Trương Nhân Tuấn
10-7-2017
Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ Phi kiện TQ đã được một năm (12 tháng bảy 2016). Phi thắng kiện nhưng việc đòi hỏi TQ tôn trọng phán quyết là không dễ. Bởi vì từ đầu TQ đã không công nhận tính chính đáng của Tòa và cho biết sẽ không tuân thủ phán quyết.
Dầu vậy, Tòa được thành hình theo phụ lục VII của Công ước Quốc tế về Biển 1982. Những điều Tòa phán, như ý nghĩa pháp lý của “biển lịch sử” (chủ ý nói về đường chữ U chín đoạn) của TQ, về hiệu lực biển của các đảo TS, về “vùng nước quần đảo”… đều chỉ là việc giải thích luật Quốc tế về Biển 1982.
Như vậy phán quyết cũng là “luật”, là một bộ phận của Luật Biển 1982 áp dụng cho Biển Đông.
TQ là phía ký kết Công ước về luật Biển 1982 vì vậy họ phải có bổn phận thi hành phán quyết.
Nhưng đòi hỏi các nước tôn trọng luật pháp, sống và hành xử theo luật pháp (International Rule of Law – Quốc tế pháp trị), ở các “nước lớn” là điều khó khăn. Bởi vì nền tảng của “luật” quốc tế đặt trên quan hệ “chủ quyền tối thượng và bất khả xâm phạm”.
Nếu “chủ quyền” là tối thượng, mà nước TQ là “nước lớn”. Khi họ không tuân thủ pháp luật thì quốc tế khó (đồng thuận) để áp đặt một biện pháp chế tài. Nhứt là Tòa CPA không có cơ chế cưỡng bức thi hành. (Trong khi Tòa án Công lý quốc tế (CIJ), cơ quan này có Hội đồng Bảo an đứng sau).
Liên quan đến vấn đề kiện tụng, vừa qua quốc gia tí hon có tên gọi là Maurice (tiếng Anh là Mauritius), vốn là một đảo tọa lạc ở Ấn Độ dương, (phía đông Madagascar) dân số chỉ có 1,2 triệu người. Đảo quốc này đã thành công trong công cuộc vận động dài hơi (50 năm), triệu tập được Đại hội đồng LHQ để biểu quyết cho phép nước này đưa hồ sơ tranh chấp với Anh quốc (về quần đảo Chagos) ra tòa CIJ. Mặc dầu chỉ yêu cầu Tòa cho “ý kiến” (Avis consultatif), nhưng là một bước thành công lớn lao của “con kiến kiện củ khoai”.
Bởi vì Anh quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, có quyền “phủ quyết – veto”. Trong khi lãnh thổ tranh chấp là quần đảo Chagos, bao gồm đảo Diego Garcia, là căn cứ quân sự Mỹ lớn nhứt hải ngoại mướn của Anh (không tính Guam, vì Guam là lãnh thổ thuộc Mỹ). Tức là ngoài “củ khoai” kinh khủng là Anh, còn có củ khoai kinh khủng hơn nhiều lần, là Mỹ.
Trở lại vấn đề VN tranh chấp với TQ về quần đảo HS. Sự kiện VN im lặng trước những hành vi của TQ gần đây ở đảo Tri Tôn, là dấu hiệu cho thấy CSVN quyết định bỏ HS cho TQ.
Trở ngược thời gian, sau khi TQ xâm lăng HS tháng giêng 1974, VNCH cố gắng triệu tập Đại hội đồng LHQ (như đảo quốc Maurice vừa làm) mà không thành công. VNCH không có tư cách pháp nhân “quốc gia”, không có ghế ở LHQ. Trong khi VN CS bây giờ đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để làm tương tự. Nhưng họ đã không làm.
Bây giờ lùm xùm về vụ quân đội làm kinh tế hay không làm kinh tế.
Theo tôi, đảng CSVN, thông qua quân đội và công an, đã xem đất nước và dân tộc này như là những “chiến lợi phẩm”. Họ tận hưởng những chiến lợi phẩm đó. Từ đất đai, tài nguyên, con người…
Vì vậy, lãnh thổ này có vào TQ hay không, đảng CSVN không còn ai quan tâm nữa.
Do vậy mà bạn cần phải cảm thấy thỏa mái.