Bắt Triệu Quân Sự là chuyện nhỏ…

Blog VOA

Trân Văn

19-6-2020

So với nhiều sự kiện, vấn đề trong tuần, chuyện công an đã bắt – vô hiệu hóa Triệu Quân Sự rõ ràng là nhỏ nhưng nếu chịu khó ngẫm nghĩ, có thể thấy đây là dịp để thấy tường tận hơn về bản chất của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam…

***

Triệu Quân Sự, 29 tuổi, nguyên quán ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là một quân nhân từng phạm nhiều tội: Giết người, cướp tài sản, đào ngũ, vượt ngục, trộm cắp, cố ý gây thương tích nên bị Tòa án Quân sự phạt “tù chung thân”.

Hồi đầu tháng này, Sự tiếp tục vượt ngục và một viên đại tá quân đội là Giám thị Trại giam Quân đội Khu vực miền Trung, tọa lạc tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp báo cho hệ thống công quyền các tỉnh lân cận, đề nghị hỗ trợ truy nã Sự.

Cũng vì vậy, ngoài các đơn vị hữu trách của Quân khu 5 – Bộ Quốc phòng, còn có công an nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung tham gia lùng bắt Sự, kèm cảnh báo gửi cho công chúng, nhắc họ phải hết sức cảnh giác vì Sự là đối tượng “đặc biệt nguy hiểm”!

Theo mô tả của báo chí Việt Nam trong nhiều ngày, đây là một vụ săn người có qui mô lớn cả về nhân lực (quân đội, công an), lẫn vật lực (xe cộ, quân khuyển, cảnh khuyển,…) nhưng kéo dài suốt nửa tháng vẫn không hiệu quả…

Tối 18 tháng 6, công an loan báo, mới phát giác – vây – bắt được Sự tại một quán cà phê Internet ở phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và khẳng định… đó là kết quả của quá trình truy xét theo kế hoạch, chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam (1). Sáng hôm sau – 19 tháng 6 – chính quyền tỉnh Quảng Nam quyết định “thưởng nóng cho ‘lực lượng công an, quân sự’ đã săn lùng – bắt giữ Triệu Quân Sự”, đích thân Chủ tịch tỉnh đến thăm và trao thưởng, song câu chuyện chưa ngừng tại đó…

***

Nếu chịu khó so sánh những điều mà cả công an lẫn các viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tuyên bố trong sự kiện Triệu Quân Sự vượt ngục rồi bị bắt trở lại, có thể nhận ra “lực lượng công an, quân sự” chẳng có chút công cán nào!

Suốt nửa tháng – tính từ khi vượt ngục đến lúc bị bắt trở lại – Triệu Quân Sự không lẩn vào rừng sâu, núi thẳm mà khơi khơi tới lui ở những nơi thị tứ trong vùng. Giữa lúc “lực lượng công an, quân sự” nhiều cấp, “bày binh, bố trận” cho báo giới… chụp ảnh, quay phim, làm tin, viết bài về cuộc săn lùng Sự ở nhiều tỉnh miền Trung (2) thì “đối tượng đặc biệt nguy hiểm” này ung dung qua lại, thực hiện sáu vụ trộm (xe, điện thoại di động, tiền) ở những chỗ cách nơi anh ta vượt thoát chỉ từ vài đến chừng trăm… cây số (3)!

“Lực lượng công an, quân sự” không thể xác định Sự ở đâu cho đến khi những người làm việc ở quán cà phê Internet tại phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nghi ngờ gã đàn ông ăn, ngủ, chơi game trong quán suốt bốn ngày giống kẻ đang bị truy nã và âm thầm báo cho công an… Tuy nhiên công đầu không thuộc về họ. Công đó được rải khắp, chia đều cho cả Công an thành phố Tam Kỳ, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Tam Kỳ, lẫn… Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam.

Chỉ đến khi tờ Tuổi Trẻ nêu thắc mắc: Dân báo tin giúp bắt được Triệu Quân Sự, sao lại thưởng nóng công an, quân đội (4)? Chủ tịch tỉnh Quảng Nam mới bảo, ông ta “đã tuyên dương việc triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” kèm cam kết “sẽ có… khen thưởng và sẽ giao cho chính quyền thành phố Tam Kỳ, Công an thành phố Tam Kỳ thực hiện”. Sau đó, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ loan báo: Công an Tam Kỳ đã khen thưởng người tố giác tội phạm và đang làm hồ sơ trình Giám đốc công an tỉnh tặng giấy khen

***

Sau khi tờ Tuổi Trẻ nêu vấn đề vừa đề cập, trên diễn đàn của tờ báo này, Duong – một độc giả nhận định: Truy bắt tội phạm là trách nhiệm đương nhiên của công an. Tại sao cứ biến những điều bình thường mà họ phải làm thành những điều phi thường? Khen thưởng chỉ nên dành cho những người hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Vụ này chúng ta đã huy động hàng trăm người, tốn cả tiền lẫn thời gian nhưng nhiệm vụ chỉ hoàn thành nhờ người dân trình báo!

Tương tự, Mã Thanh Trung – một độc giả khác khẳng định: Công lớn thuộc về người báo tin, công an chỉ làm nhiệm vụ đến và bắt về trong tình huống đơn giản – đối tượng không chống trả hoặc chạy trốn…

Trên mạng xã hội, Cù Mai Công bảo rằng: Dân dọn bữa rồi mời “mấy đại ca tới ăn”. Chỉ tới ‘ăn’ thôi mà còn được thưởng, thưởng trước. Chơi vậy không đẹp! Cũng theo Công, trong sự kiện này, “lực lượng công an, quân sự” có hai “tội”: Tội thứ nhất là quản lý trại giam thế nào mà để Triệu Quân Sự vượt ngục tới hai lần. Tội thứ hai là “hàng trăm cha nội trang bị tận răng, dắt theo cả chó quần suốt nửa tháng nhưng vẫn công cốc, lẽ ra phải kiểm điểm, xử lý, sao lại thưởng?

Công nói thêm là những điều Sự khai sau khi bị bắt cho thấy, Sự hoạt động rất sôi nổi sau khi vượt ngục, sáu vụ trộm cắp mà Sự đã thực hiện đều có địa chỉ cụ thể nhưng “lực lượng công an, quân sự vẫn bó tay, không tìm ra Sự. Giống như nhiều người, Công cũng thắc mắc: Làm ăn như vậy mà thưởng, không hiểu là thưởng do lẽ gì? Chưa kể Công lưu ý: Chuyện thưởng nóng, thưởng nhanh cho “lực lượng công an, quân sự” như vậy nhiều lắm dù đó vốn là chuyện phải làm (5).

Chú thích

(1) http://congan.com.vn/vu-an/bat-duoc-trieu-quan-su-pham-nhan-tron-trai-giam_94611.html

(2) https://vtv.vn/phap-luat/bay-flycam-truy-bat-bang-duoc-ke-vuot-nguc-trieu-quan-su-tren-deo-hai-van-20200606072030297.htm

(3) https://kenh14.vn/trieu-quan-su-da-thuc-hien-lien-tiep-6-vu-trom-cap-trong-15-ngay-vuot-nguc-de-co-tien-choi-game-20200619120738324.chn

(4) https://tuoitre.vn/dan-bao-tin-giup-bat-duoc-trieu-quan-su-sao-lai-thuong-nong-cong-an-quan-doi-20200619112328313.htm

(5) https://www.facebook.com/he.via.54/posts/976794119433308

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Phải công nhận tên TQS.có “thiên tài” xuất quỷ nhập thần,nếu tên này mà lao
    vào hoạt động nổi loạn…cách mạng thì… đúng quy trình hơn nhiều kẻ ?

  2. Giấy, bằng khen chỉ để dành cho công an, quân đội như trong trường hợp này và Đồng Tâm!!!

  3. Mua chuộc lòng quân nên cần phải thường bất kể chuyện lớn hay nhỏ.
    Còn dân thì cần thuộc nằm lòng câu “hẹn với giặc, ác với dân”, khôn hồn thì ngậm miệng lại nhận giấy khen về treo, đòi hỏi nhiều làm gì.

Comments are closed.