Đại học Tôn Đức Thắng: Năng lực nghiên cứu khoa học đang “cất cánh” hay “đáng xấu hổ”?

Trần Tuấn

26-8-2020

Tin đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) vượt xa các trường đại học, viên nghiên cứu trong cả nước về số bài báo khoa học đăng tạp chí, chuyên san quốc tế có phản biện độc lập peer-review, để lọt vào danh sách “800 trường đại học tốt nhất thế giới” năm 2020, gây ngỡ ngàng cho giới nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học trong cả nước (Tài liệu tham khảo 1).

Nhưng sự ”ngỡ ngàng” đó không ở trạng thái “vui mừng, tự hào” được bao lăm! Bởi chỉ sau 3 ngày, tờ Thanh Niên đi liền hai bài chỉ ra “Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế” (TLTK 2 &3). Hôm qua, 24/8, Thanh Niên lại có thêm bài đến từ một trong những nhà toán học hàng đầu của Việt Nam rất có uy tín trong nước và quốc tế, GS.TS Ngô Việt Trung: “Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Dán nhãn mác giả trong công bố khoa học” (TLTK4). Vài giờ trước khi tôi kết thúc bài này, lại một bài nêu thêm thông tin để khẳng định kiểu làm khoa học “hàng chợ” của TDTU (TLTK 5).

Đọc những bài này, bạn có còn tin những danh hiệu TDTU có được trong những năm qua, tin những tuyên bố hùng hồn về chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học đăng trên trang web của trường? Bạn nghĩ gì về vai trò, chuyên môn và đạo đức của “cố vấn khoa học” cùng “chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học quốc tế” đang “hợp tác” phát triển năng lực nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo cho học sinh, sinh viên đại học Tôn Đức Thắng? Và rộng ra, bạn lo lắng đến đâu loại hình đại học “công-tư lẫn lộn” đang ngày càng phát triển ở đất nước này?

Nếu quả thực năng lực nghiên cứu khoa học của tập thể giáo viên, nhà khoa học của TDTU đúng sức “cày cấy được mùa”, tăng sản lượng “bài báo khoa học đăng quốc tế” lên tới 4754 bài chỉ tính gọn trong 5 năm qua (riêng năm 2019 là 2132 bài), thì đội ngũ nghiên cứu viên, khoa học gia “hùng hậu” của TDTU chả “ngồi chịu trận” trước các kết luận “mất mặt” từ các bài báo trên tờ Thanh Niên.

Thực tế, tin trên trang web của TDTU (TLTK 6) cùng một “tone” với “cố vấn khoa học” hàng đầu của TDTU, GSTS Nguyễn Văn Tuấn, thể hiện qua 2 bài viết trên trang facebook của ông (TLTK7 & 8) và trao đổi xoay quanh các bài này, tôi đánh giá đều chỉ là sự “minh giải” yếu, không đủ cơ khả dĩ có thể “bẻ gãy” các kết luận đến từ loạt bài trên tờ Thanh Niên. Đấy là chưa kể, nhìn sâu vào danh sách các bài báo đăng theo năm, phân tích theo tác giả, theo chủ đề nghiên cứu, xét với sứ mệnh của “trường công” thuộc “Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam” và thực tế đặt ra cho trường phải ưu tiên nghiên cứu trước thực cảnh đất nước, tôi không thể không ủng hộ kết luận “mua danh, thành tích ảo” mà GSTS Ngô Việt Trung và các tác giả khác đã đi bài trên Thanh Niên!

Đấy là một thực tế rất đáng buồn, hết sức nghiêm trọng. Một case-study điển hình về suy đồi đạo đức của đội ngũ cố vấn và lãnh đạo trường đại học TDTU! Nó cũng là biểu hiện thực tế đáng xẩu hổ của chính sách “thương mại hóa đại học công” trong thời gian qua, mà văn kiện đại hội Đảng không thể bỏ qua phân tích lúc này, để kịp thời điều chỉnh định hướng chiến lược cho công tác xây dựng năng lực nghiên cứu và đổi mới hệ thống đại học theo hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.tdtu.edu.vn/tin-tuc/2020-08/truong-ton-duc-thang-vao-top-701-800-dai-hoc-xuat-sac-nhat-the-gioi-nam-2020

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Học thuật của Vn chưa chắc giúp người ta tiếp thu được kiến thức của nhân loại một cách dễ dàng, nói gì đến khoa học và phát minh. Một người không có chân thì làm sao mà họ chạy được, đừng đòi hỏi quá đáng….

Comments are closed.