Tác giả: Helmut P. Müller
Dịch giả: Phan Ba
10-12-2020
“Leslie! Flareship 7 gọi Leslie!” Tiếng gọi đi qua không trung lần thứ ba trong đêm nay. Ở đâu đó trên vùng rừng rậm tây nam Đà Nẵng, một đơn vị này tìm đơn vị kia – Flareship tìm Leslie. Vì Flareship là một chiếc máy bay trực thăng của người Mỹ, cái chiếu sáng màn đêm bằng những mặt trời nhỏ, sáng rực, đong đưa dưới những cái dù lụa. Và bây giờ thì khu rừng sáng lên dưới ánh sáng vàng rực rỡ và hé lộ bí mật của nó – những hình bóng đen tối, đang chạy. Việt Cộng đang chạy trốn vì mạng sống của họ…
Nhưng cơ hội bằng không. Vì tiếng gọi của Flareship 7 đã đến được với Leslie. Và Leslie là một cặp đôi chết người: hai chiếc Skyraider gắn đầy bom, đủ cho cả một thành phố, cũng như một chiếc Dacota “mở”, mà ba khẩu “súng tí hon” của nó bắn 18.000 phát trong vòng một phút – một cơn mưa chì và chết chóc, trong tiếng lóng của lính bộ binh được gọi là “Puff, con rồng ma” [“Puff, the Magic Dragon”]. Bây giờ thì cả ba đang bay đến – được gọi dưới mã Leslie.
“Này, Leslie, nghe đây”, tiếng nói rè rè từ tai nghe. “Anh đến từ hướng mười giờ. Pháo sáng đã có. Ba bom khói đúng ngay mục tiêu. Anh chỉ cần trúng đích nữa thôi.”
Rồi tiếng ồn vang khắp khu rừng – một cơn bão chết chóc. Kéo dài bảy phút. Goliath săn lùng David. 28 Việt Cộng chết trong đêm đó cách Đà Nẵng 35 ki-lô-mét về phía tây nam. Con số này là “body–counted” – đếm xác chết, như đại úy Jim Graham khẳng định khi lính cổ da Mỹ đến được khu vực đó trong rừng rậm, nơi đã là chiến trường trong bảy phút. Và chỉ cách đó ba ki-lô-mét, những người lính cổ da gặp thêm 12 xác chết nữa – cũng “body–counted”. 12 nông dân – bị trói và bịt miệng – đã chết dưới dao của Việt Cộng vì họ không chịu giao ra gạo của họ. Bây giờ thì họ nằm cách nhau chỉ ba ki-lô-mét – những người nông dân đã chết và Việt Cộng đã chết.
“Trong khi ấy thì chắc chắn là họ sẽ đưa gạo ra cho chúng”, viên đại úy nói, “nếu như họ còn gạo. Họ không chịu đưa ra vì không còn dự trữ nữa. Họ phải chết vì họ không còn gì cả. Thật là một cuộc chiến khốn nạn, ghê tởm…”
Tại Trung tâm Báo chí ở Đà Nẵng, những người chết của đêm đó không tạo nên một cái tít báo nào. Người ta đã quen thuộc với chuyện ấy – trong vùng của Quân đoàn I này lúc nào cũng có tiếng súng. Người ta đánh mất mối tương quan. 28 Việt Cộng chết có là gì, 12 nông dân chết có là gì? “Thật ra thì những tên Việt Cộng chết không quan trọng”, một hạ sĩ quan ghi nhận những báo cáo mới nhất ở đây nói. “Quan trọng là súng tịch thu được, đạn dược, gạo. Mấy thứ đó mới gây đau. Đối với Charlies (ở đây họ gọi Việt Cộng là vậy) thì một khẩu súng máy vẫn có giá trị nhiều hơn là một trăm người lính. Ngày mai thì những người lính này sẽ được thay thế. Nhưng mà vũ khí – ở đây thì họ phải cần nhiều tháng, cho tới khi nhận được thay thế…”
Cửa ra vào được mở ra trong lúc câu nói chưa chấm dứt. Hai nhà báo. “Có chuyện gì, các anh?” viên hạ sĩ quan hỏi. Nếu như người ta không biết rằng đó là đồng nghiệp thì có lẽ người ta đã cho đó là hai người lính – bộ quân phục dơ bẩn, những gương mặt đầy mồ hôi… “Có thứ hay ho trong hộp này đấy”, một người nói và đập vào chiếc máy quay phim của mình. “Ác liệt đấy”, người kia lầm bầm. “Rồi còn chuyến bay về nữa chứ….”
Họ đã ở Quảng Trị. “Chiến dịch Hickory” là tên của hoạt động này của Sư đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến. Mục đích là tiêu diệt hai trung đoàn Bắc Việt đã bám rể trong rừng rậm dưới khu vực phi quân sự. “Hết sức khó khăn – lính Thủy Quân Lục Chiến đã đi vào đúng giữa một cái bẫy.”
Trong khi đó thì lúc đầu chỉ có vài ba phát súng nổ. “Chạm địch phía trước”, viên trung đội trưởng báo cáo về qua vô tuyến. Nhưng chỉ vài phút sau đó, người ta thấy rằng quân địch đang tháo chạy. “Chúng tôi đang bám theo”, cuộc đàm thoại vô tuyến cuối cùng từ phía trước báo cáo. Rồi súng nổ vang – khắp chung quanh. Mãi tới lúc đó, lính Thủy Quân Lục Chiến mới nhận ra mình đã đụng phải trận địa của một trung đoàn địch. “Trận đánh kéo dài mười ngày”, ông bạn đồng nghiệp nói. “Người Bắc Việt có 403 người chết. Nếu như kể cả những người chết đã được mang đi khỏi trong lúc còn giao tranh thì ước chừng ít nhất là 650.”
“Còn tổn thất của chúng ta là bao nhiêu?” ai đó hỏi từ phía sau. Một trong hai người lôi quyển sổ ghi chú ra. “Cao, mẹ kiếp, cao đấy”, anh ta lầm bầm. “Sáng nay họ mới cộng hết lại – 119 Thủy Quân Lục Chiến chết, 817 bị thương. Và còn một vài người mất tích.”
“Có thể ghi họ vào danh sách người chết rồi”, viên hạ sĩ quan nói. “Tôi còn chưa nhìn thấy ai trở về từ bên đó…”
Tối tối, người ta ngồi trong một quán rượu nhỏ, hay cái mà người ta gọi là quán rượu – một góc ốp gỗ ở cuối gian nhà. Người ta nhìn trừng trừng vào màn hình hay vào ly Whisky. Cái chính là – người ta có không khí trong lành. Vì trong những gian sảnh ngủ – sáu giường, một cái vòi hoa sen tắm nhỏ nước từng giọt một, một cái nhà vệ sinh – người ta sẽ chết ngạt dưới cái vòm bởi sự nóng nực và khó chịu: 35 độ, 93 phần trăm độ ẩm, muỗi vô giới hạn. Tức là người ta thích đi vào quán rượu hơn, có máy điều hòa. Ở đó thậm chí còn có thuốc viên ngừa sốt rét không mất tiền nữa. Và tất nhiên là tin tức mới nhất…
“Chuyến bay trở về ra sao?” có ai đó muốn biết. Hai người từ Quảng Trị nhìn nhau. “Kể đi”, một người nói và gật đầu về phía đồng nghiệp của anh ta. “Không có gì để kể đâu – tôi chỉ có thể nói: chúng tôi buồn nôn.”
Trước đi nói tiếp, anh ấy rồi lên một chiếc ghế gỗ. “Chúng tôi đã ngồi trong chiếc trực thăng rồi và muốn bay về – lúc đó có một viên đại úy đến và nói to: ‘Này, chờ đã – còn có vài người bay cùng đấy!’ Và rồi mười phút sau, ông ấy mới quay trở lại với người của ông ấy. Tôi thật ra chẳng có gì để kể nhiều cả: những người muốn bay cùng, đó là các xác chết – 15 lính Thủy Quân Lục Chiến đã chết. Họ hy sinh trong chiến đấu như thế nào thì họ nằm đó y như thế.
Viên đại úy nhìn chúng tôi và nói: ‘Xin lỗi – nhưng họ phải bay cùng. Hai giờ nữa có một chiếc Boeing bay về Mỹ. Và nó sẽ mang họ theo cùng đi về nhà. Các anh biết đấy – chúng ta không để ai trong số các chàng trai của chúng ta ở lại đây.’ Vâng, thế đấy. Ông ấy kéo đóng chiếc cửa trực thăng lại và chúng tôi khởi hành thật cẩn thận, vì người ta không thể thắt dây an toàn cho người chết. Nhưng đó có nghĩa là gì chứ: chúng tôi ngồi đó trong chiếc trực thăng chật chội, đóng kín và những người línhThủy Quân Lục Chiến đã chết cứ nhìn trừng trừng chúng tôi với nhửng con mắt mờ đục. Rồi còn không khí trong đó nữa – đơn giản là hết sức đáng sợ…”
Trong khoảnh khắc, không ai nói từ nào. Vì ai trong số họ cũng đều có thể tưởng tượng được điếu ấy như thế nào, khi bay trong một chiếc trực thăng đầy người chết. Và họ cũng quen thuộc những hình ảnh khác nữa – những chiếc Boeing ở rìa sân bay, bay qua lại liên tục giữa Việt Nam và Mỹ: những người lính chết, những người lính sống – bay về, bay đi…
Không ai ngủ được ban đêm – vì căng thẳng, nóng nực và tiếng ồn. Súng cối và pháo binh bắn quanh Đà Nẵng, bom rơi, và những khẩu súng máy tạo thành nền nhạc nhỏ hay những tay súng thiện xạ ở Cửa Việt cạnh dòng sông chảy chậm chạp ngang qua các gian nhà của Trung tâm Báo chí ra biển Đông. “Mệnh lệnh nghiêm ngặt đấy, mấy vụ bắn súng ở bờ sông”, Frank Roberts nói, người viết cho “Tạp chí Cổ Da”. “Mấy tay súng thiện xạ bắn vào tất cả những gì trôi nổi trên sông – gỗ, giấy, bao thuốc lá, rác. Tất cả những gì chuyển động hay có thể nhìn thấy được trên mặt nước đều bị bắn. Chúng tôi đã phải trả một đống tiền học phí ở đây đấy.”
Với bàn tay giơ thẳng ra, anh ấy chỉ đến cây cầu đôi lớn nối liền hai phần của Đà Nẵng lại với nhau. “Cái này đã nổ tung hai lần cho tới nay rồi. VC (Việt Cộng) đơn giản là để cho gỗ trôi xuôi theo giòng sông. Nhưng đó không phải là gỗ – ở dưới đó có treo mìn. Phân nửa Đà Nẵng đã giật mình rơi xuống giường khi cái trụ cầu nổ tung. Kể từ lúc đó là có vụ bắn chặn này. Mỗi đêm người ta bắn vài ngàn viên đạn ở đây…”
Nhưng cả Việt Cộng cũng tham gia: những tay thiện xạ ngụy trang không bắn gỗ trôi trên sông mà vào những mục tiêu di động khác ở bên kia dòng sông lớn. Và vì vậy mà khi nghe tiếng súng, không ai biết được đó là một phát súng của Việt Cộng…
(Còn tiếp)