Vì sao Thủ tướng Đức không tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc?

Thời Báo

1-7-2017

Những ngày đầu tháng 7 này, tại thủ đô Berlin của Đức không khí dường như ngột ngạt hơn bởi tiếng còi xe cảnh sát hú chạy khắp thành phố, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp được tổ chức ở Hamburg.

Thủ tướng Đức Merkel từ chối tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc với ngôn ngữ ngoại giao là “bận”. Ảnh: Thời Báo/ internet

Trên hai mươi nước từ khắp thế giới rầm rộ đổ người vào các trung tâm hội nghị. Bộ phận lễ tân của Chính phủ Đức hoạt động hết công suất, lại thêm đợt mưa lụt đang diễn ra ở miền Bắc nước Đức làm công tác điều hành trở nên rắc rối hơn. Lực lượng cứu hỏa Berlin đã phải quyết định đưa thành phố vào “tình trạng đặc biệt” bởi các thiệt hại do thiên nhiên đang gây ra ở đây.

Nhiều đoàn công tác, tiền trạm của Chính phủ Việt Nam cũng đã có mặt để chuẩn bị cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và kết hợp thăm nước Đức từ ngày 5.7 tới, những ly rượu đắt tiền bắt đầu leng keng trong khu chợ Đồng Xuân của người Việt ở Berlin.

Sau khi sang Trung Quốc vào cuối năm 2016, gần đây nhất vào cuối tháng 5.2017 ông Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến đi Mỹ, gặp gỡ vị Tổng thống Trump và nêu mong muốn nhận được thêm viện trợ, đầu tư của nước cựu thù này vào Việt Nam, với bản chất của một người kinh doanh, hẳn ông Trump đã đặt điều kiện trao đổi không dễ chịu gì, điều mà ông Phúc sẽ cần có thời gian để bàn thảo và thuyết phục các “đồng chí” của mình thực hiện được phần nào những cam kết đó.

Việc bắt giữ và giam cầm những người bất đồng quan điểm với đảng là chuyện thường ngày ở Việt Nam, nhưng dường như có bàn tay đen tối nào đó trong bộ máy lãnh đạo đang cố tình phá hoại nỗ lực “Kiến tạo” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi ngay trước chuyến đi Đức ít ngày dự Hội nghị thượng đỉnh G20, họ đã cho tước quốc tịch của giáo sư Nguyễn Minh Hoàng và xét xử vội vã Bloger Mẹ Nấm – chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để tuyên một cái án thật nặng là 10 năm tù giam cho người mẹ đang nuôi 2 con nhỏ.

Bản án đã đi ngược lại chính những mong mỏi của lãnh tụ Hồ Chí Minh dành cho người dân nước này là có Độc Lập- Tự Do – Hạnh Phúc.

Vụ việc đã gây sững sờ cho dư luận trong và ngoài nước. Chính phủ Việt Nam đã bị nhiều nước thuộc khối G20 ra thông cáo báo chí và phản đối chính thức qua các kênh ngoại giao cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bản thân những cán bộ đảng viên trong nước, nhiều người đã công khai thể hiện bất bình của mình về động thái vội vàng này, khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập hơn với thế giới.

Bộ Ngoại giao Đức đã lập tức ra thông cáo báo chí, dẫn lời bà Bärbel Kofler, Đặc phái viên về nhân quyền của Chính phủ Đức “phản đối Việt Nam bắt và tuyên án nặng một người phụ nữ chỉ vì họ biểu đạt ý kiến của mình về hiện tình đất nước trên trang Blog cá nhân. Điều này đi ngược với các nguyên tắc nhân quyền và vi phạm các cam kết mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế”.

Có lẽ động thái này là một trong những nguyên nhân làm Thủ tướng Đức Merkel phải do dự và quyết định từ chối tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc với ngôn ngữ ngoại giao là “bận”.

Việc gặp ông Phúc được đẩy sang Tổng thống Frank-Walter Steimeier chỉ để tiếp xã giao, ở đây ông Phúc sẽ nhận được các câu hỏi khó trả lời, khi chính Tổng thống Đức vào tháng 4 vừa qua, đã trực tiếp trao giải Nhân quyền 2017 của Hiệp hội Thẩm phán Đức cho luật sư Nguyễn Văn Đài khi ông này đang… ngồi trong nhà tù ở Việt Nam.

Trung Khoa – Thoibao.de 

1. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao giải nhân quyền cho Luật sư Nguyễn Văn Đài ngày 5.4.2017.

2. Thông cáo báo chí ngày 30.6.2017 của Bộ Ngoại giao Đức phản đối Chính phủ Việt Nam ra phán quyết 10 năm tù cho Blog Mẹ Nấm – chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

3. Tổng thống Đức Frank-Walter Steimeier sẽ tiếp xã giao ông Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân Trần Nguyệt Thu tại Berlin lúc 17:00 ngày 6.7.2017.

Cập nhật 18:30 ngày  02.07.2017:

Đến thời điểm này lịch tiếp khách của Thủ tướng Đức Angela Merke không có tên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Xem lịch tiếp khách của Thủ tướng Đức tại đây: https://www.bundeskanzlerin.de/Webs/BKin/DE/AngelaMerkel/Terminkalender

Bình Luận từ Facebook