Bùi Quang Vơm
11-7-2017
Trả lời phỏng vấn VTV ngày 10/07/2017, thứ trưởng bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: “Đúng là có một số khu đất được sử dụng không đúng mục đích, thì thời gian vừa qua quân đội đã kiểm tra và xử lý rất nghiêm, thời gian tới cũng sẽ xử lý mạnh mẽ, triệt để…. Mục tiêu là không để cho những sai phạm xảy ra ở một nơi sạch nhất, đó là quân đội.”
Ý kiến chính thức của Bộ Quốc Phòng về:- Việc xử lý các công trình ở sân Golf Tân Sơn Nhất- Vấn đề quân đội sẽ không làm kinh tế.
Publié par Thời sự VTV sur dimanche 9 juillet 2017
Ở đây phải hiểu đúng điều vị thứ trưởng muốn nói, một là ở cái nước này, đang không còn có chỗ nào sạch? Tất cả đều bẩn, chỉ còn quân đội, nơi cũng không sạch nhưng ít bẩn nhất. Đó có vẻ là một sự thật không?
Nhìn những hình ảnh mà người ta ghi lại được như những bức ảnh chụp đại tá Phùng Quang Hải với người đẹp, người ta thấy sự hợm hĩnh phè phỡn của những tên biển thủ tài sản quốc gia, lại ngang nhiên khoe của, khoe sự giàu sang của mình. Nhìn những hình ảnh này, người ta không thể tin rằng quân đội còn sạch, ít nhất thì cái tổng công ty 319 nhiều năm là công ty riêng của cha con ông bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh không thể là một nơi sạch và nhất là những người này không thể làm giàu vì lợi ích quốc phòng.
Nếu ngay cả chỗ mà ông Vịnh cho là sạch nhất, thực ra là ít bẩn nhất, cũng làm cho người ta kinh tởm, thì cái đất nước này, cái đất đã trở thành chỗ nào cũng bẩn sau 80 năm cầm quyền và sau 35 năm “sáng suốt đổi mới” của đảng cộng sản thì cái đảng này có đáng được đem ra cho lịch sử xử tội?
Về chuyện quân đội xây dựng khu kinh doanh trong lãnh thổ sân bay Tân Sơn Nhất, ông Vịnh nói rằng: “Đây là dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng luật.” nên ông đòi “Khi ta làm dự án thì đúng luật thì khi thu hồi dự án cũng phải đúng luật”!
Phải hiểu ông định nói gì? Ông nói việc xây dựng của Quân đội không sai, vì được cấp có thẩm quyền phê chuẩn và cấp phép. Thế tại sao bây giờ xuất hiện tranh cãi về việc phải ngừng xây dựng và trả lại đất cho sân bay? Cuối cùng Quốc Hội đồng ý với quyết định của Thủ tướng ngưng xây dựng tại sân golf. Thế nghĩa là việc cấp phép của thủ tướng trước đây là sai?
Nếu Thủ tướng Dũng ký duyệt quy hoạch cho phép Quân đội làm sân golf trong khu vực cận sân bay, là Thủ tướng không tính được nhu cầu phát triển chỉ trong khoảng thời gian 10 năm? Ai dám bỏ một khoản tiền khổng lồ chỉ để kinh doanh trong 10 năm? Ai đã lập ra dự án, các luận chứng kinh tế kỹ thuật nào đã tư vấn để Thủ tướng Dũng ký quyết định phê duyệt?
Như vậy có thể thấy, nếu phát sinh vấn đề chỉ sau vài năm thực hiện dự án, thì lỗi ở tầm nhìn của Thủ tướng và chính phủ? Có thể chỉ do trình độ “có hạn” hoặc lỗi ở các căn cứ kinh tế kỹ thuật, nghĩa là lỗi ở các cơ quan tham mưu. Trình độ của các cơ quan này yếu kém hay có lý do khác? Người ta vẫn biết các dự án được duyệt bằng rất nhiều tiền ứng trước của chủ đầu tư. Và dưới quyền ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có rất nhiều dự án gây thiệt hại cho đất nước nhưng được cấp phép “đúng luật” và đúng “quy trình”, nghĩa là có rất nhiều chủ đầu tư đã phải ứng trước rất nhiều tiền cho phê duyệt?!
Nhưng ngay cả khi phía sau việc “đúng luật” này là thủ đoạn có mục đích tham nhũng của quân đội thì cái lỗi vẫn thuộc về người cấp phép, tức là người cấp cái quyền thực hành theo “đúng luật” cho quân đội. Ý ông Vịnh muốn nhắc đến trách nhiệm trực tiếp của ông Nguyễn Tấn Dũng?
Bây giờ “ khi thu hồi cũng phải đúng luật”, nghĩa là gì vậy? Ông Vịnh muốn hạch vấn lại chính phủ? Chính phủ sai thì Chính phủ phải sửa sai? Luật ở chính phủ, nên cấp đúng luật mà thu hồi lại cũng sẽ đúng luật? thế nghĩa là luật đểu?! Một tay chính phủ ra luật rồi hành luật. Luật là chữ ký của người có quyền. Cứ có chũ ký của Thủ tướng thì là đúng luật, bất kể vị Thủ tướng ấy có thể hoặc ngu dốt hoặc tham nhũng hoặc vừa tham nhũng vừa ngu dốt. Và bất cứ ai, bất cứ chỗ nào cũng phải tuân thủ luật pháp, dù chỉ toàn là luật “đểu”. Và đặc biệt khi cần, chẳng hạn như vụ Đồng Tâm, Nhà nước mượn danh“thượng tôn pháp luật”để dùng luật “đểu”trừng trị những người dân đen.
Ông Vịnh muốn nói rằng ở cái Nhà nước này, hai cái quyết định ngược nhau đều là “đúng luật”cả ?!
Nhưng mà thu hồi như thế nào để là “đúng luật”? Ông Vịnh nói là khi thu hồi phải: “tính đến quyền lợi Nhà nước, quyền lợi của địa phương, lợi ích của quân đội và cả lợi ích chính đáng của doanh nghiệp”.
Ông ghép Nhà nước và địa phương vào, nhưng thực chất chỉ để nhấn mạnh “lợi ích quân đội và lợi ích ‘chính đáng’của doanh nghiệp”. Vậy lợi ích của Quân đội là gì, và thế nào là lợi ích chính đáng của doanh nghiệp?
157 ha đất sân golf, 1570000m2 đất với giá thị trường 10 triệu đ/m2 sẽ là một khoản vốn bằng 15.700tỷ đồng, bằng 785 triệu usd, tiền này không phải của Quân đội, không phải là tiền vốn của doanh nghiệp.Bộ máy và lao động của doanh nghiệp là sĩ quan và lính nghĩa vụ, được ngân sách trả lương, thiết bị máy móc được ngân sách chi trả,v.v.. nhưng khi đưa các tài sản quốc gia này vào kinh doanh thì đồng tiền sinh lời ra là tiền mà ông Vịnh cho là doanh nghiệp được quyền “chia chác”chính đáng ? “chia”ở đây là chia cho cấp trên và chia cho nhau. Có hàng nghìn khoản chi không có sổ sách. Có hàng trăm khỏan chia nhau chỉ để giấu lợi nhuận. Nhưng nếu có “chia” qúa tay, thì lập tức thành “lỗ” và ngân sách phải bù, vì “ an ninh quốc phòng”.
Báo Quân đội ngày 6/07 đã tổ chức một cưộc toạ đàm chỉ ba ngày sau ý kiến của Thủ tướng về việc ngưng làm kinh tế của Quân đội. Toạ đàm viện dẫn lời của cựu bộ trưởng Phạm Văn Trà, cựu phó thủ tướng Vũ Khoan, Trung tướng Trần Đơn …bảo vệ quan điểm Quân đội tham gia làm kinh tế. Người ta có cảm giác Quân đội đang dàn binh chống lại chính phủ, chống lại cá nhân ông Nguyễn Xuân Phúc và những tướng tá vào hùa với Thủ tướng.
Thượng tướng Tham mưu trưởng Phan Văn Giang từ đầu không hề xuất hiện. Thượng tướng Lương Cường chủ nhiệm Tổng cục chính trị cũng im tiếng. Thiếu tướng Phạm Xuân Huấn tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân chủ trì cuộc toạ đàm, nhưng chắc sáng kiến không phải của ông này và cũng không do ông tự ý.
Nhưng những ý kiến gần nhất cho thấy mâu thuẫn đó có vẻ được dỡ bỏ. Không ai bác bỏ ý nghĩa có tính nguyên tắc về việc Quân đội tự đảm nhận các lĩnh vực kinh tế quốc phòng, nhưng cũng không ai chấp nhận Quân đội tham gia kinh doanh như một thành phần của nền kinh tế.
Chỉ bởi vì quân đội làm kinh tế nhằm mục đích tăng cường khả năng đảm bảo quốc phòng, không nhằm vào mục tiêu lợi nhuận. Như vậy, mọi hình thức kinh doanh không hướng tới mục tiêu quốc phòng đều phải dẹp bỏ bằng cách thoái vốn hoàn toàn. Các loại Giám đốc- Đại tá không được đào tạo quân sự và không đủ kiến thức sẽ không được phép mang quân hàm, bị buộc phải giải ngũ.
Gọi là cải thiện và nâng cao mức sống của binh lính và sĩ quan, nhưng chỉ với những đơn vị làm kinh tế, những đơn vị khác vẫn chỉ chờ đồng lương đói khát từ ngân sách, nhìn những đơn vị làm kinh tế với con mắt thèm khát, ganh ghét hằn học, và tìm mọi cách để cũng làm kinh tế.
Quân đội có 21 tập đoàn và tổng công ty làm kinh tế, nghĩa là có 21 đơn vị bao gồm 27 vị tướng tá phụ trách và vài trăm sĩ quan thuộc cấp, ngoài tiền lương như các đơn vị chuyên quân sự còn được hưởng các khoản thu nhập khác nhiều khi gấp hàng trăm lần tiền lương. Vì vậy có hiện tượng, tướng làm kinh tế giàu gấp nhiều so với các tướng làm quân sự. Những thu nhập bên ngoài thang bậc chính thống là nguồn gốc kích thích thèm khát hưởng thụ, một mặt tha hoá đạo đức sĩ quan, một mặt gây ganh ghét và chia rẽ trong lòng các tổ chức quân đội, làm mất sức chiến đấu, mất khả năng sẵn sàng và huỷ hoại đức hy sinh quên mình cần có của quân đội.
Tướng Vịnh nói thêm: “Quân đội chúng ta trước đây lúc nhiều nhất có 305 doanh nghiệp, vừa qua rút xuống còn 88. Trong đề án Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ, tới đây chỉ còn 17 doanh nghiệp”. Trong xu thế chung đến 2025 sẽ chỉ còn khoảng 110 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thì con số 17 doanh nghiệp quân đội cũng là hợp lý.
Nhưng việc dẹp được những tướng tá đại gia giàu có không hề dễ. Chẳng thế mà, thực chất ông Phùng Quang Thanh mất chức bộ trưởng quốc phòng từ tháng 6 năm 2015, nhưng mãi tới 24/11/2016, bộ quốc phòng mới ép được Phùng Quang Hải bàn giao chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị 319 cho người khác.
Để dẹp được 70 cái ổ tham nhũng còn lại vừa có tiền vừa có vũ khí, sẵn sàng thuê cả đàn côn đồ thí mạng, hoàn toàn không phải là chuyện dễ.
Đấy là chuyện của nơi sạch nhất của cả nước.
Ông Vịnh ơi ! Ở Việt Nam không có nơi nào là sạch cả .Từ Nguyễn Cảnh Chân( Trụ sở đảng ) sang Phủ Chủ Tịch ,Văn Phòng Chính Phủ đều là bẩn hết.Tôi nói mà không cần dẫn chứng.Cứ về Vn hỏi đứa trẻ bán báo nào nó cũng biết.Còn quân đội là nơi bẩn một cách tinh vi.Từ sau 1975 ông Lê Đức Anh chia quyền lợi cho quân đội bằng nhà , bằng tiền bằng xuất đi hợp tác lao động…là bắt đầu bẩn rồi .Cha con ông đại tướng Phùng Quang Thanh (Anh hùng thời đánh Mỹ) càng bẩn ,thối hoắc lên rồi.Rồi đấy mà xem trong vụ dẹp quân đội làm kinh tế sẽ có khối thằng chết.Chết bằng súng các loại,chết bằng mưu mô trước quỷ, vụ Yên Bái đã ăn thua gì.Tôi là lính chiến cũ đây,nhiều lúc nghĩ mà hận lắm.Từ sau đổi mới (1986 lần đầu) đất nửơc bị vấy bẩn kinh khủng .Ngượng lắm khi phải nhìn thấy các ông.Ông bảo quân đội là sach.Ông không biết ngượng à ?Có khi nào ông hỏi bố ông về sạch, bẩn không ?Chắc bố ông sẽ lắc đầu đấy !