía tây nam Trường Sa, tức thuộc khu vực thềm lục địa và kinh tế độc quyền của VN (khu vực Tư Chính), thì TQ cho giàn khoan cùng tàu chiến tới gây hấn. Vụ này Mỹ, cũng như dư luận thế giới, tất cả đều im lặng.
Hành vi TQ đưa giàn khoan và đội tàu hộ vệ hùng hậu đến khu vực, có thể là “diện”, có thể là “điểm”, tùy theo thời điểm chiến lược, tùy theo các bước “đệm” trong sách lược chiếm hữu Biển Đông của họ.
Nếu VN “mềm”, giàn khoan của TQ có thể tiến tới “cắm sâu” trong vùng EEZ của VN, nếu có thể thì khai thác kinh tế. Mà điều quan trọng là đánh dấu đường phân định khu vực biển. Cùng lúc họ sẽ “giải phóng” các đảo TS hiện trong vòng kiểm soát của VN và Phi.
Nếu VN “cứng”, tình hình có thể đưa tới xung đột vũ trang. Nhưng VN không thể “cứng”, vì khung hoảng kinh tế, xã hội, tranh chấp nội bộ… VN đang trong thời kỳ phân liệt. “Trọng lượng” của quốc gia VN không bằng một tỉnh ven biển của TQ. Ngay cả khi nội bộ VN đoàn kết, VN cũng không thể đối đầu lâu dài với TQ trong một cuộc chiến mà mặt trận là không gian và biển cả.
Trong khi những hợp đồng ký kết với các công ty khai thác dầu hỏa nước ngoài cũng không đem lại hiệu quả tốt đẹp.
Quyền lợi kinh tế của các mỏ dầu là quá nhỏ, kể cả khi VN bán giá hời để giữ chân. Các công ty của Ấn Độ, của Canada hay của Mỹ… không ai dám phiêu lưu, đem sinh mạng các nhân viên, chuyên gia cũng như giàn máy móc của mình để đối đầu với TQ.
Ta thường nghe từ “quốc tế hóa” một tranh chấp nào đó, thuộc các lãnh vực quân sự, chính trị, kinh tế…
Một tranh chấp trong phạm vi một quốc gia, hay giữa hai quốc gia trong một khu vực địa lý. Vì hệ quả của tranh chấp có thể lây lan, ảnh hưởng đến quyền lợi của các quốc gia khác. Vì vậy các quốc gia này “can thiệp” vào nội bộ của tranh chấp kia, áp đặt cho các bên một “luật chơi”, mục đích để bảo vệ quyền lợi của họ.
Tranh chấp về lãnh thổ, chủng tộc, giữa Do Thái và dân Palestine, là một “tranh chấp về lãnh thổ” được “quốc tế hóa”. Nguyên nhân việc xung đột có thể lây lan, ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới.
Ít ra từ 20 năm trước tôi đã cảnh báo rằng VN phải “đi” với Ấn Độ và Do Thái, để “đối trọng” với TQ.
Ấn Độ cần VN là “đồng minh chiến lược” để đối phó lại với TQ. Vì TQ có Pakistan, giáp ranh với Ấn Độ, là đồng minh.
Tôi có lập luận rằng nếu TQ giúp cho Pakistan trang bị vũ khí nguyên tử thì Ấn Độ cũng có thể giúp VN tương tự để “đối trọng”.
Lãnh đạo CSVN chỉ mới thay đổi cái nhìn trong vài năm gần đây. Nhưng đã quá trễ. VN đã lún quá sâu, lệ thuộc quá nhiều vào TQ, từ kinh tế cho tới chính trị.
Với vài cái giếng dầu (chưa biết được tiềm năng kinh tế), VN hy vọng gì để Ấn Độ có thể giúp mình ?
Các quốc gia “đồng minh”, giả sử VN và Mỹ hay với VN với Ấn Độ, các nước chỉ có thể hy sinh, bảo bọc lẫn nhau vì “quyền lợi chiến lược”.
Do chủ trương “đi dây”, “không đứng với nước này chống nước kia”, VN không tạo dựng được bất kỳ tư thế chiến lược nào với Mỹ (hay Ấn Độ).
Từ lâu tôi đã kết luận: Nếu “quốc tế hóa” theo cái “cách của CSVN”, thì VN sẽ đứng một mình chống TQ.
Việc này, không chóng thì chầy, sẽ tới.
Và cũng từ rất lâu tôi cảnh báo rằng VN phải “khẳng định chủ quyền”, (chớ không nên quốc tế hóa).
Đối đầu với TQ chủ trương “khẳng định chủ quyền”, VN phải nắm cơ hội “khẳng định chủ quyền”, để thách thức TQ đưa vấn đề ra một trọng tài quốc tế. (Tôi đã dựng cả một hồ sơ để kiện).
Tôi cũng biện luận rằng, ngay cả khi (việc khẳng định chủ quyền) thất bại, VN cũng có tư thế “tự vệ chính đáng” để chống lại các yêu sách phi lý của TQ.
Bây giờ nhìn lại, VN sẽ “đứng một mình” đồng thời không có tư thế “tự vệ chính đáng”.
Lãnh đạo CSVN từ khước khẳng định chủ quyền, đơn giản chỉ vì việc này đòi hỏi đảng CSVN phải thi hành chính sách “hòa giải quốc gia”. Tức là phải nhìn nhận thực thể VNCH và kế thừa di sản của thực thể chính trị này.
Đảng CSVN đã đặt sỉ diện của họ lên trên chủ quyền quốc gia, lên trên lợi ích của dân tộc.
Bất kỳ một tiếng nói nào đề cao VNCH, hay “yêu chuộng lá cờ vàng”, đều bị trù dập, bắt bớ, tù đày…
Bây giờ đứng trước hiểm họa ngoại xâm, đảng CSVN không thể kêu gọi dân chúng hy sinh để “bảo vệ tổ quốc”.
Những mỏ dầu khí mà CSVN khai thác từ sau khi chiếm được miền Nam, biết bao nhiêu tài nguyên quốc gia… không hề thấy một đồng xu đầu tư cho hạ tầng cơ sở, đường xá, trường học… Tất cả tài nguyên bán được họ đã chia chác với nhau.
Hy sinh “bảo vệ tổ quốc” thực ra là bảo vệ những mỏ dầu khí.
Đảng viên CSVN bán tháo bán đổ tài nguyên quốc gia rồi ôm tiền đem mua nhà, gởi nhà băng ở nước ngoài.
Kêu gọi dân chúng “hy sinh bảo vệ tổ quốc” thực ra là xúi giục dân chúng đổ máu để đảng viên tiếp tục làm giàu.
Đảng CSVN phải giải thể. Chỉ khi một chế độ dân chủ tự do được xây dựng lên, mọi mâu thuẩn của dân tộc được hòa giải, thì VN mới có thể đoàn kết thành một khối. Chỉ với một chế độ dân chủ tự do VN mới có thể kết tình “đồng minh” gắn bó với các nước Âu, Mỹ… từ đó củng cố nội lực để chống lại sự bành trướng của TQ.
ĐCSVN cần phải thay đổi căn bản triết học của mình để hòa giải và đoàn kết toàn thể dân tộc chống Tàu.