Tục đốt vàng mã: Cung kính hay báng bổ thánh thần?

Chu Mộng Long

14-2-2021

Theo các tài liệu lịch sử về phong tục, tục đốt vàng mã có từ năm Khai Nguyên thứ 26 (năm 738) đời Đường. Vua Đường Huyền Tông (685-762) chính thức ra sắc dụ cho phép dùng tiền giả thay cho tiền thật để cúng tế, ma chay. Nghề làm hàng mã ra đời với ông tổ nghề là Vương Dũ. Ngoài vàng bạc giả còn có các loại hình nhân thế mạng như thê thiếp, người hầu, nhà cửa, gia súc, vật dụng…

Đến đời vua Đường Đại Tông (726-779), tục đốt vàng mã phát triển mạnh mẽ và lan sâu vào tận nhà chùa khi một nhà sư đặt vấn đề với vua cho dân đốt thật nhiều vàng mã để báo hiếu cha mẹ nhân lễ Vu Lan. Điều này đi ngược với chánh pháp nên bị nhiều nhà sư phản ứng. Kết quả, nhiều người giác ngộ đã bỏ hẳn tục đốt vàng mã. Nghề làm vàng mã có nguy cơ lụn tàn. Sau đó, con cháu của Vương Dũ đã phục hồi bằng kế bịp bợm dị đoan.

Sách Trực Ngôn Cảnh Giác của Trung Hoa kể lại rằng con cháu của Vương Dũ là Vương Luân tạo ra cái chết giả của bạn mình, bí mật cho thi hài vào quan tài rồi bày trò đốt nhiều vàng mã, hình nhân thế mạng gọi là để cứu sống bạn mình. Mọi người kinh ngạc khi thấy người chết sống lại và tin như thật rồi tuyên truyền ra nhân gian.

Sau này do sự cạnh tranh nghề nghiệp, nên người bạn ấy của Vương Luân đã tiết lộ mưu kế gian xảo của Vương Luân. Nhưng tục lệ thì vẫn cứ lưu truyền ra cả một khu vực rộng lớn, trong đó có Việt Nam.

Gốc của tục đốt vàng mã, hình nhân thế mạng là một hình thức thay thế dưới dạng biểu trưng. Với quan niệm nguyên thuỷ “sống sao chết vậy” (bây giờ vẫn còn ở thổ dân và dân tộc thiểu số), sống cần thê thiếp, người hầu, tiền bạc, nhà cửa thì khi chết đi, đúng ra là sang thế giới khác, người ta cũng cần những thứ ấy. Từ thời cổ sơ, kéo dài đến thời phong kiến, vua chúa, nhà giàu khi chết đi đã cho chôn theo thê thiếp, người hầu, gia súc, tiền bạc thật. Điều này cũng giống như tục tế gái đồng trinh cho Hà Bá ở vùng sông nước, kể cả tế con cho Thiên Chúa từng được ghi nhận trong Kinh Thánh qua chuyện Abraham. Sau thấy man rợ, người ta mới thay thành vật giả hay tượng trưng gọi là hàng mã.

Ngay cả khi đã dùng vật tượng trưng, các tổ sư của Nho giáo cũng cho rằng, đó là việc làm man rợ. Bởi vì, cho dù là cái giả hay tượng trưng gọi là hàng mã vẫn thể hiện sự tham lam vô độ của con người. Trong Kinh Lễ, đức Khổng Tử quở rằng: “Ai bày ra hình nhân thế mạng để chôn theo người chết đó là kẻ bất nhân”. Thầy Mạnh Tử cũng nói: “Ai làm ra bù nhìn con gỗ bởi cái lệ chôn sống người, là kẻ tuyệt tự”.

Phật giáo chính tông càng tẩy chay việc đốt hàng mã, vì tục đốt hàng mã thể hiện rõ dục tính, trong khi Phật pháp luôn chủ trương diệt dục. Các chính giáo trên thế giới cũng đồng một quan điểm chống tham lam, dục tính nên bác bỏ quan niệm “sống sao chết vậy”.

Ở đây nên nói rõ thêm. Việc đốt hàng mã không chỉ thể hiện dục vọng vô biên của con người mà còn thể hiện tệ nạn buôn thần bán thánh, cầu quan, cầu tài, cầu lộc đầy tội lỗi. Trời Phật, Thần Thánh chân chính không thưởng không phạt, việc cúng tế bằng vàng bạc, của cải, hình nhân thế mạng, dù là thật hay giả đều là trò hối lộ đầy báng bổ hơn là cung kính. Tâm linh thuộc tiềm thức, thói quen hối lộ trần thế ăn sâu vào trí não của cả một cộng đồng, thành gene của một dân tộc, mới có chuyện ứng xử với thánh thần bằng trò hối lộ như vậy.

Đơn giản thế này. Quan ăn hối lộ là quan bẩn. Thánh thần mà ăn hối lộ thì chỉ có thể là ma quỷ đội lốt thánh thần. Nếu một người thanh liêm, tự trọng mà có kẻ hối lộ cho mình thì người ấy tự hào được tôn kính hay cảm thấy bị xúc phạm?

Tôi khẳng định, ở đâu còn trò đốt vàng mã, ở đó chỉ có thể là tà giáo! Cả dân tộc này xưa nay tôn thờ cái gì vậy? Đến lúc cần xem lại tín ngưỡng và các loại thần tượng trên đất nước này một cách nghiêm túc may ra mới có đời sống tinh thần lành mạnh và văn minh.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. “Tôi khẳng định, ở đâu còn trò đốt vàng mã, ở đó chỉ có thể là tà giáo!”

    *Đốt vàng mã không cần xuất phát từ tôn giáo.
    Xét về hao tổn thiệt hại vô ích cho kinh tế, môi trường; an toàn cháy nổ…thì quả là nên từ từ dẹp bỏ bằng giáo dục cộng đồng. Nguyền rủa nó thì cũng từng nhiều lần bao đời có rồi, vô dụng!
    Nó là phong tục, tập quán do tin tưởng (dù mê, cuồng), trước hết để thoả tình hiếu thảo của đạo làm con cháu với ông bà cha mẹ khuất bóng mỗi dịp lễ đặc biệt- Vu Lan, Tết Nguyên Đán; (các lễ khác đâu có đốt).
    Gắn nhãn mác “tà giáo” cho một hiện tượng tiêu dùng cổ truyền xuất phát từ “đạo ông bà”, thì hơi “hồng vệ binh” hoặc “khờ me đỏ”. Từ từ để nhà nước tính. CS không ưa món nầy đâu. Đừng có mác xít hơn cả…đảng!

    “Cả dân tộc này xưa nay tôn thờ cái gì vậy?”

    *NÓ tôn thờ “Đạo Ông Bà” đấy, ông giảng viên đại học Quy nhơn ạ.
    Vì thế tình cảm gia đình của NÓ rất mạnh… riêng ở miền Nam.
    Thứ Đạo ấy tìm thấy trong sách Quốc văn giáo khoa thư mà một đứa bé được dạy, tính từ 30/4/1975 ngược về trước, lâu, rất lâu, 1950, 1956…
    Thương yêu kính trọng ông bà cha mẹ, thương yêu nhường nhịn anh chị em; thờ cúng tổ tiên; giúp đỡ người trong họ, thương yêu tôi tớ trong nhà; yêu thương tôn kính thầy dạy…
    Thứ Đạo ấy đã khiến người Việt miền Nam mất nước, vượt biên qua Mỹ, Âu…rồi vẫn còn gửi kiều hối về suốt nửa thế kỷ nay… và, một phần nào đó, chi phối hiện tượng “đốt kiều hối” cho ông bà cha mẹ chú bác cô dì dưới…âm phủ!

    Tội nghiệp quá! Ngu một cách không thể mắng chửi được.
    Phải không họ Chu?

    “Đến lúc cần xem lại tín ngưỡng và các loại thần tượng trên đất nước này một cách nghiêm túc may ra mới có đời sống tinh thần lành mạnh và văn minh.”

    *nếu định “xỏ xiên” một ý thức hệ nào, một cá nhân chính khách nào…thì anh nên nói rõ ra,
    …không nên vơ cả nắm, đụng chạm đến tôn giáo truyền thống- Phật, Thiên chúa, Hồi…, vốn đã tồn tại hàng nghìn năm rồi, chẳng ai đánh đổ nổi, kể cả bọn tam vô cũng phải đành sống chung với tôn giáo, thậm chí bị quyến… tự nguyện đến- một cách lén lút kín đáo- cúi đầu quỳ lạy, cúng bái, xem bói, cầu xin, “cụng đầu” vào cây bồ đề sám hối khi ra nước ngoài!

    Tôn thờ một hệ thống giáo lý và đấng giáo chủ – Phật, Chúa, Mohammed…ĐỂ LÀM GÌ, là một vấn đề quá lớn để một cá nhân trong chúng ta đủ sức động đến.
    Nhưng, có thể tin chắc, rằng Phật, Chúa…luôn dạy tín đồ ở lành tránh ác, hành thiện, tu tâm dưỡng tánh, bằng kinh kệ và các điều răn, giới luật…
    Đó là điều không hề xấu. Xã hội bình ổn trên nền tảng “luân lý tự giác” do tôn giáo un đúc hình thành nơi tín đồ của mình…là điều không thể phủ nhận.
    Ta không dám làm điều ác nơi thuận lợi, bóng tối, riêng tư… trước hết vì tiếng nói của đạo đức lương tâm, chứ không phải vì sợ công an, luật pháp!

    Vậy, có gì để “cần xem lại” Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa…,
    và “duyệt lại” các vị giáo chủ mà tín đồ đang quỳ lạy, thờ phượng trong Chùa, Thánh đường đã tồn tại hàng trăm năm nay… ?
    Các đấng bậc đó không phải là “thần tượng”, “người hùng”, “lãnh tụ chính trị” hay ca sĩ nổi tiếng một thời như Michael Jackson, Bi Rain; hay danh thủ Pele, C. Ronaldo…vớ vẩn để phải “cần xem lại” sự cuồng tín, cuồng ái của khán giả…

    …mà chỉ là bậc khổ hạnh dẫn đường soi sáng cho những tín đồ “tự nguyện theo họ” từ nghìn xưa;
    Không phải hiện tượng thời trang; không phải phương tiện quản lý, tuyên truyền chính trị, không do suy tôn đảng phái, phong trào…

    Hay là anh đang nói về loại “bồ tát” mới biên chế ở các chùa quốc doanh?
    Cần minh bạch ở đây để khỏi động chạm nguy hiểm vào quần chúng tôn giáo!

    • Bác CML viết không sai, chẳng qua bác ghét chế độ đâm ra ” giận cá chém thớt”

  2. Một bài viết rất hay và rất thiêt thực đối với người VN.Cám ơn tác giả.
    Trong khi một hai kẻ cùng mang danh người VN.không biết cuồng Mỹ qúa hay
    sao mà ngày này qua ngày khác lên giọng thầy đòi… rằng thì là mà… ta đây
    hiểu hết bên ngoài cả bên trong nền chính trị Mỹ vốn đang thoái hóa ở thời kỳ
    bắt đầu suy vong và không khác gì những quốc gia Á Phi còn…lạc hậu !

  3. Châu Minh Hùng hãy tập trung vào điều “theo đuổi đến cùng” là “cánh diều” bay bổng hay đứt dây, đừng xào xáo nhảm nhí những cái mình không biết không hiểu. Lảm nhảm ắt sẽ vạ miệng, trồng táo được táo, trồng gai được gai. “Xanh” hay “đỏ” người đời biết cả!

Comments are closed.