Học sinh học tiếng Việt ngày càng giỏi

Chu Mộng Long

5-10-2020

Thú thật, ngày xưa tôi thi văn vào đại học chỉ được 6,5 điểm. Chỉ khi học đại học thì mới có vài lần điểm 10.

Hồi đó không học tiếng Việt với đủ loại ngữ pháp cấu trúc, ngữ pháp văn bản, ngữ pháp chức năng, ngữ dụng học của các chuyên gia tiếng Việt như Nguyễn Minh Thuyết. Ngay cả khi vào đại học cũng chỉ mới học hai loại ngữ pháp: ngữ pháp cấu trúc, ngữ pháp văn bản.

Sách giáo khoa ông Thuyết chủ biên bây giờ, đứa trẻ tiểu học cũng phải học hết các loại ngữ pháp mà thế giới đang nghiên cứu. Mỗi trẻ em phải là một nhà nghiên cứu vĩ đại. Ngoài biết các loại câu đơn, câu ghép với các thành phần cổ điển, chúng còn phải biết phân biệt đề và thuyết, câu và cú, cú và mèo, biết phân biệt phương châm hội thoại: phương châm lượng, phương châm chất v.v và v.v…

Tương lai mỗi cái đầu trẻ em Việt Nam, sau khi học xong trung học cơ sở thôi đã bằng tất cả cái đầu của các nhà ngữ học thế giới cộng lại. Học như vậy mới gọi là phát triển năng lực. Muốn đạt được chuẩn đó, yêu cầu trẻ em lớp Một phải tiến nhanh, tiến mạnh, trong vòng vài ba tháng phải học quyết liệt, từ học chữ cái đến đánh vần và đọc thông viết thạo, rồi đọc hiểu cho hết 9 đầu sách, tiến đến tham khảo thêm 23 đầu sách nữa mới hoàn thành chương trình lớp Một.

Bà GS.TS. Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh, phải học nhanh tiếng Việt để còn học được nhiều môn khác. Thời đại 4.0, trẻ em phải học thật nhiều mới có thể học hết tri thức của nhân loại. Nếu không thì cải cách làm gì?

Cả ông Thuyết lẫn bà Hạnh đang lấy tấm gương huyền thoại chị Lý Thị Năm ra soi, rằng cái thời chiến tranh khốn khó vậy mà chị Năm của chúng ta từng đọc thông viết thạo 3 thứ tiếng Nga, Trung, Việt trong vòng 3 ngày! Họ giỏi vậy mới bị 72 phát đạn vào ngực, vào đầu, vào mắt, vào chân, vào bụng mà không chết, vẫn tải được 20 tấn gạo lên xuồng về cứ! Trẻ em bây giờ không học tiếng Việt nhanh thì sao có thể học được nhiều, có sức mạnh và sống bất tử như chị Năm?

Lại nhớ chương trình đại học tại chức, chỉ trong vòng liên tục ba ngày, mỗi ngày 10 tiết kể cả giải lao 1 tiếng, học viên học xong một trình độ, từ A đến B, rồi C. Dân gian nói thông minh như tại chức, dù chưa sánh bằng, nhưng cũng có thể xứng danh con cháu chị Lý Thị Năm!

Đấy là chị Năm vừa học vừa đánh giặc. Học viên tại chức thì vừa học vừa làm. Bây giờ trẻ em chỉ có học thôi, kêu nặng, kêu khó là thế nào? Có lười biếng lắm không?

Và đây, kết quả khả quan chưa? Nhờ học tiếng Việt tốc độ nhanh của ông Thuyết mà học sinh bây giờ thi các môn nhiều chữ như Văn, Sử, Địa, mỗi môn đều trên 9 điểm để vào được đại học báo chí tuyên truyền. Các bạn nhớ là Giáo sư Thuyết đã soạn sách giáo khoa tiếng Việt với bề dày kinh nghiệm trên 30 năm đấy!

Học phổ thông một lần, lên đại học học lần nữa tất cả các loại ngữ pháp, từ cấu trúc đến chức năng, từ văn bản đến ngữ dụng mới viết được câu văn: “Phó Thủ tướng chỉ đạo vụ tai nạn trên cầu treo… làm 5 người tử vong”. Phó Thủ tướng là người học cũ như tôi, nên khi đọc cái tiêu đề bài báo này xong thì lo đến đồn công an tự thú cái tội chủ mưu… dốt tiếng Việt!

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Trích lời Hồ Chủ-tịch trong Đại hội Đảng 1951:

    – Do chỗ đảng ta đã thấm nhuần chủ nghĩa Marx – Lénine, thấm nhuần tinh thần ấy lực lượng ấy, mà làm thấm nhuần đến cả quân đội ta, thấm nhuần đến nhân dân ta.

    Nếu không thấm nhuần như thế, thì sao lại có bộ đội nhịn đói hơn 4 ngày, vẫn cứ bám lấy giặc mà đánh và đánh thắng giặc! Thì sao có những cử chỉ oanh liệt như ở một trận đánh nọ, có chiến sĩ bị thương ở tay nói với người bên cạnh “Cậu chặt tay cho mình cái” vì thấy cánh tay gãy vướng, chặt đi cho dễ đánh, thế rồi lại cứ xung phong?

    Nếu không thấm nhuần chủ nghĩa Marx – Lénine thì làm sao có được những cử chỉ oanh liệt như thế?

    Tham khảo: Tiến sĩ khác gì với dũng sĩ?
    https://nhatnguyet2014.wordpress.com/2014/03/17/tien-si-khac-gi-voi-dung-si/comment-page-1/

  2. “Phó Thủ tương chỉ đạo vụ tai nạn trên cầu treo ô tô lao xuống sông…”
    Báo Tiền phong viết như vậy có nghĩa là Phó Thủ tương là người chủ mưư gây ra tai nạn, đúng ra phải viết là “Phó Thủ tương chỉ đạo mở cuộc điều tra vụ tai nạn trên cầu treo ô tô lao xuống sông…

  3. Tớ từ lâu đã nghĩ thà làm anh thợ kiếm bữa hàng ngày, éo cần nàm trí thức xhcn, đẹc bịt nà như mấy lão trí thức hà lụi u80, 90, toàn luyên thuyên

  4. Tiên tri: đến năm 2040, thế hệ thanh niên vào lớp 1 hôm nay sẽ di chuyển bằng xe lăn, tiến tới bằng 2 tay, chân chổng lên trời…
    Vì cái đầu nặng quá, vì não to lên hoặc lùng bùng kiến thức và tâm thần bất ổn.
    Tự điển bách khoa sẽ thêm một thuật ngữ mới, đại khái xoay quanh hội chứng trí thức xhcn bội thực, hoặc rối noạn ní nuận.

Comments are closed.