Thời hội nhập, nghĩa vụ phải gắn với quyền lợi

Blog VOA

Bùi Tín

16-8-2017

Trịnh Xuân Thanh trên VTV. Ảnh: internet

Từ khi Việt Nam được gia nhập Liên Hợp Quốc năm 1977 – 40 năm nay, sự hội nhập với thế giới ngày càng mở rộng. Việt Nam tham gia ASEAN năm 1995, tham gia Diễn đàn Hợp tác Á – Âu ASEM năm 1996, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 1998, tham gia Tổ chức Thương mại thế giới WTO năm 2006.

Do quá trình hội nhập, nền kinh tế phát triển khá nhanh, đến mức cuối thế kỷ 20, báo chí thế giới nói đến «con hổ Việt Nam,» một hiện tưởng đầy triển vọng.Viện trợ quốc tế ODA, đầu tư quốc tế FDI từ vài tỷ đôla đến 30 tỷ đôla mỗi năm tạo nên sự phát triển kinh tế khá cao. Buôn bán quốc tế tăng nhanh, các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu như thủy hải sản, hàng may mặc, dày da, đồ gỗ, sành sứ, rau quả… mang lại nhiều ngoại tệ. Dầu và khí khai thác từ đáy biển giúp cho nền kinh tế – tài chính thêm dồi dào.

Có thể nói do quá trình mở cửa, hội nhập sau chiến tranh mà tổng sản phẩm quốc dân hàng năm tăng khá, gần 10% mỗi năm, nhiều công trình xây dựng lớn được thực hiện, thu nhập các tầng lớp nhân dân đều có bước tăng tiến rõ. Công cuộc hội nhập với thế giới, có quan hệ ngoại giao với 187 nước, quan hệ buôn bán xuất nhập với 220 thị trường ngoài nước đã mang lại nhiều kết quả.

Thế nhưng sang thế kỷ 21, đổi mới không được rõ ràng do bị ràng buộc bởi các quan điểm giáo điều tệ hại, như kiên định chủ nghĩa Mác – Lenin đã lỗi thời, kiên định chủ nghĩa xã hội viển vông, kiên định chế độ độc đảng độc đoán, nên phát triển bị chậm lại. Thêm vào đó là khủng hoảng của thế giới và khu vực cộng với nạn tham nhũng lan tràn rộng khắp và quy mô lớn, nền kinh tế – tài chính đứng trước nguy cơ bị đổ vỡ trong thời gian ngắn. Nợ quốc gia chồng chất, thu không đủ chi, các nhóm lợi ích đua nhau vơ vét tài sản chung, hệ thống ngân hàng tiếp nối phá sản. Con «hổ Việt Nam» trở thành «con mèo hen».

Trong tình hình nguy ngập như vậy, việc hội nhập quốc tế lại gặp khó khăn do quá phụ thuộc vào Trung Quốc, lại còn do thiếu khôn ngoan hiểu biết về quan hệ quốc tế càng tạo nên khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng.

Chỉ riêng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh theo luật rừng đã làm cho việc phê chuẩn Hiệp ước Tự do buôn bán với CHLB Đức và cả khối Liên Âu gặp khó khăn, gây nên hậu quả dây chuyền khôn lường cho những tháng tới.

Đây là một khúc mắc, một bế tắc mà chế độ hiện nay chưa thấy lối thoát, đường ra. Họ cứ im hơi lặng tiếng, ngậm tăm, cho đó là thượng sách.

Lẽ ra khi việc xảy ra, Bộ chính trị và chính phủ cần bàn bạc kỹ, giải quyết sự việc này theo đúng thông lệ quốc tế, rõ ràng minh bạch, chân thành nhận sai lầm và xin lỗi một cách sòng phẳng, nhanh chóng lấy lại niềm tin bị mất.

Đó là sau khi phía CHLB Đức chính thức triệu đại sứ Việt Nam đến Bộ ngọai giao để phản đối mạnh mẽ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất cán bộ tình báo đại tá Nguyễn Đức Thoa, phía Việt Nam phải trả lời chính thức, rõ ràng cho phía CHLB Đức rằng những phản đối của phía Đức là đúng hay sai, có thật hay bịa đăt, phía Việt Nam giải quyết vụ này ra sao. Cách trả lời chính thức là Bộ ngoại giao hay chính phủ gửi công hàm cho Bộ Ngọai giao hay chính phủ CHLB Đức theo đúng thông lệ quốc tế khi có chuyện gay go giữa 2 bên.

Hiện phía CHLB Đức yêu cầu dẫn giải Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức, vậy phía Việt Nam có chấp nhận không, vì sao? Không thể im lìm mãi được. Không thể để một yêu cầu cấp bách không được trả lời.

Việc một cô phát ngôn của bộ Ngọai giao nói «tôi lấy làm tiếc» trong một buổi họp báo ở Hà Nội không phải là câu trả lời chính thức, nghiêm chỉnh cho phía CHLB Đức. Cho nên đến hôm nay phía CHLB Đức vẫn coi như Hà Nội im lặng chưa có câu trả lời nào! Sự im lặng trong bang giao quốc tế thường bị coi là thái độ coi thường đối phương, thiếu lịch sự, vô văn hóa, không thể chấp nhận.

Do đó, phía CHLB Đức có lý do để có cách cư xử cứng rắn, thích hợp. Đó có thể sẽ là những việc làm nào? Dư luận cộng đồng người Việt ở Đức phán đoán có thể là các bước như sau: Tuyên bố Đại sứ Việt Nam ở CHLB Đức, Đoàn Xuân Hùng, là «người không được hoan ngênh» (Personna non gratta), nghĩa là trục xuất vì chắc chắn ông Hùng có tham gia vụ bắt cóc khi ông Thanh đã bị đưa vào Sứ quán Việt Nam ngay sau khi bị bắt cóc. Cũng có thể một số người khác trong sứ quán có liên quan cũng bị trục xuất.

Tình hình căng, rồi có thể phía CHLB Đức đóng cửa Sứ quán Việt Nam ở Berlin, một kiểu tạm ngừng quan hệ ngoại giao. Sứ quán Đức ở Hà Nội cũng có thể tạm thời đóng cửa. Quan hệ 2 nước bị đóng băng.

Các khoản viện trợ, các hiệp định buôn bán song phương có thể bị ngừng, treo lại hoặc xóa bỏ, trong đó gay nhất là Hiệp định buôn bán tự do Việt Nam với 27 nước Liên Âu, trong đó có CHLB Đức, đang chờ được xét duyệt và thực thi.

Việc hợp tác song phương Đức – Việt về cải tiến luật pháp, xây dựng nền tư pháp độc lập theo chế độ pháp trị tiến bộ cũng có thể bị đình lại, vì qua vụ bắt cóc phía Việt Nam có vẻ không thực tâm tuân theo pháp luật văn minh.

Nếu nhận sai lầm về phía mình, thi hành kỷ luật kẻ làm sai, đưa Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức, xin lỗi phía CHLB Đức, chính quyền Việt Nam có thể bị chê cười nhưng cái được là lớn, khôi phục niềm tin, khôi phục mối quan hệ hữu hảo với khối Liên Âu, quan hệ quốc tế được bình thường hóa như trước.

Não trạng của giới cầm quyền cộng sản Việt Nam lâu nay có một điều không ổn là chỉ chú trọng thu thật nhiều lợi ích trong quan hệ quốc tế, trong khi coi rất nhẹ nghĩa vụ của mình đối với các nước. Đó là tư duy ích kỷ khôn vặt của tiểu nông, tầm nhìn hạn hẹp, không có đi có lại, đối xử với nước ngoài tùy tiện, như với người dân trong nước, chuốc lấy thất bại nối tiếp nhau ngày càng lớn.

Lúc này giới lãnh đạo và cầm quyền trong nước cần hiểu rõ một chân lý, đó là nghĩa vụ phải gắn với quyền lợi, lợi ích thời hội nhập, phải tôn trọng các cam kết quốc tế, tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế, hội nhập thật sự với thế giới

bên ngoài, do đó được thế giới tin cậy, trọng nể, ngày càng có lợi cho nước mình, cho dân mình.

Bình Luận từ Facebook